Quốc tế

Ngoại giao kinh tế cưỡng bức

Miếng bánh kinh tế trông có vẻ hấp dẫn từ Trung Quốc sẽ ngay tức khắc trở thành chiêu trừng phạt nhằm vào những ai làm “phật ý” nước này.

Suốt hơn một thập niên qua, Trung Quốc luôn xây dựng hình ảnh như một đối tác kinh tế khả tín và hào phóng đối với khối ASEAN. Tuy nhiên, một khi đã “cơm không lành canh không ngọt”, nước này sẵn sàng dùng các chiêu bài kinh tế để trừng phạt đối tác của mình.

 

Giới quan sát quốc tế gọi động thái này là “ngoại giao kinh tế cưỡng bức” và cho rằng nó đang diễn ra theo xu hướng ngày càng đáng quan ngại.

 

Bà Bonnie Glaser, chuyên gia về Trung Quốc thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS - Mỹ), đã có nhiều nghiên cứu sâu về vấn đề này. Bà Glaser nói với Thanh Niên: “Ví dụ mới nhất và sống động nhất chính là trường hợp của Philippines. Sau vụ đụng độ với đảo quốc này ở bãi cạn Scarborough từ tháng 4, giới chức Trung Quốc bất ngờ áp dụng cấm nhập khẩu chuối từ Philippines với lý do liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm".

 

"Theo tôi, đây là một đòn chí mạng vào Philippines vì nước này xuất khẩu 30% sản lượng chuối của mình vào thị trường Trung Quốc. Chưa dừng lại ở đó, Bắc Kinh tiếp tục trì hoãn tiến trình thanh kiểm tra các mặt hàng nông sản khác từ Manila như đu đủ, xoài, dừa và dứa. Đó là chưa kể các công ty du lịch Trung Quốc ngừng đưa khách sang Philippines cũng là với lý do an ninh”, bà cho biết.

 

Theo bà Glaser, Philippines không phải là nạn nhân duy nhất của chiêu thức này từ Trung Quốc. Ngay cả “đại gia” như Nhật Bản cũng từng lâm vào cảnh tương tự. Tháng 9.2010, Bắc Kinh chặn lô hàng khoáng sản đất hiếm xuất sang Tokyo.

 

Giới quan sát cho rằng động thái này nhằm trả đũa việc Nhật Bản bắt giữ thuyền trưởng Trung Quốc Chiêm Kỳ Hùng vì hành vi dùng tàu cá đâm thẳng vào tàu tuần duyên Nhật Bản ở gần quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư.

 

Bằng chứng là các công ty Trung Quốc vẫn đều đều xuất đất hiếm sang đặc khu Hồng Kông hoặc các nước khác trong khu vực như Singapore. Chính động thái này, theo các chuyên gia, là yếu tố mấu chốt buộc chính phủ Nhật Bản sau đó phải phóng thích thuyền trưởng người Trung Quốc.

 

 

 
 

Hợp tác làm ăn với Trung Quốc luôn chứa đựng nhiều rủi ro... Càng lệ thuộc kinh tế vào Trung Quốc, áp lực bị nước này thao túng càng cao

 

Bonnie Glaser, thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế

 

Bà Glaser nói: “Hợp tác làm ăn với Trung Quốc luôn chứa đựng nhiều rủi ro và cần phải nhớ là họ luôn muốn tận dụng tối đa đòn bẩy kinh tế của mình để buộc các nước thay đổi chính sách theo hướng phục vụ cho quyền lợi của Bắc Kinh. Càng lệ thuộc kinh tế vào Trung Quốc, áp lực bị nước này thao túng càng cao”.

 

Ông Benjamin Ho (Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam, Đại học Công nghệ Nanyang - Singapore) kết luận: “Nói ngắn gọn, Trung Quốc không cho không ai cái gì bao giờ và nước này luôn trông đợi “đền đáp” từ các nước mà họ đã đổ hàng tỉ USD vào”. 

 

Cần đa dạng hóa đầu tư

 

Không chỉ đổ hàng tỉ USD vào Campuchia và trở thành nhà đầu tư số 1 tại đây, Trung Quốc cũng đã vượt mặt Thái Lan và Việt Nam để chiếm ngôi đầu tại Myanmar và Lào, 2 nước sẽ đảm nhiệm vị trí chủ tịch luân phiên của ASEAN vào năm 2014 và 2015.

 

Mẫu số chung của công thức đầu tư này là: cho vay không ràng buộc, đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng và hỗ trợ quân sự.

 

Báo Eleven News dẫn thống kê của chính phủ Myanmar cho hay tới năm 2008, đầu tư của Trung Quốc vào khoảng 1 tỉ USD. Tuy nhiên cho đến năm 2011, con số này nhảy vọt lên tới 13 tỉ USD. Tại Lào, thương mại song phương với Trung Quốc cũng tăng mạnh, lên 1,1 tỉ USD hằng năm kể từ 2009, theo Reuters.

 

Các ngân hàng Trung Quốc ra sức hỗ trợ vốn để Lào thuê chính các công ty của Bắc Kinh phát triển cơ sở hạ tầng. Tính riêng Ngân hàng Phát triển Trung Quốc đã cho Lào vay 3 tỉ USD.

 

Ông Sai Latt, chuyên gia về Myanmar thuộc Đại học Simon Fraser (Canada) nhận định với Thanh Niên: “Chắc chắn là Myanmar cần đầu tư nước ngoài để phát triển. Tuy nhiên, trong con mắt người dân nước này, các công ty đầu tư Trung Quốc không quan tâm đến việc gì khác ngoài việc trục lợi cho riêng mình. Tôi cho là những mối quan ngại này rất chính đáng, khi mà phương thức vận hành của các công ty Trung Quốc tại đây rất hại về mặt môi trường và gây nhiều tổn thất cho xã hội. Nói chung là có rất nhiều vấn đề”.

 

Hồi cuối năm ngoái, Myanmar hoãn dự án đập thủy điện Myitsone do Tập đoàn đầu tư năng lượng Trung Quốc bỏ vốn xây dựng trên sông Irrawaddy vì lo ngại tác hại về môi trường và xã hội.

 

Về phía Lào, Giáo sư Martin Stuart-Fox (Đại học Queensland - Úc) nói với Thanh Niên: “Theo tôi, trong bối cảnh này thì Lào cần đa đạng hóa đầu tư, tìm kiếm nhiều đối tác, không chỉ có Trung Quốc. Và nhìn toàn cục thì quả thật Lào đang làm như thế”.

 

 

Theo TNO

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo