Xã hội

Ngọc Lặc: Hướng tới mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững

Là một huyện có vị trí trung tâm và cửa ngõ nối các huyện miền núi phía Tây với vùng đồng bằng của tỉnh Thanh Hóa. Bên cạnh những khó khăn do điều kiện tự nhiên không thuận lợi, xuất phát điểm kinh tế, trình độ dân trí thấp, phong tục tập quán, sản xuất nông nghiệp còn lạc hậu, Ngọc Lặc cũng có những thế mạnh riêng như: Tài nguyên thiên nhiên phong phú, tiềm năng lớn về lâm nghiệp, vị trí địa lý thuận lợi, có rất nhiều điều kiện để Ngọc Lặc hướng tới phát triển kinh tế bền vững.

Mặc dù có nhiều khó khăn nhưng Cấp ủy, chính quyền Ngọc Lặc đã nêu quyết tâm phát huy được tiềm năng, thế mạnh của địa phương, tạo thế bứt phá trong phát triển Kinh tế - Xã hội, xây dựng nông thôn mới (NTM). Cùng với đó là nhanh chóng chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đẩy mạnh áp dụng thành tựu khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Năm 2013, với quyết tâm thay đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ, cấp ủy, chính quyền các cấp đã tập trung chỉ đạo ngành nông nghiệp tổ chức khảo sát, tìm hiểu thực tế điều kiện thổ nhưỡng, đặc điểm khí hậu, điều kiện tưới tiêu từng vùng, miền. Qua đó tuyển chọn, nghiên cứu đưa giống cây, con phù hợp vào canh tác, sản xuất. Đồng thời hướng dẫn kỹ thuật thâm canh cho các hộ nông dân, đẩy mạnh công tác phòng trừ sâu bệnh trong sản xuất nông nghiệp và bệnh dịch trong chăn nuôi…

Nhờ đó,  trong năm 2013, sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản toàn huyện đạt tổng giá trị 1.352,8 tỷ đồng. Tổng sản lượng lương thực đạt 60.734 tấn, vượt 10,4% kế hoạch và  tăng 7,6% so với cùng kỳ.

Về chăn nuôi cũng có sự  phát triển vượt bậc với tổng đàn bò tăng 17,5% , lợn tăng 12,2% so với cùng kỳ. Trong công tác bảo vệ và phát triển rừng, trong năm đã trồng mới được 844,7 ha rừng, vượt 6% kế hoạch và tăng 9,6% so với cùng kỳ.

Song song với phát triển nông, lâm nghiệp, hoạt động dịch vụ - thương mại cũng ngày càng sôi động, chiếm tỷ trọng tới 42% cơ cấu kinh tế. Năm 2013, tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ ước đạt 275 tỷ đồng. Kết quả trên đã tạo nên sự  chuyển  dịch cơ cấu kinh tế của huyện theo hướng tích cực, mặt khác góp phần tạo việc làm, nâng thu nhập bình quân lên 16,9 triệu đồng/người/năm (đạt 105,6% kế hoạch).

Cùng với thương mại - dịch vụ, năm 2013 lĩnh vực công nghiệp - xây dựng  gặp nhiều khó khăn, nhưng nhờ có các giải pháp tháo gỡ kịp thời nên vẫn đạt tốc độ tăng trưởng khá với giá trị sản xuất ước đạt 650,4 tỷ đồng, tăng 17,2% so với năm 2012. Trong đó, công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp (chủ yếu là khai thác đá, gạch xây dựng, gỗ xẻ…) đạt 313,8 tỷ đồng và tăng 18,4% so với cùng kỳ. Công tác xây dựng cơ bản tiếp tục được thực hiện đồng bộ, tổng đầu tư phát triển toàn huyện đạt gần 360,2 tỷ đồng.

Bước sang năm 2014, phát huy những thành quả đạt được, Huyện ủy, chính quyền Ngọc Lặc đã tập trung chỉ đạo quyết liệt trong công tác phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, được sự giúp đỡ của tỉnh và các cấp, ngành hữu quan, cùng với tổ chức thành công Hội chợ thương mại khu vực miền núi, quý II -2014, Ngọc Lặc đã lần đầu tiên tổ chức Hội nghị xúc tiến, thu hút đầu tư. Hôi nghị đã thu hút nhiều đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia, tìm hiểu cơ hội đầu tư, sản xuất kinh doanh tại đây. 

Trước vận hội đó, Ngọc lặc đã cùng với các cấp, các ngành tạo mọi điều kiện thuận lợi mời gọi các nhà đầu tư phát triển kinh tế trên nhiều lĩnh vực phù hợp với điều kiện thực tế địa phương. Đồng chí Lại Văn Nguyên, Bí thư huyện ủy Ngọc lặc đã khẳng  định và báo cáo khái quát nhiều việc làm có ý nghĩa, hấp dẫn các nhà đầu tư tham gia các dự án phát triển kinh tế trên toàn lãnh thổ Ngọc Lặc.

Đến thời điểm này, huyện đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho 3 dự án (DA) với tổng vốn đầu tư gần 1.200 tỷ đồng; ký biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư và xúc tiến đầu tư 4 DA với tổng vốn đầu tư hơn 20 triệu USD với các DA gồm: DA Khu Du lịch nghỉ dưỡng Ngọc Lặc, tổng mức đầu tư 340 tỷ đồng, tổng diện tích xây dựng 25,9 ha, thời gian thực hiện từ 2014 đến 2019) chủ đầu tư là CTy Thương mại và Phát triển công nghệ Thăng Long (Thanh Hóa);   DA liên hợp sản xuất thức ăn chăn nuôi, chăn nuôi lợn và chế biến nông sản (tổng mức đầu tư 800 tỷ đồng, diện tích xây dựng 411 ha, thời gian thực hiện trong vòng 60 tháng), chủ đầu tư là CTy CP thức ăn chăn nuôi Thái Dương; DA Nhà máy sản xuất tấm trải đường từ tre, luồng ép xuất khẩu (công suất chế biến 24.000m3 sản phẩm/năm, tổng mức đầu tư 50 tỷ đồng), dự kiến hoàn thành trong tháng 10-2014) do CTy TNHH Giải trí Viễn Đông làm chủ đầu tư. Đáng chú ý, đây là một trong những DA hết sức quan trọng, tác động mạnh mẽ đến sản xuất lâm nghiệp, đời sống, thu nhập của các hộ trồng luồng trên địa bàn Ngọc Lặc, bởi theo dự kiến, khi đi vào hoạt động  DA này sẽ tiêu thụ toàn bộ sản phẩm luồng nguyên liệu trên địa bàn các huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa. Trong đó riêng Ngọc Lặc đã có diện tích luồng 10.000 ha .

Ngoài các DA trên, đến nay còn có một số DA khả thi khác đã được đại diện lãnh đạo huyện và các đối tác ký biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư và xúc tiến đầu tư. Cụ thể gồm có: DA Liên hợp dệt may điện tử Trường Thắng – Hi-rô-ka-oa Sa-fu-ri, có tổng mức đầu tư 5 triệu USD, thu hút khoảng 2.000 lao động, thời gian thực hiện từ 2014 đến 2015; DA Khu liên hợp sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao SPC Ngọc Lặc do Công ty TNHH MTV SPC làm chủ đầu tư, tổng mức đầu tư 10 triệu USD, thời gian thực hiện từ 2014 đến 2016; DA trụ sở Công ty CP Thiết bị - Vật tư y tế Thanh Hóa chi nhánh Ngọc Lặc do Công ty CP Thiết bị  - Vật tư y tế Thanh Hóa làm chủ đầu tư với tổng kinh phí 15 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ 2014 đến 2015; DA mở rộng giai đoạn 2, nhà máy sản xuất tấm trải đường bằng tre, luồng ép với tổng mức đầu tư 5 triệu USD.

Để đảm bảo các nhà đầu tư yên tâm hoạt động, nhất là thực hiện đúng tiến độ công tác giải phóng mặt bằng, Đảng bộ, chính quyền các cấp của  Ngọc Lặc đã thực hiện đồng bộ các giải pháp bao gồm: đẩy mạnh công tác tuyên truyền về vai trò, tầm quan trọng của công tác thu hút đầu tư đến cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân. Qua đó tạo sự đồng thuận, ủng hộ cao chủ trương thu hút đầu tư vào địa bàn.  Đồng thời quan tâm giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhất là trong vấn đề GPMB và các thủ tục hành chính, có chính sách hỗ trợ  đặc biệt đối với các DA độc lập về hạ tầng.

 Song song với đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp – TTCN và thương mại – dịch vụ. Hướng tới mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, Huyện ủy, chính quyền Ngọc Lặc đã tập trung chỉ đạo các giải pháp đẩy mạnh công tác xuất khẩu và đào tạo lao động tại chỗ nhằm phục vụ các khu công nghiệp. 

Đồng chí Bí thư huyện ủy khẳng định trong giai đoạn hiện nay, hơn lúc nào hết Đảng bộ và chính quyền Ngọc lặc quyết tâm “vào cuộc”, chỉ đạo các cấp, các ngành, các đoàn thể quần chúng thực hiện thắng lợi kế hoạch và mục tiêu đề ra.

Phương Giang
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo