Pháp luật

Người tâm huyết trồng rừng bị kiện

Như Doanh nghiệp và Hội nhập đã phản ánh, sự việc Ông Lê Duy Nguyên, Giám đốc Doanh nghiệp Trồng rừng ở Nghệ An bị những người bà con kiện hòng cướp công vẫn chưa đến hồi kết, mặc dù chứng cứ đã quá rõ ràng.

 

Chuyện hy hữu ở Quỳnh Lưu (Nghệ An):

 

Ông Lê Duy Nguyên, giám đốc Doanh nghiệp trồng rừng Lê Duy Nguyên ở xã Quỳnh Lập, huyện Quỳnh Lưu, từ năm 1993 (cách đây 20 năm) đã nhận hàng ngàn héc ta đất trống đồi trọc để trồng rừng, đi đầu trong việc thực hiện chủ trương phủ xanh đất trống đồi trọc của nhà nước. Việc trồng hàng ngàn héc ta rừng phòng hộ và sản xuất trên đất cằn sỏi đá Đông Hồi, trong đó có trên 400 ha lim xanh, mua Hươu, Khỉ, Sóc, Tắc kè, thả về rừng; Trồng Đa, Si, Bời lời, Sung cho muông thú có quả ăn, doanh nghiệp ông Lê Duy Nguyên đã đóng góp tích cực cho việc cải tạo và bảo vệ môi trường thiên nhiên.  Ông Lê Duy Nguyên còn là đại biểu Quốc hội khóa X, là doanh nhân tiêu biểu của tỉnh Nghệ An. Nhưng thật bất ngờ, gần đây, đột nhiên ông Nguyên bị kiện chiếm đất chiếm rừng.

 

 

 

Bạt ngàn rừng trồng Đông Hồi của Lê Duy Nguyên sau 20 năm lao động bền bỉ

 

Vì sao ông Nguyên bị kiện chiếm đất rừng

 

Người đầu tiên mà chúng tôi gặp là anh Trần Xuân Ngoạn. Anh Ngoạn là cháu ruột ông Trần Xuân Lập và cũng là một trong ba người ông Nguyên nhờ đứng tên trong Lâm bạ để xin đất. Anh Ngoạn cho biết:

Năm 1993 thấy đất trống đồi trọc ở Đông Hồi nhiều, ông Lê Duy Nguyên muốn nhận để trồng rừng. Vì đang làm việc tại trường Phan Bội Châu, tp Vinh, ông Nguyên không thể đứng tên mình xin nhận đất ở Đông Hồi, phải nhờ tôi, ông Trần Xuân Lập (anh rể) và Trần Xuân Nam (con trai ông Lập) đứng tên. Rồi ông trực tiếp gặp UBND xã Quỳnh Lập, hạt Kiểm Lâm Quỳnh Lưu đặt vấn đề xin nhận đất. Khi đã được cấp 161,5 héc ta đất mang tên 3 người chúng tôi, ông Nguyên xin nghỉ hưu non về Đông Hồi đứng tên mình nhận thêm 820 héc ta nữa. Đất trống đồi trọc hồi đó chẳng ai nhìn ngó. Có người nhận nhiều cơ quan chức năng rất mừng vì hoàn thành được chỉ tiêu giao đất. Sau đó ông Nguyên tổ chức trồng rừng, mọi việc diễn ra suôn sẻ.

 

Năm 2009 (16 năm sau), nhà nước quy hoạch khu công nghiệp Đông Hồi, và khởi công xây dựng tuyến đường Quốc lộ IA – Đông Hồi, có tin đồn ông Nguyên sắp được đền bù mấy trăm tỷ. Anh Trần Xuân Nam 16 năm đi buôn cá ruốc, không hề xin đất, không hề trồng rừng, biết mình và bố mình có tên ông Nguyên mượn đứng trong lâm bạ, đã tìm cách kiện ông Nguyên (cậu mình) chiếm đất. Tôi cũng có một lâm bạ ông Nguyên nhờ đứng tên, diện tích 40,5 ha, nhưng tiền tỷ hay nhiều tỷ tôi cũng không thể kiện ông Nguyên. Làm vậy mình đâu phải con Người.

 

Trên đường đến địa điểm có 36,5 ha đất ông Lập kiện bị chiếm, chúng tôi gặp hai người dân địa phương Đông Hồi. Người có tên Lê Văn Tiến nói với chúng tôi:

Tôi sinh ra và lớn lên ở cái làng Đông Hồi này, năm nay đã hơn 60 tuổi, có bao giờ thấy ông Trần Xuân Lập và anh Trần Xuân Nam có đất trồng rừng ở đây đâu mà bảo ông Nguyên chiếm.  

Ông Lê Bả, người cùng đi với ông Tiến và là tổ trưởng tổ bảo vệ Doanh nghiệp trồng rừng Lê Duy Nguyên, nói: Tổ bảo vệ chúng tôi có 3 người. Hàng chục năm nay, ngày nào cũng đi kiểm tra đất đai, cây cối, thuộc từng đám ruộng của dân, nhớ rõ ranh giới đất Doanh nghiệp ông Nguyên. Làm gì có đất rừng của ông Lập và anh Nam bị ông Nguyên chiếm. 36 ha đất có phải là cái kim đâu mà ông Nguyên chiếm vài chục năm nay không ai biết. Còn ai nói ông Nguyên đóng hàng trăm cọc xi măng để chiếm 308 mét vuông đất anh Nê; Ông Nguyên chiếm hàng trăm ha rừng của nhiều hộ dân địa phương; Ông Nguyên nhiều lần chặt phá, hủy hoại cây cối… là bịa đặt, nhảm nhí.

 

Đến trụ sở UBND xã Quỳnh Lập, chúng tôi gặp đại diện các tổ chức: Đảng ủy, UBND, Mặt trận Tổ quốc, hội Cựu chiến binh, hội Người cao tuổi, hội Nông dân, hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên…, tất cả đều thống nhất ông Lê Duy Nguyên là một người có công, một người đam mê trồng rừng, sống giản dị và đứng đắn.  

Tổng kết ý kiến trao đổi của các tổ chức nói trên, bí thư Đảng ủy xã, ông Nguyễn Văn Thông nói: Ít có ai đam mê trồng rừng, khôi phục môi trường thiên nhiên như ông Nguyên. Bỏ thành phố Vinh, về một vùng quê nghèo lăn lộn trồng hàng ngàn héc ta rừng 20 năm nay. Mua Hươu, Sóc, Khỉ, Tắc kè thả về rừng; Trồng Bời lời, Đa, Si, Sung có quả cho muông thú ăn; Trồng Tre cho Cò, Vạc đậu… Trồng Lim xanh hàng trăm năm sau mới thu hoạch…

 

Việc ông Lập, anh Nam không có đất rừng ở Đông Hồi là rõ ràng, thể hiện cả trên thực địa và hồ sơ. Ngày 26/7/ 2011 UBND xã đã có văn bản gửi tòa khẳng định điều này.                

Bí thư huyện ủy Quỳnh Lưu, ông Nguyễn Văn Thắng, nói trên Thời báo Tài chính ngày 15/12/2010: Chung quy lại là việc kiện ông Nguyên và dư luận cho rằng ông Nguyên chiếm đất của dân là không đúng sự thật.

 

Chứng cứ nào để kiện ông Nguyên chiếm đất

 

Đó là tờ lâm bạ số 02 mang tên Trần Xuân Lập và cũng là chứng cứ duy nhất ông Lập dựa vào để kiện ông Nguyên. Tuy nhiên tờ lâm bạ 02 cha con ông Lập đưa ra lại không hợp pháp. Tại vị trí ký nhận trong tờ lâm bạ ông Lập không ký. Không ký nhận, đương nhiên tờ lâm bạ đó chưa thuộc về ông Lập. Tại vị trí ký nhận trong tờ lâm bạ lại có chữ ký ông Nguyên. Một văn bản pháp quy như vậy là không hợp pháp, vô hiệu. Ông Lập dùng tờ lâm bạ vừa chưa phải của mình, vừa vô hiệu để kiện ông Nguyên chiếm đất là ngộ nhận, không đúng với pháp luật.

 

Còn cần phải nói thêm, tờ lâm bạ số 02 này ông Lập không được cơ quan nhà nước giao. Để phục vụ mục đích đi kiện, Trần Xuân Nam con trai ông Lập đã tìm cách “móc” tờ lâm bạ này từ hồ sơ lưu trữ ra. Đã có 3 cơ quan báo chí chính thức gửi công văn yêu cầu UBND huyện Quỳnh Lưu và các cơ quan tư pháp Quỳnh Lưu điều tra làm rõ sự việc “móc” lâm bạ lưu ra một cách bất hợp pháp này.     

         

Phía ông Lê Duy Nguyên, tài liệu, chứng cứ đều rõ ràng: Có biên bản bàn giao hồ sơ lâm bạ và thực địa của cơ quan chức năng từ năm giao đất 1993; Có biên bản xác định diện tích và mốc giới thực địa đất của các cơ quan chức năng từ năm 1996; Tại hồ sơ quản lý đất đai của xã Quỳnh Lập, diện tích 36,5 ha đất nói trên thể hiện là của ông Nguyên; Trên thực địa ông Nguyên cũng quản lý trồng rừng ổn định 20 năm nay (1993 – 2013). Và việc ông Nguyên sử dụng diện tích đất nói trên để trồng rừng còn có quyết định phê duyệt dự án của UBND tỉnh Nghệ An từ năm 1994 (cách đây 19 năm).

 

Tất cả tài liệu, chứng cứ có tại hồ sơ vụ án đều thể hiện ông Trần Xuân Lập và con trai ông Lập là Trần Xuân Nam không có đất trồng rừng ở Đông Hồi xã Quỳnh Lập. Chúng tôi chỉ trích nêu 4 chứng cứ (trong số hàng chục chứng cứ) cũng đủ thấy rõ điều này:

 

Trước tiên là ý kiến của chính người đi kiện, anh Trần Xuân Nam, cũng là một trong 3 trường hợp ông Nguyên nhờ đứng tên trong lâm bạ: Việc làm hồ sơ cấp lâm bạ cho tôi là do ông Nguyên làm, còn tôi không biết đồng thời tôi cũng không ký vào hồ sơ mà do ông Nguyên ký (ý kiến tại biên bản hòa giải ngày 23/10 /2009, UBND xã Quỳnh Lập chủ trì. Xin lưu ý, thời điểm này sự việc chưa kiện ra Tòa và chưa có yếu tố luật sư).

    

Ý kiến của ông Lê Thanh Tùng, nguyên chủ tịch UBND xã Quỳnh Lập thời điểm lâm bạ mang tên ông Lập ra đời 1993: Trong thời gian tôi làm chủ tịch UBND xã Quỳnh Lập (1992-1994) chưa bao giờ có ông Trần Xuân Lập (xóm Đồng Minh) và anh Trần Xuân Nam (thị trấn Hoàng Mai) gặp UBND xã xin nhận đất trồng rừng hay nạp đơn đề nghị xác nhận để xin nhận đất trồng rừng tại vùng Đông Hồi xã Quỳnh Lập.  

Hạt kiểm lâm Quỳnh Lưu là cơ quan trực tiếp làm thủ tục giao đất lâm nghiệp thời điểm lâm bạ 02 mang tên ông Lập ra đời. Ông Phan Văn Chất, nguyên hạt phó Hạt kiểm lâm Quỳnh Lưu phụ trách giao đất có ý kiến gửi Tòa: Tôi xác nhận chưa bao giờ có ông Trần Xuân Lập (xóm Đồng Minh) và anh Trần Xuân Nam (Thị trấn Hoàng Mai) gặp Hạt kiểm lâm Quỳnh Lưu, thời kỳ tôi làm hạt phó phụ trách giao đất, trình bày  xin nhận đất hay nạp đơn xin đất trồng rừng ở vùng Đồng Hồi xã Quỳnh Lập.

 

Ý kiến của UBND xã Quỳnh Lập gửi Tòa án nhân dân huyện Quỳnh Lưu:

Sau khi có đơn của ông Trần Xuân Lập, thường trú tại xóm Đồng Minh, xã Quỳnh Lập và anh Trần Xuân Nam, thường trú tại khối 1 thị trấn Hoàng Mai kiện ông Lê Duy Nguyên (giám đốc doanh nghiệp trồng rừng Lê Duy Nguyên) chiếm đất rừng. Uỷ ban nhân dân xã Quỳnh Lập đã cho kiểm tra toàn bộ hồ sơ đất Lâm nghiệp trên địa bàn của xã, bao gồm : Sổ mục kê; Tờ bản đồ kết quả giao đất lâm nghiệp; Tờ bản đồ số 1 (10-136602+136608+130602). Tất cả đều thể hiện đất ông Nguyên. Không có vùng nào, kể cả Hòn Dề và vùng Vễ (nơi đang kiện bị chiếm) thể hiện đất ông Trần Xuân Lập và anh Trần Xuân Nam.

 

Trên thực địa, kể từ năm 1993 đến nay, ở khu vực hai xóm : Đồng Minh và Đồng Thanh (Đông Hồi - pv) xã Quỳnh Lập cũng không có vùng đất nào thuộc ông Trần Xuân Lập và anh Trần Xuân Nam quản lý, sử dụng trồng rừng. 

  

Tại phiên tòa ngày 26 tháng 3 năm 2012, ông Lê Duy Nguyên nói: Tôi buộc phải ra tòa không phải vì để bảo vệ diện tích 36, 5 héc ta đất lâm nghiệp, mà vì tôi bị xúc phạm, bị vu khống chiếm đất. Nếu tòa xử xong, đất đó không phải của ông Lập, tôi sẽ mời ông Lập đến cho 36,5 héc ta đất đó. Cây trồng trên đất ông Lập phải trả cho công nhân, vì giá trị cây trồng 80% là của công nhân.

 

Thanh Châu

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo