Pháp luật

Nhìn chặt hạ cây ở Hà Nội, nhớ những vụ..."phá hoại"...

Mấy hôm nay dư luận cả nước vô cùng bức xúc về việc Hà Nội cho chặt hạ 6700 cây xanh ở những đường phố đẹp nhất Thủ đô. Sự việc này khiến tôi nhớ đến việc chặt hại cây xanh để trồng cây mới ở Quảng Ninh, cách đây chừng sáu năm.

 

Thời ấy, khi sửa chữa nâng cấp đường Nguyễn Văn Cừ (Tp. Hạ Long), người ta cũng chặt hạ những cây xanh để trồng cây mới. Sự việc này diễn ra vào mùa khô, trước Tết Nguyên đán. Cây mới trồng, chưa kịp bén rễ, lá tàn héo xác xơ. Tết năm đó dư luận ở vùng Mỏ sôi lên về sự thay đổi này; thậm chí có người còn chỉ trích kịch liệt người “đẻ” ra nó, cho rằng, ông ta là kẻ… phá hoại!...

 Người ban hành chủ trương “phá hoại” này là ông Nguyễn Văn Tuấn, khi đó là Chủ tịch UBND Tp. Hạ Long; bây giờ ông là Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch).Tôi không quen biết ông Tuấn và cũng không biết nhiều về loài cây trên đường Nguyễn Văn Cừ hiện nay; chỉ được nghe nhiều người dân vùng Mỏ nói rằng, đó là loài cây si cảnh, sức sống mãnh liệt, xanh tốt bốn mùa, tán rộng, mùa đông không trút lá, thích nghi với điều kiện khí hậu ở đây và phù hợp với đặc điểm của đường Nguyễn Văn Cừ - con đường nội thị, thuộc Quốc lộ 18, nối với Tp. Cẩm Phả, Cửa Ông, ra cửa khẩu Móng Cái; mật độ người và phương tiện tham gia giao thông rất cao.

Bây giờ, tôi lại được nghe nhiều người dân vùng Mỏ khen, con đường này ngày càng đẹp; chủ trương của Thành phố hạ Long  ngày ấy cho thay thế loài cây này là đúng; ông cựu Chủ tịch Thành phố Hạ Long Nguyễn Văn Tuấn là người có tầm nhìn xa…Cho hay rằng, có những việc, ban đầu dư luận bức xúc phản đối, cho rằng đó là những việc …phá hoại; phải qua thời gian dài mới khẳng định được tính ưu việt của nó; sự đúng đắn của chủ trương.

Chẳng hạn, Dự án bô - xít Tây Nguyên khi khởi động đã gặp sự phản đối kịch liệt của các nhà khoa học, các nhân sĩ, trí thức trong và ngoài nước. Nhưng bây giờ, thành công lớn bước đầu của Dự án đã chứng minh chủ trương phát triển bô – xít Tây Nguyên của Đảng và Nhà nước ta đã đúng. Xa hơn nữa là Dự án xây dựng Nhà máy Thủy điện Hòa Bình; Dự án Xây dựng đường dây 500 kv Bắc – Nam v.v ban đầu cũng bị dư luận phản đối kịch liệt. Bây giờ, hiệu quả vô cùng to lớn của hai công trình này ra sao, mọi người dân Việt Nam đều biết.

Trở lại với việc chặt hạ cây xanh ở Hà Nội. Chúng tôi không dám khẳng định đây là chủ trương sai. Nhưng những cây cổ thụ trên các đường phố rợp bóng cây ở Hà Nội đã đi vào đời sống tình cảm của của nhân dân cả nước; đã đi vào những tác phẩm văn học, nghệ thuật; đã trở thành biểu tượng của Thủ đô xanh; Thủ đô vì hòa bình. Việc chặt hạ nó khiến mọi người dân đều đau lòng và phẫn nộ là đúng.

Chúng tôi hoan nghênh Tp. Hà Nội đã cho dừng việc bức tử hàng loạt cây xanh ở Thủ đô.Tuy nhiên, việc dừng chặt hạ cây xanh của Tp Hà Nội không có nghĩa là dừng hẳn. Những cây không phù hợp với điều kiện phát triển lâu dài; những cây ảnh hưởng đến hành lang an toàn giao thông, an toàn về điện…cần phải chặt bỏ để thay thế bằng loại cây khác phù hợp hơn.

Thực tế, nhiều cây cổ thụ, gặp mưa bão đã đổ, gây chết người. Nhưng việc thay thế  những cây đó phải dựa trên kết quả khảo sát thực tế và đề án khoa học, dưới sự phản biện của các nhà khoa học; của các tổ chức xã hội v.v. không thể chặt hạ vô tội vạ như mấy hôm nay. Việc chặt hạ cây xanh ồ ạt của Hà Nội vừa qua là vội vã, khinh suất, đầy khả nghi về sự hắc ám của nhóm lợi ich (?).

Chúng tôi rất đồng tình với những vấn đề các nhà báo đặt ra trong cuộc họp báo chiều qua (20/3) và yêu cầu Tp Hà Nội làm sáng tỏ những nội dung sau đây:

- Ai thẩm định cây sâu mọt để chặt, đã tiến hành như thế nào mà xác định được cây sâu mọt trong thời gian ngắn?

- Cho tới ngày 20/3, Hà Nội đã chặt hạ, thay thế bao nhiêu cây xanh? Việc dừng chặt hạ theo quyết định của Chủ tịch UBND TP là tạm dừng và tạm dừng trong bao lâu? Kinh phí chặt hạ 6.700 lấy từ ngân sách của TP hay xã hội hóa? Việc xã hội hóa có khiến đề án bị chi phối bởi các doanh nghiệp, đơn vị tài trợ?

- Báo cáo của UBND TP Hà Nội nêu hầu hết nhân dân ủng hộ, đã điều tra xã hội học cụ thể chưa, số liệu cụ thể như thế nào? Việc xin ý kiến của người dân mặt phố có đúng luật hay không, mà cây xanh thuộc toàn thành phố?

- Hàng nghìn m3 gỗ bị chặt hạ đã được bán đấu giá chưa? Số tiền là bao nhiêu và sử dụng vào mục đích gì? Nguồn cây thay thế, chặt hạ từ đâu, giá thành? Những doanh nghiệp nào đứng đằng sau việc chặt cây?

- Quyết định việc chặt cây ông Phó chủ tịch Nguyễn Quốc Hùng ký, vậy ông Hùng có chịu trách nhiệm hay không?...

 

Cao Thâm
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo