Quốc tế

Những hệ lụy về kinh tế

Trong bối cảnh hơn 62% doanh nghiệp tư nhân phải vay vốn ở thị trường tự do vì không thể nhờ cậy ngân hàng, bản án tử hình đối với Ngô Anh làm các doanh nhân lạnh gáy

Nữ doanh nhân trẻ Ngô Anh, năm nay 29 tuổi, người từng được xếp hạng sáu trong các phụ nữ giàu nhất Trung Quốc cách đây năm năm với tài sản ước tính 3,6 tỉ nhân dân tệ, đang chờ Tòa án Tối cao Trung Quốc (CSC) xem xét án tử hình về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản sau khi Tòa Thượng thẩm Chiết Giang bác đơn kháng án của cô trước Tết Nhâm Thìn ba ngày.

 Ranh giới mong manh

Từ đó đến nay, một loạt giáo sư và luật gia có tiếng ở các trường đại học Bắc Kinh, Thanh Hoa và Chiết Giang liên tục viết thư xin CSC tha tội chết cho Ngô Anh. Chuyên gia kinh tế Trương Vĩ Anh phát biểu trên diễn đàn Doanh nghiệp Trung Quốc: “Nếu Ngô Anh phải chết, tôi không biết sẽ  có bao nhiêu người nữa lãnh án tử hình như cô”.

Một chuyên gia kinh tế khác, ông Hàn Trị Quốc, nhận định trên Nhật báo Trung Quốc, tờ báo Anh ngữ có số phát hành lớn nhất ở Trung Quốc, rằng cho dù Ngô Anh huy động vốn bất hợp pháp – một tội danh đang gây tranh cãi – thì cần phải lưu ý rất nhiều doanh nhân ở nước này buộc phải làm như vậy bởi thực tế vay vốn ngân hàng khó vô cùng.

Thật vậy, theo một cuộc khảo sát gần đây, tỉnh Chiết Giang hiện có khoảng 2.800 doanh nghiệp tư nhân nhưng có đến 86% than phiền các ngân hàng buộc họ phải thỏa mãn những điều kiện bất lợi ngoài quy định của nhà nước mới cho vay.

Về mặt pháp lý, vấn đề cốt lõi ở đây là ranh giới giữa vay vốn tư nhân và huy động vốn bất hợp pháp không rõ ràng  dẫn đến gây tranh cãi như vụ án Ngô Anh.

Giáo sư Hứa Tân, dạy luật ở Học viện Bách khoa Bắc Kinh, kêu gọi chính quyền Chiết Giang nên đối xử khoan dung với Ngô Anh. Ông phân tích trên tờ Thời báo Hoàn cầu: “Cái gốc của huy động vốn bất hợp pháp nằm trong sự độc quyền của các định chế tài chính nhà nước”.

Theo giáo sư Hứa Tân, chuyện vay vốn tư nhân đã có từ hơn 1.000 năm nay ở Trung Quốc và hiện nay, nó vẫn tồn tại vì đó là nhu cầu. Nhiều doanh nghiệp ăn nên làm ra nhờ vốn tư nhân. Ông kết luận: “Trung Quốc phải hợp thức hóa và điều chỉnh thị trường (vay vốn tư nhân) càng sớm càng tốt. Không được tử hình Ngô Anh một cách bất công khi luật lệ chưa hoàn chỉnh”.

 Bên trọng, bên khinh

Theo ông Trương Nhạn Phương, luật sư bào chữa cho Ngô Anh, thân chủ của ông không có ý định lừa đảo, cho nên ghép vào tội lừa đảo tài chính là không thỏa đáng. Ông nêu ví dụ trong số 11 người cho vay tiền nhiều nhất thì có đến 9 người là bạn bè thân thiết và tất cả đều khẳng định họ không bị lừa đảo. Vốn vay được đầu tư vào các công ty thương mại, khách sạn, bất động sản chứ không phải để trả nợ cũ, trả lãi nợ mới hoặc chiếm đoạt làm của riêng như bản cáo trạng nêu.

 


Vu Trấn Đông (bên phải) biển thủ 483 triệu USD nhưng chỉ bị 12 năm tù. Ảnh: CHINA DAILY

 Theo bản cáo trạng, Ngô Anh chỉ vay tiền của 19 người. Nếu cô có tội lừa đảo đi nữa thì chỉ có bấy nhiêu người hại. Vậy mà Ngô Anh phải lãnh án tử hình. Trong khi đó, các ông chủ lớn như Lại Xương Tinh, chủ tịch Tập đoàn Viễn Hoa ở Hạ Môn, trở thành tỉ phú USD nhờ buôn lậu và hối lộ cán bộ từ cấp huyện đến tỉnh và trung ương khiến 14 người bị tử hình (trong đó có thứ trưởng Bộ Công an Lý Kỷ Châu), 12 bị tù chung thân, 58 cán bộ tỉnh Phúc Kiến đi tù, thì lại được sống. Lại Xương Tinh đã trốn sang Canada 11 năm và đã trở về Trung Quốc hồi giữa tháng 7 năm ngoái sau khi chính quyền nước này đồng ý tha tội chết.

Đối với phạm nhân là đảng viên có chức có quyền, bản án tử hình của Ngô Anh cũng không tương xứng khiến dư luận thắc mắc vì cùng một tội nhưng cán bộ nhà nước được chiếu cố hơn thường dân. Trường hợp của Vu Trấn Đông, giám đốc chi nhánh Khai Bình của Ngân hàng Trung Quốc ở tỉnh Quảng Đông, là một ví dụ. Trong vòng 4 năm, tay này đã chuyển ra nước ngoài trái phép 483 triệu USD rồi dùng giấy tờ giả đến Mỹ năm 2001 nhưng bị FBI bắt giữ và trả về Trung Quốc năm 2004. Ông quan tham này chỉ bị xử 12 năm tù!

Thiên nga đen

Theo tạp chí Doanh nghiệp Trung Quốc, năm 2010 - sau một năm ngồi trong phòng giam tử tù, Ngô Anh lâm vào cảnh tuyệt vọng. Cô rút đơn kháng án tử hình và không tin bất cứ ai, kể cả cha mình. Ngô Anh tự dằn vặt mình là kẻ dối trá. May sao, một người trong nhóm luật sư được Ngô Anh tin cậy hơn cả đã thuyết phục được cô.

Ngô Anh bắt đầu học luật và tiếp tục kháng án. Cô cố gắng hợp tác với cơ quan điều tra mong thoát tội chết. Từ khi bị kết án tử hình, cô viết ba tờ khai tổng cộng hàng chục ngàn từ nói hết những tình tiết nhạy cảm liên quan đến một số quan chức chính quyền Đông Dương thoái hóa và những kẻ cho vay nặng lãi gửi CSC.

Ngô Anh cũng bắt đầu viết tự truyện kể lại những hoài bão, những thành công và vấp váp đưa đẩy cô đến phòng giam tử tù. Ngô Anh định xuất bản  nó với tựa đề Thiên nga đen nếu có cơ hội. Cô nói với luật sư Trương Nhạn Phương rằng khi ra tù, cô sẽ lấy tiền bán sách để trả nợ.

 Theo NLĐ

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo