Pháp luật

Những “lùng bùng” ở Công ty Xi măng Hà Tiên 1

(DNVN) - Có nhiều dư luận không tốt liên quan đến cách điều hành Công ty Xi măng Hà Tiên 1 (VINCEM) của ông Trần Việt Thắng, nguyên Tổng Giám đốc Công ty xi măng Hà Tiên 1 như “bảo kê cho người nhà, cố ý làm trái quy định nhà nước” gây hậu quả nghiêm trọng khi để thất thoát hàng trăm tỷ đồng tài sản công ty?

Chỉ làm với “mối ruột”?

Ông Trần Việt Thắng điều hành VINCEM từ năm 2010 đến 2013, trong thời gian này đơn vị để tồn kho hàng chục ngàn tấn nguyên liệu clinker phải thuê đơn vị ở Trạm nghiền Thủ Đức xử lý. Theo tìm hiểu, doanh nghiệp đứng ra nhận điều này là HTX dịch vụ vận tải Liên Minh do ông Trần Việt Vũ làm đại diện.

Điều bất ngờ hơn khi ông Vũ lại chính là anh ruột của ông Thắng. Tuy nhiên, ông Vũ không trực tiếp đứng ra nghiền clinker mà lại thuê một người khác là Nguyễn Thanh Liêm thực hiện. Trao đổi với PV, ông Liêm đưa ra bản hợp đồng từ năm 2010 ký với ông Trần Việt Vũ. Giá của gói hợp đồng là 72.000 đồng/m3. Công việc mà ông Liêm đảm nhận là sẽ thực hiện các công việc cho ông Vũ như: Khoan, đục, xẻ và đập nhỏ xi măng/clinker đóng rắn tại bãi của Công ty cổ phần Xi Măng Hà Tiên 1 – trạm nghiền Long An.

 Công ty Xi măng Hà Tiên 1 (VINCEM)

Ngoài ra, trong 7 – 8 năm qua, ông Liêm còn giao dịch với doanh nghiệp Minh Long do ông Đức Lành làm chủ. Ông Lành cũng nhận clinker đóng đá của VINCEM rồi bàn giao lại cho ông Liêm xử lý. “Tôi chỉ chuyên là người đi thực hiện, còn anh Lành có Công ty nên có tư cách pháp nhân để xuất hóa đơn, giấy tờ. Hầu hết các ‘mối’ có liên quan đến Hà Tiên 1 cũng từ anh Lành giới thiệu” – ông Liêm nói.

Chỉ tay vào kho chứa clinker chết, ông Liêm cho biết: “Hơn 20 ngàn tấn đã được chúng tôi xử lý xong gần hết, chỉ còn vài ngàn tấn nữa là xong”. Ông Liêm kể rằng, lúc mới nhận việc, khối clinker lớn đã ‘chết’ của Hà Tiên 1 to như quả núi.

Còn ông Đức Lành cũng khẳng định rằng: “Nhiều năm qua, ông đã nhận xử lý clinker chết cho công ty VICEM, giá dịch vụ dao động từ 65.000 – 75.000 đồng/m3, tùy theo mức độ đông cứng khác nhau, sản lượng hàng chục ngàn tấn. Công việc nhiều tới mức, ông Lành không muốn nhận thêm vì “lo làm còn không hết, nhận thêm làm gì?”.

“Bảo kê” cho người nhà?

Cách điều hành doanh nghiệp nhà nước của ông Thắng còn bị đặt nghi ngờ trong việc thuê dịch vụ vận chuyển, cảng bến đỗ hàng hóa. Để vận chuyển hàng hóa đến các tỉnh phía Nam, ông Thắng đã thuê Công ty hàng hải Anh Phát (Công ty Anh Phát) là đầu mối cung cấp dịch vụ vận tải cho dù VINCEM có đầy đủ bộ phận kinh doanh, có thể đảm nhiệm công việc này.

 

Điều bất ngờ hơn khi Công ty Anh Phát được làm đầu mối vận chuyển nhưng thực tế doanh nghiệp này lại không có một chiếc tàu chở hàng nào. Công ty Anh Phát đã đi thuê lại các doanh nghiệp thực sự có tàu thuyền gồm: Công ty Tân Việt Phúc, Công ty Hoa Phương Nam, Công ty Long Sơn, Công ty Nhật Hải Đăng... để vận chuyển. Vào cuộc tìm hiểu thì được biết, người đại diện pháp luật cho Anh Phát là ông Đoàn Minh Phú (là em rể của ông Trần Việt Thắng).

Theo ông Phú, Công ty Anh Phát ký hợp đồng làm dịch vụ cho VINCEM vào những năm 2009, 2010 cho đến nay, nhưng không phải chỉ có Công ty Anh Phát là đơn vị duy nhất làm dịch vụ cho VINCEM mà còn có một đơn vị khác nữa cùng làm. Trước khi ký kết hợp đồng thì VINCEM có tổ chức đấu thầu, cạnh tranh công khai theo đúng quy định của Nhà nước nghiêm chỉnh, nhưng kết quả thì Công ty Anh Phát vẫn là đơn vị trúng thầu.

Một nhân viên của Công ty Anh Phát cũng khẳng định: “Khách hàng của Công ty Anh Phát chủ yếu là Hà Tiên 1, chứ hiếm khi nhận của đơn vị ngoài”. Để vận chuyển hàng hóa cho VINCEM, phía Anh Phát đã thuê lại nhiều doanh nghiệp vận tải khác với giá  102.000 đồng/tấn. Trong khi đó, Anh Phát lại ký với Hà Tiên 1 để lấy giá chênh lệch từ 10.000 – 30.000 đồng/tấn trên giá trị thuê lại đối tác.

Ông Thắng còn tỏ ra ưu ái với cảng Tuấn An Phú (địa chỉ xã Khánh Bình, huyện Tân Uyên, Bình Dương), đây là địa điểm tập kết hàng để vận chuyển vào các tỉnh phía Nam. Được biết, cảng Tuấn An Phú có trang thiết bị thô sơ. Diện tích của Cảng này cũng nhỏ, chật hẹp so với cảng khác trong cùng khu vực. Theo nhiều người dân địa phương, họ thậm chí còn không biết đến tên cảng Tuấn An Phú. Trong khi đó, một cảng khác cách Tuấn An Phú chỉ có vài km là cảng Thạnh Phước thì ai cũng biết.

Ông Trần Thanh Tú, Phó Giám đốc phụ trách kinh doanh của cảng xác nhận, có 3 cá nhân hùn vốn thành lập lên cảng Tuấn An Phú, trong đó có ông Trần Việt Vũ - anh trai ông Thắng. “Cảng Tuấn An Phú làm không hết việc, chủ yếu làm cho Hà Tiên 1. Việc ký kết hợp đồng dịch vụ với Hà Tiên 1 có từ trước khi xây dựng, đầu tư cơ sở hạ tầng của cảng hiện nay. Ngoài ra, hợp đồng đó có hiệu lực vài chục năm” – ông Tú khoe.

 

Ông Tú còn cung cấp bản thống kê sản lượng được vận chuyển tại Tuấn An Phú trong 11 tháng đầu năm 2015. Đáng chú ý, chỉ có duy nhất tháng 8 là Tuấn An Phú vận chuyển hơn 98.000 tấn. Các tháng còn lại đều vận chuyển được từ hơn 117.000 tấn cho đến hơn 200.000 tấn. Tổng sản lượng mà Tuấn An Phú đã vận chuyển được là hơn 1,7 triệu tấn. Trong đó, chủ yếu Tuấn An Phú vận chuyển các mặt hàng clink, than đá, thạch cao, cát, đá… Mà tất cả các mặt hàng này đều là nguyên liệu để sản xuất xi măng.

Cảng Tuấn An Phú cơ sở vật chất yếu kém hơn “người hàng xóm” Thanh Phước, nhưng lại có giá thuê cao hơn rất nhiều. Cụ thể, Thạnh Phước còn có nhiều trang thiết bị bốc dỡ hiện đại khác, bãi chứa container, các loại hàng rời, hàng kiện nặng, trạm cân điện tử 100 tấn, các kho hàng tổng hợp với qui mô 1.800 m2 cho mỗi kho hàng. Giá dịch vụ đối với lượng hàng từ 10.000 tấn trở lên, Thạnh Phước chỉ lấy giá 20.000 đồng/tấn. So với giá 21.120 đồng/tấn của Tuấn An Phú.

Có thể thấy thông qua trung gian, VINCEM đã làm thất thoát của Nhà nước hàng trăm tỷ tỷ đồng thông qua việc thuê công ty trung gian vận chuyển. Điều này là do năng lực quản lý yếu kém hay có sự ưu ái, câu kết của những người thân thiết với nhau để chuộc lợi thì còn chơ cơ quan chức năng vào cuộc điều tra.

Nhóm PVĐT
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo