Môi trường

Ô nhiễm mùi hôi: không ai bênh vực người dân

Bùng phát dịch ruồi, quanh năm mùi rác phát tán theo hướng gió… là tình trạng xảy ra xung quanh khu vực nhà máy xử lý chất thải rắn đô thị Vietstar (công ty cổ phần Vietstar), tại khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc Củ Chi, TP.Hồ Chí Minh, đã bị lặp lại nhiều lần suốt gần ba năm qua. Nhiều người dân xã Thái Mỹ sau nhiều lần kêu cứu không thành phải sống trong mệt mỏi.

Theo người dân ấp Mỹ Khánh A, xã Thái Mỹ, nhiều ngày qua, theo hướng gió, mùi hôi bay xa cả 3 – 4km, phủ lên cuộc sống của họ. “Tình trạng này đã kéo dài suốt gần ba năm qua nhưng chúng tôi không thể quen được vì mùi quá hôi, càng xa nhà máy càng nặng mùi”, ông Bảy, một người dân địa phương cho hay.

 

Một người dân khác là anh N.A.Q. kể: “Người lạ tới không quen, phải vừa nói chuyện vừa bịt mũi. Nhiều người ở đây khi khám bệnh đều có dấu hiệu viêm đường hô hấp, viêm phế quản”. Còn bà Lê Thị Hằng, tổ trưởng tổ 14, cho biết: “Từ ngày Vietstar về đây, tui khọt khẹt cổ họng, nhức mũi, phải uống thuốc quanh năm”.

 

Tình trạng trở nên tệ hơn khi công nhân nhà máy xử lý rác đình công ngay trước tết Nguyên đán vừa qua khiến hoạt động xử lý rác bị gián đoạn. Đa số công nhân là người dân địa phương, theo họ nguyên nhân là do họ làm việc cả năm trong môi trường độc hại, nhưng công ty lại không có chế độ phù hợp, ngay cả việc phát khẩu trang bảo hộ cho công nhân thì thời gian gần đây cũng là khẩu trang vải, một tháng mới được thay hai lần, trong khi phải tiếp xúc với rác mỗi ngày… 

 

"Bọn tui đều là người dân địa phương, làm việc cho nhà máy nhưng chính cuộc sống bản thân, ông bà, cha mẹ, con cái mình đều bị ảnh hưởng do mùi hôi thối, ruồi bùng phát từ nhà máy”, một công nhân cay đắng nói.

 

Bà Lê Thị Hằng cho biết dân ở đây đã làm đơn gửi đi nhiều nơi, đề nghị được cấp thẻ bảo hiểm y tế và tiền độc hại, nhưng cả năm rồi, không thấy ai trả lời.

 

Ngoài mùi hôi, trong tết vừa qua, gần 30 hộ dân tổ 14 phải ăn tết chung với “dịch ruồi khủng khiếp”. Vợ anh N.V.P. mệt mỏi kể lại: “Ruồi đậu đen sàn nhà, bạn bè đến chúc tết mà chúng tôi mặc cảm, vì không ai dám ngồi lâu hay ăn uống gì, có người nể bạn, quơ vài đũa cũng đứng lên”.

 

Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Lan Phương, trợ lý chủ tịch hội đồng quản trị công ty cổ phần Vietstar, giải thích: nhà máy có một đội xử lý mùi, thường xuyên đi phun xịt tại những nhà người dân bị ảnh hưởng, nhưng do nhà máy quá gần khu dân cư, nên mưa gió mạnh thì khó kiểm soát kịp thời, khó triệt để. “Chúng tôi cũng ghi nhận tình trạng ruồi xuất hiện nhiều ở khu vực người dân tổ 14, sẽ cho nhà máy kiểm tra và báo lại sau. Tuy nhiên cũng không loại trừ trường hợp do nhiều nhà nuôi gia súc, hoặc ở vùng trũng, bụi rậm nên ruồi xuất hiện”, bà Phương nói.

 

Theo SGTT

 

 

Đã đến lúc phải tính chuyện bồi thường

Ô nhiễm mùi, một vấn đề mà cho đến nay, những người dân bị ảnh hưởng đều khó lòng chứng minh được thiệt hại về sức khoẻ và tinh thần. Theo GS Lê Huy Bá (Đại học Nguyễn Tất Thành), mùi từ bãi rác rất độc, độc nhất là mùi H2S, thứ hai là CO, nó không thể hiện rõ, chỉ hơi thoang thoảng nhưng rất độc (quá trình chuyển hoá sang C02 mà không hoàn toàn thì chuyển thành C0). Trong mùi ở bãi rác còn kèm nhiều vi khuẩn gây bệnh trong không khí… Độc từ những mùi tác động vào khứu giác, khiến con người không còn độ nhạy với mùi, tác động vào thần kinh làm tê liệt thần kinh, đi sang các bộ phận khác trong cơ thể con người. Dân đã ở đó mà nhà máy đến sau, gây ảnh hưởng thì phải có đền bù cho dân, và cần di dời dân ra khỏi khu vực.

Ông từng cho rằng mùi ở giai đoạn trung gian trong chuyển hoá là độc nhất?

Giai đoạn trung gian trong chuyển hoá mùi là độc nhất. Mùi ở các bãi rác hiện nay đang là ở giai đoạn trung gian (khi bãi rác không tiếp nhận rác sau 10 – 15 năm sau thì mới là an toàn).

Theo ông, hạn chế trong xử lý và xử phạt vì ô nhiễm mùi hiện nay ở Việt Nam thế nào?

Việt Nam đã có quy định về mùi nhưng hiện nay còn chưa đầy đủ, chưa cụ thể; ước lệ, định tính hơn là định lượng; quy định chưa rõ ràng, chưa bênh vực được người dân khi bị ảnh hưởng. Nhiều nước trên thế giới, nhất là Bắc Âu, có những quy định rất chặt chẽ về mùi, mức độc của từng loại mùi, mức xử phạt… Việt Nam mình còn ít nghiên cứu về mùi quá! Loại mùi gì, độ nhạy bao nhiêu, khống chế mùi thế nào… Ví dụ, vào toilet mùi ammoniac ghê lắm, bỏ thêm long não vào, mùi này nó cũng rất độc, nhưng thật ra bỏ mùi này lấn át mùi khác thì không có nghĩa là đã khử mùi đó rồi. Nó vẫn tồn tại.

Tôi cho rằng cần phải có đền bù thiệt hại về sức khoẻ khi mùi gây ra ảnh hưởng lớn. Tính toán thiệt hại do mùi khó, nhưng làm được. Định lượng mùi, ảnh hưởng thế nào với sức khoẻ, là những mùi gì, vẽ được lan truyền của mùi theo hướng gió trong không khí, khoanh phạm vi ảnh hưởng, mức độ ảnh hưởng… Kết hợp với định tính, cảm quan. Nhiều bệnh liên quan do mùi gây ra lắm: ung thư, viêm mũi dị ứng, hen suyễn, gây ra bệnh ngơ ngác vì mùi… Rồi so sánh với vùng đối chứng về tỷ lệ bệnh… Chỉ tiếc là ở Việt Nam ta, chuyện này chưa được quan tâm đúng mức.

 
 
  
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo