Pháp luật

Phạm Công Danh đưa 500 tỷ cho Hà Văn Thắm để làm gì?

(DNVN) - Phạm Công Danh khi tiếp nhận Ngân hàng Đại Tín (tiền thân của VNCB) đã chuyển cho ông Hà Văn Thắm (Ngân hàng Đại Dương) 500 tỷ đồng để chi chăm sóc khách hàng vì trước đó ông Thắm muốn mua lại ngân hàng này để tái cơ cấu nhưng không được đồng ý...

Theo báo Tuổi Trẻ, hôm nay, 29/7, ngày tiếp theo của phiên xét xử Phạm Công Danh và 35 đồng phạm trong vụ án làm thất thoát 9.000 tỷ đồng xảy ra tại Ngân hàng Xây Dựng (VNCB), lần đầu tiên, HĐXX đã thực hiện việc xét hỏi đối với bị cáo Phạm Công Danh.

Tại phiên tòa, khi HĐXX hỏi về việc nhóm cổ đông Phạm Công Danh đã tiếp nhận ngân hàng Đại Tín như thế nào thì bị cáo Danh trả lời vòng vo về bối cảnh và hoàn cảnh.

Phạm Công Danh cho rằng hoàn cảnh tiếp nhận Đại Tín (tiền thân của VNCB) là khi ngân hàng này cũng như hàng chục ngân hàng thương mại khác đã phải sử dụng số tiền lên đến 7% (số tiền khách hàng gửi) để chăm sóc lại chính họ ngoài lãi suất ngân hàng quy định.

Khi bị cáo tìm hiểu thì hệ thống ngân hàng này trong toàn quốc đang nợ tiền "chăm sóc khách hàng" đến gần 2 năm. Ở chỗ nào cũng đòi.

Phạm Công Danh tại tòa sáng 29/7. Ảnh: Báo Tiền Phong.

Bản thân bị cáo Danh muốn xây dựng một ngân hàng hoàn toàn mới để phục vụ cho ngành xây dựng, giống như hệ thống phát triển ngành nghề của nhiều quốc gia khác trên thế giới, nhưng đề xuất này đã không được chấp thuận và Danh được gợi ý tái cơ cấu ngân hàng Đại Tín.

Sau khi tìm hiểu và được biết, bối cảnh khó khăn, một số người có khả năng tài chính mà bị cáo này mời họ tham gia cổ đông thì họ đều từ chối.

Do đó, bị cáo đã đưa một danh sách gồm 20 cá nhân (trong đó có những người thân của bị cáo danh và 2 bị cáo trong vụ án này), 1 pháp nhân (tập đoàn Thiên Thanh) để gửi Ngân hàng Nhà nước.

Bị cáo Danh thừa nhận dù những cá nhân này đều không có khả năng tài chính nhưng họ đều cam kết có tiền để Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho phép Phạm Công Danh nhận chuyển nhượng cổ phẩn từ nhóm của bà Hứa Thị Phấn (cổ đông cũ).

Bị cáo Danh khai khi tiếp nhận ngân hàng này, bị cáo đã chuyển cho ông Hà Văn Thắm (Ngân hàng Đại Dương) 500 tỷ đồng để chi chăm sóc khách hàng vì trước đó ông Thắm muốn mua lại ngân hàng này để tái cơ cấu nhưng không được đồng ý.

 

Và cũng theo Phạm Công Danh, ban đầu Hà Văn Thắm đòi 1.000 tỷ đồng, sau đó là 800 tỷ đồng rồi cuối cùng là  500 tỷ đồng (tiền chi phí chăm sóc khách hàng).

“Khi tiếp nhận ngân hàng Đại Tín, tôi thật sự ‘sốc’ khi nợ nần và rồi tui đại diện trả rất nhiều tiền thanh toán toàn bộ các chi phí chăm sóc khách hàng…”, Phạm Công Danh khai.

Bị cáo Danh cũng khai sau khi tiếp nhận ngân hàng bị cáo phải trả những khoản tiền rất lớn chi chăm sóc khách hàng do ông Thắm để lại từ tất cả các chi nhánh. "Bị cáo là người trực tiếp chi trả tất cả con số quá lớn do sức khỏe trí nhớ nên bị cáo không nhớ một con số cụ thể, không có giấy tờ", ông Danh khai.

Khi tòa hỏi tại sao trong danh sách nhóm cổ đông mới nhiều người không có khả năng tài chính, năng lực nhưng vẫn được đưa vào danh sách cổ đông? "Tôi hết sức cảm ơn HĐXX đã hỏi câu hỏi này. Vì tôi nghĩ rằng tôi dựa vào tiền và tài sản bất động sản của mình tôi sẽ vực ngân hàng dậy. Tôi đưa vào để đủ thủ tục, tôi cũng xin lỗi những người tôi đưa tên vào danh sách làm ảnh hưởng đến họ", ông Danh phân trần. Để đảm bảo sức khỏe cho bị cáo, tòa giải lao ít phút.

Trở lại làm việc, HĐXX cho bị cáo ngồi để trả lời nhưng bị cáo từ chối. Tòa hỏi số tiền trên hợp đồng chuyển nhượng với bà Phấn ghi bao nhiêu, bị cáo khai là 4.620 tỷ đồng. Tòa hỏi thế bị cáo đã chuyển hết tiền chưa?

 

"Chúng tôi đã trả khoảng hơn 3.600 tỷ đồng gì đó. Đây là sai lầm lớn nhất của tôi. Tôi cũng mong tòa đưa số tiền này vào vụ án để thu hồi trả cho VNCB", Phạm Công Danh khai và đề nghị. Tòa đặt câu hỏi vậy 3.600 tỷ đồng này lấy từ đâu ra? Có khoản nào bị cáo lấy từ hành vi cố ý làm trái và vi phạm quy định cho vay để trả nhóm bà Phấn không? Sau khi trả lời lòng vòng vòng Danh nói không nhớ.

Cũng trong phần thẩm vấn, bị cáo Danh nhiều lần gửi lời xin lỗi đến các bị cáo khác trong vụ án. Với người thân, bị cáo lại bật khóc khi nhắc đến cha và gia đình vì bị cáo đã đem thế chấp cả nhà cửa, tài sản vì giấc mộng nhà băng.

Nên đọc
Hòa Hậu (t/h)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo