Pháp luật

Phạm Công Danh gặp họa vì "ôm mộng" làm giàu từ ngân hàng

(DNVN) - Vì "giấc mơ" làm giàu từ ngân hàng mà giờ đây Phạm Công Danh đã phải hầu tòa và sắp sửa sẽ phải lâm vào cảnh vào tù ra tội. Điều này cũng đã được chính bản thân bị cáo thừa thận trước nhà chức trách.

Giữa năm 2012, với tư cách là doanh nhân - người nắm giữ Tập đoàn Thiên Thanh với tiềm lực tài chính rất lớn, ông Phạm Công Danh được ông Hà Văn Thắm (Chủ tịch Ngân hàng Đại Dương) gợi ý mua lại Ngân hàng Đại Tín do bà Hứa Thị Phấn làm Chủ tịch HĐQT, theo báo VnExpress.

Là doanh nghiệp thành công đi lên từ nghề kinh doanh vật liệu xây dựng, ông Danh có ý tưởng thành lập một ngân hàng riêng biệt nhằm thúc đẩy ngành xây dựng như những ngân hàng chuyên biệt ở các nước phát triển.

Sau cuộc gặp gỡ ba bên, dù biết Đại Tín đang bị âm chủ sở hữu là 2.800 tỷ và lỗ lũy kế hơn 6.000 tỷ đồng, 95% dư nợ xấu không có khả năng thu hồi, song Chủ tịch tập đoàn Thiên Thanh vẫn bất chấp. Ngoài 500 tỷ đồng trả cho ông Thắm (được cho là tiền đã bỏ ra để chăm sóc khách hàng của Đại Tín trong thời gian tiếp quản lại từ bà Phấn), ông Danh đồng ý mua lại ngân hàng này với giá 4.620 tỷ đồng.

Cũng theo báo VnExpress, lúc này, tài sản của Đại Tín còn hơn 100 tỷ đồng tiền mặt, 2 lô đất tại quận 2 và huyện Nhà Bè với giá trị ước tính khoảng 7.000 tỷ đồng. Nhưng thực tế hai lô đất này đã bị bà Phấn và các cổ đông khác đem thế chấp cho chính Đại Tín để đảm bảo cho các khoản vay trước đó.

Ông Danh sau đó đặt vấn đề với Phan Thanh Mai (từng là Tổng thư ký hiệp hội bất động sản Việt Nam và làm việc ở nhiều ngân hàng) nhờ viết đề án quy hoạch tái cơ cấu thành Ngân hàng Xây dựng (VNCB) với tiền công 3,2 tỷ đồng. Sau này, Mai được đưa vào làm Tổng giám đốc VNCB. 

Theo ông Danh, ông và Mai rất “tâm đầu ý hợp”. Ông cũng khá tin tưởng vào tài năng của Mai vì anh từng được đào tạo bài bản ở nước ngoài về quản trị tài chính. Ngồi ghế Chủ tịch VNCB nhưng bản thân không biết gì về tài chính tín dụng nên mọi hoạt động điều hành ông đều giao cho Mai, phần mình chỉ lo tìm cách đi huy động tiền cho ngân hàng.

Lý giải về lý do chấp nhận mua lại một ngân hàng đang thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng, ông Danh nói lúc đó "tự tin vào tiềm lực tài chính của mình" với rất nhiều tài sản của Tập đoàn Thiên Thanh.

"Thời điểm đó, không chỉ Đại Tín mà nhiều ngân hàng khác cũng yếu kém, tình hình bất động sản đóng băng. Tôi tin rằng trong vòng một hai năm sau, bất động sản ấm lên tôi sẽ bán được hai khu đất ở Nhà Bè và quận 2 để xoay sở", ông nói và cho biết cũng hi vọng sẽ thu hồi được 95% nợ xấu mà Đại Tín chưa thu hồi được.

Bị cáo Phạm Công Danh tại một phiên xử.

Thực tế sau khi tiếp quản ông đã phải bán nhiều tài sản của Tập đoàn Thiên Thanh, tài sản cá nhân cũng như tìm mọi cách để có tiền trả hơn 7.000 tỷ đồng nợ gốc và lãi cho nhóm Phú Mỹ mà Đại Tín nợ, cũng như chăm sóc khách hàng mà ngân hàng này để lại. Do không đủ tiền hoàn thành nghĩa vụ trả nợ cho nhóm Phú Mỹ nên ông không thể giải chấp hai khu đất tại Nhà Bè và quận 2 để lấy ra chuyển nhượng.

Ngoài ra, 95% khoản nợ xấu của Đại Tín ông cũng không thể thu hồi được đồng nào dù đã làm nhiều văn bản nhờ Ngân hàng Nhà nước can thiệp bằng mọi hình thức, kể cả kiện dân sự.

Tài sản không thể lấy ra, nợ không thể thu hồi, Chủ tịch Ngân hàng Xây dựng bắt đầu rơi vào vòng luẩn quẩn. Một số cổ đông thấy tình hình thua lỗ nên lần lượt rút lui. Ông cũng nhiều lần làm việc với Ngân hàng Nhà nước xin rút lui khỏi đề án tái cơ cấu VNCB nhưng được động viên nên tiếp tục làm. 

Để có tiền duy trì hoạt động của ngân hàng, ông cho biết đã phải trả lãi suất ngoài vượt trần quy định để vay tiền của các nhóm khách hàng lớn, trong đó có nhóm bà Trần Ngọc Bích (Giám đốc công ty TNHH Tân Hiệp Phát). Đồng thời, chỉ đạo dàn lãnh đạo cấp dưới ra chủ trương làm trái quy định của Nhà nước trong quản lý kinh tế cũng như trong hoạt động tín dụng để rút tiền của VNCB ra thông qua các hợp đồng khống.

Theo kết quả kiểm toán, đến cuối năm 2012, sau nửa năm tiếp nhận Đại Tín, lỗ lũy kế của ngân hàng này đã tăng lên 8.000 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu là âm 5.000 tỷ. Đến cuối 2013, kết quả kinh doanh của VNCB lỗ lũy kế là 11.000 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu là âm 8.000 tỷ. Đến thời điểm khởi tố vụ án, vốn chủ sở hữu âm 18.469 tỷ đồng, tổng nợ phải trả là 38.000 tỷ đồng.

 

Tháng 7/2014, ông Phạm Công Danh và Tổng giám đốc Phan Thành Mai cùng nhiều lãnh đạo cấp dưới của VNCB bị bắt. Trước tình trạng của VNCB, Ngân hàng Nhà nước sau đó phải mua lại với giá 0 đồng, toàn bộ quyền, lợi ích và tư cách cổ đông của ông Phạm Công Danh tại ngân hàng này bị chấm dứt.

Ông Danh bị cáo buộc cùng động phạm thực hiện các hành vi trái pháp luật trong quá trình tái cơ cấu VNCB gây thất thoát 9.000 tỷ đồng. Ngoài ra, hành vi sai phạm của ông và những người liên quan còn được tách ra để xử lý trong một vụ án khác.

Xác nhận với HĐXX, ông thừa nhận những con số trên là đúng và hoàn toàn nhận trách nhiệm về thua lỗ này. Ông cho biết, quá trình tái cơ cấu Ngân hàng Xây dựng, nhận thấy không đủ sức tiếp tục làm nên đã cùng Phan Thành Mai trực tiếp mang hết hồ sơ nộp cho cơ quan điều tra, trả lại cho Ngân hàng Nhà nước.

Mong được trả lại 3.600 tỷ để khắc phục hậu quả

Trong phiên xét xử ngày 5/8, Phạm Công Danh đã đề nghị Hội đồng xét xử thu hồi 3.600 tỷ đồng mà bị cáo này đã trả cho bà Hứa Thị Phấn (để mua lại Ngân hàng Xây dựng) để khắc phục hậu quả.

 

Cụ thể, tại phiên tòa này, bị cáo Danh cho rằng hợp đồng được ký giữa Danh và bà Phấn về việc chuyển nhượng cổ phần và các tài sản đi kèm là hợp đồng không hợp pháp, bởi liên quan đến những tài sản mà bà Phấn ký chuyển nhượng cho Danh, bà Phấn không có quyền được chuyển nhượng tài sản đó.

Do đó, bị cáo Danh đề nghị HĐXX thu hồi lại khoản tiền Danh đã chuyển vào tài khoản của bà Phấn để khắc phục hậu quả vụ án.

"về khoản 3.600 tỷ trong quan hệ với bà Phấn thì từ trước khi bị bắt cho đến bây giờ tôi vẫn nhận thức rằng hợp đồng đó vô hiệu, mong bà Phấn trả lại khoản tiền đó cho tôi để tôi khắc phục hậu quả. Nếu ngân hàng có phát mại các tài sản này và giá trị cao hơn thì tôi cũng chỉ xin nhận khoản tiền tôi đã trả cho bà Phấn", bị cáo danh nói tài phiên tòa vừa qua.

Ngoài ra, phần xét hỏi của luật sư cũng cho thấy rõ, nếu cộng số tiền được thể hiện trên hồ sơ: 3.600 tỷ đồng đã chuyển vào tài khoản của bà Hứa Thị Phấn, 4.500 tỷ đã chuyển vào tài khoản của Ngân hàng Nhà nước và 2.600 tỷ đồng đã định giá cho khối tài sản tại Đà Nẵng thì số tiền này đã đủ để khắc phục hậu quả của vụ án.

"Tôi không đồng ý dùng tài sản 2.600 tỷ theo định giá đề nghị để đối trừ khắc phục hậu quả vì tiền đền bù đã hơn số tiền đó rồi, tôi chấp nhận đến lúc Hội đồng xét xử xử lý theo phương án nào đó vì đằng nào tôi cũng đã sai phạm rồi", bị cáo Danh nói.

 

"Chỉ cần 5 phút điện thoại là đã biết được giá trị lô đất đó rồi. Nếu được cho phép tôi không cần phải bán chỉ cần VNCB phối hợp giám sát cho Tập đoàn Thiên Thanh phân lô các lô đó chỉ cần bán 1.000 lô thôi chứ không cần bán hết đã thừa 3.000 tỷ rồi chưa kể các giá trị khác. Nhưng làm một giải pháp tạm thời để tính tạm thời thì tôi đồng ý", Phạm Công Danh nói thêm.

Nên đọc
Hòa Hậu (t/h)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo