Xã hội

Phân luồng tuyến xe khách: Đối thoại căng thẳng chưa có hồi kết

Cuộc đối thoại căng thẳng kéo dài 3 tiếng vào chiều nay giữa các doanh nghiệp bị điều chuyển luồng tuyến với Bộ Giao thông Vận tải, thành phố Hà Nội kết thúc với nhiều chất vấn chưa có lời giải.

Là người đầu tiên phát biểu, ông Nguyễn Sơn La (doanh nghiệp vận tải của tỉnh Thái Bình) cho biết, gần 60 ngày thực hiện lệnh điều chuyển, xe không có khách, kể cả trong dịp Tết Nguyên đán cũng vắng, theo tin tức trên báo Vnexpress.

“Tôi khẳng định, tất cả doanh nghiệp đều lỗ. Nếu bến xe Mỹ Đình còn, tôi khẳng định không khách nào ra bến Nước Ngầm”, vị này nói và đề nghị cho thời gian thực hiện điều chuyển.

Các doanh nghiệp bị điều chuyển luồng tuyến kiến nghị được về bến Mỹ Đình hoạt động. Ảnh ANTĐ.

Nói thêm về việc làm ăn thua lỗ, ông Nguyễn Văn Thạc, Giám đốc công ty vận tải Nam Trực, Chủ tịch hiệp hội vận tải ôtô Nam Định thông tin, sau gần 2 tháng đưa xe từ bến Mỹ Đình về Nước Ngầm “một doanh ngiệp có 10 đầu xe thì tháng đầu thua lỗ 320 triệu, tháng thứ 2 là 270 triệu đồng”.

Chỉ ra báo cáo của Sở Giao thông có nhiều điểm chưa đúng, ông Trần Ngọc Quảng chủ nhà xe Hà Sơn Hải cho rằng: “Báo cáo chưa phù hợp với thực tế, chỉ ra văn bản mà chưa biết thực tế là như thế nào”.

Vị này cho biết, sau 2 tháng điều chuyển bến xe Giáp Bát và Nước Ngầm lượng khách tăng không đáng kể. Vậy khách đã đi đâu? Đề nghị Sở Giao thông xem xét. “Nguyên nhân xe khách tuyến cố định làm ùn tắc giao thông là không có cơ sở. Tại sao xe khách không vào nữa mà phố vẫn tắc?”, ông nêu câu hỏi.

Nhiều doanh nghiệp đề nghị được quay về kinh doanh tại bến Mỹ Đình như trước. Thậm chí có doanh nghiệp còn giơ 2 giấy nợ ngân hàng để nói đến việc sắp phá sản nếu không được giải quyết các khó khăn do điều chuyển luồng tuyến gây ra.

Phát biểu tại buổi đối thoại, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường chia sẻ với các khó khăn mà DN đang gặp phải, báo Pháp luật TP. HCM đưa tin.

 

Ông Trường thừa nhận nguyên nhân dẫn đến ùn tắc giao thông có lỗi đầu tiên là việc quy hoạch còn chậm so với thực tế phát triển; quy hoạch thiếu tầm nhìn dẫn đến quá tải và các hiện tượng tiêu cực trong vận tải hành khách. Mặc dù không phải hoàn toàn nhưng xe khách cũng là một trong những nguyên nhân.

Đối với tình trạng xe "dù", bến "cóc", Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho rằng các cơ quan quản lý còn kém, chưa quản lý tốt các loại xe hợp đồng. Quá trình điều chuyển diễn ra nhanh nhưng cơ quan nhà nước lại chưa theo kịp khi không bố trí được xe kết nối, dẫn tới bức xúc.

Ông Trường cho hay sẽ ghi nhận kiến nghị của các DN để báo cáo Thủ tướng, từ đó xem xét việc điều chỉnh sao cho hợp lý. Trong đó, biện pháp quan trọng mà cơ quan chức năng cần làm là phải làm sao để Bến xe Nước Ngầm có khách.

“Có thể tạm dừng cấp phép xe hợp đồng với tất cả các tỉnh liên quan; giao thanh tra phối hợp với công an kiểm tra toàn bộ xe hợp đồng, xe "dù", bến "cóc" hiện nay, nếu vi phạm có thể thu hồi giấy phép…” - ông Trường nói.

Nên đọc
Dã Qùy (Tổng hợp theo báo Vnexpress, Pháp luật TP. HCM)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo