Pháp luật

Cần khung pháp lý xử phạt hành vi làm lây bệnh từ động vật hoang dã sang người

DNVN - Để giảm thiểu rủi ro về sức khỏe tại các trang trại gây nuôi động vật hoang dã, báo cáo của Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) và Ban Thư ký Đối tác Một sức khỏe Việt Nam khuyến nghị, cần phát triển các khung pháp lý xử phạt hành vi gây bệnh từ nuôi động vật hoang dã sang người.

VECOM: Nhức nhối nạn rao bán động vật hoang dã trên Facebook, Lazada, Sendo, Tiki / Ra mắt mạng lưới phóng viên điều tra phòng, chống buôn bán động vật hoang dã trái phép

Phát biểu tại Hội thảo nâng cao nhận thức về phương pháp tiếp cận Một sức khỏe nhằm giảm thiểu nguy cơ bệnh lây truyền từ động vật sang người phát sinh từ gây nuôi động vật hoang dã (ĐVHD) và tổng kết dự án "Giảm thiểu rủi ro sức khỏe phát sinh từ thương mại ĐVHD ở Việt Nam" (Dự án), sáng ngày 19/12, ông Vũ Thanh Liêm - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng, Dự án đã đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận.

Các kiến thức về phương pháp tiếp cận Một sức khỏe được phổ biến nhằm cân bằng và tăng cường sức khỏe của con người, động vật và môi trường. Góp phần rà soát khung chính sách và tiêu chuẩn kỹ thuật cho các trang trại gây nuôi ĐVHD cho mục đích thương mại ở Việt Nam. Từ đó, khuyến nghị về xây dựng chính sách và các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh trong gây nuôi ĐVHD.

Ông Vũ Thanh Liêm - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đánh giá cao vai trò của Dự án.

Theo nghiên cứu của GIZ và Ban Thư ký Đối tác Một sức khỏe Việt Nam về chính sách gây nuôi ĐVHD cho mục đích thương mại tại Việt Nam, gây nuôi ĐVHD là hoạt động phổ biến ở Việt Nam. Mặc dù hệ thống pháp luật quy định việc gây nuôi ĐVHD vì mục đích thương mại tương đối toàn diện nhưng các quy định lại khá chung chung và không có hướng dẫn chi tiết cho việc thực hiện.

Đáng chú ý, Việt Nam còn thiếu hướng dẫn chi tiết và tiêu chuẩn gây nuôi ĐVHD. Trách nhiệm theo dõi công tác phòng, chống dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người tại các cơ sở gây nuôi ĐVHD chưa được quy định rõ ràng. Ví dụ, chi cục thú y cấp tỉnh chỉ được giao trách nhiệm theo dõi gia súc mà không đề cập đến các trang trại nuôi ĐVHD.

“Không có hình phạt nào được đưa ra đối với việc không tuân thủ liên quan đến việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát bệnh dịch lây truyền từ động vật sang người tại các trang trại ĐVHD. Việc thiếu hệ thống đánh dấu động vật gây ra nguy cơ hợp thức hóa động vật săn bắt trái phép thông qua các cơ sở gây nuôi thương mại”, nghiên cứu nhấn mạnh.

Cùng với đó, việc thiếu các quy định cụ thể về tần suất báo cáo của người gây nuôi có nguy cơ dẫn đến việc không báo cáo hoặc báo cáo không thường xuyên, thiếu khả năng theo dõi chặt chẽ. Các mẫu kế hoạch nuôi và sổ theo dõi các trang trại ĐVHD cũng thiếu cụ thể hoặc quá phức tạp để chủ trang trại có thể hoàn thành đầy đủ và phù hợp.

Nghị định 84/2021/NĐ-CP ngày 22/9/2021 không quy định thời gian để chủ trang trại nuôi ĐVHD quý, hiếm phải đăng ký cơ sở. Có quá nhiều danh mục ĐVHD trong các văn bản pháp luật khác nhau (có tới 10 danh mục).

Điều bất cập là chi cục kiểm lâm không được giao nhiệm vụ chia sẻ thông tin về các trang trại ĐVHD đã đăng ký với chi cục thú y và chăn nuôi. Chi cục thú y và chăn nuôi không hoặc chỉ kiểm tra đột xuất các yêu cầu về sức khỏe và an ninh sinh học tại các cơ sở gây nuôi ĐVHD.

Các chủ trang trại được GIZ và Ban Thư ký Đối tác Một sức khỏe Việt Nam phỏng vấn, đa phần nhận thấy nguy cơ xuất hiện và lây lan bệnh từ động vật sang người ở các trang trại ĐVHD là thấp. Điều này là do khả năng tiếp cận thông tin về các bệnh lây truyền từ động vật sang người và cách điều trị còn hạn chế.

Người chăn nuôi tiếp cận thông tin về các bệnh lây truyền từ động vật sang người và cách điều trị còn hạn chế.

Trước thực trạng đáng lo ngại này, GIZ và Ban Thư ký Đối tác Một sức khỏe Việt Nam khuyến nghị cần xây dựng các yêu cầu cụ thể (về yêu cầu kỹ thuật, tiêu chuẩn và biện pháp an toàn sinh học/an toàn sinh học, giám sát dịch bệnh và truy xuất nguồn gốc) đối với hoạt động gây nuôi ĐVHD vì mục đích thương mại.

Cần phát triển các khung pháp lý xử phạt việc không tuân thủ (tức là các hình phạt được áp dụng khi không đáp ứng các yêu cầu nêu trên). Đồng thời, xây dựng các tiêu chí để xác định các phân loại và thực hành ĐVHD có nguy cơ lây nhiễm bệnh dịch cao ( dựa trên lịch sử lây truyền, bằng chứng về mầm bệnh lây truyền từ động vật sang người) trong gây nuôi và sử dụng ĐVHD.

Được biết, để thúc đẩy việc lồng ghép các biện pháp an ninh sinh học áp dụng tại các trang trại gây nuôi ĐVHD, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang triển khai việc hoàn thiện một nghị định sửa đổi thay thế Nghị định 06/2019/NĐ-CP ngày 22/1/2019 và Nghị định 84/2021/NĐ-CP ngày 22/9/2021về quản lý các loài động, thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực hiện Công ước quốc tế về thương mại các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp. Dự kiến, nghị định sửa đổi sẽ trình Chính phủ trong năm 2024.

Hà Anh
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm