Pháp luật

Công an Bình Dương nói về việc khởi tố nguyên Bí thư thị xã Bến Cát

Trên cơ sở chứng cứ thu thập được, cơ quan điều tra đã đủ căn cứ xác định hành vi của ông Khanh là cấu kết với ngân hàng, doanh nghiệp, vi phạm quy định quản lý tài sản Nhà nước, gây thất thoát, lãng phí nhiều tỷ đồng.

Khởi tố thêm tội danh thứ 5 đối với Vũ “nhôm” / Vay hơn 10 tỷ đồng, chủ tiệm vàng mất tích khỏi nơi cư trú

Đại tá Trần Văn Chính, Phó Giám đốc Công an tỉnhBình Dương thông tin về sự việc.

Chiều nay (10/8), Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Dương phối hợp cùng Công an tỉnh tổ chức họp báo thông tin chi tiết vụ khởi tố, bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Hồng Khanh, Tỉnh uỷ viên, nguyên Bí thư thị xã Bến Cát.

Đại tá Trần Văn Chính - Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an tỉnh đang thụ lý điều tra vụ án “Vi phạm các quy định sử dụng tài sản nhà nước sai quy định gây thất thoát lãng phí” và “Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại xã An Tây, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương.

Theo Đại tá Chính, cơ quan điều tra xác định: Thời gian từ năm 2005-2008, bà Hồ Thị Hiệp, Giám đốc Công ty An Tây đã vay tiền ngân hàng để phục vụ cho sản xuất kinh doanh. Cụ thể, đơn vị này vay của Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Tây Sài Gòn khoảng 72 tỷ đồng với tài sản thế chấp ngân hàng là hơn 20ha đất, nhà xưởng và máy móc thiết bị; định giá tài sản thế chấp theo thời gian thế chấp giai đoạn năm 2005-2008 là khoảng 80 tỷ đồng.

Năm 2008, Công ty An Tây không còn khả năng trả nợ nên ngân hàng tiến hành khoanh nợ xấu. Đến năm 2011, ngân hàng sử dụng quỹ dự phòng để xử lý rủi ro. Sau đó, ngân hàng xử lý tài sản thế chấp để thu hồi nợ.

Việc thực hiện xử lý tài sản thế chấp được thực hiện từ năm 2012-2015 do ông Nguyễn Huy Hùng (Giám đốc Chi nhánh BIDV Tây Sài Gòn) và ông Nguyễn Quang Lộc (Phó trưởng phòng Quan hệ khách hàng 1 Chi nhánh này) thực hiện.

Phương thức xử lý tài sản thế chấp được ngân hàng giao cho bà Hồ Thị Hiệp tự bán, bên mua là ông Nguyễn Hồng Khanh -nguyên Bí thư thị xã Bến Cát.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, nguyên Bí thư thị xã Bến Cát, Bình Dương.

Việc xử lý tài sản như trên do ông Hùng, Lộc thực hiện được xác định là không đúng với quy định tại Nghị định số 163 ngày 29/12/2006 của Chính phủ, quy định về nguyên tắc xử lý tài sản đảm bảo, quy định về giao dịch đảm bảo cho vay.

Ông Hùng và Lộc đã không có văn bản thoả thuận với bên bán, không định giá tài sản, không đưa ra đấu giá tài sản, tự ý hạ thấp giá trị tài sản.

Cụ thể, giá trị tài sản thế chấp ban đầu là hơn 80 tỷ đồng nhưng các bị can Hùng, Lộc thỏa thuận với bà Hiệp và ông Khanh hạ thấp giá bán, chỉ đưa 1 phần vào ngân hàng là 8,7 tỷ đồng. Ông Khanh trực tiếp giữ lại 1 phần, đưa bà Hiệp số tiền là 4,1 tỷ đồng.

Tính tới thời điểm hiện tại, số nợ BIDV Tây Sài Gòn của Công ty An Tây là 106 tỷ, ngân hàng không thu hồi nợ được.

Cơ quan cảnh sát điều tra xác định, hành vi của bị can Hùng, Lộc đủ yếu tố cấu thành tội phạm vi phạm quy định sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát.

Quá trình điều tra xác định ông Nguyễn Hồng Khanh từng là Phó Chủ tịch, Chủ tịch UBND thị xã Bến Cát đã thỏa thuận thống nhất với một bộ phận ngân hàng (ông Hùng, ông Lộc) và bà Hồ Thị Hiệp trích 50% giá trị tài sản bán đưa lại cho bà Hiệp. Cơ quan điều tra đã chứng minh được việc ông Khanh đưa cho bà Hiệp 4,1 tỷ đồng, đúng ra tài sản này ngân hàng thu hồi được.

Ông Lê Hữu Phước, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Dương thông tin tại buổi họp báo.

Trên cơ sở chứng cứ thu thập được, cơ quan điều tra đã đủ căn cứ xác định hành vi của ông Khanh cùng đồng phạm Hùng và Lập vi phạm quy định quản lý tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí tại Điều 219 Bộ luật Hình sự.

Đến ngày 7/5, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã khởi tố, bắt tạm giam 2 đối tượng Hùng và Lộc.

Ngày hôm nay (10/8), cơ quan này tiếp tục khởi tố, bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Hồng Khanh, Tỉnh uỷ viên, nguyên Bí thư thị xã Bến Cát.

Theo Infonet
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm