Môi trường

Phí môi trường không thể cào bằng

Sáng nay 29/12, tại Hà Nội, Cổng thông tin Chính phủ phối hợp với Diễn đàn Các nhà báo Môi trường (VFEJ) và Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI) tổ chức Đối thoại Phí bảo vệ môi trường - Minh bạch trong quản lý, hiệu quả trong sử dụng. Hàng loạt các vấn đề cần tháo gỡ liên quan đến phí môi trường được mổ xẻ cùng các chuyên gia, với đích đến cuối cùng làm làm sao để khoản thu này sử dụng hiệu quả nhất. Doanh nghiệp Việt Nam ghi lại các ý kiến tại buổi đối thoại.

Hàng loạt các vấn đề cần tháo gỡ liên quan đến phí môi trường được mổ xẻ cùng các chuyên gia trong buổi Đối thoại Phí bảo vệ môi trường - Minh bạch trong quản lý

 

Tham dự về phía các chuyên gia có: Bà Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển Cộng đồng, Đại biểu Quốc Hội; Ông Đặng Văn Thanh_Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế & Ngân sách Quốc hội, Chủ tịch Hội Kế toán Kiểm toán Việt Nam; Ông Lê Xuân Trường- Trưởng Khoa Tại chức, Kiêm giảng viên chính Bộ môn Thuế, Học viện Tài Chính

 

+Tại kỳ họp thứ 8, quốc hội khóa 13 Dự thảo Luật Ngân sách đã được sửa đổi và lấy ý kiến của các Đại biểu quốc hội, Ủy ban Quốc hội. Bà có thể cho biết những thay đổi về dự thảo luật đề cập đến sử dụng phí bảo vệ môi trường ?

 

Cộng đồng

 

-Bà Bùi Thị An: Hiến pháp năm 2013 đã sửa đổi và có hiệu lực từ năm 2014. Trên nền đấy thì Luật Ngân sách vừa rồi đã dựa trên mục tiêu rất cao nhằm quản lý các loại ngân sách, thực chất đây là tiền của dân thế nào cho hiệu quả thì trong đó có phí bảo vệ môi trường. Trong đó, để làm tăng hiệu quả chi ngân sách của nhà nước thì phải có giám sát sát của cộng đồng. Đây là điều mới trong luật ngân sách vừa rồi.

 

+ Hiện nay cơ chế quản lý giám sát, sử dụng phí bảo vệ môi trường trong hoạt động khai khoáng đang được áp dụng dưới hình thức nào?

 

-Bà Bùi Thị An: Ký quỹ bây giờ là phải tương xứng với những đơn vị gây ô nhiễm để sau có vấn đề gì thì quỹ này sẽ được bồi hoàn lại những nơi họ gây ô nhiễm ra. Tôi cho rằng đây là một điều rất mới. Tuy nhiên để thực thi việc này sao cho hiệu quả lại là cả một vấn đề. Đặc biệt là vấn đề tổ chức thực hiện và cơ quan giám sát.

 

Tôi nghĩ rằng vai trò giám sát của cộng đồng sẽ được nâng lên rất nhiều. Tuy nhiên để cộng đồng có thể giám sát tốt thì phải cung cấp thông tin cho cộng đồng, cung cấp một cách minh bạch, cụ thể và thông tin phải đến tận người giám sát. Vai trò giám sát cộng đồng sẽ nâng được hiệu quả rất cao trong chi phí, đặc biệt chi phí liên quan đến người dân.

 

Bừa bãi

 

+ Công tác giám sát quản lý đặc biệt quan trọng nhưng cũng có ý kiến việc sử dụng nguồn kinh phí bảo vệ môi trường tại một số địa phương đã từng xảy ra tình trạng chi không đúng, chi không dính dáng đến yêu cầu bảo vệ môi trường như chi sai chế độ, chi quá tay, chi cho những đơn vị không đủ điều kiện được nhận. Vậy việc quản lý giám sát phí bảo vệ môi trường hiện nay đâu là trở ngại lớn nhất?

 

-Ông Đặng Văn Thanh: Nhà nước đã có sự quan tâm rất đặc biệt đối với vấn đề bảo vệ môi trường cũng như nâng cao chất lượng môi trường của Việt Nam trong điều kiện phát triển kinh tế hiện nay. Tuy nhiên, trên thực tế đúng là có những nơi sử dụng phí môi trường chưa được chính xác, đầy đủ và đúng.

 

Luật Ngân sách quy định rất rõ việc phân bổ các kinh phí theo định mức tiêu chuẩn chi tiêu. Nhà nước đã dành một tỷ lệ nhất định, tương đối ổn định trong bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, thực tế cho thấy một số địa phương sử dụng ngân sách phân bổ tỷ lệ nhà nước dành cho bảo vệ môi trường chưa đúng mục đích và chưa theo quy định của nhà nước.

 

Trong quá trình thực hiện chi bảo vệ môi trường cũng có nhiều khoản chi chưa đúng định mức, tiêu chuẩn và đặc biệt chưa đúng mục tiêu đề ra. Không ít những khoản chi sai mục tiêu. Thực tế cho thấy để tăng cường việc quản lý giám sát, trước hết phải công khai minh bạch tất cả các cấp trong địa phương.

 

Thứ hai, cần tăng cường giám sát của các cơ quan nhà nước trực tiếp quản lý nguồn ngân sách, sau đó là hội đồng nhân dân các cấp, quốc hội. Tăng cường thêm các công cụ thanh tra, kiểm tra, kiểm toán thì tôi tin rằng chất lượng sử dụng ngân sách nói chung và chi cho môi trường nói riêng sẽ đảm bảo đúng mục đích.

 

+ Xin ông cho biết đâu là trở ngại lớn nhất?

 

-Ông Đặng Văn Thanh: Tôi cho rằng trở ngại lớn nhất chính là nhận thức về vấn đề bảo vệ môi trường từ các cấp đến nhân dân chưa đầy đủ. Vì vậy, việc phân bổ ngân sách cho các mục tiêu chưa thực hiện đúng.

 

Trong vấn đề môi trường, ngoài vấn đề khắc phục sự cố môi trường thì vấn đề lớn hơn là phòng ngừa, lớn hơn nữa là nâng cao chất lượng môi trường. Mọi việc liên quan đến môi trường đều phải trả giá, và sự trả giá trước hết là những người sử dụng và những người chịu tác động đồng thời ảnh hưởng đến chất lượng môi trường.

 

Vấn đề thứ hai, cần tăng cường vai trò giám sát của các cơ quan dân quyền. Vì vấn đề môi trường là vấn đề xã hội hóa, toàn dân cùng tham gia, các cơ quan đại diện cho người dân phải tích cực hơn nữa trong việc giám sát.

 

+ Một trong những công cụ để tăng cường giám sát là các văn bản quy phạm pháp luật. Nhiều ý kiến cho rằng Thông tư chưa quy định rõ các danh mục chi, cụ thể dẫn đến việc nhiều địa phương sử dụng phí bảo vệ môi trường không hợp lý và chưa đúng mục đích. Ông nghĩ sao về điều này?

 

-Ông Đặng Văn Thanh: Tôi cho rằng hiện nay các văn bản của nhà nước quy định về chi tiêu trong môi trường khá đầy đủ. Trong đó quy định rất rõ những khoản chi với mục đích phòng ngừa sự cố môi trường. Thứ hai là các khoản chi bảo vệ môi trường.

 

Trước tiên là bảo vệ nguồn nước, không khí và môi trường sinh thái. Thứ ba, các danh mục chi góp phần nâng cao chất lượng môi trường.

 

Chúng ta đã tính tới tất cả những yếu tố đó nhưng có điều nhận thức của chúng ta về bảo vệ môi trường chưa đầy đủ nên chưa thấy được tác hại của vấn đề khai thác tài nguyên hay vấn đề phát triển kinh tế liên quan đến môi trường. Nhiều khi chỉ tính lợi trước mặt mà chưa tính tới tác hại lâu dài.

 

Do kỷ cương, kỷ luật chưa tốt nên nguồn lực nhà nước đã phân bổ nhưng không ít địa phương phân bổ bừa bãi, thậm chí lấy nguồn lực này để sử dụng vào mục đích khác.

 

Thứ ba là việc giám sát cộng đồng, của các cơ quan kiểm tra, thanh tra nhà nước chưa chặt chẽ. Ở chừng mực nào đấy chưa được nghiêm gây ra tình trạng chi vượt tiêu chuẩn, chi sai mục đích hoặc không thực hiện đúng theo quy định.

 

“Đười ươi giữ ống”.

 

+Để đảm bảo hiệu quả, tránh lãng phí thì phí môi trường chỉ sử dụng cho xử lý ô nhiễm và cải tạo môi trường. Ngoài ra, cần phải có một tổ chức chuyên trách xử lý chịu trách nhiệm. Ông Lê Xuân Trường nhận xét thế nào về ý kiến này, thưa ông?

 

-Ông Lê Xuân Trường: Tôi cho rằng về mục đích sử dụng phí đương nhiên là như vậy. Trong điều này đã được quy định rõ trong Luật bảo vệ môi trường, trong Nghị định 74-2011 của Chính phủ Quy định về phí bảo vệ môi trường trong hoạt động khoáng sản. Tuy nhiên, việc tổ chức thực hiện như thế nào.

 

Về tổ chức chuyên trách, quản lý phí bảo vệ môi trường về mặt pháp luật chúng ta đã có Luật Bảo vệ Môi trường năm 2005 và Luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi năm 2014 đều có quy định về quỹ bảo vệ môi trường. Quỹ bảo vệ môi trường này thành lập bởi cấp trung ương và cấp tỉnh.

 

Quỹ bảo vệ môi trường có nhiều nhiệm vụ, trong đó có nhiệm vụ quản lý phí bảo vệ môi trường. Quan trọng là tổ chức thực hiện và cơ chế giám sát như thế nào cho thật tốt. Việc quản lý quỹ môi trường nhiều địa phương có tình trạng “đười ươi giữ ống”.

 

Quản lý ngân sách hiện nay là quản lý ngân sách theo đầu vào, cho nên khi họ nói chi theo mục đích đó thì các cơ quan kiểm tra giám sát, cơ quan kiểm toán kể cả thanh tra chính phủ nhiều khi đến giám sát giấy tờ thể hiện như thế nhưng trên thực tế có thực hiện như thế không thì đấy là một câu chuyện khác. Đấy là vấn đề chúng ta cần tăng cường tổ chức quản lý.

 

+Ông đánh giá thế nào về hoạt động của các khoản quỹ này?

 

-Ông Lê Xuân Trường: Hoạt động của các quỹ tôi cho rằng đã khá tích cực tuy nhiên không đồng đều giữa các địa phương. Do đó dẫn đến việc giám sát có những nơi tốt, có những nơi chưa tốt.

 

+Ông có thể phân tích rõ hơn về việc không đồng đều này để đưa ra những giải pháp như thế nào để khắc phục tình trạng này?

 

-Ông Lê Xuân Trường: Giải pháp thì tôi nghĩ rằng không chỉ liên quan đến vấn đề giám sát hay cơ chế đối với hoạt động của quỹ bảo vệ môi trường mà liên quan đến câu chuyện quản lý ngân sách và giám sát ngân sách. Có lẽ trong tương lai nên chuyển dần sang quản lý ngân sách theo đầu ra. Bởi vì bây giờ chi thì đúng mục đích nhưng kết quả thường vẫn suy thoái, vẫn ô nhiễm. Nếu bây giờ quản lý ngân sách, giám sát theo đầu ra.

 

Nghĩa là kết quả nhìn thấy tốt nghĩa là tốt, nếu không những người có liên quan phải chịu trách nhiệm bao gồm người đứng đầu chính quyền địa phương đến những người chịu trách nhiệm quản lý.

 

-Bà Bùi Thị An: Tôi hoàn toàn đồng tình với ý kiến của anh Trường. Thứ nhất, cần tăng giám sát và giám sát có hiệu quả. Thứ hai, quy trách nhiệm cho người đứng đầu vì tất cả những người đứng đầu trong các tổ chức, địa phương phải chịu trách nhiệm để gây ô nhiễm vì đây là vấn đề ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của đất nước.

 

Chúng ta đã chuyển mục tiêu tăng trưởng nhanh sang tăng trưởng bền vững, nếu chúng ta không giải quyết vấn đề môi trường tức là ta vi phạm điều này và ta không bao giờ làm được việc tăng trưởng bền vững.

Khai thác khoáng sản tác động đến môi trường

 

Cào bằng

 

+Trên thực tế, như một số trang báo có phản ánh thông qua việc phân bổ nguồn phí bảo vệ môi trường có rất nhiều vấn đề. Trong đó có tình trạng cào bằng trong việc phân bổ nguồn phí môi trường hiện nay đang tồn tại ở một số địa phương. Ví dụ như tại các huyện, xã thuộc nhiều địa phương dù ít hay nhiều điểm khai thác khoáng sản, chịu tác động ít hay nhiều từ khai thác thì cũng đều được phân bổ số tiền phí bảo vệ môi trường như nhau. Hay tình trạng quy định mức trần số tiền mỗi xã được nhận hàng năm để chi cho việc bảo vệ môi trường không cần biết xã đó có nhiều hay ít hoạt động khai thác. Vậy bà nghĩ sao về thực tế này và với những phương thức phân bổ sử dụng phí môi trường như trên thì sẽ hạn chế như thế nào tới hiệu quả của công tác bảo vệ môi trường hiện nay, thưa bà?

 

-Bà Bùi Thị An: Đây là một vấn đề rất bất cập trong giai đoạn vừa qua trong vấn đề phân bổ kinh phí. Tôi cho rằng nguyên nhân cuối cùng là tinh thần trách nhiệm của cán bộ bởi đơn giản nhất là cào bằng, đơn giản nhất là cứ theo dân số mà phân bổ và điều đó ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả.

 

Ví dụ chữa bệnh tim phải khác chữa bệnh cảm cúm, tương tự như khai thác vàng gây ô nhiễm khác với khai thác sắt, cát. Cho nên, việc này nếu đơn giản cho cán bộ quản lý cứ thế chia đều thì sẽ không hiệu quả.

 

Tức là những nơi gây ô nhiễm nhiều lại không có đủ tiền để giải quyết vấn đề ô nhiễm, khắc phục tài nguyên môi trường, những nơi không cần đến lại dùng tiền đó để chi cái khác dẫn đến hậu quả làm cho cán bộ hư hỏng. Cho nên đây là vấn đề đầu tiên là tinh thần trách nhiệm của cán bộ .

 

Thứ hai là vấn đề trình độ, có thể có một số người quản lý môi trường không hiểu khai thác vàng gây ô nhiễm đến mức nào, khai thác cát ảnh hưởng thế nào. Cho nên, tôi cho rằng đây là trách nhiệm của cán bộ.

 

Cuối cùng, tôi cho rằng vẫn phải quy trách nhiệm những người đứng đầu các tổ chức, địa phương được giao nhiệm vụ quản lý. Còn nếu như không quy trách nhiệm rõ thì không bao giờ có được hiệu quả mà cứ chung chung.

 

Tức là được vấn đề gì thì cá nhân đồng chí được hưởng nhưng có vấn đề khuyết điểm, xảy ra sự cố thì lại là trách nhiệm tập thể. Nếu như cứ tình trạng này thì không chỉ riêng môi trường mà trong nhiều lĩnh vực cũng sẽ không có hiệu quả trong vấn đề chi tiêu ngân sách.

 

Tôi đề nghị cần minh bạch trong phân bổ ngân sách. Ví dụ phân cho xã A thì khoản này dùng để làm gì và công bố, công khai để cho các tổ chức chính trị - xã hội, mặt trận tổ quốc, hội cựu chiến binh, hội phụ nữ và đặc biệt là cộng đồng họ hiểu rằng xã phân bố có đúng không và phân không đúng thì họ đã nghe những phản biện từ đầu và chi phí sẽ hiệu quả hơn nhiều.

 

+Chúng ta nhắc nhiều đến quy tinh thần trách nhiệm và trình độ. Theo bà cần có những kế hoạch cụ thể như thế nào để khắc phục việc này?

 

-Bà Bùi Thị An: Trước hết, dự án của Bộ Nội vụ về vấn đề giảm biên chế trong đó có rà soát lại tổ chức trong đó có một nhiệm vụ vô cùng quan trọng là rà soát lại chức năng, nhiệm vụ của từng tổ chức, từng vị trí của cán bộ xem vị trí đó có đúng không và người được tuyển vào vị trị đó có trình độ đảm đương nhiệm vụ hay không.

 

Tôi cho rằng việc đầu tiên là cán bộ, đấy cũng là khâu mấu chốt trong mọi khâu trong quá trình thực hiện công tác sau này. Cho nên, vấn đề đầu tiên là cán bộ, xem chức năng nhiệm vụ có đáp ứng được yêu cầu không, đặc biệt trong vấn đề quản lý môi trường như thế nào.

 

Thứ hai, có chế tài tương xứng đối với cả các đồng chí đứng đầu địa phương cũng như các đồng chí phụ trách trực tiếp. Bởi vì nếu chế tài quá nhẹ và không tương xứng thì hôm nay họ có khuyết điểm, ngay mai họ lại lặp lại khuyết điểm và cuối cùng dân thiệt, dân bị ảnh hưởng về môi trường vì dân nộp tiền đóng thuế đã bị chi không đúng.

 

Quan trọng là không đạt mục tiêu của đất nước như hiến pháp quy định là nhà nước của dân, do dân, vì dân và dân phải được sống trong môi trường trong lành. Bao giờ cũng phải lấy đây là mục tiêu cao nhất.

 

Đạo đức và Pháp lý

 

+Thưa ông Lê Xuân Trường, ông có nhắc đến việc ký quỹ môi trường. Mặc dù chúng ta đã có quy định về ký quỹ hay quy định trách nhiệm của các đơn vị khai thác khoáng sản sau bao lâu phải hoàn nguyên lại cảnh quan môi trường. Nhưng trên thực tế việc sử dụng kinh phí để hồi phục môi trường trong và sau khai thác hiện vẫn còn bỏ ngỏ. Vậy theo ông trách nhiệm câu chuyện này thuộc về ai? Doanh nghiệp khai thác hay cơ quan quản lý?

 

-Ông Lê Xuân Trường: Nếu nói về trách nhiệm thì phải phân định ra thành hai loại trách nhiệm là trách nhiệm xã hội, đạo đức kinh doanh và trách nhiệm pháp lý. Về phía doanh nghiệp trong trường hợp này, nếu họ làm sai và bị phát hiện thì sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật thì đấy là trách nhiệm pháp lý.

 

Còn nói họ chịu trách nhiệm nhưng cơ quan quản lý không chứng minh được sai phạm bằng chứng cứ pháp lý thì không thể nói doanh nghiệp chịu trách nhiệm được. Nếu nói doanh nghiệp chịu trách nhiệm thì đấy là trách nhiệm đạo đức xã hội, đạo đức kinh doanh.

 

Quan trọng nhất là bắt doanh nghiệp nếu làm sai thì phải chịu trách nhiệm pháp lý. Đấy chính là nghĩa vụ của cơ quan quản lý nhà nước.

 

Cho nên, nếu doanh nghiệp có vi phạm mà cơ quan quản lý nhà nước không xử lý được thì đấy là trách nhiệm của cơ quan nhà nước. Tôi nghĩ rằng quan trọng nhất phải bắt các tổ chức cá nhân chịu trách nhiệm pháp lý. Thế nên, quan trọng nhất ở đây là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước và chịu trách nhiệm đầu tiên là người đứng đầu.

 

-Ông Đặng Văn Thanh: Tôi cho rằng vấn đề kỹ quỹ là vấn đề liên quan đến tài chính. Theo tôi được biết, quỹ môi trường nhà nước hàng năm bỏ vào nguồn kinh phí rất lớn cộng với kinh phí của doanh nghiệp, các đơn vị khai thác tài nguyên khoáng sản. Vấn đề đặt ra là quỹ này được sử dụng thế nào cho hợp lý và đạt mục tiêu đặt ra.

 

Mục đích chính của quỹ môi trường để giải quyết hai việc: một là dự phòng, phòng ngừa tác hại do việc phát triển kinh tế, sử dụng tài nguyên dẫn đến tổn hại môi trường; thứ hai là để khắc phục sự suy giảm, xuống cấp của môi trường do quá trình phát triển kinh tế.

 

Vì thế, việc sử dụng quỹ môi trường cần phải có quy trình, cần có những quy định tốt hơn nữa, chặt chẽ hơn nữa để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sử dụng tốt. Do đó, trách nhiệm về sử dụng quỹ môi trường trước hết là cơ quan quản lý quỹ và sau đó là các cơ quan nhà nước giám sát, kiểm tra sao cho hiệu quả. Tôi cho rằng, việc sử dụng quỹ trong những năm vừa qua hiệu quả chưa cao.

 

+ Nguyên nhân của vấn đề này là gì, thưa ông?

 

-Ông Đặng Văn Thanh: Nguyên nhân chính là phải xác định thật rõ quỹ môi trường được sử dụng vào những mục đích gì. Bên cạnh đó, những quy trình, thủ tục để chúng ta phê duyệt các dự án liên quan vấn đề sử dụng quỹ môi trường cũng cần phải xác định lại rõ ràng hơn, công khai, minh bạch hơn .

 

Cần xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị đang khai thác, sử dụng tài nguyên phải có trách nhiệm khôi phục hoặc nâng cao trách nhiệm môi trường do chính doanh nghiệp gây ra sự cố.

 

Kẽ hở

 

+ Việc tính thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản hiện nay chủ yếu dựa vào kê khai của doanh nghiệp nên đang tạo kẽ hở để doanh nghiệp khai mức sản lượng thấp hơn nhiều so với thực tế nhằm trốn một phần phí phải nộp cho nhà nước. Bên cạnh đó, có tình trạng trốn thuế do khai thác lậu. Theo ông, cần giải pháp nào để có thể giải quyết tình trạng này?

 

-Ông Đặng Văn Thanh: Chủ trương để doanh nghiệp tự kê khai thuế là một chủ trương tốt, tiên tiến và chính nhà nước tạo điều kiện cho doanh nghiệp nâng cao tính tự giác và trách nhiệm của mình đối với đất nước.

 

Ngoài ra còn tạo điều kiện thuận lợi để giảm thiểu chi phí không cần thiết trong quá trình thực hiện nghĩa vụ của các doanh nghiệp đối với nhà nước.

 

Sở dĩ hiện nay có tình trạng gian lận về thuế, trốn thuế, thậm chí có tình trạng vi phạm những chính sách về thuế. Tôi cho rằng trách nhiệm trước hết là của nhà nước. Nhà nước cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục để doanh nghiệp và người dân thấy việc nộp thuế không chỉ là nghĩa vụ mà còn là quyền lợi, trách nhiệm.

 

Thứ hai, xác định lại các quy trình thủ tục cho rõ ràng, minh bạch, đơn giản để người kê khai thuế, người quản lý thấy không phức tạp và đồng thời cũng tránh tranh chấp hoặc lợi dụng kẽ hở của luật pháp để tạo ra tiêu cực .

 

Vấn đề thứ ba, cần nâng cao trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan quản lý nhà nước. Trong vấn đề thuế không chỉ kiểm soát trước, kiểm soát sau mà phải được tiến hành đồng thời cả ba khâu kiểm soát.

 

Gian lận từ cấp giấy phép, gian lận từ khâu khai thác, gian lận từ khâu không chịu kê khai, thậm chí khai thác xong rồi từ bỏ trách nhiệm. Một vấn đề nữa, tôi cho rằng rất quan trọng đó là kiểm tra trong chính quá trình thực hiện nghĩa vụ nộp thuế và phí.

 

Trách nhiệm này hoàn toàn ta có thể làm được thông qua hệ thống hạch toán kế toán, hệ thống thông tin mà các nhà quản lý, doanh nghiệp có thể kiểm tra từng sản lượng, từng chi phí, doanh thu. Từ đó xác định trách nhiệm, nghĩa vụ của các đơn vị. Cuối cùng, tiến hành hậu kiểm, tức là sau khi các nhiệm vụ hoàn thành có thể thể kiểm tra, đánh giá.

 

Hiện nay, chúng ta đang lúng túng, chưa phân định rõ vấn đề phí và giá phí. Thuế thì rõ ràng, là khoản thu bắt buộc nhưng phí môi trường trong nhiều trường hợp vẫn chưa hiểu. Thực chất đây là giá phí , là giá phải trả của những người hoạt động kinh doanh tác động đến môi trường, làm tổn hại môi trường hoặc làm ảnh hưởng tới chất lượng môi trường.

 

Từ đó để xác định các doanh nghiệp có trách nhiệm hạch toán giá phí để nộp cho nhà nước, coi đây là khoản chi phí bắt buộc trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Từ đó, doanh nghiệp có trách nhiệm hơn và có tính toán hiệu quả hơn khi họ phải có trách nhiệm này. Nếu không doanh nghiệp biến nghĩa vụ với nhà nước thành lợi ích của họ. Tôi cho rằng đây là vấn đề cần làm rõ hơn.

 

Tất nhiên gian lận trong kinh doanh là có. Vấn đề đặt ra, nhà nước có chế tài mạnh để hạn chế tối đa những gian lận và những người gian lận phải tính toán giữa lợi ích của gian lận và sự bất lợi của gian lận. Từ đó doanh nghiệp tự giác, tự nguyện chấp hành.

 

+Như ông đề cập đến vấn đề phân định rõ mức phí và giá phí. Hiện nay chúng ta đã ban hành nhiều văn bản quy định về việc thu và sử dụng phí bảo vệ môi trường nhưng chính những kẽ hở trong quy định đã và đang tạo cơ hội cho doanh nghiệp mua tài nguyên môi trường với giá rất hời, kết quả nhà nước đang phải bù lỗ cho giá bán môi trường quá rẻ. Người dân phải chịu sống chung với ô nhiễm lâu dài. Thưa ông Lê Xuân Trường, ông nghĩ sao trước nhiều ý kiến cho rằng cần phải tăng mức phí bảo vệ môi trường?

 

-Ông Lê Xuân Trường: Tôi cho rằng mức phí bảo vệ môi trường hiện nay không quá thấp. Vấn đề chúng ta chưa quản lý tốt mà thôi. Chúng ta nói rất nhiều đến vấn đề khai thác lậu cho nên nếu tăng phí sẽ dẫn đến những doanh nghiệp làm ăn chân chính, tuân thủ pháp luật tốt thì mức phí phải nộp rất cao, giá thành sản phẩm bị tăng lên và sẽ bóp chết những doanh nghiệp này.

 

Nhưng những doanh nghiệp khai thác lậu tiếp tục được hưởng lợi hơn. Cho nên câu chuyện tôi cho rằng mức phí không phải quá thấp mà cần tăng cường quản lý chống khai thác lậu cho hiệu quả hơn.

 

Không chỉ có phí bảo vệ môi trường mà còn yêu cầu doanh nghiệp phải khắc phục môi trường. Để đảm bảo trách nhiệm này thì đã có ký quỹ bảo vệ môi trường. Nhưng quan trọng là tổ chức thực hiện như thế nào. Nếu doanh nghiệp không khắc phục được ô nhiễm do doanh nghiệp gây ra sau khi khai thác thì sẽ không được lấy lại khoản phí đấy.

Hồng Trang
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo