Xã hội

Phó chủ tịch thị trấn ra đường chặn máy gặt lúa của dân

(DNVN) - Cho rằng một số máy gặt lúa không nằm trong danh sách hợp đồng gặt lúa nên Phan Doãn Tiến - Phó chủ tịch UBND thị trấn Yên Thành (Nghệ An) và một số người khác ra “chặn đường” các máy gặt xuống đồng.

Theo báo Zing.vn, những ngày qua, trên mạng xã hội xuất hiện một clip dài hơn 4 phút ghi lại cảnh một số công an viên đứng chặn trước chiếc máy gặt, không cho đi vào cánh đồng thị trấn Yên Thành để gặt lúa.

Khi chủ máy gặt lúa cho nổ máy chạy thì một số cán bộ thị trấn này đã kiên quyết không cho máy di chuyển. Đoạn clip nhanh chóng thu hút sự quan tâm, tranh cãi trái chiều của cộng đồng mạng.

Ngày 10/9, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phan Doãn Hữu - chủ tịch UBND thị trấn Yên Thành, Nghệ An xác nhận đoạn video clip trên mạng xã hội Facebook ghi cảnh một số công an viên cùng phó chủ tịch thị trấn Yên Thành Phan Doãn Tiến “chặn đường” máy gặt lúa gây xôn xao dư luận xảy ra vào đầu vụ thu hoạch lúa hè thu tại địa phương này.

Người đàn ông mặc áo trắng được cho là Phó chủ tịch UBND thị trấn Yên Thành chặn máy gặt lúa. Ảnh: Dân Trí.

Theo ông Hữu, việc làm của vị Phó chủ tịch thị trấn Yên Thành là đúng. Theo đó, để đảm bảo tình trạng máy gặt lúa nâng giá cao và “cò” máy gặt lúa làm ảnh hưởng đến tình hình trật tự trên địa bàn, UBND thị trấn Yên Thành đã mời 5 chủ máy gặt lúa làm hợp đồng kinh tế gặt lúa cho người dân, mỗi chủ máy gặt phải đóng từ 2 - 3 triệu đồng tiền “bảo lãnh” từ đầu mùa vụ.

Để được gặt lúa cho người dân tại thị trấn Yên Thành, 5 chủ máy gặt trên phải đảm bảo tiến độ, lịch gặt và không được quá 150.000 đồng/sào.

“Mỗi chủ máy phải nộp 3 triệu đồng tiền cọc. Nếu đảm bảo an toàn hệ thống giao thông, cầu cống khi thu hoạch, nâng giá… thì chúng tôi sẽ trừ vào tiền cọc. Còn nếu không thì sẽ được trả lại đầy đủ”, ông Hữu nói với Zing.vn.

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, tại mùa vụ hè thu ngoài xã Bắc Thành, thị trấn huyện Yên Thành, một số địa phương khác như xã Nhân Thành, Hoa Thành, Long Thành… cũng xuất hiện tình trạng các xã làm “hợp đồng kinh tế” thu của các chủ máy gặt từ 2-3 triệu đồng/máy để “bảo lãnh” việc gặt lúa.

Ông Nguyễn Vương Ngọc, phó chủ tịch UBND huyện Yên Thành, cho biết trong những năm qua việc đưa máy gặt lúa liên hoàn đã giúp đẩy nhanh thu hoạch lúa cho bà con nhưng cũng không tránh khỏi những hệ lụy như xuất hiện tình trạng “cò”, “bảo kê” máy gặt.

 

“Phía huyện không có chủ trương cho các xã thu tiền phí, các xã hợp đồng như thế là sai. Thời gian tới phía huyện sẽ tìm các giải pháp, yêu cầu các địa phương có phương án đảm bảo tình hình an ninh trật tự khi thu hoạch lúa”, ông Ngọc cho biết thêm.

Nên đọc
Hòa Hậu (t/h)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo