Văn hóa

Phong tục Tết và lễ tảo mộ mùa xuân của người Hà Nhì

Tết Nguyên đán của đồng bào Hà Nhì diễn ra chừng 1 tuần lễ. Suốt 1 tuần đó, ngày cũng như đêm, khắp trong bản ngoài mường đâu đâu cũng tưng bừng, nhộn nhịp.

Dân tộc Hà Nhì còn có tên gọi khác là U Ní và Xá U Ní, với ba nhóm: Hà Nhì Cồ Chồ, Hà Nhì La Mí, Hà Nhì đen. Ngôn ngữ Hà Nhì thuộc ngôn ngữ Tạng - Miến, cư trú ở các tỉnh Lai Châu, Yên Bái, Lào Cai và dọc biên giới Việt Nam - Trung Quốc, Việt Nam - Lào. Người Hà Nhì hiện nay đã định cư theo từng bản, có nhiều dòng họ, mỗi họ có nhiều chi. Vào dịp Tết hàng năm, cả dòng họ tụ tập lại nghe người già kê tộc phả của mình, có dòng họ nhớ được xa tới 40 đời.

Người Hà Nhì tính lịch theo mặt trăng, như chúng ta thường gọi đó là Âm lịch. Lịch của người Hà Nhì mỗi năm gồm 12 tháng, tháng ít có 29 ngày, tháng nhiều có 30 ngày. Tết Có Nhẹ Chà là Tết Nguyên đán của người Hà Nhì, diễn ra trước Tết Nguyên đán của người Kinh chừng trên dưới hai tháng. Thời điểm đó là lúc thư nhàn nhất của người dân Hà Nhì nói riêng và người dân miền núi nói chung; mọi công việc đồng áng của vụ trước đã gọn ghẽ, xong xuôi, mà vụ sau thì chưa đến lúc bắt đầu.

Phụ nữ Hà Nhì.

Việc ăn Tết vào những ngày nào (cuối tháng 10 hay đầu tháng 11) không ấn định thành truyền thống như Tết của người Kinh mà do Hội đồng già làng, trưởng bản bàn bạc và thống nhất để áp dụng cho từng năm; dựa trên các yếu tố: Thời tiết, mùa màng, khả năng kinh tế chung của mỗi gia đình… Sau khi thời điểm đã được xác định, theo phong tục, buổi chiều hôm tất niên, mỗi gia đình mổ một con gà để cúng tiễn biệt năm cũ. Đêm hôm đó được coi là đêm Giao thừa, khắp làng bản Hà Nhì tiếng giã bánh dầy, bánh trôi làm rung động cả một vùng rừng núi. Vào lúc đầu canh ba, nhà nhà thi nhau mổ lợn. Người Hà Nhì quan niệm, nhà nào mổ lợn xong sớm, chọc tiết lợn một lần là được ngày,  sang năm sẽ phát tài phát lộc, cuộc sống no ấm, con cháu sum vầy. Thịt lợn được pha chế thành 3 thứ: Xương riêng, nạc riêng và mỡ riêng. Bánh trôi chấm với mật o­ng rừng tinh khiết, màu hổ phách, dẻo như tơ, ngọt mà không khé, mùi thơm thật khó tả. Bánh chưng của người Hà Nhì được thay bằng bánh gù, hình ống, dài hơn một gang tay. Gia đình nào cũng nhồi lạp xường, lạp xường của người Hà Nhì ngon thơm đặc biệt do có nhiều loại gia vị được chiết xuất từ các loài thảo mộc.

Bánh trôi - món ăn không thể thiếu trong ngày lễ, tết của người Hà Nhì.
 

Trong mấy ngày Tết, những người cao tuổi lập thành nhóm, nhóm này đi chúc Tết gia đình của nhóm kia, họ này đi chúc Tết họ kia. Tại bữa tiệc khoản đãi, người khách quý nhất sẽ được mời một mâm riêng. Trên mâm, một bên bày 6 chén rượu: 4 chén để “rửa” 4 chân tay, 1 chén “rửa” mặt còn 1 chén để uống. Một bên đặt 1 giỏ cơm, xung quanh giỏ cắm hoa mào gà, trong giỏ cơm có 1 khoanh thịt mỡ đã luộc chín, giữa khoanh thịt mỡ nhét sẵn mấy quả ớt đỏ. Người khách được quyền tự do lựa chọn, hoặc bên này hoặc bên kia. Sau khi chọn xong “phần” của mình, người khách vui vẻ đặt lên mâm mấy đồng tiền mừng tuổi rồi hát một bài, lời tự biên, mang nội dung cám ơn và cầu mong điều may mắn, hạnh phúc cho gia chủ.

Khi các bậc trưởng lão ngồi cạnh nhau bên mâm rượu để ôn lại những câu chuyện về lai lịch dòng tộc từ 9, 10 đời trước; hoặc nói với nhau những ước nguyện sâu xa về dâu hiền cháu thảo, về kinh nghiệm mùa màng… thì ở ngoài trời, các loại trống, chiêng, đàn, sáo cùng rộn rã vang lên.

Theo phong tục của dân tộc Hà Nhì, hàng năm, cứ vào mùa xuân, sau khi người chết chôn được ba năm thì gia đình sẽ tiến hành thăm viếng mộ phần và tảo mộ. Đây là một nét đẹp văn hóa của người Hà Nhì được lưu truyền đến ngày nay. Tảo mộ không có nghĩa là buồn đau, ma chay mất mát mà là vui vẻ sang mộ cho người thân đã khuất. Vì vậy, họ không quá đau buồn trong dịp lễ này mà nhận thấy đây là dịp để sửa sang, thăm viếng phần mộ cho người thân được êm ấm nơi bên kia thế giới.

Trước lễ tảo mộ, người thân sắm sửa đồ lễ như: Gà trống, gạo nếp, trứng luộc, vàng hương... Đến ngày tảo mộ, người thân trong gia đình và họ hàng cùng mang lễ vật đến phần mộ làm lễ cúng, sau đó sửa sang, làm sạch mộ phần. Không chỉ riêng gia đình người đã khuất đến để sửa sang, làm sạch mộ phần mà cả bản làng ai ai cũng chung sức một tay đưa người đã khuất rời chuyển nhà mới.

 

Lễ cúng đầu tiên bằng tiết gà trống trước cửa mộ. Đầu mộ được dựng cây nêu treo hình các con giống để mọi người cầu nguyện. Gà luộc chín sau khi cúng lễ sẽ được chuẩn bị cho bữa ăn hưởng lộc sau khi đã kết thúc việc cúng tế. Tất cả việc cúng tế cũng như thụ hưởng lộc đều được gia chủ thực hiện chung với toàn bộ dân bản, thành buổi gặp mặt chung thể hiện tình đoàn kết của cộng đồng người Hà Nhì.

Người thân trong gia đình và họ hàng cùng mang lễ vật đến phần mộ làm lễ cúng.

Nghi thức chính mời người chết về dùng cỗ được tổ chức ngay tại cửa mộ. Khi tiến hành nghi thức, mọi người tham gia lạy tạ và rót rượu vào một cái tô lớn đặt trên mộ, sau đó những người thân lớn tuổi chia thức ăn vào lá chuối và đặt từng phần lên cửa mộ, họ đốt nhang và đồ giấy. Sau nghi lễ cúng, gia chủ dựng cây nêu tre có treo hình các con giống được gấp bằng giấy bản, hình con thuyền nơi đầu mộ. Khi làm lễ, mọi người cùng quỳ lạy và rót rượu vào chiếc bát to đặt trước cửa mộ. Nghi lễ chính của việc mời người đã khuất về hưởng lộc được tiến hành ở cửa mộ - đó là nơi ra vào của linh hồn.

Sau khi lần lượt người trong bản thắp hương cho mộ phần và đốt vàng mã thì sẽ có bữa ăn hưởng lộc. Đây là bữa ăn thể hiện tình đoàn kết của dân bản với gia chủ.

Ngày nay, cùng với các dân tộc anh em, người Hà Nhì đang ra sức thi đua xây dựng quê hương giàu mạnh, bản làng no ấm, gia đình hạnh phúc, yên vui. Những tục lệ đón Tết và tảo mộ không chỉ là một nét văn hóa truyền thống Hà Nhì mà còn thể hiện vẻ đẹp của tình người trong sự đoàn kết, chia sẻ khó khăn, ngọt bùi của dân tộc Hà Nhì.

Nên đọc
Theo Thế giới di sản
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo