Hỗ trợ doanh nghiệp

Quản lý doanh nghiệp gây thiệt hại: Nghỉ hưu vẫn phải bồi thường?

(DNVN) - Người quản lý doanh nghiệp, người đại diện gây thiệt hại trước khi thuyên chuyển công tác, nghỉ hưu, thôi việc thì phải hoàn thành việc bồi thường, hoàn trả trước khi thuyên chuyển công tác, nghỉ hưu, thôi việc...

Bộ Nội vụ đang dự thảo Thông tư quy định trách nhiệm bồi thường, hoàn trả của người quản lý doanh nghiệp, người đại diện có hành vi vi phạm pháp luật gây thiệt hại đến kinh tế, tài sản của Nhà nước và của doanh nghiệp nơi người quản lý doanh nghiệp, người đại diện đang làm việc.

Đối tượng áp dụng là người quản lý doanh nghiệp quy định tại Khoản 2 Điều 2 Nghị định 97/2015/NĐ-CP về quản lý người giữ chức danh, chức vụ tại doanh nghiệp là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; người đại diện quy định tại Khoản 1 Điều 2 Nghị định 106/2015/NĐ-CP về quản lý người đại diện phần vốn nhà nước giữ các chức danh quản lý tại doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.

Ảnh minh họa.

Theo đó, người quản lý doanh nghiệp, người đại diện có trách nhiệm bồi thường, hoàn trả do hành vi gây thiệt hại, cụ thể: Trường hợp người quản lý doanh nghiệp, người đại diện gây thiệt hại trước khi thuyên chuyển công tác, nghỉ hưu, thôi việc thì phải hoàn thành việc bồi thường, hoàn trả trước khi thuyên chuyển công tác, nghỉ hưu, thôi việc; nếu người quản lý doanh nghiệp, người đại diện gây thiệt hại sau khi đã thuyên chuyển công tác, nghỉ hưu, thôi việc  mới bị phát hiện gây thiệt hại thì phải bồi thường, hoàn trả. Nếu không đủ khả năng bồi thường, hoàn trả thì doanh nghiệp có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, đơn vị, tổ chức mới hoặc chính quyền địa phương nơi người gây thiệt hại cư trú tiếp tục thu tiền bồi thường, hoàn trả cho đến khi thu đủ số tiền theo quyết định của cấp có thẩm quyền; nếu không thực hiện việc bồi thường, hoàn trả thì doanh nghiệp có quyền khởi kiện ra tòa án yêu cầu người gây thiệt hại phải bồi thường, hoàn trả theo quy định của pháp luật.

Trường hợp doanh nghiệp nơi người quản lý doanh nghiệp, người đại diện gây ra thiệt hại đã được chia tách, sáp nhập, hợp nhất hoặc bị giải thể thì cơ quan, tổ chức, đơn vị kế thừa chức năng, nhiệm vụ của doanh nghiệp đó có trách nhiệm tiếp tục thu tiền bồi thường, hoàn trả cho đến khi thu đủ số tiền theo quyết định của cấp có thẩm quyền; trường hợp không có doanh nghiệp nào thừa kế chức năng, nhiệm vụ của doanh nghiệp đã bị giải thể thì cấp có thẩm quyền ra quyết định giải thể là đơn vị có trách nhiệm tiếp tục thu tiền bồi thường, hoàn trả cho đến khi thu đủ số tiền theo quyết định của cấp có thẩm quyền.

Trường hợp người quản lý doanh nghiệp, người đại diện cố ý gây thiệt hại mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì cơ quan thi hành án có trách nhiệm thu toàn bộ số tiền bồi thường, hoàn trả theo quyết định của tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án hình sự.

Trường hợp có nhiều người quản lý doanh nghiệp, người đại diện cùng gây thiệt hại đều phải liên đới, chịu trách nhiệm bồi thường, hoàn trả và mức độ lỗi sai phạm của mỗi người.

Trường hợp người quản lý doanh nghiệp, người đại diện gây thiệt hại mà sau khi gây ra thiệt hại có đơn xin tự nguyện bồi thường, hoàn trả và được cấp có thẩm quyền đồng ý bằng văn bản về mức độ, phương thức và thời hạn bồi thường, hoàn trả thì không phải thành lập Hội đồng xem xét trách nhiệm bồi thường, hoàn trả.

 

Trường hợp thiệt hại do nguyên nhân bất khả kháng được cơ quan chuyên môn và cấp có thẩm quyền xác nhận thì người quản lý doanh nghiệp, người đại diện gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường, hoàn trả.

Dự thảo nêu rõ, người quản lý doanh nghiệp, người đại diện đang làm việc hoặc không còn làm việc cố ý không thực hiện nghĩa vụ bồi thường, hoàn trả thì cấp có thẩm quyền có quyền khởi kiện ra tòa án.

Nên đọc
Hòa Lộc
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo