"Kiến trúc sư" đứng sau lệnh ám sát tướng Iran của ông Trump
Trung-Mỹ đấu tên lửa, châu Á-Thái Bình Dương thành điểm nóng / Uy lực của tên lửa siêu thanh Zircon phiên bản mới
Một số nguồn tin nói với CNN rằng, việc loại Tướng Qassem Soleimani “ra khỏi chiến trường” là mục tiêu của Ngoại trưởng Mike Pompeo trong suốt một thập niên.
Theo một nguồn tin nằm trong nhóm thân cận với ngoại trưởng Mỹ, việc nhắm mục tiêu tới quan chức quyền lực số hai của Iran Soleimani, tư lệnh Lực lượng Đặc nhiệm Quds thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran - một tổ chức quân sự quyền lực cả về kinh tế và chính trị với tầm ảnh hưởng bao trùm cả khu vực, là ý tưởng của ông Pompeo. Nguồn tin cho biết chính ông Pompeo đã đưa ra đề xuất liên quan tới tướng Iran cho Tổng thống Trump.
Cũng theo nhiều nguồn tin thân cận với ông Pompeo, trong suốt sự nghiệp của mình, Ngoại trưởng Mỹ luôn tin rằng Iran là gốc rễ cho mọi vấn đề tại Trung Đông và đặt trọng tâm vào ông Soleimani, coi vị tướng này là “đạo diễn” đứng sau chủ nghĩa khủng bố do Iran hậu thuẫn trên toàn khu vực.
“Chúng tôi đã loại ông ta ra khỏi chiến trường. Chúng tôi đã quyết định đúng đắn”, ông Pompeo nói với CNN ngày 5/1, vài ngày sau khi Mỹ thực hiện cuộc không kích khiến Tướng Soleimani thiệt mạng.
Trong cuộc phỏng vấn với ABC, Ngoại trưởng Mỹ cũng khẳng định việc giết Tướng Soleimani là quan trọng vì tư lệnh Iran đã “tích cực ủ mưu chống lại Mỹ và đặt sinh mạng của người Mỹ vào vòng nguy hiểm”.
Vai trò dẫn đường
Một nguồn tin nói rằng, Ngoại trưởng Pompeo đã cung cấp bằng chứng để lý giải việc ông tin Tướng Soleimani là người xấu mà Mỹ cần loại bỏ.
Theo CNN, Ngoại trưởng Pompeo bị “ám ảnh” bởi tướng Iran tới mức, ông thậm chí đã tìm cách xin thị thực tới Iran vào năm 2016 khi ông còn là một nghị sĩ bang Kansas. Mặc dù tuyên bố muốn tới đó để giám sát bầu cử, song ông Pompeo cũng tiết lộ với những người thân cận rằng ông muốn tìm cách đối mặt với Tướng Soleimani. Tuy vậy, ông Pompeo chưa bao giờ được nhận thị thực tới Iran.
Từng tốt nghiệp học viện quân sự West Point (Mỹ) và có nhiều bạn bè đang phục vụ cho quân đội Mỹ ở Trung Đông, ông Pompeo tin rằng Tướng Solemani đã cướp đi sinh mạng của hàng trăm lính Mỹ.
Giới chức Mỹ tin rằng, trong cuộc chiến tranh Iraq, các đơn vị của Tướng Soleimani đã cung cấp cho phe nổi dậy ở Iraq những quả bom tự chế đặc biệt, có khả năng xuyên thủng vũ khí bọc thép, để chống lại lực lượng quân sự Mỹ. Iran bác bỏ cáo buộc này, song Lầu Năm Góc vẫn khẳng định Tướng Soleimani và các binh sĩ của ông “phải chịu trách nhiệm về cái chết của hàng trăm quân nhân Mỹ và liên minh của Mỹ, đồng thời làm bị thương hàng nghìn người khác”.
Gần đây, Tướng Soleimani bị cáo buộc là “kiến trúc sư” cho các chiến dịch quân sự của Iran tại Iraq và Syria. Theo một nguồn tin tiết lộ với CNN, Ngoại trưởng Pompeo từng nói với những người bạn và đồng nghiệp của ông rằng: “Tôi sẽ không nghỉ hưu chừng nào Soleimani chưa bị loại bỏ khỏi chiến trường”.
Là người có mối quan hệ rất gần gũi với Tổng thống Trump, Ngoại trưởng Pompeo được cho là đã thuyết phục nhà lãnh đạo Mỹ, khiến ông tin vào chiến lược gây hấn của Iran. Với tuyên bố gần đây về việc ông sẽ không chạy đua giành một ghế tại Thượng viện, Mike Pompeo, người từng có 3 nhiệm kỳ nghị sĩ ở Hạ viện và là cựu Giám đốc Cục Tình báo Trung ương (CIA), dường như tiếp tục mở rộng ảnh hưởng của mình trong chính quyền Trump.
“Ông ấy là người dẫn đường. Mặc dù đó là chính sách của Tổng thống, nhưng Pompeo lại là tiếng nói hàng đầu trong việc giúp Tổng thống định hình chính sách đó. Việc Pompeo là người dẫn đầu trong nội các không còn là điều bàn cãi”, một nguồn tin thân cận với Ngoại trưởng Mỹ cho biết.
Tầm ảnh hưởng trong nội các
Một cựu quan chức an ninh quốc gia thuộc đảng Cộng hòa tiết lộ rằng Ngoại trưởng Pompeo là người có tầm ảnh hưởng rất lớn. Ông ấy giống như một phiên bản kết hợp của “bộ trưởng ngoại giao, bộ trưởng quốc phòng và giám đốc CIA”.
Kể từ khi nhậm chức, ông Pompeo đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng chiến dịch “gây sức ép tối đa” của chính quyền Trump đối với Iran. Hồi tháng 4, ông chính là động lực chính đứng sau động thái gây tranh cãi của chính quyền Trump khi tuyên bố Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran, bao gồm Lực lượng Quds, là tổ chức khủng bố nước ngoài.
Đây là lần đầu tiên Mỹ coi một lực lượng thuộc chính phủ nước ngoài là một tổ chức khủng bố, đặt nền móng cho việc hợp thức hóa vụ không kích giết chết Tướng Soleimani, người lãnh đạo Lực lượng Quds từ năm 1998.
Hồi tháng 6, sau khi Iran bắn rơi máy bay không người lái của Mỹ, Ngoại trưởng Pompeo từng rất thất vọng khi ông không thể thuyết phục Tổng thống Trump có hành động cứng rắn với Iran cũng như Tướng Soleimani. Ông chủ Nhà Trắng đã hủy quyết định tấn công các mục tiêu của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran vào phút chót.
Nhưng cũng vào thời điểm này, nhiều nguồn tin nói rằng Ngoại trưởng Pompeo đã dần lấy được lòng tin của Tổng thống Trump về vấn đề Iran, đặc biệt sau vụ tấn công bằng tên lửa hôm 27/12 khiến một nhà thầu dân sự của Mỹ thiệt mạng tại thành phố Kirkuk ở phía bắc Iraq.
Ngày 29/12, các máy bay Mỹ đã giết chết ít nhất 25 người trong vụ không kích bằng bom nhằm vào Kataib Hezbollah, nhóm dân quân có trách nhiệm báo cáo cho lãnh đạo Iraq nhưng chịu ảnh hưởng rất lớn bởi Iran. Vào đêm giao thừa đón năm mới 2020, người Iraq đã biểu tình phản đối cuộc tấn công của Mỹ và lao vào đại sứ quán Mỹ tại Baghdad.
Theo cựu quan chức an ninh quốc gia Mỹ, Ngoại trưởng Pompeo xây dựng mối quan hệ rất gần gũi với Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper và Giám đốc CIA Gina Haspel. Đây là liên minh giúp ông Pompeo đẩy mạnh việc thuyết phục Tổng thống Trump trong việc cứng rắn với Iran.
Cựu quan chức Mỹ cũng bày tỏ quan ngại về sự thiếu hụt chuyên môn sâu sắc trong đội ngũ an ninh quốc gia của Tổng thống Trump. Một số nhà phân tích cho rằng đây là một trong những yếu tố dẫn tới tầm ảnh hưởng rất lớn của Ngoại trưởng Pompeo trong chính quyền Trump.
End of content
Không có tin nào tiếp theo