Quốc tế

Dịch sởi tại Ukraine có thể lan rộng và trầm trọng hơn vì chiến tranh

DNVN - Trước chiến tranh, tỷ lệ tiêm chủng cho trẻ em tại Ukraine vốn thấp vì sự hoài nghi dai dẳng về vaccine ở nước này.

Đại tá Mỹ nói về đòn giáng của Nga khiến LLVT Ukraine khó phục hồi / Quân đội Nga tiếp tục tấn công trả đũa ở khu vực Odessa

Ảnh: AP

Hiện nay, việc tiêm chủng đang gặp nhiều khó khăn do cuộc chiến Nga - Ukraine vẫn đang tiếp diễn, dẫn đến khả năng bùng phát dịch sởi mới trong năm nay tại Ukraine. Các chuyên gia y tế lo ngại rằng, đợt bùng phát dịch sởi có thể nổ ra trong quốc gia này vào tháng 9, khi hàng trăm nghìn trẻ em đến tuổi đi học chưa được tiêm phòng.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Ukraine - ông Ihor Kuzin, cho biết: "Bộ Y tế Ukraine và các trung tâm tiêm chủng đang liên tục theo dõi những nguy cơ lây nhiễm. Hiện tại, rủi ro lớn nhất mà chúng tôi đối mặt chính là dịch sởi."

Không lạ lẫm gì khi Ukraine từng là điểm nóng về dịch sởi trên lục địa châu Âu, với sự hoài nghi về vaccine và nguồn cung vaccine bị gián đoạn đã góp phần tạo nên đợt bùng phát dịch sởi lớn vào năm 2019 tại đây.

"Đợt bùng phát dịch sởi đầu tiên ở Ukraine đã diễn ra trong giai đoạn năm 2017 - 2019, khi có khoảng 115.000 trẻ em mắc bệnh", Thứ trưởng Kuzin thông tin.

Bộ Y tế Ukraine cũng cho biết rằng, chỉ có 74% trẻ em 1 tuổi và 69% trẻ em 6 tuổi đã được tiêm vaccine sởi mũi 1 và mũi 2 trong năm 2022.

Tuy nhiên, những trẻ em này cùng với những đứa trẻ khác từ 2 đến 17 tuổi, đã bỏ lỡ các lịch tiêm chủng thường xuyên, sẽ có nguy cơ lây nhiễm cao hơn nhiều khi đi học.

Ông Kuzin giải thích: "Khoảng 260.000 trẻ em cần được tiêm phòng và cho đến khi điều đó được thực hiện, chúng ta phải đối mặt với nguy cơ bùng phát một đợt dịch lớn."

Thứ trưởng Bộ Y tế Ukraine nhấn mạnh, con số này đề cập đến những người đã bỏ qua các mũi tiêm trong lịch tiêm chủng thông thường của họ.

Bệnh sởi có khả năng lây lan rất dễ dàng qua không khí và các giọt bắn hô hấp, gây ra những biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi và viêm não. Tuy nhiên, bệnh này gần như hoàn toàn có thể phòng ngừa được thông qua tiêm chủng vaccine.

"Vì vậy, đến ngày 1/9, khi học sinh bắt đầu trở lại trường học, những đứa trẻ này cần tiêm vaccine", ông Kuzin kết luận và kêu gọi mọi người tiêm vaccine trong 1,5 tháng tới.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đã lên tiếng, chỉ ra rằng người dân Ukraine đã trở nên dễ mắc các bệnh truyền nhiễm hơn sau cuộc chiến Nga - Ukraine bùng nổ vào tháng 2/2022.

Nguyên nhân chính là việc tập trung đông người trong các hầm tránh bom, dọc biên giới và các khu vực khác, cũng như không tuân thủ lịch tiêm chủng đã làm cho virus dễ dàng phát triển và lây lan từ người này sang người khác một cách nhanh chóng.

Vusala Allahverdiyeva, chuyên gia về phòng ngừa và tiêm chủng dịch bệnh thuộc WHO nói: "Khi Nga bắt đầu xâm lược Ukraine, chúng tôi nhận ra rằng rủi ro sức khỏe lớn nhất ở nước này là dịch bạch hầu và sởi. Điều quan trọng lúc này là kiểm soát quy mô của đợt bùng phát bằng cách tiêm chủng cho trẻ em chưa được tiêm vaccine ở nước này."

Ngoài việc trẻ em chưa được tiêm chủng hiện đang ở Ukraine có nguy cơ mắc bệnh, trẻ em Ukraine di cư sang các nước EU mà chưa được tiêm phòng cũng sẽ có khả năng cao mắc bệnh và lây lan bệnh sởi cũng như các bệnh truyền nhiễm khác.

Linh Chi (tổng hợp)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm