FED khó hạ lãi suất trong năm nay
Trung Quốc tụt hậu so với Mỹ trong cuộc đua vũ khí laser trọng yếu / Pháo phản lực phóng loạt 9K57 Uragan của Nga dội tên lửa phá hủy mục tiêu
Lạm phát và việc làm Mỹ gây sức ép lên lãi suất
Tại cuộc họp báo sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất thêm 0,25 điểm %, Chủ tịch FED Jerome Powell đã ẩn ý phát đi tín hiệu cho thấy chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ hiện có thể đã đến hồi kết, nhưng vẫn còn quá sớm để hạ lãi suất lúc này. Tất cả sẽ phụ thuộc vào dữ liệu sắp tới. Dữ liệu này về cơ bản gồm 2 trường thông tin: lạm phát và việc làm.
Về lạm phát, thị trường cần chờ tới thứ Tư (10/5) tuần này, theo giờ Mỹ, xem CPI tháng 4 có tiếp tục giảm như kỳ vọng.
Còn với việc làm, dữ liệu mới nhất công bố cuối tuần qua của Bộ Lao động Mỹ cho thấy, nền kinh tế lớn nhất thế giới đã tạo thêm 253.000 việc làm mới trong tháng 4/2023, cao hơn dự báo 180.000 việc làm. Tỷ lệ thất nghiệp đã giảm từ 3,5% xuống 3,4%, mức thấp nhất 54 năm. Đáng chú nhất, thu nhập trung bình theo giờ tiếp tục tăng vượt dự báo, qua đó đưa tăng trưởng tiền lương lên mức 4,4% so với cùng năm 2022.
FED khó hạ lãi suất
Có thể thấy điệp khúc lương còn tăng, giá cả tiêu dùng hay lạm phát tất yếu sẽ còn tăng theo. Thất nghiệp thấp kỷ lục bất chấp lãi suất tăng, thị trường việc làm Mỹ vẫn rất "nóng". Đây chính là sức ép lớn nhất hiện nay cản trở khả năng FED hạ lãi suất.
Theo các chuyên gia, FED chống lạm phát bằng cách làm chậm nền kinh tế thông qua việc tăng lãi suất. Điều này khiến các điều kiện tài chính thắt chặt như chi phí vay cao hơn, giá cổ phiếu thấp hơn và đồng USD mạnh hơn.
FED chống lạm phát bằng cách làm chậm nền kinh tế thông qua việc tăng lãi suất. (Ảnh minh họa - Ảnh: Getty Images)
Kết quả sau 10 lần tăng lãi suất liên tiếp cho thấy, nền kinh tế Mỹ dù giảm nhưng vẫn tăng trưởng 1,1% trong quý I. Chỉ số giá cả tiêu dùng PCE lõi - thước đo lạm phát ưa thích của FED, vẫn tăng 4,6% trong tháng 3. Thất nghiệp lại đang có xu hướng giảm. Hạ lãi suất là chuyện khá xa vời vào lúc này.
"Hiện 1 lao động thấy nghiệp có tới 1,6 cơ hội việc làm, cao hơn tỷ lệ trung bình trước đại dịch chỉ là 1,2 cơ hội việc làm. Do vậy để thu hút lao động, doanh nghiệp phải tăng lương", Tiến sĩ Nguyễn Minh Tuấn, Tập đoàn RSM tại Mỹ, nhận định.
Do đó, nếu chưa thể hạ lãi suất thì việc duy trì mặt bằng lãi suất cao hiện nay là 5 - 5,25% có phải là giải pháp. Dường như lịch sử đang chống lại FED.
Trang lịch sử về FED vẫn còn lưu giữ bài về cuộc suy thoái những năm đầu thập niên 80. Bài viết thừa nhận, suy thoái kinh tế Mỹ khi đó "bắt nguồn từ chính sách thắt chặt tiền tệ nhằm chống lạm phát tăng cao".
Chủ tịch FED, khi đó là ông Paul Volcker, nổi tiếng với bức hình gần như "chịu thua" trước đối thủ "lạm phát".
"FED sẽ phải xem xét tình hình kinh tế diễn biến ra sao, giống như giai đoạn cuối những năm 70, đầu 80. Chính Chủ tịch FED ông Powell thừa nhận là không muốn lặp lại kịch bản xấu này. Vì thế, khả năng rất cao đây là lần tăng lãi suất cuối trong chu kỳ của FED. Nhưng chúng ta vẫn phải chờ đến khoảng quý I năm sau mới có thể thấy lần hạ lãi suất đầu tiên", ông Sam Stovall, Trưởng Bộ phận Tư vấn Chiến lược, Công ty CFRA, Mỹ, cho hay.
Dựa trên những dự báo về tăng trưởng kinh tế Mỹ và lạm phát, công cụ theo dõi FED của CME cho thấy các nhà đầu tư phố Wall đang nghiêng về phương án FED sẽ chấm dứt chuỗi tăng lãi suất liên tiếp trong cuộc họp kết thúc vào 14/6 tới. Khả năng ngừng tăng này hiện đang lên tới 92,6%.
Tác động khi lãi suất tăng tại châu Âu
Còn ở bên kia bờ Đại Tây Dương, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) mặc dù đã giảm tốc độ tăng lãi suất, nhưng giới chuyên gia và thị trường hiện nay đang nghiêng nhiều về khả năng ECB sẽ vẫn tăng lãi suất tiếp.
Hiện các dự đoán cho thấy ECB sẽ phải thực hiện thêm 2 đợt tăng lãi suất trong tháng 6 và tháng 7 với mức tăng mỗi lần thêm 0,25 điểm phần trăm. Vậy áp lực lãi suất tăng liên tục tới 7 lần đang tác động ra sao tới thị trường tài chính? Câu trả lời của một số tờ báo châu Âu là tác động không nhiều như mọi người thường nghĩ.
Các thị trường tài chính châu Âu đã không biến động quá nhiều sau công bố chiều hôm thứ Năm (4/5) tuần trước tại Frankfurt.
Ngân hàng Trung ương châu Âu tăng lãi suất cơ bản thêm 0,25 điểm %. Tờ Thời báo Thụy Sĩ trích lời bà Chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu: "Chúng tôi chưa thấy rõ ràng tác động đầy đủ của chính sách tiền tệ lên hoạt động kinh tế trong việc kéo lạm phát đi xuống. Lạm phát vẫn cao hơn nhiều so với mức mục tiêu 2%, vậy các ngân hàng trung ương vẫn phải tiếp tục".
Vậy kết quả sau 7 lần tăng lãi suất cơ bản là những gì? Tờ Die Presse ra tại Áo ngay trên trang nhất có bài dài cho rằng: "Có những dấu hiệu ban đầu cho thấy, đợt tăng lãi suất liên tục từ tháng 7 năm ngoái đã có tác động nhất định".
Tờ báo lấy ví dụ: "Lượng tiền cho vay trong khu vực sử dụng đồng Euro đã giảm đáng kể". Nền kinh tế Eurozone suy trầm, tổng sản phẩm nội địa chỉ tăng 0,1% trong quý đầu năm nay. Tuy nhiên thông thường, kinh tế suy yếu thường đi kèm với thất nghiệp gia tăng. Trong khi chưa khi nào tỷ lệ thất nghiệp trong Eurozone lại thấp đến như hiện nay, thị trường việc làm đang rất vững chắc. Đó là cơ sở để Ngân hàng Trung ương châu Âu tiếp tục sử dụng công cụ lãi suất.
Một lý do nữa làm cơ sở cho quyết định tăng lãi suất là niềm tin vào hệ thống ngân hàng châu Âu. Tờ Corriere della Sera của Italy viết: "Những rủi ro liên quan tới ổn định tài chính không phải là trọng tâm trong bài toán của Ngân hàng Trung ương châu Âu".
Bà Christine Lagarde đã từng phát biểu: "Ngân hàng nào sụp đổ là do quản trị yếu kém hoặc tham lam liều lĩnh, chứ đừng có đổ tại cho chính sách tiền tệ. Lãi suất cơ bản tác động tới mọi ngân hàng, có phải ngân hàng nào cũng vì thế mà gãy đổ đâu!".
Tờ báo Italia viết: "Ngân hàng trung ương tin chắc khả năng kiểm soát bất ổn trong ngành ngân hàng, tới mức ngỏ ý có thể bổ sung thêm một biện pháp thắt chặt khác, là ngưng hoàn toàn việc mua lại trái phiếu đáo hạn, đánh dấu chấm hết cuối cùng cho chương trình nới lỏng định lượng".
Vậy điều chỉnh lãi suất cơ bản tác động ra sao tới chứng khoán? Câu trả lời bất ngờ trong một bài phân tích trên tờ L'Opinion của Pháp: "Đầu tư chứng khoán thì đừng quan tâm tới các tuyên bố của Ngân hàng trung ương châu Âu". Tác giả bài báo nhắc lại: "Tháng 7 năm ngoái, Ngân hàng Trung ương châu Âu bắt đầu tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản, chấm dứt thời kỳ lãi suất âm. Lúc đó thị trường tài chính rất lo ngại rằng tăng lãi suất sẽ đẩy chứng khoán lao dốc. Lãi suất cơ bản vẫn tăng đều suốt từ hồi đó, nhưng chỉ số chứng khoán Pháp vọt tăng 32,7% kể từ tháng 9/2022. Chứng khoán Eurozone cũng tăng trưởng 30,3%".
Có thể thấy áp lực lãi suất tại cả Mỹ và châu Âu - những nền kinh tế đầu tàu thế giới, đều có điểm chung đó là bất chất lãi suất liên tục tăng kéo theo kinh tế suy giảm, lạm phát hạ nhiệt nhưng thị trường lao động vẫn rất mạnh, mặt bằng lương vẫn tăng. Bên cạnh đó bất ngờ là chứng khoán vẫn hoạt động hiệu quả. Một bài toán khó trong điều hành chính sách tiền tệ.
End of content
Không có tin nào tiếp theo