Quốc tế

Mỹ đánh giá về tác động trừng phạt với kinh tế Nga sau gần 2 năm xung đột ở Ukraine

Có ba lực lượng chính phối hợp tác động lên nền kinh tế Nga: cuộc xung đột với Ukraine, các biện pháp trừng phạt của Mỹ và đồng minh và phản ứng chính sách của Moskva đối với các biện pháp đó.

Diễn biến chính tình hình chiến sự Nga - Ukraine ngày 17/12 / Quân sự thế giới hôm nay (17/12): Nga hiện đại hóa xe tăng T-80BVM, Hải quân Tây Ban Nha mua tên lửa NSM

Chú thích ảnh
Bộ Tài chính Mỹ đánh giá các lệnh trừng phạt có tác động đáng kế đến nền kinh tế Nga. Ảnh: Anadolu

Mới đây, Bộ Tài chính Mỹ đã đăng tải lên trang web của mình (Treasury.gov) báo cáo về tác động của các lệnh trừng phạt đối với nền kinh tế Nga, cho rằng GDP của Moskva đã bị thu hẹp hơn 5% so với trước khi nổ ra xung đột ở Ukraine nổ ra vào năm 2022.

Rachel Lyngaas, chuyên gia kinh tế trưởng về trừng phạt thuộc Bộ Tài chính Mỹ, tác giả của báo cáo, lưu ý Nga đang cảm nhận được tác động của cuộc chiến ở Ukraine. Các biện pháp trừng phạt và kiểm soát xuất khẩu của phương Tây đang gây tổn hại cho nền kinh tế Nga, hạn chế khả năng tiếp cận nguồn tài chính và hàng hóa vật chất cần thiết để Moskva duy trì cuộc xung đột.

Mỹ và đồng minh cũng đã nhắm mục tiêu vào các nguồn thu chính và khả năng tiếp cận các vật liệu quốc phòng của Nga, gây ra tổn hại một cách không cân xứng trong khi giảm thiểu những tác động lan tỏa ngoài ý muốn. Báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ nêu rõ, trong khi Nga có đủ nguồn lực để duy trì cuộc chiến trong ngắn hạn, Moskva phải đối mặt với những thách thức trong dài hạn - vì đầu tư dưới mức, tăng trưởng năng suất chậm và tình trạng thiếu lao động sẽ chỉ ngày càng trầm trọng hơn.

Theo báo cáo, có ba lực lượng chính phối hợp tác động lên nền kinh tế Nga: bản thân cuộc xung đột, các biện pháp trừng phạt của Mỹ và đồng minh, và phản ứng chính sách của chính phủ Nga đối với các biện pháp đó. Do những lực lượng này, nền kinh tế Nga đang chuyển hướng khỏi tiêu dùng cá nhân và hướng tới chi tiêu quốc phòng gây ảnh hưởng đến người dân Nga, những người sẽ phải đối mặt với sự suy giảm mức sống lâu dài.

Báo cáo đưa ra 4 kết luận chính:

 

Thứ nhất, hoạt động kinh tế vĩ mô của Nga đang bị ảnh hưởng do xung đột cũng như tác động của các lệnh trừng phạt từ phương Tây. Xung đột và các biện pháp trừng phạt đa phương liên quan đang khiến nền kinh tế Nga rơi vào tình trạng căng thẳng đáng kể, góp phần làm tăng chi tiêu nhanh chóng, đồng rúp mất giá, lạm phát gia tăng và thị trường lao động thắt chặt phản ánh tình trạng thiếu lao động.

Việc phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt tài chính, kiểm soát xuất khẩu, lệnh cấm vận dầu thô của EU và giới hạn giá đối với dầu của Nga đã gây khó khăn hơn cho ngành công nghiệp quốc phòng của Nga trong việc tìm kiếm các linh kiện công nghệ cao quan trọng và các thiết bị đầu vào trung gian cần thiết khác. Kết quả là, Nga đã theo đuổi việc tái tổ chức chuỗi cung ứng tốn kém để nhập khẩu các sản phẩm thay thế chất lượng thấp hơn từ các nước thứ ba.

Thứ hai, Nga đang phải chịu áp lực tài chính do chi tiêu ngày càng tăng và tác động của các biện pháp trừng phạt đối với nguồn thu của nước này. Nền kinh tế Nga trải qua nhiều biến động về tỷ giá hối đoái, với đồng rúp giảm rồi lại tăng rồi lại giảm, hiện giảm khoảng 20% so với đồng USD từ đầu tháng 2/2022 đến tháng 12/2023. Sự mất giá này, mặc dù không phải là thước đo hiệu quả của các biện pháp trừng phạt, nhưng lại ảnh hưởng đến cân bằng tài chính của Nga và khiến hàng nhập khẩu của Nga trở nên đắt hơn, điều này - cùng với các hạn chế khác do Mỹ và đồng minh áp đặt - khiến khả năng mua vật liệu của Nga trở nên khó khăn hơn.

Thứ ba, những phản ứng chính sách của chính Nga đối với các lệnh trừng phạt ngày càng trở nên tốn kém hơn đối với Nga. Vào năm 2023, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Nga chủ yếu được thúc đẩy bởi sự gia tăng chi tiêu của chính phủ cho cuộc chiến ở Ukraine, cơ sở hạ tầng và gia tăng chi tiêu xã hội. Chính quyền Nga đã tăng gấp đôi mục tiêu chi tiêu quốc phòng năm 2023 lên hơn 100 tỷ USD (1/3 tổng chi tiêu công) đồng thời tạm dừng tăng lương công dự kiến cho năm 2024.

Chú thích ảnh
Phương Tây siết chặt nguồn thu từ dầu mỏ của Nga. Ảnh: RIA Novosti

Trong khi chi tiêu tăng, doanh thu từ năng lượng đã giảm mạnh - gần 40% từ tháng 1 đến tháng 10/2023 so với năm 2022. Sự suy giảm đó phản ánh nhiều yếu tố, bao gồm cả sự sụt giảm của giá dầu toàn cầu trong suốt năm 2022 và phần lớn năm 2023. Hơn nữa, tác động của hai biện pháp chính – lệnh cấm vận của EU và giới hạn giá – đã giúp giảm nguồn thu từ xuất khẩu dầu của Nga bằng cách buộc các nhà xuất khẩu Nga phải giảm giá đáng kể ở các phân khúc thị trường mà lệnh cấm vận của EU làm giảm nhu cầu.

 

Sự sụt giảm doanh thu này đã làm tăng áp lực lên cán cân tài chính của Nga, vì doanh thu từ thuế dầu khí là nguồn thu chính của Nga. Tất nhiên, sự gia tăng giá dầu toàn cầu kể từ mùa hè năm 2023 đã cho phép doanh thu của Nga phục hồi phần nào; nhưng việc tăng cường thực thi giới hạn giá và các chế độ trừng phạt liên quan tiếp tục hạn chế nguồn thu của Moskva.

Thứ tư, Mỹ và đồng minh đã thực hiện các biện pháp để hạn chế việc nền kinh tế toàn cầu chịu những thiệt hại không cần thiết từ cuộc xung đột Nga - Ukraine. Giới hạn giá dầu của Nga nhằm mục đích cắt giảm lợi nhuận của Nga trong khi vẫn giữ nguồn cung dầu ổn định bằng cách buộc Nga phải bán dầu với giá rẻ hơn so với bình thường.

Khi bắt đầu cuộc xung đột, Nga đã thu được lợi nhuận bất ngờ nhờ giá dầu tăng vọt. Giá tăng liên tục do nguồn cung dầu toàn cầu giảm sẽ ảnh hưởng đối với các nước có thu nhập thấp và trung bình phụ thuộc vào dầu của Nga. Chính sách giới hạn giá có tác dụng duy trì sự ổn định của thị trường dầu mỏ bằng cách duy trì xuất khẩu của Nga trên thị trường, đồng thời hạn chế khả năng thu lợi từ loại dầu đó của Nga.

Về lĩnh vực lương thực, Mỹ chưa áp dụng các biện pháp trừng phạt liên quan đến hàng hóa hoặc thiết bị nông nghiệp của Nga. Tuy nhiên Mỹ đã hỗ trợ Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen giúp khoảng 33 triệu tấn ngũ cốc của Ukraine tiếp cận thị trường toàn cầu, hỗ trợ giảm giá lương thực trên toàn thế giới. Gần 2/3 số lúa mì xuất khẩu thông qua thỏa thuận đó đã đến các nước đang phát triển.

Về lĩnh vực khí đốt của châu Âu, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cam kết giúp EU tiếp cận khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG). Các đồng minh và đối tác, đặc biệt là ở châu Á, đã cho phép các nguồn năng lượng này được chuyển đến châu Âu như một phần trong nỗ lực toàn cầu nhằm đảm bảo khả năng tiếp cận năng lượng của EU.

 

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm