Quốc tế

Nhiều đồng tiền chủ chốt tại châu Á đồng loạt giảm - Tận dụng để thúc đẩy xuất khẩu

Các đồng tiền chủ chốt của châu Á, bao gồm Nhân dân tệ của Trung Quốc, Yen Nhật và Won Hàn Quốc, đều đã giảm xuống mức thấp kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây.

Đà Nẵng thí điểm tổ chức Phố đi bộ Bạch Đằng bên bờ sông Hàn / Lộ trình xây 1,8 triệu căn nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp

Trong khi các ngân hàng trung ương theo dõi sát biến động của đồng nội tệ, sự mất giá của các đồng tiền châu Á lại đang thúc đẩy hoạt động xuất khẩu, hỗ trợ cho sự hồi phục kinh tế. Một điểm chung dễ nhận thấy của ba nền kinh tế lớn nhất khu vực Đông Bắc Á là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc trong thời gian gần đây là các đồng nội tệ đều đang trong xu thế giảm giá mạnh so với USD.

Tỷ giá các đồng tiền châu Á với USD

Đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc đã giảm 8% so với USD kể từ đầu năm đến nay, xuống mức 1 USD đổi 6,93 Nhân dân tệ. Các đồng tiền của Nhật Bản và Hàn Quốc thậm chí còn mất giá mạnh hơn. Đồng Yen Nhật Bản đã chạm mức thấp nhất trong vòng 24 năm, còn Won Hàn Quốc cũng chạm đáy 13 năm.

Nguyên nhân lớn nhất và mang tính trực tiếp cho hiện tượng này là do Cục Dự trữ liên bang Mỹ FED đã liên tục tăng lãi suất để chống lạm phát. Việc Mỹ tăng mạnh lãi suất đã khiến các tài sản bằng đồng đô la trở nên hấp dẫn hơn trong con mắt giới đầu tư, kéo theo dòng vốn rút khỏi các thị trường châu Á.

Ông Wen Bin, kinh tế gia trưởng, ngân hàng Minsheng, cho biết: "Hiện nay, do ảnh hưởng của chính sách thắt chặt tiền tệ của Mỹ mà chỉ số đồng USD đã từng có lúc tăng lên ngưỡng 110, dẫn đến sự mất giá không thể tránh khỏi của Nhân dân tệ so với USD.

Nhiều đồng tiền chủ chốt tại châu Á đồng loạt giảm - Tận dụng để thúc đẩy xuất khẩu - Ảnh 1.
Ảnh minh họa

Giới chức FED cho biết sẽ tăng lãi suất ít nhất là đến năm 2023, thậm chí còn lâu hơn nếu lạm phát tại Mỹ không giảm nhiệt. Điều này có nghĩa là sức ép lên các đồng tiền châu Á sẽ còn kéo dài.

Chính phủ Trung Quốc nhìn nhận một cách nghiêm túc xu thế mất giá của đồng Nhân dân tệ và đã sớm có hành động. Chỉ trong vòng 4 tháng, Trung Quốc đã hai lần hạ tỷ lệ dự trữ ngoại hối bắt buộc của các ngân hàng thương mại từ 9% xuống 6% nhằm bình ổn thị trường tiền tệ trong nước.

Để có thêm thông tin về điều này, phóng viên chương trình Tạp chí kinh tế cuối tuần đã kết nối với phóng viên Thái Bình, thường trú Đài Truyền hình Việt Nam tại Trung Quốc.

Xin chào anh Thái Bình, Trung Quốc nhìn nhận như thế nào về xu hướng mất giá của đồng Nhân dân tệ?

Phóng viên Thái Bình: Hiện 6,93 Nhân dân tệ đổi 1 USD, mức thấp nhất trong 2 năm nay. Với quyết định giảm tỷ lệ dự trữ ngoại hối tại các tổ chức tín dụng từ 8% xuống 6%, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, tức Ngân hàng Trung ương tin rằng sẽ giảm bớt áp lực giảm giá của đồng nhân dân tệ. Theo ông Lưu Quốc Cường, Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương TQ, so với các đồng tiền còn lại trong rổ Quyền rút vốn đặc biệt, đồng Nhân dân tệ từ tháng 1 đến tháng 8 giảm giá thấp nhất, giảm 8%. Trừ đồng USD tăng giá 14,6% thì đồng Euro mất 12%, Bảng Anh mất 14% và Yen Nhật mất 17%. Đồng nội tệ giảm giá sẽ giúp các công ty xuất khẩu tăng doanh thu nhưng nếu sử dụng quá nhiều nguyên liệu và linh kiện nhập khẩu thì lại bất lợi. Nhiều chuyên gia cho rằng tỷ đồng Nhân dân tệ sẽ sớm phá vỡ mốc tâm lý quan trọng - 7 Nhân dân tệ đổi 1 USD nhưng sẽ khó giảm sâu. Trước đó, năm 2019 - 2020, Nhân dân tệ phá vỡ mốc 7.

 

Liệu Trung Quốc có xem sự giảm giá của đồng nhân dân tệ là một trong những yếu tố thúc đẩy xuất khẩu không thưa anh?

Phóng viên Thái Bình: Đó chỉ là một yếu tố nhưng không phải là quan trọng nhất. Do chi phí nguyên liệu, nhiên liệu tăng cao ở châu Âu và Hàn Quốc, chi phí vận chuyển hàng hóa quốc tế giảm nên Trung Quốc có nhiều lợi thế nhờ chuỗi cung ứng hoàn chỉnh, giá đầu vào thấp nên tiếp tục xuất siêu mạnh. Các chính sách hỗ trợ của Chính phủ như đẩy nhanh đàm phán các hiệp định thương mại tự do với nhiều quốc gia, khuyến khích thương mại điện tử xuyên biên giới càng tạo điều kiện cho doanh nghiệp Trung Quốc xuất siêu. Ngoài ra, gói kích thích và kích thích kinh tế bổ sung giúp doanh nghiệp Trung Quốc nhanh chóng lấy lại sức mạnh. Trong cơ cấu sản phẩm xuất khẩu thì các sản phẩm công nghệ như máy tính, xe cộ và điện thoại thông minh chiếm đến 56,5% tổng giá trị xuất khẩu. Các doanh nghiệp tư nhân cũng chiếm hơn 50% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu, thể hiện khả năng thích ứng mạnh mẽ với môi trường bên ngoài phức tạp. Mời trường quay.

Có thể thấy áp lực giảm giá với đồng Nhân dân tệ vẫn đang tiếp diễn, tuy nhiên, sự mất giá của đồng Nhân dân tệ lại đang hỗ trợ cho lĩnh vực xuất khẩu. Trong tháng 7, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc tăng 18% so với cùng kỳ năm trước, vượt xa ước tính của các chuyên gia, sang tháng 8 đà tăng đã chậm lại nhưng vẫn tăng 7% so với cùng kỳ năm trước lên 314,9 tỷ USD. Xuất khẩu đang trở thành trụ đỡ quan trọng cho tăng trưởng của Trung Quốc vào thời điểm nước này vẫn đang tăng cường các nỗ lực phòng chống COVID-19.

Còn tại Nhật Bản, bất chấp nhiều quan ngại, chính phủ nước này vẫn chưa thực hiện bất kỳ biện pháp nào để ngăn chặn sự mất giá của đồng Yen. Theo CNBC, chính sách tiền tệ siêu lỏng của Ngân hàng trung ương Nhật Bản có thể khiến đồng Yen rơi xuống mức 160 yên đổi 1 USD trong các tháng tới. Nhật Bản dường như xem sự mất giá gần như rơi tự do này là chấp nhận được, bởi chính sách lãi suất thấp đang hỗ trợ phục hồi hoạt động đầu tư trong nước và kim ngạch xuất khẩu của nền kinh tế số 3 thế giới vẫn đang tăng trưởng tốt, liên tục tăng trên 19% trong 2 tháng 6 và 7.

Lợi thế của nền kinh tế Nhật Bản khi đồng Yen yếu

 

Nhiều đồng tiền chủ chốt tại châu Á đồng loạt giảm - Tận dụng để thúc đẩy xuất khẩu - Ảnh 2.

Đồng Yen của Nhật Bản. (Ảnh: Bloomberg)

Thống kê trong quý 2/2022, chi tiêu vốn của các doanh nghiệp Nhật Bản đã tăng 4,6%, đây là kết quả của chính sách nới lỏng tiền tệ quy mô lớn nhằm kích thích đầu tư doanh nghiệp, thúc đẩy phục hồi kinh tế sau dịch covid 19. Không chỉ thúc đẩy đầu tư trong nước, chính sách này đã làm đồng yên ngày giảm giá so với đồng USD, qua đó tạo ra lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu của Nhật Bản.

Ông Ryota Fukumoto, tập đoàn Logistics Aikou, Nhật Bản, cho biết: "Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, hàng hóa của họ đưa ra nước ngoài sẽ có giá rẻ hơn khi quy đổi tỷ giá, cơ bản là khách hàng ở nước ngoài sẽ phải trả ít tiền hơn khi mua hàng hóa của Nhật Bản, đây là lợi thế cạnh tranh".

Lợi thế có thể thấy rõ đối với các tập đoàn xuất khẩu ô tô, do đồng Yen giảm giá, tập đoàn ô tô Toyota của Nhật Bản đã điều chỉnh tăng dự báo doanh thu trong năm tài khóa 2022 lên từ 33 nghìn tỷ Yen lên 34,5 nghìn tỷ Yen (khoảng 270 tỷ USD). Ngoài Toyota, các hãng sản xuất ô tô lớn khác của Nhật Bản như Honda hay Nissan đều đưa ra những dự báo tích cực tương tự.

Ông Ando Mitsuru, Giám đốc công ty AIC, Nhật Bản, nhận định: "Đối với các công ty khi xuất khẩu hàng hóa, giá trị hàng hóa sẽ được quy đổi, khi đồng Yen càng rẻ so với đồng ngoại tệ, thì doanh nghiệp xuất tại Nhật Bản sẽ càng có doanh thu và lợi nhuận nhiều hơn".

 

Đồng Yen đã giảm xuống mức thấp nhất trong 24 năm qua, nếu đồng Yen tiếp tục giảm giá thì doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa xuất khẩu sẽ còn lớn hơn. Mặc dù hiện nay, ngay cả khi Nhật Bản không còn là cỗ máy xuất khẩu như trước đây, nhưng rõ ràng là đồng Yen yếu đang mang lại cơ hội để Nhật Bản kích thích xuất khẩu, một trụ cột có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của nước này.

Chính sách nới lỏng tiền tệ mặc dù mang lại một số tác động tiêu cực khi đồng Yen giảm giá, nhưng chính phủ Nhật Bản sẽ vẫn tiếp tục thực hiện trong thời gian tới vì theo các nhà điều hành kinh tế vĩ mô Nhật Bản, về cơ bản đồng Yen yếu vẫn tạo ra lợi thế lớn hơn cho nền kinh tế nước này.

Châu Á đang từng bước thích nghi với xu thế giảm giá khó tránh khỏi của các đồng nội tệ và tận dụng điều này để thúc đẩy xuất khẩu. Sự kết hợp này có thể sẽ củng cố hơn nữa vai trò của ngành sản xuất trong khu vực.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm