Quốc tế

Phương Tây lại cay đắng vì NATO 'chết não'

Các thành viên trong NATO đối đầu quân sự càng chứng minh cho phát biểu của Tổng thống Pháp E. Macron về một liên minh “chết não”.

Nga cáo buộc các cuộc tập trận của NATO là hành động "chuẩn bị chiến tranh" / Nga "giận sôi" khi hải quân NATO tập trận ngay ngoài khơi Crimea

Khi gà nhà đá nhau

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hồi cuối tháng 6 vừa qua cho rằng cuộc giằng co giữa Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ ở ngoài khơi đất nước Libya đang bị chiến tranh tàn phá là bằng chứng về sự “chết não” của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

AFP dẫn lời ông Macron nêu rõ: “Tôi nhắc các bạn về những tuyên bố của tôi hồi cuối năm ngoái, về tình trạng chết não của NATO, tôi cho rằng sự cố này là một trong những sự biểu đạt rõ ràng nhất (về tình trạng đó)… khi chúng ta đang có 2 thành viên của NATO” tham gia vào một cuộc giằng co.

Phuong Tay lai cay dang NATO chet nao

Tổng thống Pháp E. Macron tiếp tục chỉ trích NATO "chết não"

Theo báo chí Pháp, sự cố xảy ra ngày 10/6 khi tàu hộ tống của Pháp bị tàu chiến Thổ Nhĩ Kỳ chiếu radar trong lúc tham gia chiến dịch Sea Guardian ở Địa Trung Hải, ngoài khơi Libya. Paris xem đây là một sự cố “vô cùng nghiêm trọng”.

Tàu hộ tống của Pháp có nhiệm vụ giám sát lệnh cấm bán vũ khí cho Libya, và Thổ Nhĩ Kỳ bị tình nghi là nguồn cung cấp vũ khí cho chính quyền Tripoli. Hậu quả kéo theo là Paris quyết định tạm ngừng tham gia vào chiến dịch giám sát biển nói trên cho tới khi nào NATO làm sáng tỏ lập trường của Ankara về Libya.

Một nhà ngoại giao châu Âu chỉ trích NATO bất lực trước áp lực và tham vọng của Ankara: “Địa Trung Hải đang trở thành một điểm nóng, nguy cơ đụng độ trên biển giữa các thành viên của trong liên minh ngày càng lớn, trong khi NATO kín đáo ngoảnh mặt nhìn đi nơi khác”.

Ngoài Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ hiện cũng đang mâu thuẫn với một thành viên NATO khác là Hy Lạp. Tờ Le Figaro của Pháp thậm chí còn đưa ra đánh giá về tình trạng “gần như đối đầu” giữa Ankara với Athens.

Phuong Tay lai cay dang NATO chet nao

Chiếc FS Courbet F-712 của Pháp bị khinh hạm Thổ Nhĩ Kỳ khóa radar tới 3 lần ở Địa Trung Hải

Quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Italy cũng leo thang căng thẳng từ khi Thổ Nhĩ Kỳ can thiệp vào Libya, theo truyền thông Pháp, nhằm khai thác tài nguyên của vùng lãnh thổ mà tới nay Italy vẫn xem là sân sau của các tập đoàn dầu khí quốc gia ENI.

 

Nhân đây, giới phân tích Pháp cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ can thiệp vào Libya vì các nguồn tài nguyên phong phú, nhất là những mỏ khí đốt “còn nguyên” tại quốc gia Bắc Phi này. Người Pháp cũng chỉ trích tham vọng mở rộng ảnh hưởng chính trị của Thổ Nhĩ Kỳ tại khu vực như thời hoàng kim của đế chế Ottoman hồi thế kỷ XIX.

NATO ngậm bồ hòn

Về vấn đề nội bộ NATO, giới phân tích Pháp chỉ ra những “trục trặc” chính với người Thổ, gồm quyết định can thiệp vào Syria, Libya; việc Ankara mua tên lửa S-400 của Nga vốn được coi là đối thủ của liên minh quân sự; và vấn đề người di cư vì Thổ Nhĩ Kỳ là cửa ngõ cho các làn sóng di dân từ Trung Đông hay châu Phi vào Liên minh châu Âu (EU).

Giới phân tích Pháp đặt ra câu hỏi tại sao NATO vẫn “nương tay” đối với Thổ Nhĩ Kỳ? Câu trả lời được đưa ra là vì NATO chưa tìm được một đối tác nào khác để thay thế Thổ Nhĩ Kỳ.

Phuong Tay lai cay dang NATO chet nao

Thổ Nhĩ Kỳ kiên quyết mua tên lửa S-400 của Nga bất chấp sự phản đối của NATO

Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Paris Ismail Hakki Musa trong buổi điều trần trước Thượng viện Pháp đã quả quyết: “Không có Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không còn NATO. Liên minh sẽ không biết phải giải quyết ra sao các hồ sơ Iran, Iraq, Syria, vùng Nam Địa Trung Hải, Caucasus, Libya và Ai Cập”.

 

Cũng theo người Pháp, NATO tỏ ra lúng túng trước một thành viên “bướng bỉnh” như Thổ Nhĩ Kỳ là vì 29 trong số 30 thành viên khối này đang chờ đợi xem thái độ của “anh cả” Mỹ. Nhưng bản thân Mỹ hiện cũng đang có những rắc rối nội bộ trước thềm cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 tới và đang gánh chịu tác động nặng nề từ đại dịch COVID-19.

Người Pháp còn “than vãn” về sự chia rẽ trong nội bộ NATO khi chỉ có 8 thành viên của khối đứng về phía Paris lên án hành vi nguy hiểm của tàu chiến Thổ Nhĩ Kỳ trên Địa Trung Hải.

Cựu Đại sứ Pháp Michel Duclos cho rằng thái độ rụt rè này thể hiện sự thụ động của NATO cũng như khả năng thuyết phục khá thấp của Pháp. Điện Elysée đã yêu cầu các đối tác trong EU, mà nhiều thành viên là những cột trụ của NATO thể hiện lập trường thống nhất với Thổ Nhĩ Kỳ, tránh để bị Ankara “thọc gậy bánh xe”.

Phuong Tay lai cay dang NATO chet nao

Tổng thống Mỹ D. Trump cho rằng NATO đã "lỗi thời"

Tuy nhiên, mỗi nước thành viên NATO đều có “cái khó” của mình. Ví dụ, Đức, dù đang thể hiện là một “đồng minh” của Pháp trong nhiều dự án châu Âu, được cho là khó có thể thể hiện giọng điệu cứng rắn đối với Ankara. Lý do là hiện có tới 3 triệu người Thổ Nhĩ Kỳ đang sinh sống trên lãnh thổ Đức. Trong khi đó, giới phân tích Pháp thừa nhận các nước Đông Âu do quá sợ Nga nên vẫn phải “bám víu” vào NATO bằng mọi giá nên chẳng mấy mạnh dạn đứng về phía Paris.

Phát biểu của Tổng thống Macron và đánh giá của giới phân tích Pháp một lần nữa chứng tỏ sự chia rẽ nội bộ của NATO ngày càng rõ ràng. Giới phân tích từ lâu đã chỉ ra một trong những thách thức lớn đối với liên minh quân sự này là việc không thể đoán trước được thái độ của một số thành viên chủ chốt, chủ yếu là Mỹ.

 

Khi bắt đầu nhiệm kỳ, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gọi liên minh này là "lỗi thời" và nói rõ ông cảm thấy Mỹ bị đối xử bất công với tư cách là thành viên của NATO. Mọi đồng minh được cho là dành 2% GDP cho quốc phòng, và cho đến nay ông Trump đã nhắc đi nhắc lại với hầu hết các đồng minh trong NATO về việc họ không hoàn thành nghĩa vụ.

Ông Trump không phải là tổng thống Mỹ đầu tiên hối thúc châu Âu tăng chi tiêu quốc phòng. Tuy nhiên, ông là Tổng thống Mỹ đầu tiên đặt câu hỏi về cam kết của Mỹ đối với Điều V của hiệp ước NATO, trong đó tuyên bố rằng "một cuộc tấn công chống lại một đồng minh sẽ được coi là một cuộc tấn công chống lại tất cả các đồng minh".

Phuong Tay lai cay dang NATO chet nao

"Mối đe dọa" Nga không giúp NATO cố kết hơn

Cuối tháng 6 vừa qua không phải là lần đầu tiên Tổng thống Pháp Macron nêu vấn đề NATO “chết não”. Hồi đầu tháng 11/2019, ông Macron đã có một cuộc phỏng vấn được mô tả là “gây chấn động” trên tờ The economist, khiến cộng đồng xuyên Đại Tây Dương náo loạn. Trong cuộc phỏng vấn, ông Macron đã lần đầu tiên than phiền về tình trạng "chết não của NATO", kêu gọi đánh giá lại NATO trước các mối đe dọa của Mỹ.

Về phần Thổ Nhĩ Kỳ, giới phân tích Pháptừ lâuđã thừa nhận NATO phải “ngậm bồ hòn làm ngọt”, chấp nhận thành viên “ngỗ nghịch” này để khỏi bị mất đi một đồng minh chiến lược của toàn khối, một cường quốc quân sự lớn thứ hai của NATO.

Về mặt địa lý, Thổ Nhĩ Kỳ nhìn ra cả Biển Đen lẫn Địa Trung Hải, là giao lộ của các luồng di cư và là cầu nối giữa châu Âu và toàn bộ vùng Cận Đông. Theo giới phân tích Pháp, dù bị Ankara gây căng thẳng, phương Tây không thể mạo hiểm “cắt cầu” với Thổ Nhĩ Kỳ.

 

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm