Quốc tế

Sản xuất toàn cầu "căng như dây đàn" do lãi suất tăng và chi phí cao

Hoạt động sản xuất của các nhà máy trên toàn cầu đang suy yếu từ Âu, Mỹ cho tới châu Á.

Bất ngờ với cách Nga sử dụng xe tăng T-54 trên chiến trường Ukraine / 3 yếu tố khiến Ukraine tổn thất nghiêm trọng pháo hạng nặng trên chiến trường

Chỉ số PMI sản xuất thu hẹp

Trong cuộc khảo sát kinh doanh mới nhất được tổ chức S&P Global thực hiện tháng 5 đã cho thấy, nhu cầu toàn cầu sụt giảm mạnh đã làm suy yếu hoạt động sản xuất trên khắp châu Âu và Mỹ, đồng thời tạo ra thách thức lớn đối với nhiều nhà xuất khẩu của châu Á.

Khi nói tới lĩnh vực sản xuất, một dữ liệu được quan tâm chính làchỉ số nhà quản trị mua hàngPMI sản xuất. Hiểu đơn giản, con số này trên 50 điểm đó là tin tốt, hoạt động sản xuất và các nhà máy mở rộng nhiều đơn hàng, còn dưới 50 tức là thu hẹp.

Trong thống kê chỉ số PMI sản xuất tại các nền kinh tế lớn của thế giới như Mỹ, Eurozone, Trung Quốc, Hàn Quốc trong tháng 5 vừa qua đều dưới ngưỡng 50.

Theo các chuyên gia, 2 nguyên nhân chính được chỉ ra:Thứ nhấtlà do lạm phát cao, dai dẳng đã bào mòn túi tiền của người dân, kéo theo sức cầu trong nền kinh tế trở nên yếu hơn. Lạm phát cũng khiến chi phí đầu vào tăng cao, bào mòn lợi nhuận của doanh nghiệp. Hệ quả là họ buộc phải sản xuất cầm chừng hoặc đóng cửa nhà máy;Thứ 2, lãi suất liên tục tăng suốt một năm qua làm thắt chặt các điều kiện cho vay, khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn hơn trong việc tìm kiếm nguồn vốn.

Doanh nghiệp châu Âu thu hẹp hoạt động sản xuất

Các số liệu mới nhất của Eurostat cho thấy, Eurozone vừa ghi nhận mức suy giảm GDP 0,1% trong hai quý liên tiếp, qua đó chính thức rơi vào một cuộc suy thoái kỹ thuật. Nguyên nhân dẫn đến suy thoái là do nhu cầu tiêu dùng nội khối rất yếu. Doanh số bán lẻ trong tháng 4 của Eurozone đã không tăng trưởng, cho thấy người tiêu dùng vẫn hạn chế chi tiêu, ngay cả khi lạm phát đã hạ nhiệt.

Chị Sandra Hamadouche - Người tiêu dùng Pháp cho biết: "Tôi đang cố gắng tìm kiếm những sản phẩm rẻ nhất, những thứ được giảm giá. Tôi cố gắng so sánh kỹ lưỡng giá từng mặt hàng. Trước đây, tôi không cần thiết phải làm như vậy".

Sản xuất toàn cầu căng như dây đàn do lãi suất tăng và chi phí cao - Ảnh 1.

Hoạt động sản xuất của các nhà máy trên toàn cầu đang suy yếu từ Âu, Mỹ cho tới châu Á. Ảnh minh họa - Ảnh: Getty.

Tiêu dùng giảm sút, kéo theo sự đình trệ của sản xuất công nghiệp. Hoạt động của các nhà máy tại châu Âu đã thu hẹp tháng thứ 11 liên tiếp, với số đơn hàng mới suy giảm. Đức - nền công nghiệp lớn nhất của toàn khối cũng đã rơi vào suy thoái.

Áp lực càng lớn hơn nữa khi các đợt nâng lãi suất của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và việc các ngân hàng thắt chặt điều kiện cho vay, khiến nhu cầu vay vốn cho đầu tư sản xuất của các doanh nghiệp tại Eurozone trong quý I giảm tới 38%.

Khả năng tiếp cận nguồn vốn vay của các doanh nghiệp sẽ càng khó khăn hơn, khi giới chức ECB tin rằng, lạm phát vẫn chưa đạt đỉnh và việc tăng lãi suất vẫn là cần thiết.

Bà Christine Lagarde - Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cho biết: "Các quyết định trong tương lai của chúng tôi sẽ đảm bảo rằng các mức lãi suất chính sách sẽ được đưa đến mức đủ để hạn chế đà tăng giá cả, kịp thời đưa lạm phát trở lại với mục tiêu trung hạn 2%".

Thị trường hiện đang đánh giá, khả năng ECB tăng lãi suất thêm 0,25 điểm % trong cuộc họp tuần tới là 95%, bất chấp những lo ngại về suy thoái kinh tế. Một đợt tăng nữa, với quy mô tương tự, cũng sẽ được triển khai trong tháng 7.

 

Số đơn đặt hàng nhà máy tại Mỹ tăng thấp hơn dự báo

Còn tại Mỹ, tình cảnh cũng không khả quan hơn. Các số liệu vừa được công bố đầu tuần qua cho thấy, số lượng đơn đặt hàng tại các nhà máy của Mỹ đã ghi nhận mức tăng thấp hơn dự báo, trong bối cảnh ngành sản xuất của nước này vẫn đang đối mặt với nhiều áp lực.

Trong tháng 4, số đơn đặt hàng nhà máy tại Mỹ ghi nhận mức tăng theo tháng là 0,4%. Kết quả này thấp hơn mức tăng 0,6% của tháng 3 và mức dự báo 0,8% của giới chuyên gia.

Nhiều mặt hàng như máy tính, sản phẩm điện tử, đồ gia dụng và linh kiện… đều ghi nhận xu hướng giảm. Nhu cầu thị trường yếu cũng khiến các doanh nghiệp giảm lượng hàng tồn kho nắm giữ, gây thêm sức ép lên lĩnh vực sản xuất.

Kinh tế Trung Quốc "hụt hơi"

 

Khi các nền kinh tế đầu tàu hụt hơi sẽ khiến cho các trung tâm sản xuất và các nền kinh tế định hướng xuất khẩu chịu tác động rất lớn. Điều này được thể hiện rõ ngay tại công xưởng sản xuất lớn nhất của thế giới, đó là Trung Quốc. Nước này đã ghi nhận những sức ép ngay lập tức thông qua dữ liệu thương mại tháng 5.

Xuất khẩu của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đã lao dốc mạnh hơn rất nhiều so với dự báo, giảm 7,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Đánh dấu tháng giảm đầu tiên trong vòng 3 tháng qua. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu cũng giảm 4,5%. Sự phục hồi sau COVID-19 của Trung Quốc từng được cho là sẽ làm "rung chuyển" thế giới, nhưng thay vào đó, kinh tế Trung Quốc hậu COVID-19 được tờ The Economist mô tả là "lung lay" và "hụt hơi".

Hoạt động sản xuất tại Trung Quốc giảm tháng thứ 2 liên tiếp dưới ngưỡng 50 - mốc phân tách giữa tăng trưởng và thu hẹp.

Đáng chú ý, giá cả đầu vào lẫn đầu ra đều đã giảm. Chỉ số giá sản xuất đầu ra PPI tháng 5/2023 vừa công bố cho thấy mức giảm vượt dự báo 4,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này càng làm tổn hại đến lợi nhuận doanh nghiệp, từ đó cản trở đầu tư sản xuất.

Sản xuất toàn cầu căng như dây đàn do lãi suất tăng và chi phí cao - Ảnh 2.

Khó khăn đang là bức tranh chung của ngành sản xuất toàn cầu. (Ảnh minh họa - Ảnh: Getty Images)

 

TS Phạm Sỹ Thành - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Trung Quốc (CESS) đánh giá: "Rõ ràng là sự hụt hơi này đến sớm hơn so với tất cả những thông báo lạc quan mà chúng ta đã nhận được từ các phân tích trước đây. Các mặt hàng hóa cơ bản phản ánh thực sự nền kinh tế Trung Quốc ở góc độ sản xuất và tiêu dùng như là giá sắt, thép vẫn liên tục giảm trong từ đầu năm đến nay. Mặt hàng cũng phản ánh rất rõ sự suy giảm của sản xuất toàn diện và tiêu dùng toàn diện ở Trung Quốc như là bột ngô, bột giấy, thủy tinh, hóa chất sản xuất nhựa và đồ gia dụng. Tất cả cho thấy khuynh hướng thu hẹp của sản xuất và chưa phục hồi thực sự sau khi chấm dứt chính sách Zero COVID-19".

Để giúp doanh nghiệp có thêm nguồn vốn sản xuất, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc tuyên bố cắt giảm bất ngờ tỷ lệ dự trữ bắt buộc thên 25 điểm cơ bản vào giữa tháng 5 vừa qua, cam kết sẽ giữ thanh khoản dồi dào trong hệ thống liên ngân hàng.

"Giới hạn của chính sách này chúng tôi nghĩ là cũng có nhiều hạn chế, bởi vì hạ tỷ lệ dữ trữ bắt buộc thì không ngay lập tức hạ được chi phí vốn cho doanh nghiệp và chỉ có thể làm tăng thanh khoản cho ngân hàng. Và vì thế nó cũng phản ánh có thể những dư địa của các chính sách tiền tệ cũng không quá rộng rãi như thời điểm trước khi COVID-19 bùng nổ", TS Phạm Sỹ Thành - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Trung Quốc (CESS) nhận định.

Sáu ngân hàng thương mại có vốn nhà nước của Trung Quốc tuần qua đã cắt giảm lãi suất tiền gửi chỉ một ngày sau lời kêu gọi giảm lãi suất từ chính phủ. Theo đó, lãi suất tiền gửi không kỳ hạn bằng đồng Nhân dân tệ là 0,2%, giảm từ mức 0,25% vào năm ngoái. Một khi việc cắt giảm lãi suất tiền gửi có hiệu lực sẽ làm giảm chi phí của các ngân hàng, cho phép họ giảm lãi suất cho vay. Người tiêu dùng và doanh nghiệp sẽ được vay vốn rẻ hơn.

Có thể thấy khó khăn đang là bức tranh chung của ngành sản xuất toàn cầu. Lãi suất tăng và chi phí cao khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc duy trì hoạt động, trong khi nhu cầu yếu từ người tiêu dùng lại hạn chế khả năng tìm đầu ra cho sản phẩm.

 

Tình hình khó khăn của ngành sản xuất có thể ảnh hưởng tới toàn bộ nền kinh tế thế giới, làm gia tăng rủi ro suy thoái. Ngân hàng Deutsche Bank của Đức mới đây cảnh báo, chu kỳ phá sản có thể quay trở lại trong năm nay, đặc biệt là với các doanh nghiệp tại Mỹ và châu Âu.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm