Quốc tế

Tại sao 'Gã khổng lồ' C-130J của Mỹ khiến Nga và Trung Quốc phải ngước nhìn

C-130J Super Hercules là phiên bản hiện đại nhất của gia đình 'lực sĩ' C-130 nổi tiếng đang phục vụ trong lực lượng không quân nhiều quốc gia trên thế giới. Hiện phiên bản này đã đạt ngưỡng 2 triệu giờ bay, một con số đáng nể mà ít có biến thể vận tải có quân sự tầm trung nào khác trên thế giới làm được.

Tập đoàn công nghiệp quốc phòng khổng lồ của Mỹ Lockheed Martin tuyên bố hôm 15/10 rằng, tổng số giờ khai thác trên phạm vi toàn cầu của vận tải cơ hạng trung C-130J Super Hercules đã vượt qua 2 triệu giờ bay. Số liệu thống kê về thành tích cực kỳ ấn tượng này đã được ghi lại bắt đầu với chuyến bay đầu tiên của C-130J vào ngày 5/4/1996, cho đến cuối tháng 7/2019 và chắc chắn con số này còn tăng thêm nhiều lần nữa trong tương lai khi ngày càng xuất hiện thêm khách hàng tiềm năng.

20 nhà khai thác từ 18 quốc gia với tổng số máy bay vào khoảng hơn 300 chiếc đã đóng góp vào thành tựu này. Các giờ bay của máy bay C-130J thông qua đa dạng nhiệm vụ bao gồm chiến đấu, vận chuyển, tiếp nhiên liệu trên không, hoạt động đặc biệt, cứu trợ nhân đạo, tìm kiếm cứu nạn, thăm dò thời tiết, chữa cháy và vận chuyển hàng hóa thương mại. Ông Rod McLean - Phó chủ tịch và Tổng giám đốc của ngành kinh doanh Air Mobility & Marine Missions tại Lockheed Martin đã công bố cột mốc trên tại Hội nghị khai thác Hercules - sự kiện thường niên của nhà sản xuất C-130 được tổ chức tại Atlanta, Mỹ.

Máy bay C-130J.

C-130J đã đạt được danh tiếng khi thực hiện công việc trên phạm vi toàn thế giới và thành tựu gần đây nhất chính là một lời nhắc nhở mạnh mẽ về vị thế toàn cầu chưa từng có của Super Hercules, ông McLean tự hào phát biểu.

Trong tay những nhà khai thác, chiếc vận tải cơ này tiếp tục thể hiện khả năng và tính linh hoạt đã được chứng minh của C-130J với mọi nhiệm vụ. Đội ngũ của Lockheed Martin tự hào về công việc mang lại cho các phi hành đoàn Super Hercules, những người dựa vào C-130J để thực hiện các nhiệm vụ quan trọng, cả trong và ngoài nước.

Các quốc gia có biến thể quân sự C-130J đóng góp cho số giờ bay này bao gồm (theo thứ tự giao hàng) Vương quốc Anh , Mỹ (Không quân Mỹ, Thủy quân lục chiến và Cảnh sát biển), Australia, Italia, Đan Mạch, Na Uy, Canada, Ấn Độ, Qatar, Iraq, Oman, Tunisia, Israel, Kuwait, Hàn Quốc, Saudi Arabia, Pháp và Bahrain. Không lực Mỹ duy trì phi đội C-130J lớn nhất, chúng nằm trong các đơn vị trực chiến, trung tâm huấn luyện bay hay các đơn vị làm nhiệm vụ dự bị chiến lược.

Máy bay C-130J tham gia cứu hỏa.

Biến thể đầu tiên C-130 thực hiện chuyến bay đầu tiên ngày 23/8/1954 và được đưa vào trang bị đại trà trong 2 năm sau đó. Tính đến năm 2019 đã có khoảng gần 2.700 chiếc C-130 với các biến thể xuất xưởng.

Mặc dù ra đời trên 50 năm, nhưng nhờ những đặc tính kỹ thuật ưu việt của mình như khả năng cất cánh dã chiến tốt từ các sân bay có đường băng ngắn, có thể chuyển đổi thành các biến thể khác nhau, bao gồm cả cường kích tấn công mặt đất, C-130 có thời gian chế tạo dài nhất so với bất kỳ loại máy bay quân sự nào khác trong lịch sử hàng không thế giới.

Biến thể mới nhất mang tên C-130J Super Hercules mà quân đội Mỹ đang đặt mua thêm với nhiều cải tiến mạnh mẽ như động cơ khỏe hơn và tiết kiệm hơn, có thể chuyên chở nhiều binh sĩ hơn, số lượng hàng hóa mang theo mỗi chuyến bay cũng được tăng lên.

Theo Việt Hùng/An ninh Thủ đô
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo