Quốc tế

Thủ tướng Đức hứa tiếp tục giúp Ukraine; nhưng bỏ khí đốt Nga ngay lập tức là "không thể"

Thủ tướng Đức Olaf Scholz ngày hôm nay (23/3) đã bày tỏ lo ngại về những hậu quả nghiêm trọng nếu nước này cắt đứt nguồn cung khí đốt Nga ngay lập tức.

Nga tung video tên lửa nghiền nát trung tâm thương mại ở Kyiv: Nghi là "kho đạn trá hình" / RIA: Phe thân Nga cáo buộc quân Ukraine rã ngũ - giả dạng phụ nữ hòng thoát khỏi Mariupol

Theo Financial Times (FT), phát biểu trước Hạ viện Đức (Bundestag) ngày hôm nay (23/3), Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã cam kết sẽ hỗ trợ Ukraine và người tị nạn Ukraine ở Đức, tuy nhiên ông nói rằng sự phụ thuộc vào năng lượng Nga không thể chấm dứt chỉ sau một đêm.

Cụ thể, FT cho biết Thủ tướng Scholz đã cảnh báo rằng lệnh cấm vận ngay lập tức đối với các loại nhiên liệu hỏa thạch của Nga sẽ gây ra suy thoái và khủng hoảng kinh tế - trong bối cảnh các nhà kinh tế học hạ thấp dự đoán về mức tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất châu Âu trong năm nay.

Mỹ và các quốc gia châu Âu khác đang hối thúc Liên minh Châu Âu (EU) áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn đối với ngành năng lượng của Nga, tuy nhiên Đức đã từ chối vì có đến 50% khí đốt nhập khẩu và hơn 30% lượng dầu mỏ mà nước này nhập khẩu đến từ Nga.

"Làm điều đó trong một sớm một chiều sẽ đồng nghĩa với việc đẩy nước Đức và toàn bộ châu Âu vào một cuộc suy thoái kinh tế. Hàng trăm ngàn việc làm sẽ đối mặt với rủi ro. Toàn bộ các ngành công nghiệp sẽ bị đẩy đến bờ vực", nhà lãnh đạo Đức cảnh báo.

Trong tuần này, Thủ tướng Scholz sẽ tham dự các cuộc họp với các nhà lãnh đạo khác của EU và hội nghị G7 có sự tham dự của Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Brussels, theo FT.

Thủ tướng Scholz nhận được sự ủng hộ từ Liên đoàn Công nghiệp Đức (BDI), nhóm vận động hành lang đại diện cho hơn 100.000 công ty và doanh nghiệp của Đức.

BDI đã cảnh báo rằng việc cắt nguồn cung khí đốt của Nga cho EU sẽ dẫn đến "hậu quả khôn lường" và gây ra "gián đoạn trong sản xuất, khiến người lao động mất việc làm, và thậm chí trong một số trường hợp có thể gây ra thiệt hại lớn cho các cơ sở sản xuất."

Chủ tịch BDI, ông Siegfried Russwurm cho biết: "EU chưa sẵn sàng cho một lệnh cấm vận năng lượng toàn diện và ngắn hạn. Điều này sẽ gây nguy hiểm cho sự thống nhất và khả năng hành động kinh tế và chính trị của khối liên minh."

BDI cho biết họ ủng hộ các lệnh trừng phạt đã được áp dụng cho đến thời điểm hiện tại, trừ việc tẩy chay khí đốt Nga vì họ cho rằng hành động này có nguy cơ "xé nát EU".

Trong khi đó, Thủ tướng Scholz lập luận rằng tác động của các lệnh trừng phạt đến các quốc gia châu Âu "không được lớn hơn tác động của chúng lên Nga".

Ông Scholz cũng nói thêm rằng các lệnh cấm vận, hạn chế thương mại đối với Nga vốn đã và đang gây tổn hại cho công dân Đức, không chỉ khiến giá nhiên liệu tăng cao, mà còn dấy lên hàng loạt lời cảnh báo từ các nhà máy rằng họ có thể phải ngừng sản xuất.

Thủ tướng Đức hứa tiếp tục giúp Ukraine; nhưng bỏ khí đốt Nga ngay lập tức là không thể - Ảnh 1.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz

Bình luận trên được Thủ tướng Scholz đưa ra khi các nhà kinh tế giảm mức tăng trưởng dự báo của nền kinh tế Đức, kèm theo lời cảnh báo rằng giá năng lượng và thực phẩm tăng cao sẽ tác động tiêu cực tới niềm tin và chi tiêu của người tiêu dùng và doanh nghiệp Đức.

GDP của Đức đã tăng 2,9% vào năm ngoái và mặc dù có sự sụt giảm trong 3 tháng cuối năm 2021, nhưng tăng trưởng kinh tế của nước này dự kiến ​​sẽ tăng tốc trong năm nay sau khi các lệnh hạn chế do COVID-19 được dỡ bỏ cùng việc giải quyết vấn đề nguồn cung trong các ngành công nghiệp.

Tuy nhiên, sau khi Nga phát động "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine dấy lên "làn sóng" trừng phạt ở phương Tây, việc Đức phụ thuộc vào nhập khẩu năng lượng của Nga đã khiến nước này phải chịu cảnh giá dầu và khí đốt tăng cao, trong khi lĩnh vực công nghiệp cũng bị ảnh hưởng do nguồn cung nguyên liệu từ Nga và Ukraine bị gián đoạn.

Dữ liệu hàng ngày do công ty nghiên cứu Morning Consult thu thập cho thấy niềm tin của người tiêu dùng Đức đã giảm mạnh kể từ sau xung đột quân sự Nga-Ukraine, từ 80% vào đầu tháng 2 còn 65% trong ngày 23/3 - cho thấy ngày càng có nhiều người có quan điểm tiêu cực về tình hình kinh tế đất nước và cá nhân.

Cũng theo Morning Consult, gần 40% người tiêu dùng Đức bày tỏ sự bi quan, cho rằng tình hình tài chính cá nhân xấu đi, và dự đoán tình hình sẽ còn tồi tệ hơn nữa trong năm nay.

 

Đức khẳng định tiếp tục hỗ trợ Ukraine

Theo thelocal.de, Thủ tướng Scholz đã tái khẳng định sự ủng hộ của Berlin đối với Ukraine, rằng Kyiv "có thể tin tưởng vào sự hỗ trợ của Đức".

Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Đức cho biết ông không tán thành với lời kêu gọi NATO lập vùng cấm bay trên lãnh thổ Ukraine hoặc điều "lực lượng gìn giữ hòa bình" tới Ukraine.

"Dù khó khăn tới nhường nào, thì chúng tôi sẽ quyết không nhượng bộ", Thủ tướng Scholz cho biết. Ông cũng khẳng định rằng Đức sẽ không mạo hiểm để một cuộc xung đột quân sự trực tiếp với Nga - quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân - nổ ra.

Về vấn đề hỗ trợ người tị nạn Ukraine, Thủ tướng Scholz cho biết đó sẽ là "thách thức rất lớn", nhưng Đức "sẵn sàng chào đón họ"./.

Xung đột Nga - Ukraine
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm