Quốc tế

Uy lực tên lửa có khả năng hạt nhân Nga đặt ở Belarus

Lực lượng Tên lửa Nga bắt đầu huấn luyện cho Belarus sử dụng hệ thống tên lửa Iskander ngày 3/4. Số lượng hệ thống tên lửa đạn đạo di động tầm ngắn có khả năng hạt nhân này đã được đưa tới Belarus vào cuối năm ngoái. Iskander có uy lực như thế nào và vì sao chúng khiến NATO "đứng ngồi không yên".

Mỹ và đồng minh vật lộn tìm cách giảm phụ thuộc về kinh tế với Trung Quốc / Sắp ghi nhận hàng loạt đột phá trong ngành công nghiệp dược phẩm nhờ ứng dụng AI

Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Belarus Alexander Lukashenko đã xác nhận thỏa thuận .

"Ngày 3/4, chúng tôi bắt đầu huấn luyện cho các binh lính. Ngày 1/7, chúng tôi sẽ hoàn tất việc xây dựng một cơ sở lưu trữ đặc biệt các vũ khí hạt nhân chiến thuật trên lãnh thổ Belarus", Tổng thống Putin phát biểu trên truyền hình vào cuối tháng trước. Ông cho biết, Moscow đã chuyển các hệ thống tên lửa Iskander cho Minsk và cung cấp cho nước này sự hỗ trợ cần thiết nhằm tái trang bị máy bay chiến đấu để có thể mang vũ khí hạt nhân.

uy luc ten lua co kha nang hat nhan nga dat o belarus hinh anh 1
Uy lực tên lửa có khả năng hạt nhân Iskander mà Nga đặt ở Belarus. Ảnh: Sputnik

Trong bài phát biểu vào 31/3, ông Lukashenko cho biết, cùng với vũ khí hạt nhân chiến thuật, Belarus chuẩn bị cân nhắc để Nga bố trí vũ khí hạt nhân chiến lược nếu tình hình an ninh yêu cầu. Ông Lukashenko cũng xác nhận về việc tiếp nhận tên lửa Iskander và tái trang bị cho chiến đấu cơ.

Các quan chức NATO đã công kích Nga và Tổng thống Putin về động thái mà họ cho là "nguy hiểm và vô trách nhiệm", còn Cao ủy EU về chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell nhận định, vũ khí hạt nhân Nga ở Belarus sẽ gây ra "mối đe dọa với an ninh châu Âu".

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Belarus cho rằng "sự leo thang vô trách nhiệm" và mối đe dọa với an ninh châu Âu nằm ở "việc triển khai quân đội NATO gần biên giới Belarus và sự mở rộng của liên minh này ở Bắc Âu".

Truyền thông Nga cũng đặt câu hỏi về mức độ nghiêm túc những mối lo ngại của NATO khi dẫn ra rằng Mỹ đặt hơn 100 vũ khí hạt nhân ở 5 nước châu Âu và đó không chỉ bao gồm vũ khí hạt nhân chiến thuật mà còn có cả bom B61 với đương lượng nổ lên tới 340 kiloton (Hai quả bom nguyên tử được thả xuống thành phố Hiroshima và Nagasaki có đương lượng nổ lần lượt là 15 và 25 kiloton).

Uy lực Hệ thống Tên lửa Iskander

 

Vũ khí là trung tâm cuộc thảo luận ở Belarus là Iskander - một hệ thống tên lửa tầm ngắn do Liên Xô và Nga thiết kế được phát triển vào cuối những năm 1980. Hệ thống này được sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu tạo ra một hệ thống tên lửa di động có khả năng hạt nhân phù hợp với những điều khoản của Hiệp ước Các Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) - vốn cấm các hệ thống tên lửa phóng từ mặt đất có tầm hoạt động từ 500 - 5.500km.

Những tên lửa Iskander đầu tiên được đưa vào biên chế trong quân đội Nga vào giữa những năm 2000.

Mỗi bệ phóng của hệ thống Iskander mang 2 tên lửa có thể được trang bị các loại vũ khí theo quy ước và vũ khí hạt nhân, từ bom phá boongke đến đầu đạn phân mảnh kích nổ trên không, đầu đạn phân mảnh có khả năng nổ cao và đầu đạn xung điện từ. Các đầu đạn nặng từ 480 - 700kg. Iskander cũng có thể mang các đầu đạn hạt nhân mạnh tới 50 kiloton. Hệ thống tên lửa Iskander cũng có một biến thể tên lửa hành trình được biết tới là Iskander-K. Trong thông báo về kế hoạch chuyển Iskander của Nga cho Belarus vào năm ngoái, Tổng thống Putin xác nhận các hệ thống được chuyển giao sẽ có thể phóng cả tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo cũng như đầu đạn theo quy ước và đầu đạn hạt nhân.

Mức độ chính xác và tầm bắn của Iskander

Hệ thống tên lửa Iskander có tỷ lệ sai số mục tiêu là 30 - 70 mét hoặc chỉ 5 - 7 mét nếu được trang bị hệ thống tự điều khiển. Hệ thống này có tầm bắn tối thiểu là 50km và tối đa là 500km. Nếu được triển khai ở phía Bắc, phía Tây hoặc phía Nam Belarus, Iskander có thể vươn tới các nước Baltic, hầu hết Ba Lan và Ukraine.

 

Giữa bối cảnh Mỹ rút khỏi Hiệp ước INF năm 2019, Nga có thể sẽ dỡ bỏ các giới hạn về tầm hoạt động của tên lửa Iskander và phát triển các tên lửa hành trình cũng như tên lửa đạn đạo mới có thể mở rộng tầm bắn thêm hàng trăm hoặc thậm chí hàng nghìn km.

Kho tên lửa Iskander của Nga gồm 162 hệ thống với 150 trong số đó là thuộc lực lượng mặt đất và 12 hệ thống thuộc lực lượng phòng vệ bờ biển của hải quân. Số lượng tên lửa với các điều chỉnh khác nhau được giữ kín nhưng chúng có thể lên tới hàng trăm tên lửa.

Nga không nêu cụ thể chi phí của tên lửa Iskander hay các hệ thống phóng nhưng truyền thông phương Tây và Ukraine ước tính chi phí cho mỗi tên lửa khoảng 3 triệu USD.

Liệu các hệ thống phòng thủ và phòng không của NATO có thể ngăn chặn Iskander?

Trong quá trình hoạt động, các tên lửa Iskander có thể tăng tốc lên tới Mach 7 (2,6 km/s) ở độ cao từ 6 - 50km và có đường bay tránh được các hệ thống phòng không của đối phương. Biến thể tên lửa hành trình Iskander-K có khả năng lẩn tránh và bay sát mặt đất để tránh bị radar phát hiện và cho phép chúng giành được lợi thế.

 

Các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ, trong đó có Patriot và Hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD được thiết kế để đánh chặn tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình, trong đó có Iskander, nhưng điều này vẫn chưa được kiểm chứng trong thực tế. Mỹ đã thông báo về kế hoạch cung cấp hệ thống tên lửa Patriot cho Ukraine vào cuối năm ngoái.

Tính toán của Nga khi bố trí vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus

Học thuyết hạt nhân của Nga cấm tuyệt đối sử dụng vũ khí hạt nhân, bao gồm cả vũ khí chiến thuật trừ khi có sự đe dọa đến sự sống còn của an ninh quốc gia. Học thuyết hạt nhân của Nga, được Bộ Ngoại giao công bố vào tháng 6/2020 nêu rõ vũ khí hạt nhân "hoàn toàn là phương tiện răn đe" và chúng chỉ được sử dụng nhằm phản ứng trước việc đối phương sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt nhằm vào Nga và đồng minh hoặc một cuộc tấn công theo quy ước nghiêm trọng đến mức đe dọa đến "sự tồn tại của nhà nước".

Tổng thống Putin đã khẳng định trên truyền hình nhà nước rằng Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko từ lâu đã nêu ra vấn đề bố trí vũ khí hạt nhân chiến thuật ở nước này.

"Đầu tiên, không có gì bất thường ở đây: Mỹ đã làm điều này trong hàng thập kỷ qua. Từ lâu họ đã triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở lãnh thổ các nước đồng minh. Chúng tôi đã nhất trí rằng chúng tôi sẽ làm điều tương tự mà không vi phạm các nghĩa vụ của mình, tôi nhấn mạnh là không vi phạm các nghĩa vụ quốc tế về việc không phổ biến vũ khí hạt nhân", Tổng thống Putin cho hay.

 

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm