Ra đường như ra trận!
Vợ chồng đi ăn giỗ bằng xe máy, bị xe tải trờ tới cán chết người vợ, người chồng bị thương ngồi trong bệnh viện thẫn thờ như mất hồn. Đang lưu thông, cô gái bị xe buýt mất thắng lao lên tông ngã, cán dập chân. Xe khách lấn đường tông vào xe tải ngược chiều làm 3 người chết và hàng chục người bị thương nặng...
Những ngày trước đó cũng xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông đau lòng tương tự. Không chỉ tước đoạt mạng sống của người đi đường, tai nạn giao thông còn di họa những thiệt hại không thể bù đắp cho người thân của các nạn nhân. Những người may mắn thoát chết sau tai nạn có lẽ cũng bị ám ảnh suốt đời...
Mỗi ngày, tại nước ta có trung bình 30 người tử vong vì tai nạn giao thông. Mỗi năm, tai nạn giao thông làm chết 11.000 người, tương đương 1 sư đoàn! Bây giờ ra đường, cái đáng sợ nhất nhưng cũng dễ bắt gặp nhất là tai nạn giao thông. Khiếp hãi đến nỗi người ta nói với nhau rằng ra đường chẳng khác nào ra trận, trời kêu ai nấy dạ, được trở về đã là mừng! Con người giờ đây không chỉ đau đầu với cơm áo gạo tiền mà còn canh cánh lo được an mạng. Mà cái chết nào phải đến từ súng đạn chiến tranh. Thời bình mà sao hiểm nguy quá đỗi.
Trong 3 nguyên nhân chính dẫn tới tai nạn giao thông, ý thức người tham gia giao thông kém là lý do chính (2 nguyên nhân còn lại là hạ tầng giao thông yếu, pháp luật về an toàn giao thông chưa hoàn thiện). Điều đó được chứng minh qua một vài số liệu: Trước thời điểm bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông (15-12-2008), số người chết bình quân mỗi năm ở nước ta do tai nạn giao thông là khoảng 12.000 - 13.000 người.
Đến nay, còn 11.000 người, trong đó 90% vụ tai nạn giao thông có yếu tố vi phạm luật giao thông của các chủ phương tiện và trong hầu hết các vụ va chạm, người điều khiển xe máy thường từ chết đến bị thương. Xem ra mũ bảo hiểm chưa thật sự phát huy tác dụng. Mà cũng chẳng có bảo hiểm nào tốt hơn so với người tham gia giao thông tự bảo hiểm chính mình!
Trong những người đã tử vong vì tai nạn giao thông, nhiều người đang sống rất hạnh phúc hoặc ấp ủ những giấc mơ, kế hoạch đẹp. Chúng ta - những người đang sống - biết nói gì với họ khi mà chính chúng ta cũng sợ tai nạn giao thông như họ từng sợ, cũng bất lực trước những cạm bẫy trên đường và cũng như họ - chỉ biết cầu mong được về nhà bình an sau một ngày “ra trận”...
Pháp luật dù có hoàn thiện đến mấy, đường sá dù có hiện đại đến mấy mà người tham gia giao thông mạnh ai nấy chạy thì tai nạn vẫn xảy ra. Đó còn là mầm mống của một xã hội thiếu tổ chức. Vì thế, phải bắt nguồn từ giải pháp gốc rễ, đó là tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức cho người đi đường. Trách nhiệm này không chỉ là của các cơ quan hữu trách và ngành giao thông vốn nói nhiều hơn làm, mà của tất cả chúng ta.
Hồng Lĩnh (Theo Người Lao Động)
End of content
Không có tin nào tiếp theo