Khám phá

Ráo riết chạy theo chuẩn

Trước tình trạng có quá ít giáo viên tiếng Anh đạt chuẩn, các sở Giáo dục - Đào tạo đang nỗ lực lên kế hoạch bồi dưỡng, nâng cao năng lực giáo viên tiếng Anh.

Ngã nhào với chuẩn châu Âu - Kỳ cuối: 

 

Ông Văn Công Sang, trưởng phòng tổ chức - cán bộ Sở Giáo dục - Đào tạo TP.Hồ Chí Minh, cho biết: Kết quả của đợt khảo sát vừa rồi đã cho giáo viên biết họ yếu ở điểm nào. Thành phố sẽ tổ chức lớp bồi dưỡng cho giáo viên tiếng Anh từ giữa tháng 6/2012 với mục đích tận dụng thời gian hè để các thầy cô dễ sắp xếp hơn. Tùy trình độ mỗi người, các giáo viên sẽ học bồi dưỡng 75-150 giờ.

 

Bên cạnh đó, ngay từ năm học 2012-2013 Sở Giáo dục - Đào tạo TP.Hồ Chí Minh cũng ra thông báo ưu tiên tuyển dụng những giáo sinh đã đạt chuẩn quốc tế.

 

Đào tạo lại

 

Tương tự, “Hải Dương dự kiến sắp xếp, bố trí công việc khác cho các giáo viên đạt trình độ thấp hơn 3-4 bậc so với mức chuẩn hoặc không đạt bậc thấp nhất trong các bậc năng lực ngoại ngữ quy định. Đồng thời chỉ đạo các đơn vị trong ngành khi tuyển dụng giáo viên, ngoài việc kiểm tra bằng cấp, phải kiểm tra trình độ năng lực ngoại ngữ của giáo viên, nếu đạt mức chuẩn trở lên đối với cấp học mới tuyển dụng” - ông Lương Văn Cầu, phó giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo Hải Dương - thông tin. 

 

Trong khi đó Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Hà Nội... cho biết đã chủ động bỏ kinh phí của địa phương để cử giáo viên tiếng Anh đi tập huấn tại Philippines, Malaysia, Singapore...

 

Thế nhưng, vấn đề đặt ra là không thể chỉ giải quyết phần “ngọn” mà phải bắt đầu từ “gốc”.

 

Ông Nguyễn Ngọc Hùng, trưởng bộ phận thường trực đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân, giải thích: “Tới thời điểm này, đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân đã thẩm định xong chương trình thí điểm bồi dưỡng kỹ năng sư phạm cho giáo viên tiểu học, đang thẩm định chương trình đào tạo giáo viên tiếng Anh tiểu học để các trường sư phạm trên cả nước tham khảo xây dựng chương trình đào tạo của mỗi trường"

 

"Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục - Đào tạo tiếp tục thúc đẩy các trường sư phạm phải đổi mới chương trình theo yêu cầu của đề án. Các trường sư phạm phải minh bạch chuẩn đầu ra và đề án sẽ thẩm định chất lượng đào tạo này của các trường” - ông Hùng khẳng định.

 

Theo đại diện Bộ Giáo dục - Đào tạo, đề án hiện nay mới đang trong giai đoạn thúc đẩy hỗ trợ các trường trong việc đào tạo đội ngũ giáo viên.

 

Tuy nhiên, ông Hùng lại giải thích: “Việc đào tạo giáo viên để lấp chỗ hổng lớn hiện nay cũng cần có lộ trình chứ không thể giải quyết ngay trước mắt. Khi nào các trường có đầu ra chúng tôi sẽ tiến hành kiểm định. Chất lượng kiểm định sẽ công bố để các trường biết và tiếp tục phấn đấu. Trước mắt, năm 2012 Đại học Quốc gia Hà Nội đã đăng ký với đề án để kiểm định đầu ra của khoa đào tạo giáo viên. Hi vọng với động thái tích cực này, nguồn GV được cung cấp sẽ đảm bảo chất lượng tốt hơn”.

 

Đạt chuẩn, rồi sao nữa!

 

Thế nhưng, một giáo viên ở Quận 1, TP.Hồ Chí Minh trình bày ý kiến: “Xảy ra tình trạng hàng loạt giáo viên không đạt chuẩn như ngày hôm nay là hậu quả của cả một hệ thống giáo dục: từ việc đào tạo, tuyển dụng giáo viên đến việc đánh giá năng lực giảng dạy của giáo viên tiếng Anh trong trường phổ thông. Bây giờ yêu cầu đi học chúng tôi sẽ chấp hành, yêu cầu đi thi chúng tôi cũng đi thi. Nhưng đi thi đạt chuẩn quốc tế với tất cả kỹ năng cần thiết rồi, chúng tôi có cơ hội áp dụng vào công tác giảng dạy không hay lại bị mai một dần...”.

 

Các giáo viên phân tích: với riêng bộ môn tiếng Anh, việc dạy đủ bốn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết cho học sinh là cần thiết. Nhưng nội dung, chương trình sách giáo khoa có tạo điều kiện cho giáo viên thực hiện không? Chưa kể nội dung đề thi các cấp hiện nay phần lớn vẫn tập trung vào hai kỹ năng đọc và viết.

 

Nhìn nhận vấn đề trên, ông Văn Công Sang cho rằng: Chúng ta đang ở giai đoạn giao thời. Để thực hiện đề án ngoại ngữ quốc gia thành công, tất cả phải đổi mới một cách đồng bộ. Ngoài việc bồi dưỡng năng lực cho giáo viên tiếng Anh đạt chuẩn. 

 

"Bắt đầu từ năm nay TP.Hồ Chí Minh cho phép các trường tuyển thêm 20-30% giáo viên tiếng Anh để đến năm 2015 thành phố có đủ số lượng giáo viên tiếng Anh có thể chia đôi lớp trong giờ học môn tiếng Anh, bảo đảm mỗi lớp chỉ 20-25 học sinh, chứ với sĩ số như hiện nay giáo viên khó có thể dạy theo chuẩn quốc tế. Bên cạnh đó, chúng tôi đang xin phép Ủy ban nhân dân TP.Hồ Chí Minh để tuyển dụng giáo viên bản ngữ. Đối với môn tiếng Anh, giáo viên bản ngữ không chỉ quan trọng trong việc giảng dạy cho học sinh mà còn đóng vai trò hỗ trợ giáo viên trong nước”, ông Sang cho biết thêm.

 

Cùng quan điểm, bà Phan Thị Thu Hà, phó giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo Đồng Tháp, khẳng định: “Vấn đề quan trọng hiện nay là các giáo viên phải học bồi dưỡng theo kế hoạch của sở đưa ra, đồng thời phải nỗ lực tự bồi dưỡng hằng ngày. Trường học nào có giáo viên đạt chuẩn chúng tôi mới chọn để thí điểm giảng dạy tiếng Anh theo đề án. Khi đã chọn rồi sẽ đầu tư kinh phí để mua sắm trang thiết bị hiện đại, bảo đảm sĩ số học sinh không quá cao...”.

 

Thứ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển khẳng định: Để đảm bảo chất lượng, Bộ Giáo dục - Đào tạo đề nghị chỉ những nơi có đủ điều kiện về giáo viên đạt chuẩn, điều kiện cơ sở vật chất và thiết bị cần thiết thì mới thực hiện dạy học tiếng Anh theo đề án này. Không nóng vội chạy theo thành tích trong khi điều kiện chưa cho phép.

 

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Ngọc Hùng cũng phân tích: “Với việc triển khai đề án tăng cường dạy học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân, chúng ta cần một giải pháp mới và một hệ công cụ mới để giải quyết những đòi hỏi về chất lượng dạy và học tiếng Anh ở Việt Nam. Giải pháp này hỗ trợ giáo viên giảng dạy dễ dàng thuận tiện trên lớp, tạo môi trường nghe, nói, đọc, viết và tương tác cho học sinh trên lớp, giúp học sinh có thể tự học bất cứ lúc nào, ở đâu, học theo nhu cầu của mình”.

 

 

Hướng đến mục tiêu 24.000 giáo viên tiếng Anh

 

Cuối năm 2011, Bộ Giáo dục - Đào tạo đã giao cho 18 trường đại học và cao đẳng tập trung đầu tư thí điểm chương trình và phương pháp bồi dưỡng mới, cấp chứng nhận nghiệp vụ sư phạm giảng dạy tiếng Anh tiểu học cho giáo viên lựa chọn từ các địa phương. Và để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên trước mắt, năm 2011 đề án đã tổ chức bồi dưỡng, tập huấn cho 2.500 giáo viên tiểu học đạt chuẩn. Năm 2012 sẽ tiếp tục bồi dưỡng cho 2.500 giáo viên nữa để đảm bảo 1,5 triệu học sinh tiểu học được tiếp cận chương trình mới. Cũng trong năm 2012, đề án sẽ bồi dưỡng đạt chuẩn cho 2.800 giáo viên tiếng Anh THCS và 400 giáo viên thuộc các trường chuyên để chuẩn bị mở rộng thí điểm - ông Hùng cho biết.

 

Con số giáo viên được tập huấn trên quá khiêm tốn so với mục tiêu có 24.000 giáo viên tiếng Anh vào năm 2020. Nhưng theo đánh giá của ban điều hành đề án, số giáo viên đã được tập huấn đạt chuẩn cả về năng lực và phương pháp sẽ là đội ngũ cốt cán trong việc thực hiện đề án này.

 

 

 

Theo Tuổi trẻ

 

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo