Doanh nhân

Sandberg không muốn được gọi là "nữ lãnh đạo"

Sheryl Sandberg hiện là Giám đốc hoạt động (COO) của Facebook. Bà đã tốt nghiệp thạc sĩ ngành Quản trị kinh doanh tại ĐH Harvard.

Trước đây bà đã giữ các chức vụ như: Phó chủ tịch vận hành Google, Trưởng phòng hành chánh Bộ Tài chính Mỹ, tư vấn tại McKinsey & Company, trợ lý nghiên cứu tại Ngân hàng Thế giới.

Năm 2010, bà đã có bài nói chuyện TEDTalk gây rúng động, trong đó bà nhận xét phụ nữ đang tự ràng buộc bản thân trong sự nghiệp và do đó khuyến khích họ phải "ngồi vào bàn", chấp nhận thử thách, rủi ro, và hết mình theo đuổi mục tiêu sự nghiệp.

Với Dấn thân, Sandberg trình bày chi tiết hơn các vấn đề này, đan xen bằng kinh nghiệm bản thân, dữ kiện thực tế, và các nghiên cứu hữu ích, gạt bỏ dần các lớp che phủ mờ ảo hay hiểu lầm về cuộc sống và chọn lựa của phụ nữ trong công việc.

Sheryl Sandberg đóng góp toàn bộ doanh thu từ quyển sách này để thiết lập một tổ chức phi lợi nhuận mang tên Lean In, khuyến khích phụ nữ dấn thân theo đuổi tham vọng của mình, cũng như đóng góp cho các tổ chức từ thiện khác vì mục đích hỗ trợ phụ nữ.

 

Tác phẩm: Dấn thân (Nguyên tác: Lean In)
Tác giả: Sheryl Sandberg
Người dịch: Trần Thị Ngân Tuyến
 

Sau đây là nội dung chính của sách: 

Chương 1 – Khoảng trống tham vọng lãnh đạo
 

Bạn sẽ làm gì nếu bạn không sợ hãi?

 

Ngày xưa, bà ngoại tôi (sinh năm 1917) học giỏi, bà lại có khả năng kinh doanh tốt. Thế nhưng, quan niệm của xã hội thời bấy giờ, con gái chỉ vén khéo việc nhà mà thôi. Người ta xem việc người chồng phải cần đến sự hỗ trợ tài chính của vợ là dấu hiệu của hèn kém. Khi Warren Buffett nhắc đến việc cạnh tranh với một nửa thế giới, tôi nghĩ đến bà và tự hỏi cuộc đời bà sẽ ra sao nếu bà sinh ra chậm hơn nửa thế kỷ.

Mẹ tôi chọn nghề giáo. Mẹ bắt đầu theo học chương trình tiến sĩ, lập gia đình và sau đó phải bỏ nghề. Sự phân chia lao động hàng thế kỷ vẫn còn đó.

Mặc dù tôi lớn lên trong một gia đình truyền thống, cha mẹ tôi đặt kỳ vọng như nhau giữa tôi, em gái và em trai tôi. Cả ba chúng tôi được khuyến khích phải học thật giỏi trong trường, chia sẻ việc nhà một cách công bằng.

Chỉ cách bà tôi hai thế hệ, sân chơi dường như đã cân bằng. Tôi được dạy dỗ để tin rằng, con gái cũng có thể làm được bất kỳ điều gì con trai làm được và tất cả mọi con đường sự nghiệp đều đón chào tôi. Khi tôi vào đại học mùa thu năm 1987, các bạn trong lớp thuộc cả hai giới đều tập trung hết mình cho việc học. Nam và nữ cạnh tranh thẳng thắn và nhiệt tình với nhau trong lớp, trong các hoạt động và khi đi phỏng vấn.

Nhưng 20 năm sau khi tốt nghiệp, thế giới vẫn chưa tiến bộ nhiều như tôi mong muốn. Hầu hết các bạn nam ngày xưa làm việc trong môi trường chuyên nghiệp. So với các đồng nghiệp nam, phụ nữ được đào tạo cao lại rút khỏi lực lượng lao động với tỷ lệ cao.

Chuyện gì đã xảy ra? Kết hợp khát khao sự nghiệp và đời sống hóa ra là một thách thức lớn hơn trí tưởng tượng của chúng tôi.

Những năm tháng cần phải đầu tư tối đa cho sự nghiệp thì đồng hồ sinh học đề nghị chúng tôi phải sinh con cái. Bạn đời của chúng tôi không chia sẻ việc nhà hay chăm sóc con, và thế là chúng tôi sống trong tình trạng 2 - 3 việc cùng lúc. Chỗ làm chưa kịp thay đổi và chưa cho chúng tôi những lựa chọn linh hoạt để đảm trách việc nhà. Chúng tôi không tính trước được điều này, chúng tôi bị đánh úp bất ngờ.

Nếu thế hệ của tôi quá ngây thơ, thì thế hệ kế tiếp lại quá thực dụng. Nhiều cô gái đã chứng kiến mẹ họ “làm hết mọi thứ” và quyết định phải chấp nhận buông tay. Và đó thường là sự nghiệp.

Phụ nữ có đủ kỹ năng để lãnh đạo trong công việc là chuyện không có gì để bàn. Nữ sinh ngày càng đạt điểm cao trong trường. Tuy nhiên, nếu như thái độ tuân thủ, giơ tay xin phát biểu ý kiến được khen ngợi trong trường học thì vì sao chúng không được đánh giá cao nơi công sở? Tiến thân trong công việc thường tùy thuộc vào khả năng chấp nhận rủi ro và tự tin vào bản thân – những tính cách không được khuyến khích ở phụ nữ.

Con đường cung cấp nguồn nhân lực trình độ không thiếu phụ nữ ở vị trí khởi đầu, nhưng đến giai đoạn lãnh đạo lại đặc nghẹt nam giới.

Tham vọng thành đạt trong nghề nghiệp ở nam giới được xem là tất yếu trong khi đối với nữ giới là vô thưởng vô phạt - hay thậm chí tệ hơn, bị đánh giá là tiêu cực. “Cô ấy tham vọng quá!” không phải là lời khen. Thành công của phụ nữ đều đi kèm với mức giá phải trả.

Và dù tiến bộ, phụ nữ vẫn chịu áp lực hôn nhân khi còn trẻ. Đến năm hai mươi lăm tuổi tôi đã kịp lập gia đình và li dị. Lúc đó tôi cảm thấy đây là một thất bại não nề cho hình ảnh của mình. Suốt nhiều năm liền, tôi thấy cho dù mình có thành công đến mấy trong công việc, nó vẫn không xóa nhòa được hai chữ “li dị” khắc trên ngực mình. Cho đến 10 năm sau, tôi học được sự thật là người tốt không bị cướp hết, và tôi đã vui sướng kết hôn với Dave Goldberg.

Nhiều người tranh luận với tôi là vấn đề không nằm ở tham vọng. Tôi thừa nhận giữa nam giới và nữ giới có sự khác biệt sinh lý. Tuy nhiên, trong thế giới hiện nay khi chúng ta không còn săn bắn để kiếm thức ăn, khát khao lãnh đạo phần lớn là do yếu tố văn hóa tạo ra và củng cố.

Phụ nữ trẻ nhìn vào các chỉ báo xã hội để định nghĩa hành vi thế nào là phù hợp và từ đó buộc mình phải im lặng. Khuôn mẫu về giới được bắt đầu trong giai đoạn tuổi thơ và trở thành lời tiên tri tự đúng.

Vấn đề lương bổng cũng tương tự. Nam giới thường được kỳ vọng kiếm nhiều tiền hơn nữ giới. Và thực tế là vậy. Mối nguy rập khuôn “Stereotype threat” làm giảm ý định gia nhập lĩnh vực kỹ thuật của nữ giới. Hình mẫu về một phụ nữ trong công việc cũng chẳng mấy hấp dẫn. Nếu nhân vật nữ dành thời gian cho công việc và gia đình cùng lúc, thế nào cô ấy cũng thấy rối bời và tội lỗi.

Cho nên, sợ hãi là gốc rễ của nhiều rào cản mà phụ nữ phải vượt qua. Sợ không được yêu quý. Sợ đưa ra lựa chọn sai lầm. Sợ thu hút sự chú ý không tốt. Sợ mình vươn xa quá. Sợ bị người ta đánh giá. Sợ thất bại. Và nỗi sợ lớn nhất: sợ là một người mẹ, người vợ, người con không tốt.

Không sợ hãi! Phụ nữ có thể theo đuổi để thành công trong sự nghiệp và trong cuộc sống; tự do lựa chọn một trong hai – hay cả hai.

Tôi tin rằng chúng ta cần phải khuyến khích phụ nữ vươn đến những vị trí lãnh đạo. Chúng ta cần tạo một thế giới bình đẳng hơn về giới. Phải khuyến khích phụ nữ tin vào bản thân và có tham vọng lãnh đạo. Cần khuyến khích nam giới chung tay tìm giải pháp bằng cách ủng hộ phụ nữ trong công việc và trong gia đình.

 

Chương 2 – Ngồi vào bàn

 

Trong buổi họp cùng Bộ Tài chính tại Facebook, các thành viên nữ của Bộ Tài chính không ngồi vào bàn, họ chọn ngồi vào những chiếc ghế đặt hai bên tường. Họ có quyền tham gia buổi họp như những thành viên khác, vì họ là những người được mời. Nhưng vị trí ngồi của họ như người quan sát hơn là người tham dự. Phụ nữ đã tự cản trở bản thân, tôi cảm thấy thất vọng. Nhưng tôi cũng hoàn toàn thấu hiểu sự bất an của họ, họ có cảm giác rằng họ là người mạo danh với kỹ năng và năng lực hạn chế.

Phụ nữ thường đánh giá kết quả của mình thấp hơn bản chất thực tế. Khi họ thành công, họ cho rằng là nhờ yếu tố bên ngoài, “ăn may” hay “được nhiều người giúp đỡ”. Khi họ thất bại, họ thường tin rằng do bản thân thiếu năng lực. Lối suy nghĩ này dẫn đến những hệ quả nghiêm trọng về sau.

Cũng như nhiều thứ khác, thiếu tự tin có thể biến lời tiên đoán thành hiện thực. Tôi không biết phải thuyết phục người khác thế nào để họ thấy tin rằng mình là người giỏi nhất trong công việc, hay thậm chí là thuyết phục bản thân tôi. Đến hôm nay, tôi vẫn nói đùa, ước gì mỗi ngày tôi có vài giờ cảm thấy tự tin như em trai mình.

Và không chỉ phụ nữ mới tự dằn vặt mình. Đồng nghiệp và giới truyền thông cũng rất nhanh chóng gán cho thành công của phụ nữ là nhờ các yếu tố bên ngoài.

Khi nào cảm thấy không đủ tự tin, tôi lại áp dụng một chiến thuật mà tôi đã học được và đôi khi hữu ích là “giả tạo”. Chồng tôi, Dave và tôi cũng có những lúc cơm không lành canh không ngọt, nhưng khi chúng tôi bắt đầu nổi máu tấn công nhau, thì phải đến nhà bạn ăn tối. Chúng tôi phải mang bộ mặt vui vẻ và nụ cười “mọi thứ thật tuyệt”. Và sau vài giờ, mọi thứ diễn ra đúng như thế.

Chúng ta thường thấy, người cực kỳ tự tin (mặc dù chẳng có gì để tự tin), thế rồi họ làm được rất nhiều việc. Hoặc khi ta đang ở trong hoàn cảnh bực bội, tức giận ai đó, nhưng cố gắng giả tạo mọi thứ bình thường trước mặt mọi người, cơn tức giận, bực bội lại qua nhanh và mọi thứ sẽ trở lại tuyệt vời.

Cảm thấy tự tin, giả vờ cảm thấy tự tin là cần thiết để tiếp cận cơ hội. Vì cơ hội không được dâng tặng, người ta phải giành giật lấy nó. Trong suốt 6 năm rưỡi làm việc tại Google, tôi đã tuyển dụng hơn 4.000 nhân viên. Điều tôi nhận thấy là đa phần nam giới nắm bắt cơ hội nhanh nhạy hơn phụ nữ. Phụ nữ ngược lại, rất cẩn trọng khi phải thay đổi vị trí hay tìm những thử thách mới. Thế giới đang chuyển động rất nhanh, nên việc nắm bắt cơ hội lại quan trọng hơn bao giờ hết.

Không bao giờ có sự phù hợp tuyệt đối khi bạn tìm một cơ hội lớn. Nắm bắt và biến cơ hội sao cho vừa với bạn, thay vì ngồi đợi theo hướng ngược lại. Phụ nữ ít có khuynh hướng giơ tay cao, chúng ta phải điều chỉnh hành vi này, vi khi ta hạ tay xuống, ngay nhà quản lý có ý định tốt nhiều khi cũng không để ý đến ta.

Tôi biết thành công của mình là nhờ tôi làm việc chăm chỉ, được nhiều người giúp đỡ. Tôi trân trọng và biết ơn sâu sắc những người đã cho tôi cơ hội và ủng hộ tôi. Không ai tự mình làm được hết. Nhưng tôi cũng biết là để tiếp tục phát triển và thử thách bản thân, tôi phải tin vào năng lực của mình. Tôi vẫn phải đối mặt những tình huống mà theo tôi là vượt quá khả năng. Tôi vẫn có những lúc cảm thấy mình là người giả mạo. Nhưng giờ đây tôi đã biết hít thở sâu, giữ cho tay giơ cao, và tôi đã học được cách ngồi vào bàn.

 

Chương 3 – Thành công và yêu quý

 

Vậy là tất cả những gì phụ nữ cần làm là bỏ qua những định kiến xã hội, tỏ ra tự tin, ngồi vào bàn, chăm chỉ làm việc, và rồi mọi thứ sẽ thuận buồm xuôi gió?

Qua nhiều cuộc nghiên cứu, người ta kết luận rằng: Thành công và được yêu quý là hai yếu tố song hành đối với nam giới nhưng lại ngược chiều nhau đối với nữ giới.

Khuôn mẫu của chúng ta về nam giới là người bảo bọc, quyết đoán, quyết tâm. Nữ giới là người chăm lo gia đình, nhạy cảm, sống cộng đồng.

Tôi tin rằng sự thiên vị này chính là yếu tố cốt lõi khiến phụ nữ bị kềm hãm.

Nếu một phụ nữ kiên quyết cho công việc hoàn tất, nếu cô ấy có tính cạnh tranh, quan tâm đến kết quả hơn làm hài lòng người khác; cô ấy cư xử như đàn ông, người ta sẽ ghét cô. Nếu một phụ nữ có năng lực, cô ấy có vẻ như thiếu yếu tố dịu dàng. Nếu một phụ nữ tỏ ra dễ thương, người ta lại đánh giá cô ấy dễ thương nhiều hơn là có năng lực. Để đối mặt với các phản ứng tiêu cực này, phụ nữ làm giảm nhẹ mục tiêu nghề nghiệp của mình. Chúng ta tự hạ mình trước khi bị người khác tác động.

Hành xử theo đúng chuẩn mực giới khiến phụ nữ khó nắm bắt được cơ hội như nam giới, nhưng nếu đi ngược lại định kiến và tìm đến cơ hội thì phụ nữ bị đánh giá không xứng đáng và ích kỷ. Trong khi phụ nữ phải ngồi vào cùng bàn và tạo dựng thành công cho mình thì chính hành động này làm người ta bớt yêu quý họ.

Thực tế, một phụ nữ giải thích tại sao mình tự đánh giá đủ năng lực và đề cập đến những thành công trước đó trong buổi phỏng vấn có thể làm giảm cơ hội được tuyển dụng.

Gọng kìm này đôi khi chưa đủ để kìm hãm thì các khuôn mẫu về giới cũng buộc phụ nữ phải làm thêm nhiều việc hơn mà không nhận được thêm lời khen ngợi. Khi nam giới giúp đồng nghiệp, người được giúp cảm thấy biết ơn và sẵn sàng trả lễ. Nhưng khi phụ nữ ra tay giúp đỡ, cảm giác mắc nợ nhẹ hơn rất nhiều. Khi phụ nữ từ chối giúp đỡ đồng nghiệp, cô ta thường nhận được đánh giá không mấy thiện cảm và ít được khen thưởng hơn. Còn nam giới từ chối giúp đỡ, anh ta chẳng bị sao hết.

Đối với nam giới, yêu cầu đòi hỏi chẳng có gì phải ngại. Nhưng phụ nữ được kỳ vọng phải biết quan tâm chăm sóc người khác, nên khi họ tự đề cao bản thân, chỉ ra giá trị của mình, thì sẽ nhận được phản ứng không hay. Đồng nghiệp cả hai giới đều ngần ngại không muốn làm việc với một phụ nữ đã yêu cầu được mức lương cao hơn. Cô ta bị cho là quá đòi hỏi.

Mục tiêu của thương lượng là đạt được mục đích của mình nhưng vẫn giữ hòa khí khiến người ta yêu quý mình. Khi thương lượng, để gia tăng cơ hội đạt được kết quả mong muốn, phụ nữ phải tỏ ra hòa nhã, nhưng kiên trì, không khoan nhượng. Thường xuyên nở nụ cười, bày tỏ sự trân trọng, nhấn mạnh đến mục tiêu lớn hơn với những mối quan tâm chung.

Nhưng chỉ sử dụng cách tiếp cận tập thể thì chưa đủ. Điều thứ hai phụ nữ phải làm là đưa ra một lý do hợp lý để thương thảo. Nam giới không cần phải lý giải lý do hợp lý để thương thảo; họ được kỳ vọng tự lo cho bản thân. Phụ nữ ngược lại, phải biện minh cho yêu cầu của mình.

Ngoài ra, nếu chỉ hòa nhã thì không thế thắng lợi. Hòa nhã toát ra thông điệp rằng phụ nữ sẵn sàng hy sinh tiền lương để được người ta yêu quý. Do đó, phải kết hợp hòa nhã với kiên trì. Hầu hết các thương thảo đòi hỏi những bước đi có tính toán, liên tục, nên phụ nữ phải biết tập trung và cười.

Trước khi chúng ta đến đích, tôi lo rằng phụ nữ sẽ phải tiếp tục hy sinh sự yêu quý để đánh đổi lấy thành công. Trước khi tôi gia nhập Facebook, một trang blog địa phương đã tốn nhiều bút mực bôi nhọ tôi. Tôi khóc rất nhiều. Tôi mất ngủ. Tôi lo lắng sự nghiệp của mình sẽ chấm dứt. Tôi tự vẽ ra nhiều cách trả đũa nhưng cuối cùng cách tốt nhất là bỏ qua các tấn công ác ý đó và làm tốt việc của mình.

Học cách chống chọi với chỉ trích là điều cần thiết cho phụ nữ. Hãy cho phép mình phản ứng theo cảm xúc và sau đó nhanh chóng cho chúng vào lãng quên để bước tiếp. Hãy nhìn vào trẻ con để làm gương, có thể nó khóc lúc này nhưng rồi lại chạy nhảy vui đùa ngay.

Mark Zukerberg có nói với tôi, khi bạn muốn thay đổi, bạn không thể làm vừa lòng tất cả mọi người. Nếu bạn làm hài lòng tất cả mọi người, nghĩa là bạn chưa tiến lên đúng thực chất.

 

Chương 4 – Khung leo trèo thay thế chiếc thang

 

Thời kỳ gia nhập tổ chức rồi bám trụ ở đó nhằm leo lên từng nấc thang đã qua rồi. Sự nghiệp là một khung leo trèo, không phải chiếc thang.

Chiếc thang có tính hạn chế - người ta có thể đi lên đi xuống hay có thể rời khỏi nó. Khung leo trèo mang lại nhiều khám phá sáng tạo hơn. Chiếc thang thì chỉ có một cách để lên đến đỉnh, nhưng với khung leo trèo thì có nhiều đường lên đỉnh hơn.

Khung leo trèo phù hợp với tất cả mọi người, đặc biệt là phụ nữ mới bắt đầu sự nghiệp, đang chuyển đổi sự nghiệp hoặc quay lại công việc sau một thời gian rút lui. Nó có khả năng tạo ra một con đường độc đáo với những đoạn tuột dốc, đường vòng, hay thậm chí ngõ cụt. Nhưng người ta thấy hài lòng với thành công của mình. Trên chiếc thang, đa số người leo thang bị buộc phải nhìn mông của người đứng trên.

Chúng ta đều muốn có công việc hay nhiệm vụ thật sự thú vị gắn kết với mình. Quá trình này đòi hỏi chúng ta vừa tập trung vừa linh hoạt, vì thế tôi đề nghị theo đuổi cùng lúc hai mục tiêu: giấc mơ cuộc đời và kế hoạch 18 tháng.

Khung leo trèo có thể xem là minh họa tốt nhất về sự nghiệp của tôi. Tôi không thể kết nối các điểm chấm sẵn từ lúc khởi đầu cho đến nay. Thứ nhất, Mark Zukerberg chỉ mới 7 tuổi khi tôi tốt nghiệp đại học. Ngoài ra, lúc đó công nghệ và tôi không hẳn có mối quan hệ tốt đẹp. Khi tốt nghiệp, tôi còn rất mù mờ về tương lai của mình.

Công việc đầu tiên của tôi sau khi tốt nghiệp là làm trợ lý nghiên cứu tại Ngân hàng Thế giới. Ở đây tôi được tham gia nhóm thực tế về y tế tại Ấn Độ với nỗ lực loại bỏ bệnh phong đáng sợ ở đây.

Sau đó, tôi trở lại Washington với kế hoạch học trường luật, nhưng Pritchett thuyết phục tôi theo con đường kinh doanh. Tôi quay lại Cambridge tham gia CLB phi lợi nhuận với giáo sư Kash Rangan. Sau khi tốt nghiệp trường kinh doanh tôi nhận làm việc tư vấn tại McKinsey & Company; rồi sau đó quay lại Washington làm ở Bộ Tài chính; một thời gian ở đây tôi trở thành trưởng phòng quản lý tài chính của Bộ.

Đợt bùng nổ công nghệ lần thứ nhất, giấc mơ của tôi lại trỗi dậy, tôi quyết định chuyển đến thung lũng Silicon, tôi được mời làm việc cho Google. Tôi là người đầu tiên giữ chức vụ “Giám đốc điều hành đơn vị kinh doanh”. Nhưng thực chất chẳng có gì để kinh doanh, công việc rất mơ hồ.

Tôi nhớ lại lời khuyên của Eric Schmidt: “Tiêu chuẩn quan trọng khi chọn công việc – tăng trưởng nhanh”. Khi công ty tăng trưởng nhanh sẽ có nhiều việc để làm hơn là nhiều người để làm. Khi công ty tăng trưởng chậm, không có nhiều việc để làm và quá nhiều người tranh giành. Tôi quyết định ngay lúc đó. Google còn nhỏ bé và lộn xộn, nhưng đó là một chiếc hỏa tiễn mang theo sứ mệnh mà tôi hằng tin tưởng.

Sau 6 năm ở Google, tôi quyết định là mình phải di chuyển. Tôi quyết định chào đón rủi ro lần nữa và đến với Facebook. Người ta hỏi tôi tại sao lại chấp nhận một vị trí “cấp thấp” hơn và làm việc cho anh chàng mới 23 tuổi? Giờ đây không ai đặt câu hỏi nữa. Trong cuộc sống tôi không phải là người chào đón những bất ngờ. Nhưng trong công việc, tôi đã học được cách chấp nhận bất ngờ và thậm chí chào đón nó. Tôi đã thấy nhiều người bỏ qua cơ hội tuyệt vời khi họ chỉ chăm chăm vào thứ bậc nghề nghiệp.

Trong nhiều trường hợp, phụ nữ cần phải sẵn sàng chấp nhận rủi ro trong sự nghiệp – rủi ro lớn nhưng phần thưởng nếu có lại càng lớn hơn. Dĩ nhiên, tránh xa rủi ro là điều tốt, nhưng tránh né rủi ro thường dẫn đến trì trệ. Nhiều phụ nữ chọn hướng đi an toàn và yên vị có thể khiến họ ngần ngại đón nhận các trách nhiệm thử thách lớn. Dĩ nhiên trong cuộc sống, đôi khi tránh xa rủi ro là tốt, nhưng trong kinh doanh, tránh xa rủi ro dẫn đến trì trệ.

Một lý do khiến phụ nữ tránh các trách nhiệm khó khăn và thách thức là họ quá lo lắng không biết mình có kỹ năng để đảm bảo vai trò mới hay không. Một báo cáo nội bộ tại HP cho thấy phụ nữ chỉ nộp đơn khi đáp ứng 100% yêu cầu trong khi nam giới nộp đơn khi nghĩ mình đáp ứng khoảng 60%.

Làm việc chăm chỉ, kết quả tốt đáng lẽ phải được người ta nhìn nhận nhưng nếu điều này không xảy ra, đề cao bản thân là cần thiết. Chấp nhận rủi ro, quyết tâm phát triển, thách thức bản thân và đề nghị được thăng tiến là những yếu tố quan trọng trong sự nghiệp. Đừng chờ đợi người ta chào mời bạn quyền lực.

 

Chương 5 – Bạn có phải là cố vấn của tôi

 

“Người cố vấn cho tôi đây phải không?”. Nếu ta đặt câu hỏi, thì câu trả lời thường là không.

Khi ta tìm được người cố vấn, ta không cần phải hỏi vì mọi thứ đã rõ ràng.

Vấn đề không nằm ở tầm quan trọng của người cố vấn. Do phụ nữ khó tìm người cố vấn hơn đàn ông, nên họ rất tích cực đi tìm. Nguồn năng lượng này đôi khi đặt sai chỗ. Chạy theo tìm hay ép buộc cho mối quan hệ hình thành thường không hiệu quả. Các mối quan hệ bền chặt phải bắt nguồn từ sự kết nối thật sự và sau nhiều nỗ lực từ cả hai phía.

Đề nghị một người lạ làm cố vấn cho mình hiếm khi đạt được, ngược lại, nếu tiếp cận một người lạ với một câu hỏi gai góc, có suy nghĩ nghiêm túc có thể mang lại kết quả. Các nghiên cứu cho thấy người cố vấn chọn người được cố vấn dựa trên năng lực và tiềm năng. Bằng trực giác, họ chọn đầu tư cho những người có tài năng nổi bật sẽ thật sự phát triển nếu được giúp đỡ.

Tôi may mắn gặp được những người cố vấn và tài trợ rất giỏi. Họ chỉ dạy tôi bằng chính cuộc đời họ, sự thông thái của họ giúp tôi tránh được sai lầm. Tôi cũng đã cố gắng làm người cố vấn cho những người khác.

Cố vấn là một quan hệ hai chiều, đặc biệt trong những tình huống khi hai người đã cùng làm việc trong một công ty. Họ sẽ có thêm thông tin hữu ích, gắn kết, cảm giác sống trọn vẹn và tự hào hơn. Mỗi người đều học được từ chuyên môn và tài năng của người kia. Mối quan hệ đó có thể trở thành tình bạn, nhưng trên hết vẫn là mối quan hệ công việc.

Phụ nữ trẻ thường đưa thông điệp “tìm người cố vấn và bạn sẽ nổi bật”. Đó là quan niệm sai lầm. Thay vào đó, chúng ta phải nói với họ: “Nổi bật, và bạn sẽ tìm ra người cố vấn”.

Nhiều phụ nữ tránh tiếp xúc gần gũi với lãnh đạo nam vì e ngại lối suy diễn, hễ nam - nữ gặp nhau là có yếu tố tình cảm không tốt. Suy nghĩ này cần phải chấm dứt. Người có liên quan cũng phải đảm bảo họ có hành vi và thái độ chuyên nghiệp để phụ nữ và nam giới cảm thấy an toàn trong bất kỳ tình huống nào. Nhiều công ty đang bắt đầu chuyển từ cố vấn phi chính thức vốn lệ thuộc vào từng cá nhân sang các chương trình bài bản hơn, các chương trình này làm giảm bớt áp lực cho các phụ nữ trẻ.

 

Chương 6 – Tìm sự thật và nói lên sự thật

 

Khi trẻ nhỏ lớn lên, chúng ta dạy chúng phải lễ phép, suy nghĩ trước khi mở miệng, không làm tổn thương người khác. Khi phải nghĩ nói sao cho phù hợp, người ta đã đánh mất sự chân thật.

Giao tiếp chân thật không phải lúc nào cũng dễ dàng nhưng nó là nền tảng để xây dựng mối quan hệ trong gia đình và tạo hiệu quả trong công việc.

Họ thường xuyên tránh né sự thật để bảo vệ mình và người khác. Sự ngại ngùng này gây ra đủ loại vấn đề. Thành thật trong môi trường làm việc cực kỳ khó khăn. Mọi tổ chức đều có hệ thống cấp bậc, nghĩa là công việc của người này được đánh giá bằng cảm nhận của người khác.

Nhiều phụ nữ phát biểu trung thực trong môi trường làm việc thường đi kèm với nhiều nỗi sợ: sợ bị xem là không hòa nhập, sợ bị đánh giá tiêu cực, sợ sẽ thu hút sự chú ý về mình có thể dẫn đến bị tấn công.

Giao tiếp hiệu quả nhất khi chúng ta kết hợp chân thật và phù hợp, tìm được điểm cân bằng khi các đóng góp mang tính trung thực một cách tinh tế chứ không trần trụi. Nói thẳng nói thật mà không làm tổn thương người khác là điều phải học hỏi và luyện tập.

Để khắc phục vấn đề trên và để giao tiếp hiệu quả, chúng ta cần kết hợp chân thật và phù hợp, tìm được điểm cân bằng một cách tinh tế chứ không trần trụi. Bản thân tôi dứt khoát cần được giúp đỡ về mặt này và may mắn tôi đã tìm được sự hỗ trợ.

Sự thật nên được nói ra bằng lời đơn giản, mang nhiều sắc thái và tế nhị. Người ta không muốn tổn thương nhau, đặc biệt là làm tổn thương sếp. Nói thẳng, nói thật trong công việc đã khó, nói thật khi phản hồi cho cá nhân lại càng khó hơn.

Tại Facebook, tôi và Mark cam kết sẽ phản hồi cho nhau những gì mình không hài lòng vào cuối mỗi tuần, khi thành thói quen, chúng tôi lên tiếng ngay khi có vấn dề chứ không đợi đến cuối tuần. Chia sẻ phản hồi trung thực trở thành một phần trong mối quan hệ của chúng tôi.

Với chúng tôi, việc này cực kỳ quan trọng. Nếu đồng nghiệp của tôi không dám nói ra sự thật, có nghĩa là tôi chưa cho họ biết tôi sẵn sàng đón nhận phản hồi.

“Làm sao cho tốt hơn?” “Tôi đang làm gì mà tôi không thấy?” "Tôi đang làm gì mà tôi không biết?”. Những câu hỏi này dẫn đến nhiều lợi ích. Và bạn cũng nên tin tôi, sự thật mất lòng. Ngay cả khi tôi đề nghị được nhận phải hồi, sự đánh giá vẫn gây nên nỗi đau. Nhưng điểm sáng từ lượng kiến thức đau lòng này thật sự lớn hơn nhiều so với niềm vui của sự ngu dốt.

Xin khuyên bảo cũng giúp gầy dựng mối quan hệ. Hỏi nhiều quá cũng không hay, nhưng đối với chúng tôi, việc này cực kỳ quan trọng.

Nếu tôi muốn nhận được nhiều nhận xét, tôi phải có trách nhiệm làm rõ điều mình muốn. Tôi bảo họ tôi muốn nhận được phản hồi thường xuyên. Khi người ta cởi mở và chân thật, việc cảm ơn họ trước mặt mọi người sẽ giúp họ duy trì hành động này và chia sẻ với những người khác. Tại một buổi tiệc barbecue cách đây bốn năm, một nhân viên thực tập đã nói với Mark rằng anh nên luyện tập kỹ năng nói trước công chúng. Mark cám ơn anh ta trước mặt mọi người và yêu cầu sắp xếp một vị trí chính thức.

Hài hước là công cụ tuyệt vời để truyền đi thông điệp chân thật một cách nhẹ nhàng. Đáng buồn là tính hài hước bỏ rơi ta khi ta cần nó nhất. Khi tôi trở nên cay cú, tôi khó nhìn nhận vấn đề theo hướng hài hước.

Khảo sát cho thấy, đa số phụ nữ tin khóc ở công sở không phải là ý hay. Tôi không bao giờ có ý định làm thế. Nhưng trong những lúc hiếm hoi tôi cảm thấy bức xúc, bực mình, hay tệ hơn, bị phản bội, nước mắt tôi vẫn tràn mi. Ngay cả khi tôi nhiều tuổi và nhiều kinh nghiệm hơn, tôi thỉnh thoảng vẫn gặp chuyện này.

Chia sẻ cảm xúc tạo nên mối quan hệ sâu sắc. Giờ đây tôi thật sự tin vào việc đem cả con người vào công việc. Tôi không còn cho rằng người ta không phải mang một bộ mặt chuyên nghiệp suốt cả tuần. Thay vì mang một bộ mặt giả tạo dành riêng cho công việc, tôi nghĩ chúng ta sẽ được lợi nhiều hơn nếu bày tỏ thật lòng mình.

Không phải văn phòng nào và đồng nghiệp nào cũng rộng lượng và biết chia sẻ, nhưng lằn ranh giữa công việc và cuộc sống đang được xóa nhòa.

Có thể một ngày nào đó, rơi nước mắt ở công sở không còn bị xem là xấu hổ hay yếu đuối, mà chỉ đơn thuần là sự tỏ bày tình cảm chân thật. Và có thể sự nhạy cảm, thông cảm đã từng là rào cản của phụ nữ sẽ trở thành điểm mạnh giúp họ là người lãnh đạo thực sự trong tương lai.

Chúng ta phải thúc đẩy sự thay đổi bằng cách cam kết với bản thân sẽ tìm kiếm và nói lên sự thật.

 

Chương 7 – Đừng từ bỏ trước khi chính thức rút lui

 

Từ khi còn nhỏ, các em gái được nhồi nhét thông điệp rằng, chúng phải chọn lựa giữa thành công trong công việc hay là một bà mẹ tốt. Khi lớn lên, người phụ nữ nghĩ đến những đánh đổi giữa mục tiêu cá nhân và nghề nghiệp. Khi được chọn giữa hôn nhân và nghề nghiệp, các nữ sinh viên chọn hôn nhân nhiều gấp hai lần so với nam sinh viên.

Nhưng nếu lập kế hoạch quá sớm trong vấn đề kết hợp nghề nghiệp và gia đình có thể làm cho cánh cửa đóng lại thay vì mở ra. Phụ nữ hiếm khi đưa ra một quyết định lớn là từ bỏ công việc, thay vào đó, họ đưa ra những quyết định nhỏ dọc đường, chịu nhường bước và hy sinh từng chút một khi họ tin rằng nó sẽ giúp được gia đình. Trong tất cả những rào cản do phụ nữ gây ra, vấn đề phổ biến nhất là họ đã từ bỏ trước khi thực sự rút lui.

Tôi đồng tình với việc chuẩn bị có suy tính. Nhưng do không tìm kiếm cơ hội thử thách bản thân trong những năm chờ đợi làm mẹ, họ đã tụt lại phía sau.

Làm mẹ là một chọn lựa tuyệt vời và cần thiết đối với nhiều người. Đây là một công việc quan trọng đòi hỏi nhiều trọng trách và cũng mang lại nhiều niềm vui. Lập luận của tôi là chỉ rút lui khi cần thiết hay khi đứa bé chào đời, không phải trước đó, càng không phải nhiều năm trước đó.

Những tháng năm chuẩn bị có con không phải là lúc rút lui mà là lúc quan trọng phải tiến tới. Vì khi quay lại làm việc sau khi sinh con, bạn sẽ cảm thấy không được cống hiến trọn vẹn, lúc này bạn sẽ hạn chế tối đa tham vọng của mình.

Cuộc sống có nhiều điểm khác nhau, nên tôi không bao giờ khuyên mọi phụ nữ đều phải tiến tới bất kể tình huống. Bản thân tôi cũng có lúc chọn rút lui.

Chọn lựa giao con mình cho người khác chăm nuôi để quay lại đi làm là một quyết định khó khăn. Bất cứ bậc phụ huynh nào đã trải qua, kể cả tôi, đều biết nó làm con tim đau đớn đến nhường nào. Chỉ có một công việc xứng đáng, thách thức mới có thể bù đắp phần nào. Và ngay cả khi đã quyết định, phụ huynh vẫn có quyền thường xuyên đánh giá lại tình hình.

Những người may mắn có cơ hội để chọn lựa, hãy để ngỏ các lựa chọn này. Đừng vừa bước chân vào sự nghiệp mà đã tìm đường thoát. Đừng để chân trên bàn đạp thắng. Hãy tăng tốc! Giữ chân trên bàn đạp ga đến khi nào bạn đã có quyết định. Đấy là cách duy nhất để đảm bảo rằng khi thời điểm đến, bạn sẽ ra quyết định thật sự nghiêm túc.

 

Chương 8 – Bạn đời phải thật sự là bạn đời

 

Làm mẹ là trải nghiệm tuyệt vời với tôi, nhưng sinh nở thì không. Khi tôi sinh cháu đầu tiên, là một ca khó, bác sĩ phải can thiệp. Sáng hôm sau, tôi bước chân xuống giường, bước đi một bước và ngã quỵ xuống sàn; tôi phải mang nạng suốt một tuần. Dave, chồng tôi, trở thành người chăm sóc em bé.

Đáng lẽ, trước khi sinh, chúng tôi phải chuẩn bị nhiều hơn. Chúng tôi đã bàn bạc với nhau về cách làm này nọ, nhưng đa phần chỉ là mơ hồ, thiếu thực tế vì chưa có kinh nghiệm.

Dave và tôi không làm việc cùng trong thành phố. Sau khi em bé chào đời, Dave phải bay đi bay về nhiều lần trong tuần. Đây không phải là giải pháp tốt mặc dù anh rất cố gắng đến mệt mỏi. Cuối cùng, Dave phải hy sinh công việc, trở về cùng làm trong một thành phố.

Anh bạn Scott của tôi, mỗi lần đi công tác xa, thường nhận được điện thoại của vợ, hỏi cách chuẩn bị bữa sáng, bữa trưa cho các con như thế nào. Câu chuyện “đổi ngôi” này cũng không lạ, được Scott kể ra vừa dễ thương vừa buồn cười. Các bậc làm mẹ trời sinh có năng khiếu chăm sóc con cái, nhưng người cha cũng làm tốt không kém nếu có kiến thức và nỗ lực; vấn đề là phát xuất từ sự nhận thức.

Sự chào đời của đứa con, ngay lập tức thay đổi định nghĩa của chúng ta về bản thân: vợ chồng thành cha mẹ, các ưu tiên của chúng ta hoàn toàn thay đổi. Nhưng bao nhiêu thời gian và tiền bạc đã đầu tư cho sự nghiệp bản thân và nếu từ bỏ cũng không hợp lý. Các ưu tiên của chúng ta hoàn toàn thay đổi.

Khi một phụ nữ hỏi tôi làm sao để chồng chia sẻ công việc chăm sóc con cái, tôi bảo cô ấy cứ để anh ta mặc tã cho con thế nào cũng được. Nếu anh ta bị buộc phải làm đúng, anh ta sẽ rút lui. Cũng đừng để anh ta suy nghĩ mình làm giúp chứ không phải vì nhiệm vụ.

Tôi thực sự tin rằng quyết định sự nghiệp quan trọng nhất của phụ nữ là có nên tìm bạn đời hay không, và đó là ai. Tôi chưa gặp một nữ lãnh đạo nào mà không được bạn đời ủng hộ hoàn toàn sự nghiệp của vợ. Chúng ta cần khuyến khích nam giới đóng vai trò tích cực hơn trong gia đình.

Bạn muốn có người bạn đời thật sự thì phải đối xử với người kia như một người bạn ngang hàng, một đối tác ngang cơ. Còn kỹ năng? Bạn cứ vui vẻ ngay cả khi anh ta mặc tã cho con không đúng cách; dần dần anh ta cũng rút kinh nghiệm và làm tốt hơn.

Khi bạn muốn đặt nền tảng gia đình, hãy tìm một người thật sự là bạn đời ngang hàng. Sự chia sẻ trách nhiệm bình đẳng giữa cha và mẹ là hình mẫu cho thế hệ kế tiếp.

Giờ đây, chúng ta biết rằng phụ nữ cũng có thể làm được những gì nam giới làm được. Nhưng chúng ta lại không biết nam giới có làm được những gì phụ nữ làm không. Chúng ta nên cho họ cơ hội chứng tỏ mình. Tin tốt lành là nam giới thế hệ trẻ sau này mong muốn được làm người bạn đời bình đẳng nhiều hơn so với những thế hệ trước.

Những người đàn ông bản lĩnh, nhạy cảm, tuyệt vời ở mọi độ tuổi vẫn còn tồn tại ngoài kia. Khi phụ nữ ngày càng đánh giá cao sự tử tế và hỗ trợ từ bạn trai, nam giới sẽ còn thể hiện nó nhiều hơn nữa. Phụ nữ ngày càng dấn thân vào công việc thì nam giới cũng phải dấn thân vào gia đình.

 

Chương 9 – Hoang tưởng về người đa năng

 

“Vẹn cả đôi đường”. Có thể nói đây là cái bẫy lớn nhất của phụ nữ. Chúng ta không thể nào đạt được ước nguyện này. Theo đuổi cả phát triển sự nghiệp và đời sống cá nhân là một mục tiêu cao cả và cũng có thể đạt được đến một mức độ nào đó.

Nữ bác sĩ Laurie Glimcher cho biết chìa khóa giúp bà theo đuổi sự nghiệp trong khi phải nuôi dạy con là phải biết cách ưu tiên cho các mối quan tâm: “Tôi phải quyết định điều gì là quan trọng, điều gì không, và tôi học được cách chỉ cố hoàn hảo trong những điều thật sự thiết yếu”.

Tôi nghĩ, bà là một thiên tài. Chúng ta đều bị hạn chế về thời gian và tính kiên nhẫn. Dù có lập kế hoạch thế nào thì cũng không thể chuẩn bị được hết cho những thử thách liên tục đến, không thể kiểm soát các biến cố trong việc làm mẹ. Và cũng thật khó để phân biệt các khía cạnh nào là cần thiết trong công việc.

Đôi khi tình hình không rõ ràng và lằn ranh cũng không dễ xác lập.Theo tôi, làm được còn hơn chờ làm hoàn hảo. Nhắm đến hoàn hảo chỉ tạo thêm sự bực bội, thậm chí còn làm tê liệt bạn. Mọi thứ sẽ có chút lộn xộn, nhưng phải chấp nhận sự lộn xộn. Nó sẽ phức tạp, nhưng hãy vui trong sự phức tạp đó. Làm được, mặc dù vẫn là thách thức, hóa ra dễ đạt hơn và tạo sự thoải mái hơn.

Ngày nay, công nghệ đã làm giảm tầm quan trọng của thời gian trong văn phòng, vì công việc được thực thi qua mạng. Tuy nhiên thói quen đánh giá nhân viên theo thời gian có mặt ở văn phòng thay vì chất lượng công việc vẫn còn phổ biến.

Chúng ta nên tạo lập quan niệm mới, chuyển sang tập trung vào kết quả sẽ đem lại lợi ích cho cá nhân và giúp công ty hoạt động hiệu quả và cạnh tranh hơn. Như tướng Colin Powell nói: “Tôi trả tiền cho chất lượng công việc, không phải cho thời gian trong văn phòng”.

Công nghệ mặt dù giải phóng chúng ta khỏi văn phòng hiện hữu nhưng lại có tác dụng kéo dài ngày làm việc.

Thế hệ tôi đang phải chịu đựng rất nhiều do thời gian làm việc không có điểm dừng. Suốt nhiều năm tôi cố giải quyết chuyện này bằng cách cắt giảm giờ ngủ. Nhưng thiếu ngủ làm người ta bồn chồn, bực bội và rối loạn. Sáu tháng đầu tiên của tôi tại Facebook cực kỳ vất vả. Công ty làm việc theo giờ "cú đêm" của mấy gã kỹ sư. Tôi lo ngại nếu tôi ra về quá sớm tôi sẽ nổi bật như một bà già đáng ghét. Nhưng nếu vậy thì tôi không thể ăn tối với các con. Tôi tự buộc mình rời văn phòng lúc 5h30 và khi đã làm được một lần, tôi có thêm tự tin để duy trì.

Tôi vẫn còn vật vã đánh đổi giữa công việc với gia đình mỗi ngày. Phụ nữ nào cũng thế và tôi biết mình may mắn hơn nhiều người.

Tôi vẫn muốn làm được nhiều hơn cho các con. Kiểm soát cảm giác tội lỗi cũng quan trọng không kém việc kiểm soát thời gian với các bà mẹ. Các bà mẹ lúc nào cũng thấy tội lỗi vì công việc tác động đến gia đình. Các ông bố thì không.

Tôi yêu công việc của mình, yêu những con người tuyệt vời và thông minh cùng làm việc với tôi. Tôi cũng yêu khoảng thời gian dành cho con cái. Thật vui nếu hai thế giới tương tác với nhau. Thay vì cố hoàn hảo, chúng ta nhắm đến sự bền vững và viên mãn. Mục đích là con cái vui vẻ và phát triển.

Nếu phải chọn một định nghĩa về thành công, thì theo tôi, thành công là đưa ra chọn lựa tốt nhất và chấp nhận chúng.

 

Chương 10 – Hãy bắt đầu thảo luận

 

Đôi lúc tôi tự hỏi, cuộc đời mình như thế nào nếu không bị gán nhãn theo giới. Người ta gọi tôi “nữ giám đốc”. Chữ “nữ” thêm vào đó một hàm ý ngạc nhiên. Không ai muốn mình thành công nhưng chỉ được miêu tả như một tính từ.

Câu chuyện cười về một phụ nữ theo học khóa nghiên cứu nữ quyền nhưng lại nổi giận khi người ta gọi cô là nhà nữ quyền. Đó cũng chính là thái độ của tôi khi theo học đại học. Chúng ta không nhìn thấy tác dụng ngược của nó đến phụ nữ khác xung quanh mình. Tôi vẫn mang thái độ này khi đi làm. Tôi nghĩ đơn giản nếu sự phân biệt giới tính vẫn còn, tôi sẽ chứng minh nó sai.

Mặc kệ giới tính không được thừa nhận công khai, nó vẫn lấp lửng ngay rất gần bề mặt. Tôi bắt đầu nhìn thấy sự khác biệt trong thái độ với phụ nữ. Nhân viên bị đánh giá không phải trên thái độ làm việc khách quan mà trên khả năng hòa nhập của họ.

Nhưng tôi không nghĩ đây là cách tiếp cận đúng đắn. Chúng ta cần được phép nói về giới tính mà không sợ người ta nghĩ mình đang kêu ca, than phiền, đòi được đối xử đặc biệt hay kiện tụng. Im lặng và cố gắng hòa nhập có thể là điều duy nhất mà thế hệ phụ nữ đầu tiên đi làm phải chịu. Nhưng chiến lược này không giúp ích cho phụ nữ nói chung. Thay vào đó, chúng ta cần lên tiếng, xác định rào cản đang cản trở phụ nữ và tìm giải pháp.

Theo thời gian, tôi bắt đầu nhìn thấy các bạn nữ và đồng nghiệp nữ dần dần rút lui khỏi công việc do ý muốn, do bực mình, do không được phép làm theo thời gian linh hoạt hoặc do ông chồng không phụ được phần việc nuôi dạy con cái. Phần khác vẫn tiếp tục đi làm nhưng tự hạn chế tham vọng.

Tất cả những phản hồi từ bài nói chuyện trên TED “Phụ nữ làm thế nào để thành công trong công việc?" thuyết phục tôi nên lên tiếng và khuyến khích nhiều người khác lên tiếng. Phụ nữ, đặc biệt là những người ở cấp thấp lo ngại vấn đề về giới sẽ khiến họ thiếu chuyên nghiệp hay bị cho rằng đang đổ lỗi cho người khác.

Tại Facebook, tôi dạy các nhà quản lý biết khuyến khích phụ nữ chia sẻ kế hoạch sinh con và giúp họ vươn cao trong sự nghiệp. Mọi công việc đều đòi hỏi sự hy sinh. Vấn đề là phải tránh được những hy sinh không cần thiết. Hành động khó khăn nhưng lợi ích thì rất nhiều. Lợi ích xã hội không được phát không. Bạn phải nắm bắt lấy chúng.

Giờ đây tôi tự hào gọi mình là một nhà nữ quyền. Tôi tin rằng tiến bộ là nhờ chúng ta sẵn sàng lên tiếng về tác động của giới đến bản thân. Chúng ta không thể tiếp tục giả vờ thiên vị hay nói tránh.

 

Chương 11 – Chung tay vì một thế giới bình đẳng

 

Tôi thừa nhận phụ nữ tại các nước phát triển có cuộc sống tốt đẹp hơn bao giờ hết, nhưng mục tiêu bình đẳng thực sự vẫn lẩn tránh chúng ta. Suốt nhiều thập niên chúng ta đã tập trung mang lại cho phụ nữ quyền chọn lựa làm việc trong nhà hay bên ngoài. Nhưng tại sao chúng ta không khuyến khích phụ nữ vươn tới vị trí lãnh đạo. Cả nam giới lẫn phụ nữ vẫn chưa có quyền chọn lựa thực sự.

Nam giới cần ủng hộ phụ nữ và phụ nữ cũng cần ủng hộ phụ nữ. Chúng ta là một thế hệ mới và chúng ta cần một cách tiếp cận mới.

Trong tương lai, sẽ không còn lãnh đạo nữ. Lãnh đạo chỉ đơn thuần là lãnh đạo. Và tôi tin rằng điều này sẽ tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn, một nửa tổ chức do phụ nữ nắm quyền điều hành, và một nửa gia đình do nam giới chỉ đạo.

Tôi mong chờ thế giới mới mà tôi muốn dành cho con cái mình - cũng như cho chính bản thân tôi.

Nếu chúng ta tìm thấy niềm đam mê thực sự của mình, dù là ở đâu, chúng ta cũng đều dấn thân - hết sức mình.

 

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo