Môi trường

Sao la, thông đỏ... trên đường tuyệt chủng

Chỉ còn khoảng 200 con sao la, hơn 210 cây thông nước và 160 cây thông đỏ lá dài còn sót lại ở Việt Nam...

Tại hội thảo Bảo tồn đa dạng sinh học dãy Trường Sơn, vào đầu tuần tháng Tư vừa qua tại Quảng Trị, các nhà khoa học đã dành nhiều thời gian để bàn về vấn đề bảo tồn sao la, thông nước (còn gọi là thủy tùng) và thông đỏ lá dài. Đây là những loài động, thực vật ở Việt Nam đang trên đường đi đến tuyệt chủng.



20 năm, “vơi” hơn một nửa



Sao la (Pseudoryx nghetinhensis Dung et al.1993) được giới khoa học thế giới vinh danh “kỳ lân châu Á” bởi có sừng thon dài. Sao la là động vật có vú, nguy cơ tuyệt chủng cao nhất sống ở vùng rừng núi Trường Sơn, Việt Nam và có tên trong Sách Đỏ thế giới.



Sau khi được phát hiện lần đầu tiên vào tháng 5/1992, các cuộc nghiên cứu liên tục được duy trì trên diện rộng ở Trường Sơn. Theo PGS.TS Nguyễn Xuân Đặng, Ủy viên Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật thì sao la chỉ hình thành các nhóm nhỏ dưới 10 cá thể, sống rải rác và cách xa nhau.

 

Đến nay, đã ghi nhận được sao la cư trú tại 50 xã, thuộc 20 huyện của 6 tỉnh, trải dài từ Quế Phong, Nghệ An xuống đến xã Lăng, huyện Tây Giang, Quảng Nam. Thừa Thiên-Huế là tỉnh có số xã ghi nhận sao la cao nhất với 18 xã, tiếp đến là Quảng Bình (9 xã), Quảng Nam (6 xã).

 

Dẫu vậy, “Sau gần 20 năm nghiên cứu và bảo tồn, tình trạng các quần thể sao la có xu hướng ngày một xấu đi…” - PGS. TS Đặng thừa nhận. Từ khi phát hiện ra loài này vào năm 1992 ở Vũ Quang, rồi khảo sát khắp Trường Sơn cho thấy có khoảng 500 cá thể, nhưng chỉ trong 20 năm, số lượng sao la ở Việt Nam chỉ còn chưa đầy... 200 cá thể!



Ban Quản lý Vườn Quốc gia Vũ Quang – nơi phát hiện ra sao la đầu tiên, cho biết 4 năm trước, nhóm đối tượng ở huyện Hương Sơn sang bắn được một con. Bị phát hiện, chúng vứt sao la lại và bỏ chạy. Người của Vườn quốc gia Vũ Quang đã đưa con sao la bị thương ra Hà Nội để nghiên cứu, nhưng nó đã bị chết. Từ đó đến nay, chưa gặp lại một cá thể nào khác.



Cây càng quý, càng chết



Trong khi đó, thông nước (thủy tùng) và thông đỏ lá dài là hai loài thực vật thuộc nguồn gene quý báu, có giá trị cao nay chỉ còn “lèo tèo” một hai trăm cá thể mỗi loài ở Tây Nguyên.



Thông nước (Glyptostrobus pensilis) thuộc danh mục gỗ nhóm IA: nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại. Theo nhiều nghiên cứu, chiết xuất một số chất từ vỏ và lá thông nước để điều chế dược phẩm quý chữa ung thư, khử thấp, bệnh phong, cầm đau… Gỗ thông nước rất tốt, không bị mối mọt, có màu nâu đỏ với viền vàng rất đẹp nên được ưa chuộng trong xây dựng, làm đồ mỹ nghệ...

 

Ông Nguyễn Hoàng Nghĩa, Viện trưởng Viện khoa học Lâm nghiệp Việt Nam cho biết: “Trên thế giới, thông nước chỉ còn có thể tìm thấy ở một số vùng ở phía Nam Trung Quốc, Lào và ở Việt Nam. Chúng chỉ còn ở sáu điểm nhỏ thuộc bốn huyện của tỉnh Đắk Lắk gồm: xã Ea Hồ (huyện Krông Năng), xã Ea Drăng (huyện Ea H’Leo), xã Cư Né (huyện Krông Buk) và thị xã Buôn Hồ”.



Gốc Thông nước bị phá hủy, môi trường sống của ảnh hưởng nghiêm trọng tại Ea Drăng, huyện Ea HLeo (Đắk Lắk). Ảnh: Viện KH-CN Việt Nam


Vào đầu những năm 1980 ở xã Ea Drăng, người ta đắp đập lấy nước tưới cho đồng ruộng xung quanh nên thông nước bị ngập sâu trong nước. Dù sau đó, mực nước đập có hạ xuống nhưng loài này đã bị tác động sâu sắc, nhiều cây bị chết cành trơ thân, xơ xác. Nay, chỉ còn khoảng hơn 210 cá thể “sống mòn” trong khu vực có diện tích 42,5 ha.

 

Dọc đường từ thị xã Buôn Hồ vào Krông Năng vào đầu những năm 1990 còn có hai cá thể thông nước bên đường, nay chỉ còn mỗi một cây. Các điểm còn lại ở Đắk Lắk chỉ lẻ tẻ vài cây cuối cùng, có cây đã bị chặt mất phía trên, còn lại phần thân ngắn.



Còn thông đỏ lá dài (Taxus wallichiana Zucc.) chỉ thấy tại một số vùng của tỉnh Lâm Đồng. TSKH. Trần Khánh Viễn, Nghiên cứu viên trưởng tại Trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp (CNRS) khẳng định hai hoạt chất được sử dụng hiệu quả nhất trong điều trị ung thư buồng trứng, vú, phổi, tử cung… là Taxol và Taxotere đều được chiết xuất từ vỏ và lá cây thông đỏ.

 

Nhưng riêng loài thông đỏ lá dài chỉ có ở Việt Nam là giá trị cao hơn thông đỏ nơi khác vì chỉ số tích lũy hoạt chất cao hơn. Theo ông Nguyễn Hoàng Nghĩa, hiện ở Lâm Đồng chỉ còn khoảng 160 cá thể thông đỏ lá dài.



Nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đã cố gắng nhân giống loài này nhưng kết quả quá hạn chế. Giâm hom thì tỷ lệ mọc rễ quá thấp (giâm hom sau 9 tháng, tỷ lệ ra rễ chỉ từ 10 – 15%). Trung tâm Nghiên cứu lâm sinh Lâm Đồng đã thử đưa cành về giâm hom và đã tạo ra được nhiều cây hom nhưng đặc tính của loài này tái sinh quá kém. Người ta tính, cứ 100 năm cây mới to bằng… bắp chân người!

 

Theo ĐV

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo