Hỗ trợ doanh nghiệp

Sẽ có làn sóng mua bán sáp nhập giá trị lớn

Các chuyên gia nhận định rằng trong nửa cuối năm 2012 và trong năm 2013, các giao dịch mua bán và sáp nhập (M&A) ở Việt Nam sẽ chứng kiến những thương vụ có giá trị lớn.

Một nghiên cứu của Stoxplus, công ty về dữ liệu và truyền thông tài chính ở Việt Nam, cho thấy các nhà đầu tư từ Trung Quốc, Nga và Ấn Độ thường có khuynh hướng mua cổ phần chi phối từ các doanh nghiệp Việt Nam.

 

Trong khi đó, các nhà đầu tư Nhật Bản, ban đầu thường sở hữu cổ phần với tỷ lệ thiểu số, đang có những động thái nâng dần tỷ lệ sở hữu của mình lên đa số.

 

Trong tổng số giá trị mua bán sáp nhập 6,3 tỉ đô la Mỹ trong năm 2011, khoảng 2 tỉ đô la được các nhà đầu tư dành mua với tỷ lệ thiểu số, giá trị nhỏ, còn 4 tỉ đô la là mua chi phối.

 

Đây cũng là điểm khác biệt so với các năm trước đó, khi các nhà đầu tư M&A bắt đầu đẩy mạnh mua tỷ lệ tối đa.

 

Phần lớn các thương vụ có giá trị giao dịch nhỏ hơn 5 triệu đô la Mỹ, tuy nhiên số thương vụ lớn hơn 30 triệu đô la Mỹ đang gia tăng, chiếm khoảng 25% tổng số thương vụ. Đặc biệt có 9 thương vụ được thực hiện với giá trị mỗi thương vụ lớn hơn 100 triệu đô la Mỹ.

 

Nghiên cứu của Stoxplus được tiến hành trong trong suốt 15 tháng, từ tháng 1-2011 đến hết tháng 3-2012, cho thấy một con số khác về các giao dịch M&A so với các báo cáo trước đây.

 

Theo đó, tổng giá trị của các giao dịch M&A ở Việt Nam năm 2011 lên tới 6,3 tỉ đô la Mỹ, lớn hơn nhiều so với số liệu công bố tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2012, là 4,7 tỉ đô la. Con số này cao gấp 3,7 lần so với giá trị giao dịch của năm 2010, vốn chỉ đạt khoảng 1,8 tỉ đô la.

 

Cũng theo nghiên cứu này, giá trị giao dịch M&A trong quí 1-2012 là khoảng 2 tỉ đô la, cao hơn so với con số 1,5 tỉ đô la theo công bố từ diễn đàn M&A nói trên.

 

Năm 2011, Nhật Bản chiếm số lượng lớn nhất với 941 triệu đô la, tuy nhiên các nhà đầu tư đến từ Trung Quốc dường như đang tạo sóng.

 

Chỉ với 5 thương vụ, các nhà đầu tư từ Trung Quốc, trong nghiên cứu này bao gồm cả Hồng Kông và Đài Loan, đã đứng thứ hai, với tổng giá trị lên tới 723 triệu đô la. Các quốc gia và vùng lãnh thổ khác như Mỹ, Hàn Quốc, Nga, Ấn Độ và Đức lần lượt đứng sau đó.

 

Các chuyên gia cho rằng, dù hành lang pháp lý cụ thể về M&A chưa có nhưng đây thực sự đã là một thị trường, và xu thế tăng trưởng vẫn chưa dừng lại.

 

Theo ông Hoàng Mạnh Thắng, Chủ nhiệm cấp cao phụ trách Phát triển kinh doanh của Ersnt & Young Việt Nam, thì trong các năm 2012-2013 số lượng các giao dịch giá trị lớn sẽ xảy ra nhiều hơn.

 

Lý do ông Thắng đưa ra là trước đây, các nhà đầu tư mua lại cổ phần của công ty, thường mua thiểu số, từ 5-15%. Với tỷ lệ này, tiếng nói của nhà đầu tư với doanh nghiệp là rất nhỏ, vì thế các mục tiêu kỳ vọng không đạt được. Nay là lúc họ mạnh tay mua vào nhằm chiếm tỷ lệ đa số để nắm quyền kiểm soát doanh ngiệp, vì thế, quy mô của các thương vụ sẽ lớn hơn.
 
 
 
 
Theo TBKTSG
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo