Pháp luật

Shiseido Việt Nam phủi trách nhiệm?

Ngày 8/2, lần đầu tiên lãnh đạo Công ty mỹ phẩm Shiseido Việt Nam (SCV) trần tình những vấn đề liên quan đến tranh chấp với Công ty Thủy Lộc, liên quan đến việc bán lẻ mỹ phẩm Shiseido tại thị trường Việt Nam.

SCV khẳng định không có thỏa thuận hợp đồng nào với bất kỳ đối tác nào của Thủy Lộc. SCV cũng không thể xác định chính xác mối quan hệ giữa Thủy Lộc và các nhà đầu tư góp vốn trong các cửa hàng. Đại diện này cho biết thêm, từ khi sự việc diễn ra, với tư cách là bên tư vấn cho Thủy Lộc, SCV đã cố gắng hợp tác để tìm giải pháp, nhưng không đạt kết quả.



“Hiện giờ, chúng tôi đã kết thúc hợp đồng tư vấn với Thủy Lộc nên không thể giải quyết những việc liên quan đến nhà đầu tư góp vốn với Thủy Lộc tại một số cửa hàng”, ông Tatsuki Nagao, Tổng giám đốc SCV nói.

 

Cũng theo ông Tatsuki Nagao, SCV đã tiến hành các thủ tục để giải quyết tranh chấp nợ với Thủy Lộc tại trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam. Tuy nhiên, ông này lại không công bố khoản nợ, cũng như không công bố lý do chấm dứt hợp đồng bán lẻ với Thủy Lộc vì lý do bảo mật thông tin. Như vậy, có thể hiểu 13 nhà đầu tư góp vốn với Thủy Lộc ở 15 cửa hàng bán lẻ mỹ phẩm Shiseido thành người đứng ngoài cuộc, có nguy cơ trắng tay. Công sức cũng như tài sản bỏ ra thời gian qua bị SCV phủi bỏ. Hiện, toàn bộ hàng cũng như tài sản của họ bị toà án TP HCM phong tỏa.



Trong khi đó, theo hợp đồng mua bán tài sản (hệ thống cửa hàng bán lẻ mỹ phẩm Shiseido tại Việt Nam) giữa SCV và Thủy Lộc có điều khoản là sau khi SCV tiếp nhận các cửa hàng bán lẻ của Thủy Lộc không có hợp đồng hợp tác kinh doanh, SCV sẽ tiếp thu các cửa hàng có sự góp vốn của các nhà đầu tư, với phương pháp tái thương lượng hợp đồng.



Bà Nguyễn Thị Minh Tâm, nhà đầu tư vào cửa hàng bán lẻ 147 Lê Thị Riêng, phường Bến Thành, quận 1, TP HCM bức xúc: cửa hàng này do bà đứng tên kinh doanh, hàng hóa được mua của Thủy Lộc theo hợp đồng mua đứt bán đoạn, nhưng không hiểu Tòa án TP HCM phong tỏa hàng hóa đang còn ở cửa hàng? Bà Tâm cho biết, hiện cửa hàng nào cũng có giá trị vài trăm triệu đến cả chục tỉ đồng. Mà mỹ phẩm là mặt hàng rất nhạy cảm với hạn sử dụng, nếu bị phong tỏa vài tháng coi như vứt đi. Do vậy, bà Tâm và những nhà đầu tư khác đã khiếu nại quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của tòa án TP HCM phong tỏa tài sản các cửa hàng.



Bà Lê Hoài Anh, tổng giám đốc Thủy Lộc, cũng gởi đơn tố cáo thẩm phán Nguyễn Công Phú lên chánh án TAND TP HCM về hành vi vi phạm pháp luật trong việc ban hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời với Thủy Lộc. Theo bà Hoài Anh, quyết định của ông Phú chỉ dựa trên chứng cứ của SCV, không xác minh. Thiệt hại của Thủy Lộc từ việc phong tỏa tài khoản cũng như phong tỏa hàng hóa vô cùng lớn, thậm chí có thể khiến doanh nghiệp phá sản.

 

Theo ĐV
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo