Môi trường

Sơn La: Ô nhiễm môi trường gây ảnh hưởng đến đời sống nhân dân

(DNVN) - Nhiều năm nay một số hộ dân ở TP Sơn La liên tục phải đối mặt với việc phải sử dụng nguồn nước sạch không an toàn gây ảnh hưởng tới đời sống nhân dân nơi đây.

Nguyên nhân gây nên tình trạng này là do các cơ sở chế biến cà phê lớn nhỏ trên địa bàn không tuân thủ các biện pháp bảo vệ môi trường, nước thải trong quá trình sản xuất không được xử lý đã và đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Việc xả nước thải chưa qua xử lý trực tiếp ra môi trường của cơ sở này đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường xung quanh. Có thể cảm nhận rõ khi đến gần khu vực này do mùi hôi thối bốc lên.

Cơ sở chế biến cà phê của doanh nghiệp Thu Thủy tại bản Đông Hưng, xã Muổi Nọi, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La có diện tích khoảng 15.000 m2. Ngoài 1 dàn máy sát, tuốt vỏ cà phê, 2 lò sấy cà phê, còn có  ao chứa nước sử dụng sơ chế cà phê, 3 ao chứa nước thải.

Theo Truyền hình Công an Nhân dân, vào khoảng 2h34 ngày 22/10, tại địa phận bản Đông Hưng, xã Muổi Nọi, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La. Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Công an tỉnh Sơn La đã tiến hành, kiểm tra và bắt quả tang cơ sở chế biến cà phê của doanh nghiệp Thu Thủy đang có hành vi xả nước thải chưa qua xử lý ra khu đất đồi cách đó 200m.

Việc xả nước thải chưa qua xử lý trực tiếp ra môi trường của cơ sở này đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường xung quanh. Tuy nhiên khi được hỏi về vấn đề này, chủ cơ sở sản xuất cho rằng các hộ dân trong vùng dường như không có phản ứng gì về tình trạng trên.

Trả lời với phóng viên báo điện tử VOV Ông Phạm Thu, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Thu Thủy có địa chỉ tại bản Đông Hưng, xã Muổi Nọi, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La nói: “Thực tế, chúng tôi không biết cái này có ảnh hưởng gì đến đời sống của nhân dân hay không. Hiện tại, doanh nghiệp đang gặp khó khăn về tài chính, để đầu tư bể xử lý nước thải cũng cần một khoản rất lớn, doanh nghiệp cũng không đủ sức để làm. Hiện tại, doanh nghiệp cũng đang tiến hành đào các hố rồi xả nước thải xuống hoặc lót bạt để khắc phục tạm thời”. 

Qua kiểm tra, đánh giá ban đầu của phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Công an tỉnh Sơn La, 3 ao chứa nước thải trên chưa được lót nền chống thấm và không đảm bảo theo đúng quy định xử lý nước thải, có thể thẩm thấu ra môi trường xung quanh, gây nguy cơ ô nhiễm môi trường.

Trả lời phóng viên Truyền hình Công an Nhân dân, Thiếu tá Nguyễn Văn Khanh, Đội trưởng Đội 3, phòng PC 49, Công an tỉnh Sơn La cho biết: "Trong thời gian qua, phòng cảnh sát môi trường đã chủ động nắm tình hình các điểm có nguy cơ gây ô nhiễm để triển khai các biện pháp phòng ngừa cũng như chủ động trong việc kiểm tra rồi xử lý các hành vi vi phạm. Bên cạnh đó, phòng cũng phối hợp với các ngành chức năng nâng cao công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về công tác chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường đối với các tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất kinh doanh liên quan đến vấn đề xả thải ra môi trường. Bên cạnh đó, phòng cũng đã có những biện pháp kiểm tra xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các cơ sở đã vi phạm".

Tại bể chứa nước xả thải của một cơ sở sản xuất chế biến cà phê, nước ở trong bể có màu đen kịt và bốc mùi hôi thối khó chịu, gây ảnh hưởng đến môi trường sinh thái xung quanh, đây cũng là nơi chứa nhiều nguy cơ tiềm ẩn gây ảnh hưởng ô nhiễm đến nguồn nước đầu nguồn của thành phố Sơn La. 

Những năm trước đó, tình trạng các cơ sở sơ chế cà phê gây ô nhiễm môi trường đã xảy ra, mặc dù đã được lực lượng chức năng và chính quyền địa phương tuyên truyền, xử lý, song tình trạng này vẫn chưa chấm dứt. Thiết nghĩ, cần có biện pháp xử lý nghiêm khắc hơn nữa với các cơ sở sản xuất như thế này để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật. 

Rất mong trong thời gian tới, các cơ quan chức năng có thẩm quyền cùng các cơ sở sản xuất cà phê trên địa bàn sẽ sớm có giải pháp để khắc phục tình trạng trên.

Xuân Hà
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo