Xã hội

Tái cơ cấu các doanh nghiệp ngành GTVT: “Quyền lợi người lao động được đặt lên hàng đầu”

Hàng loạt vấn đề “nóng” như tái cơ cấu các DN ngành GTVT, chất lượng các công trình giao thông, chuyển các dự án đường sắt về Bộ GTVT và việc xử lý nghi án tham nhũng tại TCty Đường sắt VN… đang được dư luận quan tâm đã được báo chí đặt ra tại cuộc họp báo 9 tháng đầu năm của Bộ GTVT chiều 7.10.2014.

Theo báo cáo của Bộ GTVT, nhằm mục tiêu nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) năm 2014, Bộ GTVT sẽ tiến hành cổ phần hoá (CPH) khoảng 30 DN. Trong đó sẽ đẩy mạnh tái cơ cấu TCty Hàng hải VN, TCty Công nghiệp tàu thủy (SBIC). 

Đặc biệt, tập trung thực hiện đổi mới TCty Đường sắt VN, sau 9 tháng quyết liệt thực hiện đổi mới, TCty này đã có chuyển biến và đạt được một số nội dung của đề án tái cơ cấu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Nổi bật là việc sắp xếp lại các DN khối vận tải phù hợp với nhu cầu SXKD, đảm bảo ổn định, không gây ảnh hưởng đến hoạt động SXKD của Cty mẹ và kế hoạch chạy tàu.

Những con tàu Vinashin được bán để tái cơ cấu và quyền lợi của người lao động được ưu tiên giải quyết.

Trả lời câu hỏi của phóng viên  về quyền lợi của người lao động và giải pháp của Bộ GTVT về số lao động dôi dư tại các DN được CPH, giải thể, phá sản... nhất là các DN tại TCty Hàng hải VN. Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết, những DN phải giải thể hoặc phá sản là không còn nhiệm vụ SXKD vì đội tàu quá kém, hoặc là hỏng hóc nhiều, nếu hoạt động trở lại phải đầu tư quá lớn. 

Cụ thể như tại Vinashinlines, hiện đội tàu không thể hoạt động được, buộc phải bán và hiện đã bán được trên 90%, số tiền bán tàu đầu tiên là để giải quyết các quyền lợi của NLĐ, sau đó là trả nợ các đối tác và cuối cùng là trả nợ ngân hàng theo đúng quy định của Nhà nước. Do vậy, số công nhân, thuyền viên trước đây phải nghỉ không có lương và bị nợ lương đến nay sẽ được trả lương trước. Bất kỳ DN nào CPH khi bán được cổ phần, đầu tiên là phải giải quyết chế độ cho NLĐ như trả một lần, chế độ hưu trí hoặc đóng BHXH. Hiện ở Vinalines, các chế độ này được giải quyết đầy đủ.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, việc tái cơ cấu nợ của Vinalines và Vinashin là vấn đề lớn, việc tái cơ cấu nợ cũng được bàn tại các phiên họp thường kỳ của Chính phủ và các tổ chức tín dụng… Nhưng điều quan trọng nhất là chính các DN phải tự đàm phán với các tổ chức tín dụng (khoanh nợ, dãn nợ) đồng thời kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ cho phép dãn nợ để DN hoạt động. Vinalines đang làm việc với các tổ chức tín dụng và đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép khoanh nợ, dãn nợ trong vòng 3 năm và đang tiến hành các thủ tục để CPH.

Bộ GTVT đã kiến nghị lên Thủ tướng điều chỉnh quá trình tái cơ cấu của Vinalines. TCty này đề xuất được phá sản Cty TNHH công nghiệp tàu thủy Cà Mau. Trước đó, TCty đã cho Cty CP vận tải dầu khí Falcon và Cty TNHH MTV vận tải viễn dương Vinashinlines thực hiện các thủ tục phá sản. 

Vinalines cũng đề nghị giải thể, chấm dứt hoạt động: Cty CP phát triển cảng Bến Đình - Sao Mai; Trường Cao đẳng nghề hàng hải Vinalines; Cty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines - Đông Đô. Đồng thời, TCty đã có quyết định chấm dứt hoạt động, giải thể đối với 4 DN khác là Cty kinh doanh xăng dầu Vinalines phía bắc; cty Thương mại xăng dầu đường biển; Cty hàng hải Vinalines Cần Thơ; Trung tâm Phát triển nhân lực hàng hải Đông Nam Á. Xin thoái vốn sâu hơn tại 10 cảng biển mà TCty đang nắm cổ phần chi phối.

Liên quan đến nghi án các quan chức ngành đường sắt tham nhũng và việc Cty JTC (Nhật Bản) thừa nhận hối lộ 66 triệu yen để đổi lại việc trúng thầu tại Dự án Xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội (tuyến số 1), hiện Viện Công tố Tokyo đã truy tố Cty tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC) cùng 3 lãnh đạo Cty này vì tội hối lộ các cán bộ đường sắt VN.

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông khẳng định, hiện Bộ GTVT chưa nhận được bất kỳ văn bản chính thức nào từ phía Nhật Bản và Bộ GTVT chỉ biết thông tin qua các phương tiện thông tin đại chúng. Còn việc xử lý những cán bộ ngành đường sắt VN liên quan đến vụ nhận hối lộ, hiện cơ quan công an đang điều tra.

Theo báo Lao động
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo