Xã hội

Tài xế dùng cách nào để phản đối BOT quốc lộ 5?

Một tài xế cho biết đã trả lần lượt với 47 tờ 500 đồng, 16 tờ 100 đồng và 3 tờ 200 đồng nhằm phản đối trạm BOT số 1 quốc lộ 5.

"Mỗi lần đưa con đi học tôi mất 80.000 đồng tiền phí qua trạm. Số tiền đấy ăn được 3 bát phở. Nay hết tiền, tôi phải lấy tiền đi chùa của vợ để trả phí", lái xe này nói.

Tài xế đã trả lần lượt với 47 tờ 500 đồng, 16 tờ 100 đồng và 3 tờ 200 đồng. Ảnh VTC

Tài xế cho biết anh trả 39.000 đồng thì nhân viên trạm không cho đi vì thiếu tiền. Nhưng khi trả tiền lẻ lên 40.100 đồng nhân viên không chịu trả lại 100 đồng.

"Quan điểm của tôi chỉ nhận đủ chứ không nhận thừa. Tôi sẽ còn tiếp tục đòi lại số tiền này", lái xe này nói.

Trước đó, từ ngày 4 đến 6/9, hàng trăm lái xe đã sử dụng tiền lẻ để phản đối việc thu phí trên quốc lộ 5, đoạn đi qua huyện Văn Lâm (Hưng Yên) gây ùn tắc cục bộ. Vidifi sau đó có công văn đề nghị Bộ Công an vào cuộc điều tra hành vi gây rối.

Giữa tháng 10, UBND tỉnh Hưng Yên gửi văn bản kiến nghị di dời trạm thu phí số 1 trên quốc lộ 5 và miễn, giảm phí cho các phương tiện.

UBND tỉnh Hưng Yên đề nghị các cơ quan chức năng xem xét dời trạm thu phí số 1 tại về vị trí tiếp giáp giữa tỉnh Hưng Yên và thành phố Hà Nội hoặc giữa tỉnh Hưng Yên và tỉnh Hải Dương.

 

Ngày 18/10, Tổng cục Đường bộ đã có văn bản gửi Bộ GTVT đề nghị giảm 12-15% cho tất cả phương tiện lưu thông qua quốc lộ 5; miễn phí cho người dân sinh sống trong bán kính 5 km quanh trạm thu phí.

Quốc lộ 5 là tuyến huyết mạch cửa ngõ phía đông của Hà Nội. Mỗi ngày có khoảng 15.000-16.000 lượt phương tiện qua trạm. Mức phí qua quốc lộ 5 thấp nhất là 40.000 đồng, cao nhất là 180.000 đồng mỗi lượt.

Các lái xe dùng tiền lẻ phản đối vì cho rằng trạm đặt trên quốc lộ 5 để hoàn vốn cho cao tốc Hà Nội - Hải Phòng là vô lý. Hơn nữa, giá phí ở đây quá cao, ảnh hưởng đến cuộc sống cũng như việc kinh doanh của các doanh nghiệp vận tải.

Nên đọc
Cao Lâm (Tổng hợp)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo