Hỗ trợ doanh nghiệp

Tập đoàn Keangnam: Từ những thành công… đến “sụp đổ”

Là một trong những công ty xây dựng hàng đầu tại Hàn Quốc với khối lượng tài sản khổng lồ và giờ Keangnam lại đang vướng phải những vụ bê bối và đối diện với việc bị ngân hàng phong tỏa tài sản.

 

Từ những thành công…

Keangnam Enterprises ra đời từ những năm 1951, từng là một trong 20 công ty xây dựng  đầu tiên của Hàn Quốc tiến ra thị trường quốc tế. Trong đó, thị trường Thái Lan năm 1965, cùng hàng loạt các thị trường như Trung Đông, Sri Lanka, Cameroon và Malaysia trong những năm 1970. Đến năm 1973, Keangnam tiếp tục tạo dấu mốc khi trở thành công ty xây dựng đầu tiên IPO trên Sàn giao dịch chứng khoán Korea Exchange.

Tòa nhà Keangnam Landmark Tower cao nhất Việt Nam.

 

Keangnam gắn liền với tên tuổi của vị chủ tịch Sung Wan-jong, một nhân vật huyền thoại trong ngành công nghiệp xây dựng thời bấy giờ. Khi còn nhỏ, ông không thể tốt nghiệp tiểu học vì nhà quá nghèo. Khi trưởng thành, ông bỏ ra 2 triệu won để mua một công ty xây dựng ở Seosan, tỉnh Nam Chungcheong và biến nó thành một doanh nghiệp dẫn đầu trong vùng. Ông tiếp tục ghi dấu ấn sau khi mua lại Keangnam và gây dựng thành một công ty có doanh thu hằng năm lên hơn 2.000 tỷ won.

 

Năm 1994 được cho là năm thành công nhất của tập đoàn Keangnam, khi giá cổ phiếu lên tới 225.000 won và đưa Keangnam trở thành một tập đoàn xây dựng hàng đầu xứ sở Kim Chi. Với hàng loạt các dự án nghìn tỉ được triển khai và xây dựng tại các quốc gia đã làm cho tên tuổi của tập đoàn Keangnam ngày càng lớn.

 

…đến “sụp đổ”!

 

Theo tờ Yonhap cho biết, ngày 18.3, các công tố viên Hàn Quốc tiến hành lục soát trụ sở của Tập đoàn dầu khí quốc gia (KNOC) ở Ulsang và Tập đoàn Keangnam ở Seoul, để điều tra các nghi án tham nhũng, gian lận và móc ngoặc.

 

Đây được cho là một phần động thái nằm trong chiến dịch điều tra nhằm vào các dự án thăm dò, khai thác tài nguyên và năng lượng ở nước ngoài theo chính sách “ngoại giao năng lượng” do chính quyền cựu Tổng thống Lee Myung-bak xúc tiến.

 

Theo đó, các nhà điều tra đã tịch thu nhiều máy tính, sổ sách của 2 tập đoàn trên đồng thời khám xét nhà của Chủ tịch Keangnam Sung Woan-jong, từng là nghị sĩ thuộc đảng cầm quyền Saenuri và được cho là rất thân cận với cựu Tổng thống Lee. Nhà chức trách hiện đang tập trung vào các nghi vấn liên quan đến 2 dự án có sự tham gia của Keangnam là thăm dò dầu khí tại Kamchatka, Nga và khai thác quặng nikel ở Ambatovy, Madagascar.

 

Cụ thể, KNOC, Keangnam và một số đối tác khác bị nghi trục lợi bất chính từ ngân sách trong quá trình tham gia dự án tại Kamchatka, vốn bị đánh giá là đã không mang lại hiệu quả đáng kể nào. Về dự án mỏ nikel ở Ambatovy, có nhiều dấu hiệu mờ ám khi Tổng công ty khoáng sản Hàn Quốc (KORES) thanh toán thay chi phí đầu tư cho Keangnam và cuối cùng mua lại cổ phần của tập đoàn này vào năm 2010 với giá cao hơn giá ghi trong hợp đồng, dẫn tới lỗ 11,6 tỉ won (hơn 10 triệu USD).

 

Hiện nay, các chủ nợ của Keangnam phần đa là những ngân hàng nắm giữ lượng cổ phần lớn sau khi đổi nợ thành cổ phiếu cũng gặp vận đen thua lỗ vì giá mã chứng khoán này liên tục đi xuống. Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc lỗ 20 tỷ won khi bán 10,9% cổ phần của Keangnam. Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc và Ngân hàng Shinhan ước tính khoản lỗ lên đến 12 tỷ won.

 

Trong khi cuộc điều tra đang được tiến hành thì tin dữ đến với Keangnam khi vị chủ tịch Sung Woan-jong tự tử ở 64 tuổi, thi thể của ông được tìm thấy gần ngọn núi Bukhan của Hàn Quốc chiều 9-4. Ông ra đi trong khi đang bị cáo buộc bịa đặt khoản tiền lời của Tập đoàn Keangnam nhằm vay vốn 80 tỉ won (74 triệu USD) để đầu tư cho các dự án năng lượng ở nước ngoài nhưng sau đó biển thủ 25 tỉ won lập quỹ đen.

 

Hôm qua (15/4), Keangnam đã phải rút niêm yết bắt buộc khỏi sàn chứng khoán nước này, do kinh doanh thua lỗ, mất vốn. Điều này cũng có nghĩa công ty cần các chủ nợ hoặc nhà đầu tư mới bơm tiền để hỗ trợ các dự án nước ngoài đang thực hiện.

 

Đến đây, một trong những tập đoàn xây dựng hàng đầu Hàn Quốc đang đứng trước nguy cơ bị cơ quan công tố truy tố tội tham nhũng và lập quỹ đen. Vấn đề là chỉ sớm hay muộn Keangnam sẽ bị ngân hàng quản lý tài sản.

 

 Tham gia thị trường Việt Nam từ năm 2007, nhưng sau 8 năm để lại hàng loạt sự cố tai tiếng, gây bức xúc trong dư luận. Ngay từ khi mới khởi đầu tập đoàn này nổi đình nổi đám với Keangnam Hanoi Landmark Tower là một khu phức hợp khách sạn - văn phòng - căn hộ - trung tâm thương mại tại Hà Nội. Đây là tòa nhà cao nhất VN (350 m). Tuy nhiên, khi thi công đã xảy ra 2 tai nạn liên tiếp làm 4 công nhân thiệt mạng. Khi đưa vào sử dụng mức phí ban quản lý thu là 17.130 đồng/m2 bị người dân phản đối rầm rộ, sau đó buộc phải giảm xuống 4.000 đồng/m2.

Theo tài liệu của công ty, những năm gần đây, Keangnam đã khởi động rất nhiều dự án tại 4 quốc gia này. Trong đó có một dự án xử lý nước thải trị giá 29,1 tỷ won tại Việt Trì (Việt Nam) và "Keells City" trị giá 134,8 tỷ won tại Colombo (Sri Lanka).

Khôi Nguyên
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo