Pháp luật

Tàu hỏa trật bánh ở Hà Nội: Tiết lộ nguyên nhân ban đầu

Dù không gây thiệt hại về người, nhưng liên tiếp hai ngày 6 và 7/8 đã xảy ra sự cố tàu hỏa trật bánh ở ga Yên Viên, Gia Lâm, Hà Nội khiến hành khách quan ngại.

Liên quan đến vụ việc tàu hỏa trật bánh xảy ra tại Ga Yên viên vào sáng 7/8, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) vừa chính thức có thông tin nhanh về sự cố trong đó khẩn trương thành lập tổ công tác để rà soát, kiểm tra toàn bộ các yếu tố liên quan nhằm xác định nguyên nhân gây trật bánh, trước mắt cho phép các đoàn tàu chạy qua cụm ghi N112-120 với tốc độ 5km/giờ, theo tin tức trên báo VOV.

Tàu trật bánh tại ga Yên Viên. Ảnh Giao thông

Theo báo cáo của VNR, vào lúc 4h 38 phút ngày 7/8, tàu SP2 do đầu máy 622 kéo 17 xe đang vào ga Yên Viên với tốc độ 15km/giờ, khi qua cụm ghi N1121-120 (thuộc địa bàn thị trấn Yên Viên, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội) thì 2 toa xe thứ 13, 14 trong đoàn tàu bị trật bánh.

Rất may, sự cố không gây thiệt hại về người khi không có thiệt hại, hành khách đi trên đoàn tàu SP2 an toàn mà chỉ làm hư hỏng nhẹ 3 giá chuyển toa xe khách đồng thời làm chậm 4 đoàn tàu khách; giao thông đường sắt không bị ách tắc.

Hiện, Tổng công ty đã khẩn trương thành lập tổ công tác để rà soát, kiểm tra toàn bộ các yếu tố liên quan nhằm xác định nguyên nhân gây trật bánh, trước mắt cho phép các đoàn tàu chạy qua cụm ghi N112-120 với tốc độ 5km/giờ.

Lý giải cụ thể hơn, ông Hoạch cho biết, tàu từ hướng Lào Cai về chạy qua nhiều ghi trong cụm ghi để vào đường sắt số 2 ga Yên Viên, nhưng những ghi này nằm trên đường cong ngắn, bán kính nhỏ là yếu tố bất lợi, vì vậy đường sắt chỉ cho phép tàu qua với tốc độ 15km/h. Trong khi đó, tàu khách Lào Cai khá dài, nhất là dịp cuối tuần khách đông, thành phần đoàn tàu lên đến 17 toa xe, báo Giao thông đưa tin.

“Không phải đường sắt biết mà không sửa mà vì đây là ga có nhiều hướng, cải tạo một hướng sẽ liên quan đến nhiều hướng khác. Ngoài ra, còn các yếu tố khác như địa hình.

 

Tất nhiên, cụm ghi vẫn đảm bảo an toàn chúng tôi mới cho tàu chạy”, ông Hoạch nói và cho biết, thực tế đã chạy tàu theo hướng này nhiều năm qua vẫn an toàn. Sau khi khắc phục sự cố trật bánh tàu khách ngày 6/8, tàu hàng vẫn chạy qua an toàn, nhưng sáng sớm nay tàu khách SP2 qua vị trí này lại bị trật bánh.

Ông Hoạch cũng cho biết, trước mắt đường sắt thực hiện ngay các biện pháp cấp bách để đảm bảo an toàn, chỉ cho phép tàu chạy qua 5km/h. Về các biện pháp kĩ thuật, ngành Đường sắt sẽ tập trung thay thế mới toàn bộ bộ ghi N110 là ghi yết hầu phía Lào Cai vào ga Yên Viên đảm bảo các tiêu chuẩn kĩ thuật; Đồng thời, khẩn trương sửa chữa, thay thế tà vẹt gỗ mục, phụ kiện cũ của hai bộ ghi liên quan trong cụm ghi là N120, N112... để cả cụm ghi đảm bảo tiêu chuẩn kĩ thuật. Phấn đấu sửa chữa xong trong ngày 11/8, trả lại tốc độ chạy tàu bình thường 15km/h qua cụm ghi.

Về biện pháp tổ chức chạy tàu, để hạn chế tàu qua nhiều ghi đường cong, đường sắt chỉ đạo ga Yên Viên đón tàu khách vào đường số 3, giảm yếu tố bất lợi về an toàn. “Tới đây, chúng tôi sẽ rà soát toàn bộ hướng tuyến đường sắt đi Lào Cai trước khi vào ga để có giải pháp giảm yếu tố bất lợi như đường cong. Tuy nhiên, việc này cần có thời gian xem xét tổng thể từ hướng tuyến, địa hình, khu vực dân cư”, ông Hoạch nói thêm.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Ân, nguyên chuyên gia kĩ thuật Vụ KH-CN (Bộ GTVT) cho biết, trật bánh toa xe thường có hai nguyên nhân. Một là do bánh xe phía trước có vấn đề, hai là do đường. “Ở sự cố thứ nhất ngày 6/8, tôi đã suy đoán chắc đường không có vấn đề vì nếu do đường, đoàn tàu phải trật bánh ở những toa đầu.

Đằng này, tàu đã đi qua vị trí đó gần hết, đến toa xe thứ 16 mới bị trật, vì thế tôi nghĩ rằng do bản thân toa đó có vấn đề”, ông Ân nói và cho biết, nhưng sau đó lại tiếp tục xảy ra sự cố thứ hai ngày 7/8, lần này trật bánh 2 toa. Không lẽ hai đoàn tàu này lại có các toa xe cuối cùng đều có vấn đề kĩ thuật? Như vậy phi lý, không thể trùng hợp thế được”, ông Nguyễn Ân nói.

 

“Tôi cho rằng, cần xem lại việc sửa chữa đường sau lần trật bánh thứ nhất có đảm bảo kĩ thuật không. Thực ra, vấn đề không có gì nghiêm trọng vì đó là đoạn đường sau khi đã bẻ ghi để tàu chuyển đường vào. Ở ghi có những lưỡi ghi để chuyển làn đường, theo tôi có vấn đề về tiếp xúc, cần xem lại”, ông Ân nói thêm.

Nên đọc
Hồng Hà (Tổng hợp theo báo VOV, Giao thông)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo