Xã hội

Thái Bình: Sinh 2 con gái được thưởng quạt cây

Tôi đánh giá rất cao việc thực hiện chính sách hỗ trợ này ở Thái Bình. Nhân tổng kết công tác dân số năm 2012, mỗi gia đình sinh 2 con gái được hỗ trợ 1 chiếc quạt cây trị giá chưa đến 1 triệu đồng. Khi hai bố mẹ và hai con gái mang quạt về thôn, làng xóm ngỡ ngàng, họ bảo sinh hai con gái nên được thưởng .

Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế, TS. Dương Quốc Trọng kể về trường hợp ở Thái Bình nhân đề xuất "Hỗ trợ kinh tế cho gia đình sinh con một bề là con gái" trong Đề án Can thiệp, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh.

"Đầu từ có lãi"

Hàng năm Chính phủ vẫn dành một khoản ngân sách cho công tác truyền thông vận động Dân số-Kế hoạch hóa gia đình, xin ông cho biết, số tiền này là bao nhiêu? Đã có chính sách tuyên truyền nay lại tiếp tục đưa ra đề xuất "Hỗ trợ kinh tế cho gia đình sinh con một bề là gái", phải chăng việc chi ngân sách cho công tác truyền thông vận động từ trước tới nay đem lại hiệu quả không cao?

TS. Dương Quốc Trọng: Nói nhà nước bỏ tiền đầu tư cho công tác truyền thông vận động Dân số-Kế hoạch hóa gia đình mà hiệu quả chưa cao, tôi thấy chưa ổn. Chúng ta cần biết rằng, trước khi Quốc hội thông qua chương trình mục tiêu quốc gia Dân số-Kế hoạch hóa gia đình giai đoạn 2011-2015 đã yêu cầu Chính phủ, Bộ Y tế đánh giá về kết quả của giai đoạn trước và tính hiệu quả của giai đoạn tới. Kết quả cho thấy chương trình mục tiêu quốc gia Dân số-Kế hoạch hóa gia đình, trong đó có công tác truyền thông giáo dục có hiệu quả rất cao.

Cách đây 20 năm, các nhà khoa học trong nước cũng như quốc tế đã dự báo dân số của nước ta đến năm 2010 sẽ là 105 triệu người. Trên thực tế, năm 2010 dân số nước ta mới chưa đến 87 triệu người. Nói cách khác là trong vòng 20 năm qua, chúng ta đã tránh sinh được 18 triệu trường hợp.

So sánh với Philippines, cách đây 20 năm, dân số Philippines ít hơn Việt Nam 4 triệu người nhưng đến nay, dân số Philippines đông hơn Việt Nam 14 triệu. Như vậy, sau 20 năm, so với Philippines, chúng ta cũng tránh sinh được 18 triệu người.

Như vậy, việc dự báo của các nhà khoa học trong và ngoài nước là hoàn toàn chính xác. Ngân sách nhà nước đầu tư cho trương trình mục tiêu quốc gia Dân số-Kế hoạch hóa gia đình trong 20 năm qua vào khoảng dưới 4 ngàn tỉ đồng nhưng đổi lại chúng ta đã tránh sinh được 18 triệu trường hợp.

Điều đó có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước nói chung và nâng cao mức thu nhập bình quân đầu người nói riêng. Vì vậy, hiệu quả đầu tư cho công tác Dân số-Kế hoạch hóa gia đình trong thời gian qua là rất lớn.

 

 

 

Ông Dương Quốc Trọng - Tổng Cục trưởng Cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình.



Vì sao có đề xuất hỗ trợ kinh tế cho gia đình sinh con một bề là con gái? Phải chăng là cơ quan tham mưu đã nhìn nhận ra một thực tế, sự bức thiết của sự mất cân bằng giới tính hiện nay? Ông đánh giá thế nào về hiệu quả của đề xuất này một khi được thông qua và đi vào thực hiện?


TS. Dương Quốc Trọng: Đối với vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh, chúng tôi đã nhiều lần phân tích về 3 nhóm nguyên nhân. Nhóm nguyên nhất thứ nhất là tư tưởng Nho giáo, lòng mong muốn có con trai để nối dõi tông đường. Đây là nhóm nguyên nhân quan trọng nhất, nổi bật nhất.

Nhóm nguyên nhân thứ hai là cần phải có con trai để làm kinh tế như vùng biển để đánh bắt xa bờ

Nhóm nguyên nhân thứ 3, nhóm nguyên nhân trực tiếp là lạm dụng những tiến bộ khoa học công nghệ để thực hiện lựa chọn giới tính trước sinh.

Theo xác suất tự nhiên, nếu tất cả chỉ sinh 1 con sẽ có 49% gia đình không có con trai. Nếu tất cả đều sinh hai con thì sẽ có 24% gia đình không có con trai và 26% không có con gái và xã hội sẽ hài hòa. Mấu chốt nằm ở chỗ 24% này, đang lẽ họ chấp nhận không có con trai nhưng không, họ tìm mọi cách để có bằng được con trai!

Để giải quyết vấn đề này, chúng tôi cũng có 3 nhóm giải pháp tương ứng.

Tôi không muốn bàn về vấn đề tâm linh của việc làm đó nhưng rõ ràng là đã để lại những hệ luỵ vô cùng nguy hại đối với nòi giống dân tộc ta, đất nước ta. Các nhà khoa học đã dự báo Việt Nam sẽ “dư thừa” từ 2,3-4,3 triệu nam giới. Bài học nhãn tiền của các nước xung quanh, chúng ta đều đã thấy.

Liên hợp quốc đã tính toán, Trung Quốc “dư thừa” 67 triệu nam giới, Ấn Độ 42 triệu nam giới… Tổng 14 quốc gia, “dư thừa” khoảng 117 triệu nam giới và nó sẽ dẫn đến sự khủng hoảng cơ cấu dân số vô cùng ghê gớm.

Phải nhìn vào túi tiền


Theo ông, đề xuất đã được nghiên cứu, khảo sát rất kỹ, vậy theo tính toán con số thuộc diện được hưởng chế độ hỗ trợ là bao nhiêu? Và để thực hiện được đề án này bắt buộc phải có kinh phí, ông đã tính toán cụ thể khoản kinh phí phục vụ cho đề án?

TS. Dương Quốc Trọng: Hiện nay chúng tôi chưa có con số cụ thể. Đây mới chỉ là đề xuất đưa ra ý tưởng, còn con số cụ thể thì các Bộ, ngành liên quan phải ngồi lại với nhau để rà soát, xây dựng. Nếu được hưởng thì chỉ được hưởng từ thời điểm văn bản có hiệu lực và không có tính hồi tố.

Ở nước ta mỗi một năm có khoảng 1,4 -1,5 triệu trẻ được sinh ra và chúng tôi có tỷ lệ sinh con thứ nhất, thứ hai và thứ ba trở lên là bao nhiêu. Và việc hỗ trợ này chỉ hỗ trợ cho gia đình thực hiện đúng chính sách Dân số-Kế hoạch hóa gia đình tức là 2 con và đều là con gái.

Việc áp dụng mức hỗ trợ này cụ thể sẽ như thế nào? Hỗ trợ trong 1 tháng, 1 năm hay tới khi trưởng thành. Theo ông, nếu được thông qua thì khi nào đề án sẽ được thực hiện?

TS. Dương Quốc Trọng: Để thực hiện được đề xuất này, nguồn kinh phí chủ yếu dựa vào ngân sách của nhà nước ở trung ương và địa phương, ngoài ra là huy động từ nguồn khác.

Trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, chúng tôi chưa có bàn cụ thể. Nhưng có thể trước mắt chỉ hỗ trợ khi sinh 2 con gái. Còn tùy vào ngân sách sẽ có những bàn bạc cụ thể. Thực sự mà nói, chúng ta phải xem trong túi chúng ta có bao nhiêu tiền, lúc đó mới tính được.

Tôi hi vọng và mong muốn sẽ được áp dụng từ năm 2013.

Đó là với những gia đình sinh hai con và đều là con gái, còn đối tượng được hưởng chế độ an sinh xã hội thì sao? Chính sách hỗ trợ, thời điểm được áp dụng như thế nào?


TS. Dương Quốc Trọng: Chúng tôi biết hiện nay kinh tế nhà nước còn nhiều khó khăn, ngân sách còn phải chi trả cho nhiều việc khác nhau. Do vậy, trước mắt, ưu tiên số 1 là việc hỗ trợ trực tiếp cho những gia đình sinh con một bề là con gái và những trường hợp đó sinh ra kể từ thời điểm văn bản có hiệu lực pháp luật.

Còn với trường hợp như khi trẻ lớn lên đi học được hỗ trợ học phí, hay hỗ trợ cha mẹ khi về già mà không có lương hưu… Đó là kinh nghiệm các nước. Nếu chúng ta có kinh phí, có đủ khả năng tài chính thì chúng ta học tập kinh nghiệm các nước là rất tốt.

Nhưng với điều kiện hiện nay, chúng ta ưu tiên áp dụng hỗ trợ trực tiếp cho những gia đình sinh con một bề là nữ. Sau này nếu có kinh phí thì mình sẽ mở rộng ra.

Sinh 2 con gái được hỗ trợ 1 chiếc quạt cây

Mục tiêu của đề xuất là dùng kinh tế để điều chỉnh sự mất cân bằng giới tính khi sinh. Theo ông, dùng biện pháp kinh tế liệu có chiến thắng được định kiến xã hội? Ông có tính đến tình huống coi hỗ trợ như hình thức thương hại, xúc phạm dẫn đến những tự ái, mâu thuẫn phát sinh trong gia đình?

TS. Dương Quốc Trọng: Tôi cho rằng, không ai vì đồng tiền mà từ bỏ ý định sinh con trai. Tôi nhận thấy, việc hỗ trợ về kinh tế là hết sức quan trọng. Điều này có tác dụng tuyên truyền, lan tỏa rất lớn và đồng thời thể hiện sự quan tâm của Đảng, nhà nước đối với các gia đình sinh con một bề là nữ. Điều đó giá trị hơn tiền rất nhiều và có giá trị nhân văn sâu sắc. Xã hội cần ghi nhận điều đó.

Tôi đánh giá rất cao việc thực hiện chính sách hỗ trợ này ở Thái Bình. Nhân tổng kết công tác dân số năm 2012, mỗi gia đình sinh 2 con gái được hỗ trợ 1 chiếc quạt cây trị giá chưa đến 1 triệu đồng. Khi hai bố mẹ và hai con gái mang quạt về thôn, làng xóm ngỡ ngàng, họ bảo sinh hai con gái nên được thưởng.

Đó là ý nghĩa vinh danh, ý nghĩa tuyên truyền. Đối với người Việt Nam ta, điều đó có ý nghĩa vô cùng. Nhân gian vẫn thường nói “một miếng giữa làng hơn một sàng xó bếp” hay “một trăm đồng tiền công không bằng một đồng tiền thưởng”.

Cá nhân tôi và tôi tin rằng, hầu hết trong xã hội đều không bao giờ nghĩ rằng mình sinh 2 con gái để nhận ít tiền thưởng cũng như tôi và những người làm công tác Dân số-Kế hoạch hóa gia đình, những người thực hiện kế hoạch hóa gia đình trong cả nước chưa bao giờ nghĩ rằng đi triệt sản để lấy mấy trăm ngàn.

Nếu suy nghĩ theo hướng đẻ con gái để nhận hỗ trợ là hạ thấp, coi rẻ người được nhận và không thấy được ý nghĩa nhân văn của chính sách. Đó là những suy nghĩ thiển cận, không mang tính xây dựng.

Tôi tin, có chính sách hỗ trợ này, đại đa số người dân sẽ suy nghĩ, sẽ thấy mình được quan tâm, chia sẻ nhiều hơn chứ không phải là lòng thương hại, hay là sự xúc phạm.

Tuy nhiên, tại nhiều vùng quê định kiến xã hội còn rất nặng nề, nhất là trong những gia đình trưởng chi, trưởng họ. Những gia đình có điều kiện họ sẵn sàng chịu phạt để sinh được con trai. Theo ông, giải pháp hỗ trợ kinh tế liệu có đủ sức thay đổi được thực tế, định kiến xã hội hay cũng chỉ mang tính hình thức tượng trưng?

TS. Dương Quốc Trọng: - Tôi xin nhấn mạnh rằng việc hỗ trợ tiền không phải là giải pháp duy nhất, đây chỉ là giải pháp hỗ trợ. Giải pháp quan trọng nhất vẫn là tuyên truyền, vận động, giáo dục, thuyết phục.

Nói chuyện vui, ở quê tôi cũng không phải là ngoại lệ. Tôi là con trai, xa quê nhưng có giỗ, Tết tôi vẫn phải đóng góp. Những người chị của tôi ở quê vẫn thay tôi đóng góp nhưng các chị ấy lại không được “quyền đóng góp” vào những dịp giỗ này mà chỉ là đóng góp hộ cho tôi, cho con trai tôi. Đó là phong tục, tôi cũng biết để thay đổi một phong tục, một thói quen là rất khó.

Nhưng nếu chúng ta cứ để tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh như hiện nay thì tương lai đất nước sẽ ra sao? Chính vì vậy phải can thiệp. Can thiệp quyết liệt, triệt để, ngay từ bây giờ. Tuy nhiên, giải pháp hỗ trợ kinh tế chỉ là giải pháp mang tính hỗ trợ, giải pháp tình thế. Khi nào tình thế đã ổn định, không còn tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh thì không cần dùng đến giải pháp này nữa. Lúc đó sẽ bỏ.

Xin cảm ơn ông!

 

 

Đoàn Huế (Theo Đất Việt)

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo