Hỗ trợ doanh nghiệp

Thanh Hóa: Ngân hàng BIDV có gây khó khăn trong việc cấp vốn cho ngư dân?

(DNVN) - Mặc dù các chủ tàu đều được phía Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh Thanh Hóa đồng ý cho vay vốn nhưng hiện nay khi Công ty Sông Chanh đã thực hiện được gần 30% giá trị hợp đồng, thì phía ngân hàng BIDV lại chưa đồng ý giải ngân cho các chủ tàu.

Thực hiện Nghị định 67 (Nghị định 67/2014/NĐ-CP, về một số chính sách phát triển thủy sản), 7 chủ tàu của thị xã Sầm Sơn và huyện Hậu Lộc đã ký hợp đồng đóng tàu vỏ sắt với Công ty cổ phần Công nghiệp Tàu thủy Sông Chanh tỉnh Quảng Ninh. Mặc dù các chủ tàu đều được phía Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh Thanh Hóa đồng ý cho vay vốn nhưng hiện nay khi Công ty Sông Chanh đã thực hiện được gần 30% giá trị hợp đồng, thì phía ngân hàng BIDV lại chưa đồng ý giải ngân cho các chủ tàu.

Sau khi được ban chỉ đạo thực hiện nghị định 67 của tỉnh Thanh Hóa duyệt hồ sơ và cho đi thăm quan thực tế ông Nguyễn Văn Hẩu ở xã Quảng Cư (TX. Sầm Sơn, Thanh Hóa) đã ký hợp đồng kinh tế (số 10/HĐKT/2015) với công ty cổ phần công nghiệp tàu thủy Sông Chanh (thị xã Quảng Yên ,Quảng Ninh), để đóng mới 1 tàu đánh bắt cá, vỏ sắt, kiểu lưới chụp, công suất máy 829CV trị giá 16 tỉ 409 triệu đồng.

hjj
Xưởng đóng tàu của Công ty Sông Chanh.

Ngày 01/04/2015, ông Hẩu trực tiếp gửi bản gốc Hồ sơ thiết kế, hồ sơ dự toán, hợp đồng kinh tế số 10HĐKT/2015, hợp đồng lao động và các giấy tờ liên quan đến ngân hàng TM CP đầu tư & phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh Thanh Hóa để xin được vay vốn.

Đến ngày 19/5/2015, Ngân hàng BIDV chi nhánh Thanh Hóa ra công văn (số129/BIDV-TH) đồng ý cho ông Hẩu vay vốn, đóng mới 1 tàu cá vỏ sắt, khai thác xa bờ với tổng giá trị như trong hợp đồng kinh tế được ký kết giữa ông Hẩu và công ty cổ phần công nghiệp tàu thủy Sông Chanh.

Để đảm bảo đúng tiến độ hợp đồng, công ty Sông Chanh đã bỏ ra hàng tỷ đồng mua bản vẽ thiết kế, ký kết hợp đồng giám sát kỹ thuật với trung tâm đăng kiểm tàu cá thuộc tổng cục thủy sản. Nhập về trên 100 tấn tôn để đóng tàu. Đặc biệt công ty đã làm lễ khởi công, giải ky, cắt tôn… thả đáy, dựng mũi, hàn khung cho tàu cá.

Bất ngờ đến ngày 09/6/2015, Ngân hàng BIDV chi nhánh Thanh Hóa lại ra công văn số 167 yêu cầu ông Hẩu tìm cơ sở đóng tàu, phải không có nợ xấu, không có nợ đọng thuế và có năng lực tài chính lành mạnh thì mới cho cấp vốn.

Trước tình cảnh đó buộc ông Hẩu phải thông báo cho nhà máy đóng tàu Sông Chanh tạm dừng việc đóng tàu, sau đó ông Hẩu đến ngân hàng để làm việc: “Ngân hàng yêu cầu tôi ra thanh lý hợp đồng với nhà máy đóng tàu Sông Chanh có văn bản giao cho ngân hàng và tìm cơ sở đóng tàu khác về thông báo cho ngân hàng để ngân hàng tra cứu nếu được ngân hàng đồng ý thì ngân hàng sẽ đầu tư còn nhà máy đóng tàu Sông Chanh ngân hàng không đầu tư vốn”.

 

Trao đổi với PV ông Hà Văn Hiến, Giám đốc công ty Sông Chanh cho biết : “…về phía công ty, để giúp ngư dân tiếp cận nhanh chóng với nghị định Công ty sẽ tự bỏ vốn ra để đóng tàu cho ngư dân, khi sản lượng đạt 50% thì ngư dân ứng 30%, khi hoàn chỉnh tàu ngư dân mới phải ứng 80%...thực tế cho đến nay công ty đã đóng được 30 % hợp đồng mà ngư dân vẫn chưa ứng cho chúng tôi 1 đồng nào”.

Đại diện Ngân hàng VIDB chi nhánh Thanh Hóa ông Lê Ngọc Vân PGĐ cho biết: “Lí do mà ngân hàng VIDB chi nhánh Thanh Hóa chưa đồng ý giải ngân vì đến nay ngân hàng vẫn chưa thẩm định xong, chưa ký hợp đồng tín dụng với ông Hẩu… trong quá trình thẩm định nhận thấy năng lực tài chính của Công ty Sông Chanh còn nợ xấu… còn việc ra văn bản số 129 (văn bản đồng ý chủ trương tài trợ vốn cho ông Hẩu khai thác hải sản xa bờ) là bình thường, vì bất kỳ 1 ngư dân nào nộp hồ sơ đến là ngân hàng không từ chối và ra văn bản này để ngư dân yên tâm...”.                                                                                                                          

Như vậy nếu ngân hàng VIBD chi nhánh Thanh Hóa không cho vay vốn, các chủ tàu buộc phải phá hợp đồng kinh tế với công ty Sông Chanh, thì ai sẽ là người đền bù thiệt hại cho chính các chủ tàu ? Và cũng biết đến bao giờ các ngư dân mới thực hiện được mục tiêu đóng tàu công suất lớn theo nghị định 67? Việc ngân hàng ra văn bản chấp thuận cho vay nhưng lại không cấp vốn có phải là chiêu trò giữ khách của VIDV Thanh Hóa? Tại sao ngân hàng lại nói công ty Sông Chanh nợ xấu trong khi Sông Chanh đã tự bỏ tiền ra đóng 30% hợp đồng cho ngư dân, và Công ty Sông Chanh cũng là 1 trong 07 cơ sở đủ điều kiện đóng mới tàu cá do Sở Nông Nghiệp & PTNN tỉnh Quảng Ninh công bố? 

Thiết nghĩ các ngành chức năng của tỉnh Thanh Hóa cần điều tra, xác minh làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan; tránh thiệt hại cho ngư dân, để việc triển khai Nghị định 67 của Chính phủ có hiệu quả và đạt mục tiêu tiến độ đề ra.

Nghị định 67 được đánh giá là một chính sách phù hợp với lòng dân, bởi đầu tư tàu vỏ thép sẽ nâng cao hiệu quả trong hoạt động đánh bắt thủy sản, đảm bảo chất lượng hải sản đã đánh bắt, giúp người dân an toàn hơn khi tham gia sản xuất trên biển. Động viên các ngư dân tham gia đánh bắt trên biển, cùng với các lực lượng bảo vệ biển, gìn giữ ngư trường, biển đảo của Tổ quốc.
Thùy Linh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo