Bất động sản

Thanh lọc dòng vốn FDI vào bất động sản

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch - Đầu tư Hà Nội, hiện trên địa bàn thành phố đang có 95 dự án bất động sản có vốn đầu tư nước ngoài đã được cấp giấy chứng nhận.

Tuy nhiên, tiến độ thực hiện các dự án rất chậm. Để khắc phục tình trạng này, Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội vừa đưa ra một loạt các kiến nghị, đối với dự án bất động sản, nên có quy định rõ ràng về điều kiện, thủ tục trong việc chuyển nhượng dự án chuyển nhượng vốn cho nhà đầu tư nước ngoài, việc điều chỉnh, gia hạn tiến độ thực hiện dự án…



Liên tục lỗi hẹn



Theo báo cáo của Sở Kế hoạch - Đầu tư Hà Nội, trong số 95 dự án nêu trên thì có 88 dự án đã được giao đất (1.500ha) đã có quyết định cho thuê đất từ phía các cơ quan có thẩm quyền; 17 dự án làm khu đô thị; 66 dự án làm trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê và 5 dự án làm sân golf, công viên giải trí.


Tuy nhiên, mặc dù triển khai trong một thời gian dài, nhưng trong số 88dự án  này vẫn còn 3 dự án chủ đầu tư chưa thực hiện xong giải phóng mặt bằng. Trong 7 dự án chưa có quyết định cho thuê đất có 3 dự án đã được thành phố giao trung tâm quỹ đất Hà Nội thực hiện khâu tổ chức giải phóng mặt bằng khu Tây Hồ Tây, công viên Yên Sở, khu công nghệ cao sinh học.



Cũng trong báo cáo của Sở Kế hoạch - Đầu tư Hà Nội, hiện có 82/88 dự án đã được triển khai xây dựng nhưng nhìn chung tiến độ rất chậm, nhiều chủ đầu tư còn cố tình làm sai quy hoạch đã được phê duyệt khi chưa được phép của cơ quan quản lý như dự án Euroland của Công ty TNHH TSQ Việt Nam tại khu đô thị Mỗ Lao.



Ngoài ra, một số dự án có quy mô lớn chậm tiến độ so với quy định tại giấy chứng nhận đầu tư. Theo lý giải nhiều chủ đầu tư nguyên nhân chậm tiến độ là do khó khăn trong khâu giải phóng mặt bằng, điều chỉnh quy hoạch như dự án Nam Thăng Long giai đoạn 2, 3 bắt đầu giải phóng từ năm 2005 nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn chưa nhận được mặt bằng.

 

Hay như dự án của Công ty TNHH Booyoung Vina tại khu đô thị Mỗ Lao, mặc dù đã có mặt bằng sạch từ nhiều năm nay nhưng doanh nghiệp vẫn án binh bất động, không có dấu hiệu sẽ triển khai dự án...



Sẽ có rào cản chặt về vốn



Theo Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội, nhận định đáng chú ý nhất là trong quý I/2012 vừa qua là đã có 9 dự án FDI bất động sản được chuyển cho nhà đầu tư trong nước. Có 12 dự án FDI bỏ địa điểm kinh doanh, không có tại địa chỉ đăng ký; 5 dự án có thông báo tạm ngừng kinh doanh do nhà đầu tư gặp khó khăn hoặc đang tìm địa điểm kinh doanh khác; 4 doanh nghiệp đã tiến hành thủ tục giải thể và được Ủy ban nhân dân Thành phố chấp thuận.

 

Cũng theo Ủy ban nhân dân Thành phố, hiện có 16 dự án đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực bất động sản đã làm thủ tục điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư theo hình thức chuyển nhượng vốn.

 

Cụ thể, có 7 dự án nhà đầu tư nước ngoài, trước đây liên doanh với bên Việt Nam, chuyển nhượng vốn cho tổ chức kinh tế trong nước và chuyển đổi thành dự án 100% vốn trong nước. 7 dự án nhà đầu tư nước ngoài nhận chuyển nhượng vốn từ bên Việt Nam trong liên doanh trở thành dự án 100% vốn nước ngoài. Hai dự án 100% vốn nước ngoài chuyển nhượng một phần cho tổ chức kinh tế trong nước.



Thống kê của thành phố cũng cho thấy, hiện nay, các dự án đầu tư nước ngoài vào bất động sản đã huy động 494 triệu USD từ các tổ chức tín dụng trong nước, chiếm 13% vốn đầu tư, dưới hình thức vay ngân hàng, vay cổ đông; huy động 1,22 tỉ USD từ các tổ chức tín dụng nước ngoài, chiếm 33% và huy động từ khách hàng 463 triệu USD, chiếm 12%...



Trước thực trạng nay, Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội vừa đưa ra một loạt các kiến nghị, đối với dự án bất động sản, nên có quy định rõ ràng về điều kiện, thủ tục trong việc chuyển nhượng dự án, chuyển nhượng vốn cho nhà đầu tư nước ngoài (trừ các dự án khu đô thị mới, khu nhà ở, hạ tầng kỹ thuật, khu công nghệ đã quy định tại Nghị định 153/2007/NĐ-CP ngày 15/10/2007 của Chính phủ), việc điều chỉnh, gia hạn tiến độ thực hiện dự án.


Trường hợp doanh nghiệp chỉ có một dự án, việc chuyển nhượng vốn cũng đồng thời là chuyển nhượng dự án. Tuy nhiên, với trường hợp doanh nghiệp có nhiều dự án thì việc chuyển nhượng này không rõ. Vì vậy, cần làm rõ việc chuyển nhượng vốn và chuyển nhượng dự án.

 

Ngoài ra, cần bổ sung quy định doanh nghiệp phải hoàn thành vốn góp để thực hiện dự án thì mới được sử dụng vốn vay, vốn huy động; bổ sung quy định về hình thức sử dụng đất, quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp bán cổ phần hay nhận phần góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài.



Ủy ban nhân dân Thành phố cũng kiến nghị sửa quy định điều 5, Nghị định 153/2007/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Kinh doanh bất động sản, về tỉ lệ vốn đầu tư thuộc sở hữu của nhà đầu tư lên thành “không thấp hơn 50% tổng mức đầu tư của dự án được phê duyệt”; bổ sung quy định chỉ được phép giao thầu cho nhà đầu tư nước ngoài một tỉ lệ nhất định không lớn hơn 50% trên tổng giá trị dự án và quy định về việc thực hiện chế độ kiểm toán Việt Nam đối với các nhà thầu nước ngoài.

 

Theo thống kê của Sở Kế hoạch - Đầu tư Hà Nội, trong quý I/2012, toàn thành phố có 64 dự án cả cấp mới và tăng vốn với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 147,6 triệu USD, bằng 81,8% về số dự án và 19% vốn đầu tư đăng ký mới so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, cấp mới 42 dự án, vốn đầu tư đăng ký là 35,38 triệu USD, bằng 69% số dự án và 10% vốn đầu tư đăng ký so với cùng kỳ năm 2011.

 

Dự kiến cả năm 2012, Hà Nội sẽ thu hút được khoảng 470 dự án với số vốn đầu tư đăng ký khoảng 1,5 tỉ USD, tăng khoảng 6% so với dự kiến năm 2011. Số dự án cấp mới khoảng 400 dự án, vốn đầu tư đăng ký là 1 tỉ USD, dự án tăng vốn khoảng 70 dự án với số vốn đăng ký tăng thêm là 500 triệu USD.

S.M

 

Theo Lao Động

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo