Môi trường

Thiệt hại một đàng, thống kê một nẻo

Như Sài Gòn Tiếp Thị đã thông tin, trong khi mức độ thiệt hại của cây trồng và vật nuôi do ô nhiễm của Sonadezi Long Thành gây ra còn đang rất tù mù, thì nay, nhiều người dân Tam An, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai lại bị giáng thêm một đòn nặng nữa: bị loại ra khỏi phạm vi ô nhiễm do công ty này gây ra!

Phẫn nộ! Đó là trạng thái tâm lý của rất nhiều người dân bị thiệt hại do ô nhiễm bởi chất thải của Sonadezi Long Thành gây ra trong ngày chúng tôi xuống xã Tam An. Đi sâu vào các xóm dân cư, chỗ nào cũng nghe “kẻ vi phạm pháp luật nhưng coi thường và lừa dân thấy rõ”, nguyên văn bà con nơi đây.

 

Bên trọng, bên khinh

 

Ông Phạm Văn Chung ở xóm Rẫy, tổ 12, ấp 2, xã Tam An cho biết: gia đình ông trồng cây ăn trái lâu năm (sầu riêng, chôm chôm, bưởi…) từ năm 1998. Từ năm 2006 – 2009, cả vườn cây bị chết sạch vì nước bẩn từ Sonadezi thải ra, gây thiệt hại khoảng 40 triệu đồng. Cùng lúc, 1.300 con vịt thịt và 150 con vịt đẻ của ông cũng bị chết, tính theo giá thị trường lúc bấy giờ, thiệt hại khoảng 150 triệu đồng. Chưa kể mất thêm hàng chục triệu đồng do tôm nuôi chết… “Chỉ trong vòng một năm, gia đình tôi kiệt quệ và trắng tay!”, ông Chung rưng rưng.

 

Ác mộng này chưa kịp nguôi, ngày nộp đơn lên chính quyền yêu cầu Sonadezi bồi thường, ông Chung càng thêm uất ức, chỉ biết ngửa mặt kêu trời vì người ta không nhận đơn. Lý do: mảnh đất nuôi, trồng nhà ông không nằm trong phạm vi bị ô nhiễm do nước thải từ Sonadezi – theo bản đồ tính toán của viện Môi trường và tài nguyên (đại học Quốc gia).


Sonadezi Long Thành quỵt nợ dân


Năm 2008, do nước xả thải đen kịt của Sonadezi mà cá nhà tui bị chết hết trọi. Chính quyền địa phương tới làm việc, ghi biên bản, yêu cầu mãi họ (Sonadezi – PV) mới chịu đền cho 50kg/100kg cá thịt, với giá 20.000 đồng/kg. Giấy tờ cam kết tui còn giữ đây, vậy mà đến giờ họ vẫn chưa chịu bồi thường 1 triệu đồng đó”, ông Lê Văn Tiến, tổ 16, ấp 2 xã Tam An

 

Dẫn ra ruộng nhà mình, ông Chung chỉ cho chúng tôi thấy họng xả thải của Sonadezi nằm cách đấy không xa (khoảng 600m). Nằm men theo rạch Bà Chèo, vườn ruộng nhà ông buộc phải dùng nước bẩn từ rạch Bà Chèo chảy về. Vậy mà khi khoa học tính toán thì cay đắng thay, ruộng nhà bên được tính nằm trong phạm vi bị ô nhiễm, ruộng ông bị cho nằm ngoài.

 

“Họ vẽ trên trời hay sao ấy!”, ông Nguyễn Văn Hưng, nhà ở tổ 5, ấp 1, xã Tam An bức xúc kêu lên. Theo ông Hưng, toàn bộ ruộng vườn nhà ông nằm ở ấp 2 đều phải lấy nước từ ngọn Bến Súc (là một nhánh từ rạch Bà Chèo – PV), cách họng xả thải của Sonadezi chưa tới 1km, nhưng cũng bị loại ra khỏi phạm vị bị ô nhiễm. Cũng như rất nhiều hộ dân xã Tam An bị thiệt hại cây trồng, vật nuôi bởi Sonadezi, các loại cây ăn trái lâu năm trong vườn nhà ông Hưng chết như rạ vào năm 2008 – 2009, với tổng thiệt hại khoảng 130 triệu đồng. Truyền thống nghề chăn nuôi vịt đẻ của gia đình cũng không giúp ông Hưng cứu được hơn 800 con vịt bị chết đồng loạt trong hai năm 2008 – 2009 do uống nước bẩn ở rạch Bà Chèo, với tổng thiệt hại khoảng 55 triệu đồng; rồi hơn 20 triệu đồng thiệt hại do cá nuôi bị chết…

 

Tính toán trên cơ sở nào?

 

Trao đổi với chúng tôi, rất nhiều người dân uất nghẹn: phạm vi ô nhiễm (113,6ha/682,8ha rạch Bà Chèo) mà viện Môi trường và tài nguyên tính toán không sát với thực tế. Minh chứng cụ thể nhất là rất nhiều trường hợp hộ dân bị thiệt hại bị loại khỏi vùng ô nhiễm rất tréo ngoe với thực tế. 1


127 trường hợp đòi bồi thường


Theo thống kê, đến nay đã có 127 trường hợp yêu cầu Sonadezi bồi thường được nhận đơn, với tổng số tiền thiệt hại kê khai ban đầu khoảng 25 tỉ đồng. Trong 127 trường hợp này, có sáu trường hợp đánh bắt thuỷ hải sản tự nhiên, chiếm khoảng hai tỉ đồng thiệt hại (được xác định rõ ràng là Sonadezi phải bồi thường 95% thiệt hại); còn 111 trường hợp còn lại bị thiệt hại cây trồng, vật nuôi.

Theo ban chỉ đạo, đối chiếu với giấy chứng nhận thửa đất nằm trong phạm vi ô nhiễm, vẫn còn đến 150 trường hợp nữa chưa tiến hành kê khai yêu cầu bồi thường.

 

Theo người dân, nhiều trường hợp cùng bên một bờ sông ô nhiễm, nằm sát nhau nhưng nhà thì được công nhận nằm trong vùng ô nhiễm, nhà thì không. Hay có những trường hợp cùng chung một thửa ruộng, nhưng bên ruộng dùng nguồn nước bị ảnh hưởng trực tiếp từ rạch Bà Chèo thì bị loại, còn bên ruộng dùng nước trực tiếp từ nguồn khác rạch Bà Chèo (như sông Sắt, vàm Bùng Binh…) thì lại nằm trong phạm vi ô nhiễm…

 

Thống kê của ban chỉ đạo điều tra xác định thiệt hại cho thấy, sau khi so sánh với bản đồ lồng ghép của viện Môi trường và tài nguyên về phạm vi ô nhiễm, đến nay đã có tới 141 trường hợp yêu cầu Sonadezi bồi thường bị loại, do nằm ngoài phạm vi này.

 

Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Thu Hà, phó chủ tịch hội Nông dân huyện Long Thành, thành viên ban chỉ đạo, cũng thừa nhận rằng: “Đúng là thực tế có rất nhiều trường hợp bị thiệt hại nhưng vẫn bị loại”. Bà Hà nói, sắp tới ban chỉ đạo sẽ mời các cơ quan chức năng và viện tới giải thích cho dân hiểu rõ hơn cơ sở tính toán phạm vi ô nhiễm. Nếu dân không đồng ý, ban chỉ đạo sẽ kiến nghị tỉnh làm việc với Sonadezi tìm phương án hỗ trợ một mức nào đó cho họ.

 

Rời Tam An, những người dân bị thiệt hại khẳng định với chúng tôi rằng: họ sẽ tiếp tục tranh đấu đòi lại công lý. Nhưng cái ý “chỉ hỗ trợ, không phải bồi thường”, dù dân bị thiệt hại rõ ràng, đã gây phẫn nộ cho hàng trăm gia đình nơi đây. Những ngày này, đi vào khu công nghiệp Long Thành, nơi Sonadezi đang làm chủ, nhìn bề ngoài đẹp đẽ, nhưng đi sâu vào trong xóm làng mới thấy hết những dấu tích hoang tàn mà Sonadezi đã gây ra.

 

Theo SGTT

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo