Hỗ trợ doanh nghiệp

Thịt ngoại đè thịt nội?

DN trong nước đang tăng cường nhập khẩu nhiều loại thực phẩm, thịt gia súc, gia cầm khi nhu cầu sử dụng tăng cao.

 

Tại Đại hội cổ đông (ĐHCĐ) thường niên 2015, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2015. Theo đó, doanh thu thuần năm 2015 sẽ ở mức 5.347 tỷ đồng, tăng 75% so với kết quả đạt được năm 2014.

 Thịt bò ngoại tràn ngập thị trường (Nguồn: Báo Thanh niên)
 
Trong cơ cấu doanh thu thuần, sản phẩm bò thịt sẽ chiếm 46%, tương ứng 2.475 tỷ đồng. Dự kiến đến cuối năm 2015 sẽ đầu tư phát triển 13.000 con bò sữa, 100.000 con bò thịt và xuất bán 60.000 con bò thịt.
 
Theo lãnh đạo của HAGL, toàn bộ số bò nuôi lấy thịt và sữa được công ty nhập khẩu nguyên con từ Thái Lan và Úc khi bò khoảng 18 tháng sau đó về chăm sóc, vỗ béo để cung ứng ra thị trường.
 
Không riêng gì “ông lớn” HAGL mới mạnh tay chi vào lĩnh vực nông nghiệp, chăn nuôi bò và kỳ vọng lớn vào nguồn thu đem lại do nhận thấy thị trường nhiều tiềm năng, mà không ít DN Việt cũng đang đẩy mạnh nhập khẩu lượng lớn thịt heo, trâu bò, gia cầm từ Pháp, Ba Lan, Úc, Mỹ... về cung ứng ra thị trường do sức cầu ngày một tăng.
 
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, quý I năm nay Việt Nam đã nhập khẩu 115.242 con trâu bò sống với giá trị xấp xỉ 124 triệu USD, tăng lần lượt 74,6% về số lượng và 107% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014. Nhập khẩu thịt gà đông lạnh cũng tăng trưởng nhanh với số lượng trên 34.000 tấn trong quý I/2015 (tăng trên 45% so với cùng kỳ năm 2014) đã cho thấy xu hướng này.
 
Một số công ty kinh doanh thực phẩm nhập khẩu gia súc, gia cầm sống và đông lạnh từ nước ngoài về Việt Nam cho biết, trong những tháng đầu năm nay lượng hàng nhập liên tục tăng mạnh do giá cả cạnh tranh và nhu cầu trong nước tăng cao.
 
Trong đó, tăng mạnh nhất là lượng trâu bò sống nhập khẩu về giết thịt. Trung bình hiện nay Việt Nam nhập khẩu trên 30.000 con bò sống/tháng về giết mổ và trở thành quốc gia nhập khẩu bò sống lớn nhất từ Úc. Sở dĩ những công ty này tăng cường nhập khẩu thay vì trông chờ vào nguồn cung trong nước bởi nguồn cung trong nước không đủ, thiếu ổn định, giá cả lại bấp bênh, trong khi nhu cầu của người dân về loại sản phẩm thịt tươi sống này khá cao.
 
Ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Kỹ nghệ súc sản Việt Nam (Vissan) cho biết, công ty bắt đầu nhập khẩu bò Úc sống về giết mổ từ tháng 9/2013 do nhận thấy thịt bò Úc cho sản lượng và giá trị cao hơn.
 
Cụ thể, bò Việt Nam trọng lượng nhỏ, khoảng 250 kg/con, sản lượng cho thịt thấp, chỉ đạt 50% sau khi giết mổ. Trong khi đó, bò Úc có trọng lượng bình quân 500 kg/con, cho tỷ lệ thịt là 55%. Đồng thời, vị Tổng giám đốc này cũng không ngần ngại chia sẻ, đối với một DN sản xuất kinh doanh, lợi nhuận và hiệu quả kinh tế thu về cũng là một trong những mục tiêu khá quan trọng được đặt ra.
 
Đó là chưa kể đến việc người kinh doanh phải luôn “so bì”, tính toán xem giải pháp nào là hiệu quả hơn khi vừa cung ứng được sản phẩm đạt chất lượng, giá cả phải chăng tới tay người tiêu dùng, được thị trường đón nhận, mà quan trọng hơn hàng hóa đó phải đảm bảo, tuân thủ mọi yêu cầu, quy định của pháp luật.
 
Theo tính toán của những DN hiện đang nhập khẩu thịt tươi sống và đông lạnh về cung ứng trong nước, hiện nay giá cả thức ăn chăn nuôi, nhân công cao, nhất là vấn đề liên kết với nông dân còn gặp một số trở ngại do dễ bị phá vỡ liên kết và tính trách nhiệm cao.
 
Trong khi đối với lĩnh vực chăn nuôi độ rủi ro cao mà phần nhiều với các DN chăn nuôi trong nước năng lực còn hạn chế nên khó có thể tự mình đứng ra “chèo chống” gánh hết trách nhiệm khi rủi ro xảy ra. Chính vì vậy, nhập khẩu về kinh doanh, thương mại có vẻ là một giải pháp an toàn.
 
Tuy nhiên, việc nhập khẩu ồ ạt thịt ngoại các loại còn xuất phát từ nguyên nhân nhu cầu tiêu thụ của người dân trong nước mạnh, trong khi mỗi năm Việt Nam chỉ sản xuất khoảng 370.000 tấn thịt trâu, bò hơi, không đáp ứng đủ sức cầu nên việc nhập khẩu là khó tránh khỏi.
 
Hơn nữa, hiện mức thuế đối với trâu, bò sống nhập khẩu từ một số nước chỉ phải chịu mức thuế 5%, còn phụ phẩm trâu, bò tươi hay ướp lạnh chịu mức thuế 8%. Và sắp tới nhiều hiệp định thương mại được ký kết và có hiệu lực, thuế suất còn 0% thì giá cả và hàng hóa nhập khẩu sẽ còn thuận lợi hơn. Đây có thể được coi là những lý do chính khiến hiện nay đối với ngành này, nhiều DN phân phối, cung ứng sản phẩm thịt ra thị trường không còn mặn mà liên kết từ đầu nguồn sau khi đong đếm thiệt hơn trong kinh doanh.
 
Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, dù nguy cơ thua thiệt đối với ngành chăn nuôi là nhãn tiền nhưng trong một sân chơi “phẳng” sẽ không có luật chơi riêng cho bất kỳ quốc gia, lĩnh vực nào.
 
Vì vậy, muốn đứng vững trên sân nhà và không muốn bị “đè bẹp” trước làn sóng ngoại nhập thì trước tiên ngành chăn nuôi trong nước phải tự chuẩn hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập. Nhất là trong cơ chế thị trường, các chính sách, biện pháp của Nhà nước chỉ mang tính chất hỗ trợ và phòng vệ, còn lại tất cả vẫn chính là ở năng lực và sự mau chóng trưởng thành để chiếm lĩnh thị phần của các DN nội trong bối cảnh cánh cửa thương mại quốc gia đã mở rộng.
 

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam thông báo chính thức cho phép thịt bò không xương dưới 30 tháng tuổi của Pháp được nhập khẩu vào Việt Nam kể từ ngày 1/5/2015. Những năm gần đây, Việt Nam đã nhập khẩu thịt bò từ Australia và Nhật Bản với khối lượng tăng liên tục. Hiện nay có hơn 100 DN EU đã được phía Việt Nam cấp giấy phép nhập khẩu thịt. Và thị trường này trong thời gian tới sẽ tiếp tục sôi động và cạnh tranh khốc liệt với sự tham gia của nhiều DN nhập khẩu và cung ứng.

Theo TBNH
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo