Góc nhìn

Thu hút lọc hóa dầu sẽ đem lại lợi ích “khủng”

Trong những năm gần đây Việt Nam thu hút quá nhiều đối tác nước ngoài đầu tư xây dựng nhà máy lọc hóa dầu tại Việt Nam, điều này khiến dư luận lo ngại: liệu có mang lại lợi ích cho nền kinh tế? Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên phỏng vấn ông Phạm Viết Ngãi- Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam.

Ông Phạm Viết Ngãi- Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam.

 * Trong chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam chỉ có 3 dự án lọc hóa dầu: Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Nghi Sơn, Long Sơn và sau đó là Vũng Rô. Nhưng thời gian qua có thêm nhiều nhà đầu tư xây dựng thêm các dự án mới, vì thế các chuyên gia kinh tế lo ngại Việt Nam sẽ “quá tải” các dự án lọc hóa dầu. Ông nhận định như thế nào về vấn đề này?

Trước mắt có một số dự án có công suất thiết kế lên tới khoảng 50 vạn tấn dầu thô/năm, con số này tương đối lớn nếu chỉ phục vụ cho nhu cầu của Việt Nam. Nếu vậy, không cần thiết phải có nhiều dự án lọc hóa dầu. Tuy nhiên, khi Việt Nam có thêm nhiều nhà máy lọc hóa dầu sẽ tạo được cạnh tranh về giá bán, cũng như chất lượng, từ đó sẽ đem lại lợi ích thực sự cho người dân. Bên cạnh đó, các dự án lọc hóa dầu còn đem lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế, tạo việc làm cho nhiều lao động, đóng góp vào ngân sách rất lớn; làm cho nền công nghiệp Việt Nam khởi sắc…

Tôi cho rằng, việc chúng ta hướng đến chiều sâu là hóa dầu là hoàn toàn đúng, vì từ lọc và hóa dầu là biến dầu thành nhiều sản phẩm khác nhau, đó mới gọi là chuỗi giá trị thực sự. Từ chuỗi giá trị đó sẽ làm cho hoạt động của nhà máy không bao giờ bị lỗ, thậm chí còn đem lại lãi “khủng”. Không những vậy, còn đem lại lợi thế lớn cho Việt Nam là làm chủ được một công nghệ, từ đó có những sản phẩm cạnh tranh được với môi trường thế giới.

Song song với đó, từ hóa dầu sẽ cho ra sản phẩm nhựa đường thay thế việc hiện nay chúng ta phải phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu từ Trung Quốc. Do đó, khi cả 4 nhà máy lọc hóa dầu Dung Quất, Nghi Sơn, Long Sơn, Vũng Rô… đi vào hoạt động thì Việt Nam sẽ không phải nhập khẩu nhựa đường mà còn dư thừa để xuất khẩu. Bên cạnh đó, từ dầu thô còn sản xuất ra hạt polyme tổng hợp, các loại nhựa cao cấp, sợi tổng hợp… những sản phẩm mà hiện nay Việt Nam phải nhập khẩu hoàn toàn. Nhìn từ dự án Formosa của Đài Loan chúng ta thấy, họ có nhà máy lọc dầu chỉ với công suất 20 triệu tấn/năm, nhưng từ đó đã sản xuất ra sản phẩm hạt polyme tổng hợp bán khắp toàn cầu- công đoạn thu lợi nhuận lớn.

* Theo ông, việc nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đầu tư tổ hợp lọc hóa dầu vào Việt Nam xuất phát từ yếu tố gì? 

Theo tôi, Việt Nam có mấy yếu tố thuận lợi thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài đầu tư lọc hóa dầu, đó là hệ thống chính trị, an ninh ổn định, có nhiều cảng nước sâu nên rất thuận lợi cho các tàu lớn (từ mấy chục ngàn tấn) cập cảng- đây là lợi thế mà không phải nước nào cũng có được. Bởi có cảng nước sâu mới có điều kiện thuận lợi cho việc xuất nhập khẩu hàng hóa.

* Một bài học thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp FDI đã chuyển giá để trốn thuế. Vậy khi có nhiều nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam về lọc hóa dầu, chúng ta có quản lý được các doanh nghiệp này không, thưa ông?

Việc thời gian qua nhiều tập đoàn bán lẻ đã lợi dụng kẽ hở để chuyển giá và trốn thuế. Đơn cử như có hãng nước uống nổi tiếng đã chuyển sản phẩm từ Mỹ sang Việt Nam để kinh doanh thương mại, hay sản phẩm dệt may… đã trốn không nộp thuế qua việc chuyển giá, tôi cho là những doanh nghiệp thương mại đầu tư ít vốn mới có thể chuyển giá được. Còn đối với đầu tư vào lọc hóa dầu là công nghiệp nặng họ phải đầu tư tới cả chục tỷ đô la để xây dựng nhà máy sản xuất có quy mô, công nghệ thì không có chuyện chuyển giá, mà Việt Nam hoàn toàn kiểm soát được.

* Xin cảm ơn ông!

Theo Công thương
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo