Xã hội

Thủ khoa tăng là... nhờ “đề thi mở”

Kết quả điểm thi vừa được nhiều trường ĐH, CĐ công bố đã có nhiều tín hiệu tích cực khi điểm thi có sự phân hóa rõ nét, dù mặt bằng điểm không cao bằng năm ngoái. Đề thi mở theo xu hướng giảm nhẹ khối kiến thức, tăng kỹ năng vận dụng, tư duy của học sinh được xem là một trong những điểm nhấn thành công của kỳ thi ĐH, CĐ năm nay. Dĩ nhiên, sự đổi mới cũng không tránh khỏi bỡ ngỡ của thí sinh khi thời gian để chuẩn bị cho kỳ thi đổi mới này quá ít ỏi...

Kết quả điểm thi theo đề thi mở nhận được phản hồi tích cực từ giáo viên chấm thi. Ảnh: Hải Nguyễn

Đề thi: Hay, khó và "choáng"

Rất nhiều nhận định về đề thi: Hay có, khó có, "choáng" cũng có. Nhưng kết quả điểm thi năm nay có nhiều thay đổi tích cực khi số lượng thủ khoa khối C tăng cao. Môn sử với điểm số cao từ 9 điểm hay 9,5 điểm xuất hiện nhiều hơn. Và cũng theo ghi nhận của LĐ từ một số giáo viên trực tiếp chấm thi năm nay, dù thí sinh có phần bỡ ngỡ với đề thi theo cấu trúc mới, nhưng kết quả mang lại rất thực chất. Thầy giáo Thành (ĐH Tây Bắc) chấm thi môn lịch sử, chia sẻ: "Đề thi theo cấu trúc mới khá hay, phát huy năng lực của học sinh. Câu số 4 về bảng dữ liệu đã biến những kiến thức chung trở thành kiến thức riêng của người thi, đòi hỏi người thi phải có khả năng tư duy tổng hợp tốt, đặc biệt thể hiện rõ sự phân hóa". Theo đó, có những thí sinh chỉ đơn thuần... chép lại dữ liệu vì không có khả năng tổng hợp, còn những thí sinh nắm chắc kiến thức và tổng hợp tốt, tư duy thì làm bài rất tốt. Với cách ra đề mới, theo thầy Thành, có 50 - 60% số thí sinh tạm tiếp cận được các câu hỏi mở.
 
Với môn ngữ văn, thầy Quốc Phong - Chủ nhiệm khoa Ngữ văn, ĐH Sư phạm Hà Nội - nhìn nhận: "Qua chấm thi, tôi thấy có nhiều thay đổi tích cực. Đáp án có tính chất mở cho người chấm, và thí sinh không bị lệ thuộc vào bài văn mẫu, tuy nhiên thí sinh chưa thực sự quen với phong cách ra đề mới nên làm bài vẫn chưa nhập tâm hoàn toàn. Điều này là dễ hiểu, bởi học sinh chưa có nhiều thời gian để tiếp cận ôn thi theo kiểu mới". Qua chấm thi, khoa Ngữ văn ghi nhận kết quả điểm thi không có nhiều bài điểm cao như mọi năm. Những bài thi điểm từ 8,5 trở lên thuộc về thí sinh thể hiện tư duy độc lập trong cách hành văn và bắt buộc có sự tổng hợp, tư duy nhiều hơn so với trước đây. "Đấy là hướng rất tích cực, tuy kết quả chưa cao như mong muốn nhưng là khởi đầu và cần chấp nhận thực tế này, nếu tiếp tục phát triển thì các hạn chế sẽ được khắc phục" - thầy Phong nhấn mạnh.
 
Đổi mới phải... tăng tốc
 
Theo một số giáo viên chấm thi môn lịch sử, các câu hỏi mở, tuy khó nhưng lại là cơ hội để thí sinh ghi điểm. Trong khi đó, các câu còn lại liên quan đến kiến thức thuộc lòng thì lại có nhiều bài thi bỏ trắng. Một giáo viên tham gia chấm thi tại CĐ Sư phạm Hà Nội chia sẻ: Mặt bằng điểm của các câu hỏi mở cao hơn điểm các câu kiến thức thuộc lòng, bởi không phải thí sinh nào cũng thuộc lòng hết kiến thức hoặc là "trật" tủ. "Với cách ra đề mới, hạn chế phụ thuộc kiến thức một cách máy móc thì đây là hướng đi đúng vì phát huy sáng tạo của học sinh, không yêu cầu các em phải nhớ chi tiết tỉ mỉ đến các sự kiện mà vẫn có thể đạt được điểm tốt. Học sinh trong quá trình ôn luyện cũng không hào hứng với cách học thuộc kiểu này, vì thế nếu thay đổi linh hoạt cách giảng dạy phù hợp với đề thi, môn sử sẽ không còn nhàm chán" - giáo viên này quả quyết.
 
Ngay trong năm học này, ĐH Sư phạm HN đã có cải tiến chương trình giảng dạy theo hướng tập trung vào năng lực giải quyết vấn đề, xử lý văn bản, năng lực đọc hiểu, tạo dựng văn bản. Để thay đổi, nhiều giáo viên cho rằng cần phải có thời gian thay đổi phương pháp giảng dạy. Nếu làm được điều này, kết quả bài thi các năm tới chắc chắn sẽ cao hơn. Trao đổi với LĐ, ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GDĐT) khẳng định, cách ra đề thi mở nằm trong lộ trình chung của Bộ GDĐT. "Đề thi sẽ có chức năng phân hóa rõ năng lực học tập của thí sinh, tiến tới làm cơ sở dữ liệu cho các trường ĐH tuyển lựa đầu vào khi áp dụng một kỳ thi quốc gia chung vào năm tới" - ông Mai Văn Trinh nói. Để tiệm cận hơn nữa kỳ thi này, ông Trinh cho hay, việc đổi mới phương pháp giảng dạy được tiến hành song song, một số trường đã tích cực đổi mới cách dạy, học khá linh hoạt, do đó học sinh không quá bỡ ngỡ khi thi ĐH. Theo lộ trình đổi mới thi cử, từ năm 2015, Bộ GDĐT sẽ triển khai kỳ thi quốc gia chung thay cho thi tốt nghiệp THPT và thi ĐH, CĐ. Các trường ĐH sẽ dựa vào kết quả này để tuyển lựa đầu vào, hoặc có phương án tuyển sinh riêng theo đặc thù riêng của trường.
 
Báo Lao Động
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo