Khám phá

Tìm thấy cổ vật 2.500 năm ở Long An

Cùng với các hiện vật, đoàn khảo cổ học cũng đã tìm thấy 3 ngôi mộ của cư dân tiền sử với một số mảnh xương hàm…

Cùng với các hiện vật, đoàn khảo cổ học cũng đã tìm thấy 3 ngôi mộ của cư dân tiền sử với một số mảnh xương hàm…

Bảo tàng Long An đang trưng bày bộ sưu tập cổ vật có niên đại ước tính hàng nghìn năm. Bộ sưu tập cổ vật này được phát hiện trong một cuộc khai quật khảo cổ tại di chỉ Gò Duối thuộc xã Thái Bình Trung, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An trong thời gian gần đây.
 
Nhiều cổ vật quý được tìm thấy (Ảnh minh họa: TTXVN)
 
40 hiện vật với các chất liệu sắt, thủy tinh, đá, đất nung cùng hàng nghìn mảnh gốm các loại vừa được tìm thấy trong cuộc khai quật khảo cổ học tại di chỉ Gò Duối thuộc xã Thái Bình Trung, huyện Vĩnh Hưng vào cuối tháng 11/2013. Các cổ vật này có niên đại ước tính khoảng 2.500 năm.
 
Trong đó, có một chuỗi vòng tay bằng đồng khoảng 18 cái, phản ánh thói quen sử dụng đồ trang sức của người tiền sử. Vòng tay bằng thủy tinh còn nguyên vẹn và nhiều mảnh vỡ tìm được cũng cho thấy kỹ thuật chế tác thủy tinh thời kì này đã đạt đến một trình độ nhất định. Đáng chú nhất trong nhóm di vật công cụ lao động là một loạt các dọi xe sợi làm bằng đá, gốm chứng tỏ cư dân tiền sử đã biết đến kỹ thuật dệt vải.
 
Hiện Bảo tàng Long An đang tiến hành thống kê, xác định niên đại cụ thể và lập hồ sơ cho từng di vật để phục vụ công tác nghiên cứu và trưng bày.
 
Cùng với các hiện vật, đoàn khảo cổ học cũng đã tìm thấy 3 ngôi mộ của cư dân tiền sử với một số mảnh xương hàm, răng và sọ cùng đồ trang sức bằng đồng, thủy tinh và các công cụ sinh hoạt, lao động khác trên diện tích 20m2 thuộc phạm vi di chỉ Gò Duối…
 
Di chỉ Gò Duối ở Long An là một trong số ít địa điểm được phát hiện có các di vật làm từ nhiều chất liệu khác nhau: từ đồ đá, đồng, sắt cho tới thủy tinh và gốm.
 
Ông Vương Thu Hồng, Phó Giám đốc Bảo tàng Long An cho biết, có thể thấy mối liên quan về địa điểm của điểm Gò Duối này với các địa điểm trong huyện Vĩnh Hưng như di tích khảo cổ học Gò Ô Chùa, Lò Gạch… là những địa điểm đã được xếp hạng. Những di vật này phải ánh quá trình phát triển cư dân giai đoạn hậu kỳ kim khí chuyển sang giai đoạn thời kỳ văn hóa Óc Eo, rực rỡ ở giai đoạn sau.
Theo VOV
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo