Tin tức - Sự kiện

Cứ 5 người lại có 1 người bị mất toàn bộ thu nhập trong thời gian giãn cách xã hội

Cứ 5 người lại có 1 người cho biết họ bị mất toàn bộ thu nhập trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội. Đây là một con số quá lớn, gây áp lực không nhỏ đến vấn đề an sinh xã hội.

Ngày 11/12: Thêm 16.141 ca mắc COVID-19, trong đó có 9.478 ca cộng đồng / Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lên đường thăm chính thức Hàn Quốc, Ấn Độ

Tháng 9-10/2021, UNDP và Viện Nghiên cứu phát triển Mekong (MDRI) đã thực hiện khảo sát qua điện thoại với khoảng 1500 người trên 18 tuổi, nhằm đưa ra cảm nhận của bản thân về các biện pháp ứng phó với đại dịch COVID-19 của các cấp chính quyền trong năm 2021, trong đó 1.300 người đã tham gia khảo sát từ năm 2020 và hơn 200 người ở các khu vực tâm dịch.

Giãn cách xã hội ở mức độ, cường độ khắc nghiệt trong năm 2021

Theo TS Nguyễn Việt Cường, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Mekong (MDRI), đơn vị tham gia làm khảo sát, năm 2021, với sự xuất hiện của chủng Delta, việc kiểm soát đại dịch COVID-19 trong nước rất khó khăn, dẫn đến việc lan truyền dịch bệnh ở nhiều địa phương trong cả nước.

Giãn cách xã hội ở mức độ, cường độ khắc nghiệt trong năm 2021
Giãn cách xã hội ở mức độ, cường độ khắc nghiệt trong năm 2021

Khi chưa đủ vaccine, biện pháp kiểm soát dịch chủ yếu là giãn cách xã hội. Do đó, năm 2021 ghi nhận việc thực hiện giãn cách xã hội ở mức độ, cường độ, quy mô và thời gian dài, khắc nghiệt hơn so với năm ngoái. Hệ quả ngay lập tức là tác động tiêu cực lên sự phát triển kinh tế, khiến tăng trưởng quý 3/2021 là con số âm.

“Mặc dù có các gói hỗ trợ của chính phủ và một số tổ chức, cá nhân, nhưng nhiều người dân, người lao động đã phải bỏ thành phố về quê như một giải pháp có thể tồn tại, đối phó với dịch bệnh. Lần đầu tiên ghi nhận làn sóng di cư hàng triệu người từ các thành phố lớn, nhất là từ các tỉnh phía Nam trở về quê”, ông Cường cho hay.

GS Nguyễn Anh Trí cũng bày tỏ sự day dứt trước hình ảnh những dòng người chạy xe về quê này và cho rằng đây là bài học kinh nghiệm lớn cho thấy sự linh hoạt trong điều hành chống dịch của chính phủ và các địa phương.

“Hình ảnh hơn 1 triệu người ra đi trở về quê trong hoảng loạn năm 2021 là những hình ảnh vô cùng day dứt, đau đớn. Lúc đầu từ Thủ tướng Chính phủ đến chính quyền địa phương đều kêu gọi “ai ở đâu ở yên đó”. Thế nhưng nếu đứng ở góc độ của người dân khi không có việc làm, tiền đã cạn kiệt, nhà trọ cũng không còn thì việc quay trở về là lựa chọn đường cùng của họ, “dù chết cũng phải về quê để chết có chỗ chôn”. Đến khi đó, chúng ta phải linh hoạt chuyển sang chính quyền địa phương lo chỗ tạm trú để cách ly, hỗ trợ người dân có lương thực, nước uống trên đường trở về quê…”, GS Trí nói.

Trong điều kiện thích ứng sống chung với COVID-19 nhưng diễn biến dịch còn phức tạp, GS Trí cũng kiến nghị chính quyền địa phương càng cần phát huy tính linh hoạt trong điều hành, ví như việc cho trẻ đến trường.

 

“Tương tự như điều hành với việc đón người dân về quê, mới nhất là việc quyết định cho học sinh đi học trực tiếp. Nếu như tuần trước việc tổ chức đi học trực tiếp lại cho trẻ em là hợp lý, mấy ngày nay Hà Nội xuất hiện 500-700 ca COVID-19/ngày, có nghĩa F0 đang phân bố ở nhiều nơi trong cộng đồng, việc cho trẻ đi học cần tổ chức linh hoạt hơn. Vùng nào an toàn mới cho trẻ đến trường”, GS Trí khuyến nghị.

Hơn 70% người khảo sát cho biết họ bị mất thu nhập

Khảo sát này cũng cho thấy, người dân đang lo ngại nhiều hơn về tác động của đại dịch COVID-19 và sức khỏe của họ bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn trong năm 2021 so với năm 2020. Người dân cùng bày tỏ sự lo lắng về việc học hành của con trẻ, sức khỏe của chúng.

Lao động tự do bị ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19. Ảnh minh họa
Lao động tự do bị ảnh hưởng nặng nề do dịch COVID-19. Ảnh minh họa

Hơn 70% số người được khảo sát cũng bày tỏ sự lo lắng về sinh kế cũng như công việc kinh doanh của mình, trong đó phần lớn người dân tham gia khảo sát đều cho biết họ bị mất thu nhập.

Gần 50% số người được hỏi cho biết họ bị mất thu nhập từ 50% trở lên. Cứ 5 người lại có 1 người cho biết họ bị mất toàn bộ thu nhập trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội. Đây là một con số quá lớn, gây áp lực không nhỏ đến vấn đề an sinh xã hội. Số người khảo sát cho biết họ bị mất thu nhập nhiều hơn trong năm 2021 là 77% so với con số 65% của năm 2020.

 

Tuy khó khăn như vậy nhưng vẫn có 83% số người được hỏi ủng hộ với chủ trương của Chính phủ “cứu càng nhiều người nhất có thể” là ưu tiên cao nhất, ngay cả khi điều đó có nghĩa là nền kinh tế sẽ phải chịu nhiều thiệt hại hơn cũng như chậm lại sự phục hồi.

Theo chuyên gia cao cấp độc lập Phạm Chi Lan, những biện pháp đối phó và kiểm soát dịch COVID-19 của Chính phủ vẫn được phần lớn người tham gia khảo sát đánh giá cao dù sự lạc quan của người dân tham gia khảo sát có suy giảm so với năm 2020.

83% số người tham gia khảo sát ủng hộ chủ trương của chính phủ là một điều rất đáng mừng và chính quyền các địa phương nên xem đây là động lực để có phương án chống dịch linh hoạt và hiệu quả hơn. Song bà Chi Lan cũng lưu ý số mẫu tham gia khảo sát chưa đến được tận cùng những người chịu tác động nặng nề nhất của dịch bệnh.

“Hạn chế của nghiên cứu là đối tượng phỏng vấn chỉ bao gồm những người có hộ khẩu thường trú, trong khi đối tượng người di cư, lao động tự do, người đăng ký tạm trú là những đối tượng chịu tác động sâu sắc của dịch bệnh vẫn bị hạn chế tiếp cận để khảo sát. Nếu nghiên cứu tiếp cận được những đối tượng này sẽ là nguồn số liệu vô cùng quý báu giúp cho chính phủ cũng như chính quyền các địa phương đưa ra những giải pháp xác thực và hiệu quả hơn để hỗ trợ người dân”, bà Chi Lan nhận định.

Chuyên gia Chi Lan cũng cho rằng, điều đáng lưu ý từ khảo sát là người dân có đánh giá không tốt về gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng của Chính phủ năm 2021 nhiều hơn so với gói 62.000 tỷ năm 2020.

 

Theo khảo sát, hiện mới có khoảng 13,6% số người được hỏi đã nhận được hỗ trợ từ gói 26.000 tỷ trong khi con số này là 21% nhận hỗ trợ từ gói năm 2020. Tỷ lệ người ở nông thôn nhận được hỗ trợ chỉ bằng 1/2 số người được hỏi ở thành thị. Nhiều người nghèo, người làm nghề nông, lao động tự do cho biết họ chưa được hỗ trợ.

Cùng với đó, đánh giá về thủ tục để nhận được số tiền hỗ trợ cũng tiêu cực hơn trong năm nay. Thay vào đó, năm nay người dân được nhận hỗ trợ từ các tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ, quỹ từ thiện và các khoản đóng góp cá nhân đáng kể hơn nhiều so với năm ngoái.

“Riêng về gói hỗ trợ của chính phủ đây không phải là khảo sát đầu tiên. Chúng ta đã có nhiều khảo sát từ nhiều tổ chức độc lập về những khó khăn, thủ tục rườm rà khi người dân muốn nhận được hỗ trợ từ gói này. Đáng lẽ, gói 26.000 tỷ năm nay phải rút kinh nghiệm và được thực hiện hiệu quả hơn so với năm ngoái, song kết quả thực tế không như vậy. Cần kiểm tra, rà soát lại để xem vì sao chủ trương của chính phủ tốt như vậy nhưng xuống mỗi địa phương, mỗi tỉnh thành lại làm một khác”, bà Lan nhấn mạnh.

Chìa khóa ứng phó với COVID-19của Việt Nam

Bà Caitlin Wiesen, Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam đánh giá, Việt Nam là một trong những quốc gia có sự thích ứng khá hiệu quả với việc đối phó với đại dịch toàn cầu COVID-19, thể hiện qua việc Chính phủ giải quyết các thách thức bất ngờ, kể cả trong làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 từ tháng 5/2021 đã đặt ra nhiều thách thức với sức khỏe cộng đồng, nền kinh tế và phúc lợi của người dân Việt Nam.

 

Phủ nhanh, phủ rộng vaccine là một trong những chiến lược hiệu quả của Việt Nam trong kiểm soát dịch Covid-19.
Phủ nhanh, phủ rộng vaccine là một trong những chiến lược hiệu quả của Việt Nam trong kiểm soát dịch COVID-19.

Hầu hết những người tham gia khảo sát đánh giá phản ứng của chính quyền cấp tỉnh là kịp thời, mặc dù 11,5%, nhất là người dân sống ở khu vực vùng dịch cho rằng những hành động của chính quyền là nơi họ cư trú là khá đột ngột.

Cùng với đó, ứng phó của cấp xã và chính quyền địa phương cũng như vai trò của trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố được đánh giá cao hơn. Song phản ứng đó cũng ở các cấp độ khác nhau tùy thuộc vào từng địa phương. Tại các nơi được coi là “tâm chấn” như TP.HCM, Long An, Bình Dương, Đồng Nai… phản hồi tích cực ít hơn các địa phương khác.

“Kinh nghiệm của Việt Nam cho thế giới thấy rằng lòng tin và sự tín nhiệm của người dân là chìa khóa cho sự thành công trong công tác ứng phó với đại dịch của chính phủ. Đáng chú ý là dù phải đối mặt với mất việc làm và thu nhập nhưng đa số người dân đều bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ các biện pháp nghiêm ngặt của chính quyền như giới nghiêm (lock down) toàn bộ. 100% người được hỏi đều ủng hộ việc đeo khẩu trang nơi công cộng. Điều này có thể coi như “phi thường” khi so sánh với một số quốc gia khác”, bà Caitlin nhận định.

“Năm 2022 đang đến với những thách thức không thể lường trước vì đại dịch vẫn tồn tại và đang bùng phát ở nhiều nơi trên thế giới, với những biến chủng mới. Nhưng với chiến dịch tiêm vaccine COVID-19 thần tốc ở Việt Nam trong thời gian gần đây, cùng với sự ủng hộ của người dân đối với biện pháp đeo khẩu trang và các biện pháp ứng phó nhanh và linh hoạt của chính phủ, tôi tin rằng Việt Nam sẽ vượt qua những thách thức của đại dịch và sớm phục hồi”, Trưởng Đại diện UNDP tại Việt Nam nhấn mạnh.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm