Đề xuất giải pháp tài chính hỗ trợ doanh nghiệp du lịch
“Vượt covid” vải thiều Lục Ngạn lên đường sang EU / Dừng 4 dự án BT "khủng" của đại gia nước thải Phú Điền
Dồn dập khó khăn
Theo thống kê từ ngành du lịch TP.HCM, trong năm 2020, trung bình lượng khách của các công ty lữ hành chỉ đạt từ 30 - 40% so với cùng kỳ năm 2019. Điển hình, hai công ty lớn là Saigontourist chỉ đạt 30%, giảm khoảng 619.000 lượt khách, Vietravel chỉ đạt 40%, giảm khoảng 519.000 lượt khách... Các công ty lữ hành chỉ đạt từ 20 - 30% doanh thu so với cùng kỳ như Saigontourist chỉ đạt 25%, giảm khoảng 3.900 tỷ đồng, Vietravel chỉ đạt 23%, giảm khoảng 5.300 tỷ đồng.
Hiện trên địa bàn TP.HCM có đến 90% doanh nghiệp lữ hành vừa và nhỏ, doanh nghiệp lữ hành tạm ngưng hoạt động. Trong 5 tháng đầu năm 2021, tổng cộng 171 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành đã rút giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành. Theo báo cáo của các doanh nghiệp lữ hành đầu ngành, từ đầu năm 2021 đến nay đã có hàng nghìn đoàn hủy tour với số lượng hàng chục nghìn khách, gây thiệt hại rất lớn cho các doanh nghiệp lữ hành.
Từ đầu năm đến nay, khách du lịch đến TP.HCM giảm trầm trọng do tác động của dịch bệnh.
Hiệp hội Du lịch TP.HCM cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay, đại dịch Covid-19 hoành hành, du lịch và hàng không là ngành chịu thiệt hại nặng nề chưa từng có, mọi hoạt động gần như tê liệt, doanh nghiệp điêu đứng, hầu hết đều ngưng hoạt động, không có doanh thu... nhưng vẫn phải chịu áp lực lớn với hàng loạt các chi phí: trả lương cho lao động (mặc dù đã cắt giảm và cơ cấu lại nhân sự), trả lãi vay, nợ, hoàn tiền cho khách hàng với các chi phí đã đặt trước.
Trước tình hình khó khăn trên, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 quy định về việc cơ cấu lại thời hạn trả, miễn, giảm lãi, phí, đã hỗ trợ doanh nghiệp có khả năng trả nợ tốt hơn, trả nợ đúng hạn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp lĩnh vực du lịch vẫn chưa thể thực hiện được vì chưa hồi phục lại hoạt động. Đến ngày 2/4/2021 Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục ban hành Thông tư số 03/2021/TT-NHNN về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN.
Sau khi Thông tư ban hành, dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 với diễn biến càng phức tạp và nghiêm trọng hơn rất nhiều so với năm 2020. Ngành du lịch vốn lao đao, chưa thể hồi phục nay bị tê liệt hoàn toàn, một số doanh nghiệp đã phá sản, nhiều doanh nghiệp có nguy cơ không thể trả được nợ, lãi vay…
Trong khi đó, cũng chưa xác định được thời gian đón khách quốc tế trở lại nên khó khăn của ngành du lịch vẫn còn kéo dài. Vì vậy, dù cơ cấu thời hạn trả nợ thêm 12 tháng theo Thông tư 03/TT-NHNN, thì doanh nghiệp du lịch vẫn vô cùng khó khăn trong thanh toán các khoản nợ theo đúng quy định.
Bà Nguyễn Thị Khánh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP.HCM cho biết, những khó khăn của ngành du lịch gồm lữ hành, khách sạn, khu du lịch, nhà hàng, chuỗi cung ứng dịch vụ kéo theo những ảnh hưởng đến các ngành vận tải đường bộ, hàng không, đường sắt, đường thủy và nhiều ngành kinh tế khác. Việc tạo những cơ chế đặc thù, ưu đãi giúp doanh nghiệp du lịch vượt qua khó khăn trước mắt, khôi phục hoạt động cũng đồng thời giúp các ngành, lĩnh vực liên quan.
Theo bà Khánh, các cơ quan chức năng, ban ngành cần nghiên cứu, sớm có chính sách đặc thù về thời hạn trả nợ, lãi vay cho lĩnh vực du lịch như sau: giảm mức lãi suất vay đang áp dụng, không áp dụng chuyển nhóm nợ; gia hạn gốc và lãi toàn bộ dư nợ hiện hữu. Thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ (kể cả trường hợp gia hạn nợ) là 24 tháng, kể từ ngày thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ...
Đồng thời, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP.HCM các cơ quan ban ngành cần hỗ trợ miễn giảm thuế cho doanh nghiệp lữ hành, các nhà hàng, cơ sở lưu trú, vận chuyển kinh doanh dịch vụ lữ hành. Hỗ trợ áp dụng mức giá điện theo đơn giá sản xuất cho các cơ sở kinh doanh nhà hàng, dịch vụ lưu trú du lịch trong năm 2021…
Đề xuất gói vay lãi suất 0%
Trước những khó khăn mà doanh nghiệp du lịch lữ hành đang gặp phải, Sở Du lịch TP.HCM đã có văn bản gửi UBND TP.HCM đề xuất một số giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp du lịch trước tác động của đại dịch Covid-19.
Cụ thể, Sở Du lịch TP.HCM đề xuất UBND TP.HCM kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính xem xét: giảm thuế suất VAT từ 10% xuống 5% trong năm 2021 để giúp giảm giá thành sản phẩm và các gói dịch vụ, kích cầu du lịch, hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết khó khăn về nhu cầu vốn lưu động; kéo dài chính sách giảm 15% tiền thuê đất đối với các doanh nghiệp du lịch trong năm 2021; tiếp tục gia hạn giảm phí thẩm định hồ sơ cấp phép kinh doanh lữ hành và cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch đến hết năm 2021.
Mặt khác, kiến nghị Bộ Tài chính phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu, đề xuất Chính phủ cho phép doanh nghiệp lữ hành được giảm 80% số tiền ký quỹ để giúp tạo dòng tiền vào cho đơn vị duy trì hoạt động và có nguồn tiền làm vốn lưu động.
Khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi được đề xuất miễn phí vé cho khách tham quan.
UBND TP.HCM kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ LĐ-TB&XH xem xét cho phép kéo dài thời gian tạm dừng đóng bảo hiểm hưu trí và tử tuất, lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn đối với các doanh nghiệp và các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 mà không tính lãi phạt chậm nộp. Đồng thời, xem xét điều chỉnh quy định về quyền lợi bảo hiểm thất nghiệp năm 2021 theo hướng giảm yêu cầu thời gian làm việc tối thiểu từ 12 tháng xuống còn 3 tháng, tăng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp từ bằng 60% lên 80% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm tự nguyện.
Sở Du lịch TP.HCM đề xuất UBND thành phố kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công thương hỗ trợ giảm giá điện cho doanh nghiệp lữ hành, điểm du lịch.
Sở Du lịch TP.HCM đề xuất UBND thành phố xem xét trình HĐND thành phố chấp thuận chủ trương sử dụng vốn ngân sách thành phố ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội - Chi nhánh TP.HCM thực hiện chính sách hỗ trợ tín dụng theo hình thức tín chấp (không cần tài sản thế chấp) với lãi suất vay 0% cho doanh nghiệp du lịch (không phân biệt doanh nghiệp du lịch lớn, nhỏ) gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 để trả lương cho người lao động.
Theo đó, TP.HCM hiện có 5.002 doanh nghiệp du lịch đang hoạt động với khoảng 31.500 lao động. Với gói vay lãi suất 0% trả lương cho người lao động của UBND thành phố cho các doanh nghiệp đang hoạt động, số tiền dự kiến hỗ trợ 208,845 tỷ đồng. Thời gian thực hiện là 3 tháng.
Sở Du lịch TP.HCM cũng đề xuất TP.HCM triển khai ưu tiên tiêm vắc xin phòng dịch Covid-19 cho lực lượng lao động trong ngành du lịch. Thúc đẩy nâng tỷ lệ tiêm phòng cho nhân dân trên địa bàn thành phố để sớm mở cửa ngành du lịch.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Không gian Tết Việt bên bờ biển Đà Nẵng thu hút du khách
Nỗ lực quản lý tài nguyên thiên nhiên tại các khu dự trữ sinh quyển thế giới
Vựa hoa, cây cảnh lớn nhất Quảng Ninh và câu chuyện đầu ra
Bộ Chính trị điều động, phân công chức vụ Bí thư các tỉnh, thành Tây Nam bộ
Thúc đẩy đào tạo trong lĩnh vực bán dẫn, sản xuất thông minh