Thủ tướng chỉ thị bảo đảm đón Tết Nguyên đán vui tươi, an toàn, tiết kiệm
Ép nhân viên đi làm dịp Tết Dương: Bị phạt 15 triệu / Đắk Nông: Liên tục thay đổi ngày tổ chức Lễ hội văn hóa thổ cẩm
Ảnh minh họa. |
Chỉ thị nêu rõ, để chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ nhân dân đón năm mới và Tết Nguyên đán Kỷ Hợi vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tích cực chỉ đạo thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp để hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu được giao.
Theo đó, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương: Theo dõi sát diễn biến thị trường, cung cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng vào dịp cuối năm 2018 và Tết nguyên đán Kỷ Hợi. Xây dựng kế hoạch, chuẩn bị dự trữ, bảo đảm nguồn cung cấp hàng hóa, bình ổn giá cả, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa, gây sốt giá dịp Tết Nguyên đán. Tăng cường công tác dự báo, chủ động có biện pháp điều tiết kịp thời trong phạm vi cả nước.
Đồng thời tổ chức tốt hệ thống phân phối, bảo đảm thông suốt từ nơi sản xuất đến người tiêu dùng. Tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp mở rộng mạng lưới kinh doanh, tham gia bình ổn thị trường, giá cả, chuẩn bị tốt các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu bảo đảm chất lượng để cung ứng kịp thời, đầy đủ cho Nhân dân với giá cả hợp lý và ổn định; tăng cường gắn kết việc triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, kết hợp với các chương trình bình ổn thị trường, giá cả, các hoạt động kết nối cung cầu và Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn gắn với việc thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam”; giới thiệu, quảng bá, tôn vinh các sản phẩm, doanh nghiệp Việt Nam.
Theo dõi sát diễn biến giá cả, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về giá
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương: Theo dõi sát diễn biến giá cả, thị trường nhất là những mặt hàng, dịch vụ thiết yếu, hàng thuộc diện bình ổn giá, kịp thời chỉ đạo và có biện pháp xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá. Trường hợp cần thiết, kịp thời báo cáo Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá những vấn đề phát sinh, gây ảnh hưởng đến mặt bằng chung và ổn định kinh tế vĩ mô.
Chỉ đạo đơn vị chức năng phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, nhất là dịp cuối năm và Tết Nguyên đán; tập trung kiểm tra, tuần tra chặt chẽ tại các tuyến và địa bàn trọng điểm, các mặt hàng nhập lậu, hàng giả thường có xu hướng gia tăng trong dịp cuối năm và Tết (như chất nổ, pháo, vũ khí; hàng hóa vi phạm môi trường; các mặt hàng phục vụ nhu cầu tăng cao trong dịp Tết như thuốc lá, rượu bia, gia cầm, thực phẩm…).
Bên cạnh đó, kiểm soát chặt chẽ thu, chi ngân sách nhà nước, nợ công, tài sản công; kịp thời xuất cấp hàng dự trữ quốc gia đúng đối tượng nhằm bảo đảm an sinh xã hội, không để người dân bị thiếu ăn trong dịp Tết Nguyên đán và thời kỳ giáp hạt.
Bảo đảm cung ứng các mặt hàng tiêu dùng của người dân trong và sau Tết Nguyên đán
Chỉ thị nêu rõ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương: Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, chủ động có các phương án phòng, chống thiên tai, dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi, bảo đảm ổn định sản xuất, đặc biệt là phòng, chống rét đậm, rét hại ở các tỉnh miền núi phía Bắc và các tỉnh bị ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ; không để tình trạng dịch bệnh lây lan trên diện rộng; triển khai hỗ trợ kịp thời hạt giống cây trồng, vắc xin, hóa chất sát trùng theo quy định cho các địa phương bị ảnh hưởng thiên tai, bão lũ, dịch bệnh để nhanh chóng phục hồi sản xuất, bảo đảm vệ sinh môi trường, ổn định đời sống cho nhân dân vui Xuân đón Tết.
Phối hợp với các địa phương chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp, bảo đảm cung ứng các mặt hàng lương thực, thực phẩm, rau quả thiết yếu đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trong và sau Tết Nguyên đán.
Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương: Quản lý chặt chẽ, bảo đảm chất lượng thuốc và giá thuốc, giá các dịch vụ y tế; kiểm tra, rà soát hoạt động của các cơ sở y, dược theo đúng quy định của nhà nước nhằm bảo đảm yêu cầu về giá và chất lượng; chỉ đạo các bệnh viện, cơ sở y tế ứng trực 24/24 giờ, chuẩn bị đầy đủ nhân lực, thuốc chữa bệnh, bảo đảm sơ cứu, cấp cứu kịp thời bệnh nhân đặc biệt là các trường hợp thương tích, tai nạn giao thông.
Phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân dịp Tết Nguyên đán
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương: Tăng cường điều tiết, tổ chức quản lý chặt chẽ hoạt động vận tải, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân dịp Tết Nguyên đán, không để xảy ra tình trạng người dân không được về quê ăn tết do không có tàu, xe; tăng cường kiểm tra việc thực hiện kê khai giá cước, niêm yết giá cước vận tải, giá vé tàu, vé xe theo quy định; tổ chức vận chuyển hàng hóa thông suốt trong dịp Tết, đặc biệt là các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biển đảo.
Đẩy mạnh triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp kiềm chế, giảm thiểu tai nạn giao thông và khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông nhất là các tuyến đường cửa ngõ các đô thị lớn, nhà ga, sân bay; kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông; tăng cường các điều kiện để bảo đảm cứu hộ, cứu nạn khi xảy ra sự cố.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có nhiệm vụ thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội, đặc biệt là các chính sách đối với người có công với Cách mạng, người hưởng các chính sách trợ giúp xã hội, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, hộ nghèo, hộ cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và đối tượng chính sách khác. Tiếp tục phối hợp huy động các nguồn lực xã hội để hỗ trợ, giúp đỡ các đối tượng trên; Kịp thời đề xuất hỗ trợ gạo cứu đói cho người dân trong dịp Tết Nguyên đán và giáp hạt, không để xảy ra tình trạng thiếu đói, nhất là ở những vùng bị ảnh hưởng thiên tai, bão lũ.
Tổ chức bắn pháo hoa dịp Tết Nguyên đán phải tiết kiệm, an toàn
Theo Chỉ thị, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức bắn pháo hoa trong dịp Tết Nguyên đán phải phù hợp với điều kiện, khả năng địa phương, với tinh thần tiết kiệm, an toàn và không được sử dụng ngân sách nhà nước theo đúng quy định tại Nghị định số 36/2009/NĐ-CP ngày 15 tháng 4 năm 2009 của Chính phủ về quản lý và sử dụng pháo; không tổ chức sự kiện, lễ hội xa hoa, lãng phí trước và sau Tết.
Các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước quán triệt, thực hiện nghiêm việc không dùng ngân sách tổ chức đi thăm, chúc Tết, tặng quà đối với các lãnh đạo cơ quan, đơn vị các cấp; không sử dụng phương tiện, tài sản công vào các hoạt động mang tính cá nhân trong dịp Tết, Lễ hội… Dành thời gian đi thăm hỏi các gia đình chính sách, các hộ nghèo, các gia đình bị ảnh hưởng của thiên tai, bão, lũ. Người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm Quy định số 08-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về trách nhiệm nêu gương đối với người đứng đầu các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị và kỷ luật, kỷ cương hành chính. Ngay sau kỳ nghỉ Tết, các cơ quan, tổ chức, đơn vị khẩn trương tập trung vào công việc, không để chậm trễ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Không gian Tết Việt bên bờ biển Đà Nẵng thu hút du khách
Nỗ lực quản lý tài nguyên thiên nhiên tại các khu dự trữ sinh quyển thế giới
Vựa hoa, cây cảnh lớn nhất Quảng Ninh và câu chuyện đầu ra
Bộ Chính trị điều động, phân công chức vụ Bí thư các tỉnh, thành Tây Nam bộ
Thúc đẩy đào tạo trong lĩnh vực bán dẫn, sản xuất thông minh