Tin tức - Sự kiện

Chuẩn bị khởi công dự án hành lang đường thủy và logistics khu vực phía Nam

Xác định phát triển các hành lang đường thủy và logistics khu vực phía Nam là vấn đề quan trọng, cấp bách nên Bộ Giao thông vận tải đã dành nguồn lực ưu tiên cho vấn đề này.

Vốn vào nông nghiệp công nghệ cao gặp nhiều rào cản / RCEP thúc đẩy xây dựng cộng đồng kinh tế du lịch lớn nhất thế giới

Chú thích ảnh
Phương tiện vận tải thủy trên kênh xáng Xà No, đoạn qua thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang. Ảnh tư liệu: Duy Khương/TTXVN

Theo Bộ Giao thông vận tải, dự án phát triển các hành lang đường thủy và logistics khu vực phía Nam sử dụng vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 931/QĐ-TTG ngày 4/8/2022. Đây là dự án quan trọng, cấp bách trong lĩnh vực đường thủy nội địa, được ưu tiên đầu tư sử dụng vốn vay của nhà tài trợ nước ngoài.

Đến nay, Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo chủ đầu tư là Ban quản lý các dự án đường thủy hoàn thành Báo cáo nghiên cứu khả thi và trình Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định khung chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Theo kế hoạch, khung chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư sẽ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong tháng 9/2023.

“Trên cơ sở đó, Bộ Giao thông vận tải sẽ phê duyệt dự án đầu tư ngay sau khi khung chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư được phê duyệt. Đồng thời, đàm phán Hiệp định vay WB từ quý IV/2023 và phấn đấu khởi công trong năm 2024", Bộ Giao thông vận tải thông tin.

Vì vậy, Bộ Giao thông vận tải đề nghị các địa phương nằm trong dự án khẩn trương hoàn thiện các thủ tục liên quan để sớm hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng nhằm đảm bảo tiến độ của dự án. Bộ Giao thông Vận tải cũng sẽ chỉ đạo Ban quản lý các dự án đường thủy phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện.

Theo Bộ Giao thông vận tải, dự án này sử dụng vốn vay WB với mục tiêu chính là đầu tư, cải tạo đồng bộ các tuyến sông, kênh qua 8 tỉnh, thành phố phía Nam, gồm: TPHồ Chí Minh, Cần Thơ, Vĩnh Long, Bến Tre, Tiền Giang, Long An, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu. Qua đó, tạo động lực phát triển 2 hành lang vận tải thủy nội địa phía Nam, gồm lành lang Đông - Tây và hành lang Bắc - Nam để phát triển vận tải thủy, kè bờ bảo vệ bờ các tuyến sông, kênh. Đồng thời, góp phần rút ngắn quãng đường và thời gian vận chuyển so với tuyến hiện hữu, giảm chi phí vận chuyển, đảm bảo an toàn cho tàu thuyền lưu thông, tăng năng lực cạnh tranh giữa đường thủy so với đường bộ.

 

Cụ thể, dự án sẽ cải tạo, nâng cấp hành lang Đông - Tây với chiều dài 197km qua sông Hậu, sông Trà Ôn, kênh Măng Thít, sông Cổ Chiên, kênh Chợ Lách, sông Tiền, kênh Kỳ Hôn, kênh Rạch Lá, sông Vàm Cỏ, kênh Nước Mặn, sông Rạch Cát, sông Soài Rạp, sông Lòng Tàu, sông Đồng Tranh, sông Tắc Cua/Tắt Bài, sông Gò Gia, sông Thị Vải.

Sau khi hoàn thành dự án, các tuyến thuộc hành lang này đạt cấp II kỹ thuật đường thủy nội địa với chiều rộng luồng 55 m đối với kênh, 75 m đối với sông, chiều sâu chạy tàu 3,3 m, bán kính cong tối thiểu 500 m đối với kênh và 700 m đối với sông. Đội tàu thiết kế đề xuất tàu tự hành trọng tải 1.500 tấn, đội sà lan 2x500 tấn, tàu container 3 lớp.

Đối với hành lang Bắc - Nam dài 82km qua sông Đồng Nai, sông Nhà Bè, sông Lòng Tàu, sông Đồng Tranh, sông Tắc Cua/Tắt Bài, sông Gò Gia, sông Thị Vải.

Sau khi nâng cấp, hành lang này sẽ đạt cấp II đường thủy nội địa với chiều rộng luồng 60 m đối với kênh, 90 m đối với sông, chiều sâu chạy tàu 7 m, bán kính cong tối thiểu 500 m đối với kênh và 700 m đối với sông. Đội tàu thiết kế đề xuất tàu trọng tải 3.000 - 5.000 tấn, tàu container 4 lớp.

Bên cạnh đó, dự án còn tiến hành cải tạo nâng cấp cầu Trà Ôn và cầu Chợ Lách 2; xây dựng mới 6 bến khách ngang sông tại 3 vị trí cắt cong tại sông/kênh Măng Thít, Rạch Lá; hoàn trả đường dân sinh và 3 cầu dân sinh trên tuyến; xây dựng hệ thống công trình thủy lợi, cống thoát nước và lắp đặt hệ thống báo hiệu trên tuyến.

Dự kiến tổng mức đầu tư dự án là hơn 3.900 tỷ đồng và thời gian thực hiện 5 năm sau khi Hiệp định tài trợ có hiệu lực.

 

Cơ cấu nguồn vốn của dự án, gồm vốn vay Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Quốc tế (IBRD) thuộc Ngân hàng Thế giới (WB) trị giá 2.479,417 tỷ đồng (tương đương 107,273 triệu USD) sử dụng cho chi phí xây dựng, thiết bị; chi phí tư vấn thiết kế kỹ thuật và giám sát thi công (không bao gồm thuế VAT); vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủAustralia dự kiến 13,451 tỷ đồng (tương đương 0,582 triệu USD) sử dụng cho chi phí cập nhật báo cáo nghiên cứu khả thi. Vốn đối ứng của Chính phủ là 1.408,508 tỷ đồng sử dụng cho thuế, chi phí quản lý dự án, tư vấn trong nước và giải phóng mặt bằng.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm