Môi trường

JICA hỗ trợ Việt Nam xây dựng lộ trình thực hiện "kinh tế tuần hoàn"

DNVN - Tại Hội thảo “Kinh nghiệm của Nhật Bản và gợi ý chính sách cho Việt Nam trong xây dựng lộ trình thực hiện kinh tế tuần hoàn” sáng 6/7, các chuyên gia Nhật Bản thuộc Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ Việt Nam.

Hợp tác công tư xây dựng kinh tế tuần hoàn đặt mục tiêu năm 2025 không rác thải nhựa ngoài môi trường / Thí điểm mô hình kinh tế tuần hoàn tại các chợ nổi Cần Thơ

Phát biểu tại hội thảo, ông Tomoyuki Hosono- Trưởng dự án nghiên cứu về Kế hoạch hành động thực hiện kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam của JICA và đơn vị tư vấn Nippon Koei Vietnam International tại Việt Nam cho biết: Mục tiêu chính của dự án là thu thập các thông tin cơ bản về kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam và Nhật Bản; phân tích cấu trúc cơ sở pháp lý về kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam và tầm nhìn về kinh tế tuần hoàn của Nhật Bản cũng như các kế hoạch cơ bản để thiết lập một xã hội tuần hoàn - vật chất an toàn.

Qua đó, xây dựng đề xuất về cấu trúc kế hoạch hành động quốc gia về kinh tế tuần hoàn của Việt Nam, dựa trên các kinh nghiệm và bài học từ Nhật Bản và các quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới.

Hội thảo “Kinh nghiệm của Nhật Bản và gợi ý chính sách cho Việt Nam trong xây dựng lộ trình thực hiện kinh tế tuần hoàn”.

Tại Nhật Bản, ý tưởng về hệ thống “kinh tế tuần hoàn” đã có từ năm 1999 để giải quyết những vấn đề thách thức của môi trường và tài nguyên đối với sự phát triển bền vững của Nhật Bản trong thế kỷ 21 như hạn chế các bãi chôn lấp, giảm khả năng cạn kiệt tài nguyên khoáng sản trong tương lai, các vấn đề môi trường toàn cầu, hóa chất độc hại...

Nhật Bản đã tối đa hóa tài nguyên và hiệu quả năng lượng (giảm thiểu đầu vào của tài nguyên và phát thải chất thải), tăng cường quan hệ đối tác giữa các doanh nghiệp, người tiêu dùng và chính phủ (tối đa hóa lợi ích cho toàn xã hội), thiết lập hệ thống công nghệ công nghiệp mới (thiết lập hệ thống công nghệ định hướng tái chế), thúc đẩy các ngành liên quan đến môi trường (phát triển các loại hình công nghiệp mới và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp).

Nhật Bản đã tái thiết kế các giải pháp tái chế và chất thải của Nhật Bản hướng tới việc thiết lập hệ thống “kinh tế tuần hoàn".

Trong quá trình triển khai, nhiều bài học kinh nghiệm đã được rút ra, như quản lý chất thải thì cần có các quy định pháp luật liên quan đến việc mở rộng kinh doanh trên thế giới, tận dụng các luật phù hợp; các hướng dẫn và đưa ra các cột mốc quan trọng, với việc áp dụng tối thiểu các biện pháp quản lý được đánh giá cao trong việc thúc đẩy các hoạt động công nghiệp tự nguyện, tính sáng tạo và độc đáo cho các doanh nghiệp tư nhân.

Quá trình này rất cần sự chung tay không chỉ của các cơ quan Chính phủ mà còn cả các bên liên quan khác. Đặc biệt, việc tổ chức các cuộc đối thoại giữa khối công và tư là rất cần thiết để thúc đẩy việc triển khai kinh tế tuần hoàn trong tất cả các hoạt động của đời sống.

Ông Adachi Ichiro- chuyên gia Quản lý Môi trường của JICA giải thích về lịch sử phát triển chính sách kinh tế tuần hoàn và tinh thần truyền thống "mottainai" (có nghĩa là "không lãng phí") để bao quát khái niệm kinh tế tuần hoàn.

Dựa trên kinh nghiệm của Nhật Bản trong việc phát triển khung chính sách kinh tế tuần hoàn, từ luật cơ bản đầu tiên tập trung vào khái niệm về một xã hội tuần hoàn vật chất được ban hành năm 1999 đến tầm nhìn của kinh tế tuần hoàn xây dựng vào năm 2020, ông Adachi cho rằng: Để xây dựng kế hoạch quốc gia về kinh tế tuần hoàn cần có sự tham gia của tất cả các bên liên quan, bao gồm cả khu vực tư nhân và cần lựa chọn các lĩnh vực ưu tiên đưa vào kế hoạch hành động.

Ông Adachi Ichiro- chuyên gia Quản lý Môi trường của JICA tại Bộ Tài Nguyên và Môi trường.

“Trước đây, JICA đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ trong công tác quản lý chất thải tại Việt Nam thông qua thúc đẩy mô hình 3R (giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế) và phân loại rác thải tại nguồn”, ông Adachi Ichiro nói.

Cũng tại hội thảo, ông Murooka Naomichi- Phó Trưởng Đại diện Văn phòng JICA Việt Nam nhấn mạnh: Đã đến lúc cần tăng cường hợp tác với Bộ Tài nguyên và Môi trường để thiết lập nền tảng pháp lý và định hướng chính sách vững chắc nhằm triển khai các mô hình Kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.

“Khảo sát này không chỉ hỗ trợ Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường phát triển khung kế hoạch hành động quốc gia về kinh tế tuần hoàn mà còn cung cấp cái nhìn tổng thể về hệ thống lập pháp và các hoạt động về kinh tế tuần hoàn đang diễn ra tại Việt Nam.

Khảo sát này sẽ giúp xác định những bất cập còn tồn đọng, từ đó giúp chúng tôi xây dựng các dự án hợp tác kỹ thuật trong tương lai giữa JICA và Bộ Tài nguyên và Môi trường", ông Murooka Naomichi cho biết.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm